Friday, July 27, 2018

Chữa bịnh viêm gan B bằng tenofovir


Cha bnh viêm gan B bng tenofovir
26/07/2018
·         Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Thính giả Trần Văn Dương, ở Đức hỏi:
“Tôi tên là: Tran Van Duong, 59 tuổi, Cư ngụ tại CHL Bang Đức (Germany).
Qua Internet VOA- Tiếng Việt, tôi biết được tin tức về Bác sĩ Hồ Văn Hiền . Xin được Bác sĩ tư vấn về bệnh viêm gan siêu vi B.
Tôi gửi kèm tiểu sử bệnh án.
Xin cảm ơn”
Bác sĩ Hồ Văn Hiền:
Cũng như mọi khi tôi xin nói rõ trước là những nhận xét sau đây chỉ có tính cách thông tin tổng quát, không áp dụng cho cá nhân và không có mục đích giúp thính giả tìm cách tự chữa bịnh .
Viêm gan B (hepatitis B) là một loại bịnh nhiễm do siêu vi làm tổn thương gan. Ở Mỹ có chừng 1,2 triệu người mắc chứng viêm gan B mãn tính và trên một nửa số người này là gốc châu Á, thật ra là Đông Á (East Asians), nhất là người Hoa, đặc biệt là vùng Phúc Kiến [Fujian] ở New York, có tỷ lệ viêm gan B mãn tính rất cao. Các khảo cứu ở Mỹ cho thấy người gốc châu Á và gốc các đảo quốc Thái Bình Dương, trong 100 người có chừng 13 người mang siêu vi gan B trong dòng máu mình (viêm gan B mãn tính, chronic hepatitis B). Virus viêm gan B ( HBV) có thể lan truyền từ người này qua người khác qua bằng đường máu (kim chích, dụng cụ phẫu thuật không khử trùng đàng hoàng; dung dao cạo râu chung; do đường tính dục (sexual transmission), và từ mẹ truyền qua con lúc sanh. Đối với người gốc châu Á ("Asians") nguyên nhân là virus truyền từ máu người mẹ qua con lúc mới sanh. Nếu không có biện pháp phòng ngừa cho đứa trẻ sơ sinh), HBV bị nhiễm lúc này có cơ nguy tồn tại suốt đời đứa trẻ ( trên 90%). Khác với trường hợp nhiễm HBV lúc người bịnh trưởng thành, đa số bịnh nhân đủ sức đề kháng để chống trả, sẽ lành bịnh (viêm gan B cấp tính), chỉ một số nhỏ (5-10%) sẽ mang virus suốt đời (viêm gan siêu vi B mãn tính, chronic hepatitis B)).
Hôm nay chúng ta chỉ bàn đến thuốc tenofovir và các thuốc tương tự. Thuốc tenofovir (tên thương mại: Viread) được cơ quan quản trị thuốc của Hoa kỳ là FDA chấp thuận (2008) để chữa những trường hợp viêm gan.
Thuốc được dùng để trị bịnh viêm gan B mãn tính cho người trên 12 tuổi, cũng như cho người nhiễm HIV (trẻ em từ 2 tuổi trở lên). Tenofovir thuộc nhóm “Nucleotide/ hay nucleoside analog reverse-transcriptase inhibitors”, gồm lamivudine, tenofovir, entecavir, etc
Các virus như HBV, HIV chỉ gồm có một bộ gen (DNA hay RNA) và một cái bọc bên ngoài (capsid) tương tự như màng tế bào mà chúng tấn công. Chúng có khả năng vào một số “địa điểm thụ thể” nào đó (specific receptor sites) trên một loại tế bào nào đó, nói một cách khác mỗi virus gây bịnh có “chìa khoá” riêng để vào tế bào đó. Ví dụ virus bịnh liệt kháng HIV thì tấn công các tế bào hệ miễn nhiễm (bạch cầu, tế bào lympho); virus HBV thì có khả năng "mở khoá" đi qua màng tế bào gan. Khi đã mở cửa, virus đẩy bộ gen (genome, DNA hay RNA) của mình vào trong tế bào người bịnh, và giành quyền kiểm soát của bộ gen tế bào người bịnh để phục vụ vào việc sinh sản (tạo nên những nhân bản mới) của virus. Những virus mới sinh sản được tế bào gan đẩy ra ngoài đi nhiễm vào các tế bào khác hoặc tế bào bị phá vỡ và phân tán các virus qua tế bào khác. Thuốc tenofovir tác dụng bằng cách ngăn chặn một men (enzyme) của siêu vi HBV hay HIV (reverse transcriptase inhibitor of HIV and HBV), không cho virus sinh sản. Men này không hiện diện (tồn tại) trong tế bào gan bình thường.
Các cảnh báo cho người dùng thuốc gồm có:
1) khả năng bị nhiễm acid lactic (lactic acidosis). Mệt mỏi, nhức, đầu, buồn ngủ có thể là dấu hiệu của lactic acidosis.
2) ảnh hưởng cơ năng của thận (nephrotoxicity). Thuốc tenofovir được thải qua các ống gần (proximal tubules) của thận, nên nếu lượng thải ra quá lớn có thể gây tổn thương cho thận. Tác dụng hại này thấp (low risk) nhưng có thể trở nên quan trọng.
Bác sĩ theo dõi cơ năng thận (kidney function), nếu cơ năng thận yếu, có thể, thay vì uống tenofovir mỗi ngày (người lớn), có thể uống 2-3-7 ngày một liều.
