Tăng trưởng
và phát triển
Nguyễn Xuân Nghĩa
2019-09-04
2019-09-04
Tổng cục Thống kê Việt
Nam vừa thông báo quyết định nâng Tổng sản lượng kinh tế nội địa thêm 25,4%
trong thời kỳ 2010-2017 khiến sản lượng kinh tế Việt Nam từ 240 tỷ đô la bỗng
vượt quá 300 tỷ. Quyết định ấy là gì và hậu quả sẽ ra sao, Diễn đàn Kinh tế xin
tìm hiểu sau đây...
GDP của Việt Nam
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu cùng Nguyên
Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, viện dẫn
một quyết định từ năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, vào tuần qua, Tổng cục
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết việc đánh giá lại Tổng sản lượng
Quốc nội GDP của Việt Nam vào giai đoạn 2010-2017 với kết quả là tăng 25,4% so
với các thống kê trước. Ông nghĩ sao về quyết định này và cho rằng hậu quả sẽ
ra sao đối với thị trường?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, dữ kiện thống kê về GDP là
thuộc về quá khứ và không có giá trị tiên báo hay báo trước như người ta thường
nghĩ. Thứ hai, các quốc gia đều có thể điều chỉnh phương pháp thu thập thống kê
cho chính xác hơn nhưng phải thuyết phục được thị trường về tính chất khả tín
hay đáng tin hơn của phương pháp mới, là điều chúng ta chưa biết rõ khi nói về
Việt Nam. Thứ ba, vì Việt Nam mới chỉ cải cách kinh tế từ chế độ tập trung quản
lý qua chế độ tự do thị trường tương tự Trung Quốc nên cũng gặp bài toán thống
kê bất khả tín, là không đáng tin, mà cả thế giới đã nói tới. Vì vậy, lãnh đạo
đảng và nhà nước Việt Nam vừa công bố một quyết định về kinh tế có thể giải
quyết mục tiêu chính trị nhưng lại gây hoài nghi cho các thị trường, cả trong
và ngoài nước.
Khái niệm GDP là nét
đặc thù của các nước theo quy luật kinh tế thị trường và cách tính của họ đã
mất bảy tám chục năm cải tiến trước khi được cả thế giới tin cậy và áp dụng.
Khái niệm ấy đo lường tổng số hàng hóa và dịch vụ được nền kinh tế sản xuất
thêm trong quá khứ, thường là trong kỳ hạn một năm mà cũng có thể là nửa năm
hay một quý, ba tháng.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về
những điều ông vừa tóm lược. Thưa ông, thống kê về GDP thuộc về quá khứ là như
thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đầu tiên, khái niệm GDP là nét đặc thù
của các nước theo quy luật kinh tế thị trường và cách tính của họ đã mất bảy
tám chục năm cải tiến trước khi được cả thế giới tin cậy và áp dụng. Khái niệm
ấy đo lường tổng số hàng hóa và dịch vụ được nền kinh tế sản xuất thêm trong
quá khứ, thường là trong kỳ hạn một năm mà cũng có thể là nửa năm hay một quý,
ba tháng.
- Có hai chuyện đáng
nói ở đây. Nền kinh tế đó có thể là của một địa phương, từ quận huyện lên tới
cấp quốc gia, hay của một nhóm quốc gia, mà đơn vị đo lường là tiền tệ cũng là
co giãn vì giá trị đồng tiền có thể thay đổi do lạm phát nên ta cũng cần chú ý.
Các nước tiên tiến đều thận trọng về sự co giãn đó nên thường giảm trừ yếu tố
lạm phát, nhưng người ta chỉ biết về sau, nên luôn luôn phải cập nhật và điều
chỉnh lại. Các thị trường thường theo dõi việc cập nhật đó để biết về tình hình
đã qua để làm cơ sở phỏng đoán cho những gì có thể sẽ xảy ra. Mức độ khả tín
hay đáng tin của các thị trường nằm trong sự cập nhật này.
