Trump
'sẵn sàng' đánh thuế tất cả hàng nhập khẩu TQ
·
21 tháng 7 2018
Tổng thống Donald
Trump nói ông sẵn sàng tăng cường cuộc chiến thương mại với Trung Quốc bằng
cách áp thuế quan lên toàn bộ 500 tỷ USD hàng nhập khẩu từ nước này.
"Tôi sẵn sàng
tăng lên mức 500 [tỷ USD]," ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với
kênh CNBC.
Ông Trump có bình
luận này trước khi đợt thuế quan mới nhất của Mỹ áp lên hàng hóa TQ đi vào
hiệu lực vào cuối tháng 7.
Tuần trước, Washington
liệt kê danh sách các mặt hàng Trung Quốc có trị giá 200 tỷ USD mà Mỹ dự định
sẽ áp thuế bắt đầu từ tháng 9/2018.
Danh sách này gồm hơn
6000 mặt hàng gồm thực phẩm, khoáng sản, hàng tiêu dùng như túi xách. Các mặt
hàng này dự tính sẽ chịu mức thuế 10%.
Danh sách này hiện
vẫn đang trong giai đoạn tham khảo ý kiến của công chúng cho tới hết tháng
8/2018.
Mỹ 'bị trừng phạt'
Tổng thống Donald
Trump cũng phàn nàn rằng đồng đô la Mỹ mạnh hơn đang làm ảnh hưởng đến các
doanh nghiệp Mỹ.
Trong một loạt các
dòng tweet, ông đổ lỗi việc "thao túng" tiền tệ của Trung Quốc và
EU đã làm tăng giá đồng đô la Mỹ.
Ông cũng chỉ trích
động thái tăng lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ hôm 20/7.
"Hoa Kỳ không nên
bị trừng phạt vì chúng ta đang phát triển tốt. Biện pháp thắt chặt lúc này
làm ảnh hưởng tất cả những gì chúng ta đã làm," ông viết trên Twitter.
Mỹ và Trung Quốc đã áp
dụng thuế quan 'ăn miếng trả miếng' lên 34 tỷ USD hàng hóa của nhau. Lời đe dọa
nâng thuế quan lên 500 tỷ USD hàng hóa TQ của ông Trump cho thấy sự leo thang
đáng kể của cuộc chiến thương mại.
"Chúng ta vẫn
thiệt [thâm hụt thương mại] một khoản rất lớn," ông Trump nói với kênh
CNBC, nhấn mạnh lại quan điểm của ông rằng Trung Quốc có thặng dư thương mại
lớn đối với Mỹ do những tập quán thương mại không công bằng.
Khi được hỏi liệu
động thái tiếp tục áp thuế bổ sung lên nhiều mặt hàng có dẫn đến chuyện rút
vốn khỏi thị trường chứng khoán hay không, ông Trump đáp: "Nếu điều đó xảy
ra, chuyện là vậy. Tôi không làm điều này vì lý do chính trị. Tôi làm điều
này vì đó là điều đúng đắn cho đất nước chúng ta."
Mỹ cũng muốn TQ ngưng
các tập quán kinh doanh được cho là khuyến khich việc chuyển giao sở hữu trí
tuệ - những ý tưởng sản phẩm và thiết kế - cho các công ty TQ, chẳng hạn yêu
cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải cùng sở hữu với các đối tác trong nước
nếu họ muốn tiếp cận thị trường TQ.
Nhiều công ty Mỹ phản
đối các biện pháp thuế quan của chính quyền Trump với TQ. Họ nói các biện
pháp này có nguy cơ làm tổn hại doanh nghiệp và kinh tế Mỹ mà không làm thay
đổi cách làm ăn của TQ.
Thị trường chứng khoán
châu Âu mất điểm sau cuộc phỏng vấn của ông Trump được phát sóng, với chỉ số
FTSE 100 giảm 0,4% trong phiên giao dịch chiều ngày 20/7.
"Đó là bằng chứng
cho thấy, nếu cần thiết, vị tổng thống sẵn sàng đi tới cùng trong cuộc chiến
thương mại để đạt được nhượng bộ từ phía TQ," ông Neil Wilson, nhà phân
tích thị trường từ hãng Markets.com cho biết.
"Trong bối cảnh
EU và các nước khác tuyên bố họ sẵn sàng đáp trả thuế quan đánh vào xe hơi,
nguy cơ leo thang chiến tranh thương mại đang tăng nhanh. Liệu chúng ta có
một cuộc chiến tổng lực hay không thì còn phải xem xét, nhưng khả năng đó
ngày một lớn," ông Wilson nhận định.
Tác động đến Việt Nam
Cuộc chiến thương mại
Mỹ - Trung sẽ có hệ lụy khó lường đến các nước thứ ba, trong đó có Việt Nam,
theo nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú, từ Đại học Strasbourg, Pháp.
""Vì hàng
hóa Trung Quốc xuất qua Mỹ bị đắt hơn, các doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách đẩy
mạnh xuất khẩu qua các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Điều này sẽ tăng
thâm hụt thương mại của Việt Nam đối với Trung Quốc.
"Ngoài ra, việc
đồng tiền Nhân dân tệ rớt giá, hàng hóa của Trung Quốc sẽ rẻ hơn so với hàng
Việt Nam trên thị trường thế giới, sẽ làm xuất khẩu Việt Nam gặp thêm khó
khăn."
"Do vậy mà nhiều
khả năng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ gây sức ép rất lớn lên kinh tế Việt
Nam trong thời gian tới," TS Nguyễn Văn Phú bình luận với BBC Tiếng
Việt.
Tiến sĩ Giang Lê, chủ
nhân blog KinhteTaichinh, thì bình luận với BBC hôm 10/7:
"Nếu cuộc chiến
thương mại Mỹ-Trung và các căng thẳng thương mại khác tiếp tục leo thang, tác
động trong dài hạn sẽ rất xấu vì không chỉ các hoạt động kinh tế bị gián đoạn
mà trật tự thương mại quốc tế có thể bị đảo lộn.
"Có thể nói sau
hơn 10 năm gia nhập WTO và trải qua một số sóng gió ban đầu, Việt Nam đang gặt
hái nhiều lợi ích của hệ thống này trong vài năm gần đây.
"Tất cả những
thuận lợi này có thể bị đảo lộn nếu các trật tự/thể chế kinh tế chính trị thế
giới (Wto, Nafta, Imf, Wb, Eu) tan vỡ chỉ vì một vài chính sách thiển cận của
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
"Ngay cả nếu điều
này không xảy ra mà chỉ cần Mỹ quay lưng lại với thế giới, Việt Nam sẽ dễ dàng
rơi vào một trật tự mới do Trung Quốc xác lập, nhiều phần sẽ tồi tệ hơn hệ
thống hiện tại."
No comments:
Post a Comment