3) bịnh gan có thể nặng thêm (exacerbation of hepatitis) sau khi ngưng thuốc. Phản ứng phụ xảy ra thường nhất là buồn nôn, ói mửa (9%, theo nhà sản xuất).
Sau đây chúng ta sẽ bàn về việc phải dùng tenofovir đến bao lâu. Đây là một câu hỏi mà ngay các chuyên gia cũng thấy khó trả lời và tranh luận nhiều. Các thuốc kháng virus tuy làm giảm lượng virus trong cơ thể lại rất hiếm khi thanh toán virus hoàn toàn và thực hiện được việc chữa khỏi bệnh (cure). Mục đích chính là ngăn chặn tiến trình đi đến xơ gan (chai gan, cirrhosis), suy gan (liver failure) và ung thư gan (hepatocellular carcinoma/HCC) Thời điểm để ngưng thuốc an toàn chỉ mới được định hình mới đây thôi, qua bao nhiêu năm rút kinh nghiệm.
Nói chung bác sĩ cố gắng thực hiện những điểm sau:
1) Nếu bịnh nhân có kháng nguyên HBeAg (HBeAg là viết tắt của kháng nguyên viêm gan loại B
[hepatitis B e antigen]. Kháng nguyên (antigen) này là một loại protein từ virus viêm gan B lưu thông trong máu bị nhiễm bệnh khi virus đang tích cực sinh sản. Sự hiện diện của HBeAg cho thấy rằng người đó đang lây nhiễm và có thể cho lây siêu vi khuẩn này sang người khác): nói chung các bịnh nhân này sau 12 tháng chữa thuốc tenofovir hay entecavir sẽ mất HBeAg và trong máu sẽ có kháng thể chống lại gọi là HBeAB (HBeAg seroconversion), có nghĩa là cơ thể đang chống lại nhiễm virus và làm sự sinh sản của HBV chậm lại. Sau đó, bịnh nhân còn phải uống thuốc thêm 12 tháng nữa, nếu kháng nguyên HBeAg không xuất hiện trở lại, và nếu có khả năng theo dõi bịnh (monitoring) lúc đó bs mới tìm cách thử ngưng thuốc. Tuy nhiên, nếu có seroconversion của HBeAg mà kháng nguyên HBsAg (Hepatitis B surface antigen, một dấu vết khác của sự hiện diện/tồn tại của virus viêm gan B) vẫn cao, bs sẽ không ngưng thuốc được.
2) Chỉ 1-3% các bịnh nhân mất đi kháng nguyên HBsAg trong máu sau vài năm dùng thuốc (“functional cure”, chỉ là khỏi bịnh theo "cơ năng", chứ thật sự virus vẫn còn đâu đó trong cơ thể ). Nếu bịnh nhân không có kháng nguyên HBeAg trong máu (thường có nghĩa virus không sinh sản mạnh), có thể mất 5-8 năm mới thanh toán được kháng nguyên HBsAg trong máu. Nếu bịnh nhân được "functional cure", đã từng được tối thiểu 3 năm chữa thuốc và gan không bị hư hại, lúc đó bs mới nghĩa đến ngưng thuốc, với điều kiện được bs theo dõi. Những trường hợp cơ thể không sản xuất kháng thể HBsAb chống kháng nguyên virus mà kháng nguyên HBsAg bị thanh toán, vẫn có thể ngưng thuốc. Nếu virus tăng trở lại, bác sĩ sẽ có thể dùng thuốc lại.
Trên đây là những tiêu chuẩn căn cứ trên những khuyến cáo của Hội Âu Châu Nghiên cứu Gan (2017).
Theo hướng dẫn Cơ quan Y tế Quốc tế (WHO), những người gan bị xơ (cirrhosis) cần dùng thuốc suốt đời. Những người bịnh tái phát (relapse)(HBsAg dương tính, HBeAg tái xuất hiện, men gan ALT tăng, HBV DNA dương tính) cần uống thuốc loại NA (nucleoside/ hay nucleotide analog reverse-transcriptase inhibitors”, gồm lamivudine, tenofovir, entecavir, etc ) trở lại.
Chúng ta thấy là thuốc như tenofovir có thể cần được dùng rất lâu, trong nhiều năm, nhưng khá an toàn. Bịnh kháng tenofovir có thể bs thế bằng entecavir hoặc ngược lại. Chữa cho dứt bịnh hoàn toàn khó thực hiện và ít xảy ra. bác sĩ chuyên môn về điều trị các bịnh này cần căn cứ vào nhiều tiêu chí (tiêu chuẩn) phức tạp, và các tiêu chuẩn này cũng thay đổi theo thời gian, tuỳ theo nơi. Tốt hơn hết là tìm bác sĩ đáng tin cậy và làm theo hướng dẫn, vì đây là một vấn đề rất tuỳ thuộc khả năng, kinh nghiệm của bác sĩ điều trị.
Tóm lại, bịnh nhân nên theo hướng dẫn của bs đang theo dõi thường xuyên cho mình. Mong những thông tin này có thể giúp ích cho thính giả ý thức nhiều hơn về những trị liệu của mình và cộng tác với bác sĩ của mình tốt hơn.
Chúc bịnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền.
Ngày 25, tháng 7, 2018
2.   EASL 2017 Clinical Practice Guidelines on the management of hepatitis B virus infection https://www.journal-of-hepatology.eu/article/S0168-8278(17)30185-X/fulltext?code=jhepat-site
3.   Guidelines for the Prevention Care and Treatment of Persons with Chronic Hepatitis B Infections March 2015 (page 64) By World Health Organization


No comments:

Post a Comment