Nguyên Lam: Nếu vậy, phải chăng là Việt Nam mới
vừa cập nhật phương pháp thu thập thống kê, cho nên thưa ông, từ nay GDP của
Việt Nam sẽ chính xác và đáng tin hơn?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng những người lãnh đạo tại
Hà Nội thì nghĩ vậy, nhưng chưa chắc đã thuyết phục được các thị trường, và sau
khi Việt Nam đổi mới thì chính là niềm tin của thị trường chứ không phải ý chí
của lãnh đạo chính trị mới là yếu tổ quyết định. Đấy là một vấn đề văn hóa.
- Chúng ta có vấn đề
văn hóa mà chính lãnh đạo Bắc Kinh còn chưa vượt qua được nếu ta nhớ tới phát
biểu gần 15 năm về trước của một nhân vật khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy của Liêu
Ninh nay là Tổng lý Quốc vụ viện, tức là Thủ tướng Lý Khắc Cường, nhân vật thứ
hai trong hệ thống lãnh đạo Trung Quốc.
- Thời đó, ông Lý nói
thống kê về GDP của Trung Quốc là “nhân tạo” với hàm ý giả tạo vì không phản
ảnh sự thật nếu chẳng đối chiếu với các dữ kiện thực tế khác như số tiêu thụ về
điện, chi phí hỏa xa, hay số tín dụng cấp phát... Trước ông Lý Khắc Cường, Thủ
tướng Chu Dung Cơ của Bắc Kinh cũng nói tới “làn gió tô hồng và ngụy tạo” của
thống kê Trung Quốc. Hà Nội đang lên tới chỗ đó.
Hoài nghi
Nguyên Lam: Phải chăng, ông cho rằng Hà Nội cũng đang gặp
sự hoài nghi của các thị trường?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Như tôi hiểu thì nhà cầm quyền Hà Nội
bỗng phát giác là đã để sót thống kê về quan thuế của khoảng 76 ngàn xí nghiệp
nên cộng thêm các số liệu ấy. Nếu vậy, trong suốt bảy năm, các viên chức hữu
trách đã kiểm kê và điều tra mà lại hụt các số liệu quan trọng như vậy, nay mới
nâng sản lượng GDP hơn 25% cho mỗi năm! Đâm ra Hà Nội vừa làm trò cười cho các
nước.
Nguyên Lam: Hồi nãy, ông vừa nhắc tới hiện tượng
không đáng tin của thống kê Trung Quốc, do cấp lãnh đạo Bắc Kinh như Chu Dung
Cơ hay Lý Khắc Cường đã nêu ra từ mấy chục năm về trước. Phải chăng ngày nay Hà
Nội mới bước lên bậc thang của Trung Quốc năm xưa làm các thị trường đều nghi
ngờ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tính chất sai lạc trong thống kê Trung
Quốc xuất phát từ các yếu tố cũng tương tự như tại Hà Nội. Thứ nhất, lãnh đạo
chấp vào lượng hơn phẩm, tưởng tăng trưởng chính là phát triển, điều cực sai mà
tôi xin nói sau. Thứ hai, khi lãnh đạo mắc bệnh duy ý chí và đề ra chỉ tiêu
tăng trưởng - thí dụ như 7% trong năm tới - thì đấy là mệnh lệnh mà thuộc cấp
phải hoàn thành qua nhiều đợt thi đua để lập thành tích dâng đảng. Họ ào ạt
tăng chi mà cứ tưởng là đầu tư và gây ra lãng phí. Thứ ba, các viên chức thu
thập thống kê chẳng có tư thế độc lập và không chịu trách nhiệm với dân chúng
hay thị trường ở dưới mà thăng quan tiến chức nhờ thượng cấp ở trên. Vì vậy,
mỗi cấp lại châm một “hệ số tô hồng sự thật” hay “hệ số tâng công”, kết quả ở
cấp cao nhất là tổng số xa lạ với sự thật của thị trường.
- Một ví dụ là cơ quan
trung ương như Ngân hàng Nhà nước hay Bộ Công thương đều có chi nhánh tỏa sâu
đến từng địa phương để thu thập thống kê, cộng lại thành Tổng sản lượng GDP,
nhưng con số sau cùng vẫn thua Tổng sản lượng của các tỉnh cộng lại vì từng cấp
của mỗi tỉnh lại nống thêm một hệ số tô hồng. Sự khác biệt giữa con số của
trung ương và địa phương có thể là 13%!
- Ngày nay nhiều trung
tâm nghiên cứu quốc tế, kể cả The Brookings Institution, cho rằng từ 2008 tới
2016, bình quân thì hàng năm Bắc Kinh vẫn thổi GDP thêm chừng 2%. Sự thật có
khi còn tệ hơn vậy mà chính Tổng bí thư Tập Cận Bình cũng chưa biết là tệ đến
mức nào, vì chẳng ai dám nói thật.
Nguyên Lam: Xin được hỏi ông một câu cho thính
giả của chúng ta. Phải chăng, chuyện thống kê sai lạc và khó tin xuất phát từ
hệ thống chính trị của Trung Quốc?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nói ngắn gọn về Trung Quốc thì đúng
vậy, vào chi tiết để cải sửa thì có bảy vấn đề quốc tế quốc nội. Việt Nam thì
nhỏ hơn nên đỡ hơn.
- Thứ nhất, quốc tế
thiếu am hiểu địa dư hình thể Trung Quốc nên không thấy xứ này có ba nền kinh
tế khác biệt trên một lãnh thổ rộng lớn bằng lãnh thổ Hoa Kỳ, chứ không chỉ có
vùng duyên hải là nơi các doanh nghiệp quốc tế đầu tư để kiếm tiền. Họ không
nhìn ra thực tế nghèo nàn lạc hậu của khu vực bát ngát bên trong. Thứ hai, quốc
tế đánh giá sai mâu thuẫn rất lớn và thật ra cổ điển giữa trung ương và địa
phương nên không thấy cải cách là một nan đề chính trị vì quốc tế cho rằng chế
độ độc đảng toàn trị có ưu điểm là muốn làm gì cũng được. Thứ ba, nhiều doanh
nghiệp ngoại quốc đầu tư che giấu sự thất bại của họ mà cố quảng cáo về triển
vọng Trung Quốc với các thân chủ ủy thác tiền đầu tư vào xứ này. Gian ý đó
không là hiếm nếu ta nhớ lại vụ khủng hoảng tài chánh khi thị trường gia cư Mỹ
bị bể bóng cách nay 10 năm hay vụ thương chiến Mỹ-Hoa đang xảy ra. Thứ tư,
nhiều trung tâm nghiên cứu hay think tanks không dám nói sự thật vì sợ phản ứng
của lãnh đạo Bắc Kinh khiến họ khó ra vào Trung Quốc để kiếm ăn hay thành
“chuyên gia về Trung Quốc”. Thứ năm, trong số này, không thiếu gì người thực
tình tin vào lý luận tuyên truyền của Bắc Kinh, vì vậy, số liệu giả tạo của
Trung Quốc được họ loan truyền mà khỏi kiểm chứng. Và truyền thông nông cạn lại
tin vào sự khách quan của họ. Thứ sáu, khá rắc rối và chuyên môn, giới học giả
Hoa Kỳ và Âu Châu thiếu kiến thức về kinh doanh và kế toán nên chẳng thấy nạn
sản xuất dư thừa không là tăng sản lượng mà chỉ là chất lên tồn kho ế ẩm được
tài trợ bằng một núi nợ. Họ không tin là kinh tế Trung Quốc mắc nợ nhiều như
vậy trong khi vẫn sản xuất từng núi hàng vô dụng, những trung tâm thương mại
vắng khách, nhiều khu vực gia cư sụt giá. Sau cùng, nhiều trí thức thiên tả Tây
phương vẫn tin vào vai trò của nhà nước vì tưởng là nhà nước Bắc Kinh có toàn
quyền nên có khả năng quản trị cao hơn nhà nước Tây phương. Các vụ khủng hoảng
tài chánh tại Âu Châu hay tranh luận chính trị tại Hoa Kỳ càng củng cố lập luận
sai lầm ấy của giới trí thức khuynh tả. Chuyện ấy vẫn là hiện đại...
Tăng trưởng và phát triển
Nguyên Lam: Trở lại Việt Nam và nói về hậu quả
thì thưa ông, tình hình sẽ ra sao sau vụ điều chỉnh vừa qua?
Tăng trưởng chỉ là
lượng về đà gia tăng sản xuất của một địa phương trong một thời khoảng nhất
định và cần điều chính cho chính xác hơn. Nhưng gia tăng sản xuất những gì, cho
ai hưởng và với phí tổn ra sao thì ít ai hỏi. Phát triển là một khái niệm
về phẩm hơn lượng. Kinh tế chỉ phát triển khi có sự tăng trưởng, như ở con số
tổng hợp là GDP. Phát triển là tăng trưởng có phẩm chất, nhất là về môi trường
sinh sống.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tại Việt Nam, chính quyền có thể tăng
chi và vay mượn theo một tỷ lệ nào đó của GDP, thí dụ như 64%. Khi nâng mức GDP
thêm 25% thì nhà nước có thể tăng chi và mắc nợ thêm 25% nhưng cũng giải quyết
được một bài toán ngắn hạn, có khi là lý do chính của biện pháp điều chỉnh này.
- Nhưng hệ thống kế
toán của các nước văn minh là “đối phần”, có hai ngả chi ra thu vào. Khi Việt
Nam đi vay và trả nợ các quốc gia cấp viện theo thể thức viện trợ chính thức
ODA, hoặc các định chế tài trợ quốc tế như Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng
Phát triển Á Châu ADB, chủ nợ thường căn cứ vào Tổng sản lượng GDP để đòi nợ.
Ngày nay, GDP của Việt Nam bỗng nhảy vọt thêm 25% thì việc trả nợ cũng sẽ tăng
như vậy. Nói vắn tắt thì tăng GDP thêm 25% có thể thỏa mãn tự ái dân tộc so với
các lân bang và nhà nước còn được vay thêm 25%, để làm gì thì chưa biết, nhưng
cũng phải trả nợ nhiều hơn.
Nguyên Lam: Câu hỏi cuối thưa ông về sự khác biệt
giữa phạm trù tăng trưởng và phát triển. Xin yêu cầu ông giải thích thêm.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tăng trưởng chỉ là lượng về đà gia
tăng sản xuất của một địa phương trong một thời khoảng nhất định và cần điều
chính cho chính xác hơn. Nhưng gia tăng sản xuất những gì, cho ai hưởng và với
phí tổn ra sao thì ít ai hỏi.
- Phát triển là một
khái niệm về phẩm hơn lượng. Kinh tế chỉ phát triển khi có sự tăng trưởng, như
ở con số tổng hợp là GDP, nhưng kết quả của tăng trưởng là những gì? Là được
phân chia đồng đều, nhất là trong các nước tự xưng “xã hội chủ nghĩa” như Trung
Quốc và Việt Nam? Là tạo nền móng cho sự thịnh vượng lâu dài qua giáo dục và
đào tạo, là điều cả hai xứ này thật ra chưa có. Phát triển là tăng trưởng có
phẩm chất, nhất là về môi trường sinh sống. Ô nhiễm môi sinh là “ẩn phí”, phí
tổn ngầm của tăng trưởng mà ít ai tính ra và đang là vấn đề lớn cho cả Việt Nam
lẫn Trung Quốc. Sau cùng, muốn phát triển thì phải cải tổ cơ chế để tinh giản
vai trò của nhà nước cho người dân và thị trường được dễ thở, là giải trừ nạn
tham nhũng làm lệch lạc quy luật sinh hoạt trong xã hội, và chấm dứt nạn cạo
sửa thống kê để thổi mức tăng trưởng mà chẳng ai tin lên cái đỉnh ảo.
- Các định chế viện
trợ quốc tế đang muốn giúp Việt Nam vượt qua mức lợi tức trung bình một đầu người
từ quãng 2.600 đô la một năm hiện nay, so với 10 ngàn của dân Trung Quốc hay 43
ngàn của dân Hong Kong. Cây đũa thần về GDP của Hà Nội bỗng dưng nâng số lợi
tức đó lên mức 3.250 đô la làm người dân thất kinh và khiến các thị trường nêu
câu hỏi về tính minh bạch của thống kê Việt Nam.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam
xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.
Tin, bài liên quan
No comments:
Post a Comment