Đông Nam Á và thương chiến
Nguyễn Xuân Nghĩa
2019-09-10
2019-09-10
Vô vọng
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu cùng Nguyên
Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, trận thương
chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trở thành đề tài kinh tế nghiêm trọng nhất của
các nước từ hơn một năm nay. Thế rồi, hy vọng lại nhen nhúm khi đôi bên thông
báo việc đàm phán ở cấp thứ trưởng đã tái nhóm trước khi phái bộ Trung Quốc
gồm Phó Thủ trướng Lưu Hạc và Thống đốc Dịch Cương của Ngân hàng Nhà nước
sẽ tới Hoa Kỳ thương thuyết lại vào Tháng 10 này. Ông nghĩ sao về hy vọng đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau 18 tháng dai dẳng, kể từ Tết Mậu
Tuất năm ngoái tới nay đã là Trung Thu Kỷ Hợi, chúng ta có thêm kinh nghiệm về
cách nhận thức và trình bày hồ sơ phức tạp này. Trước hết là cá tánh của Tổng
thống Donald Trump, người cả tin vào trực giác của mình và thường phát biểu bất
ngờ khiến thiên hạ ngỡ ngàng chẳng biết rằng đấy là kỹ thuật hay chiến thuật
thương thảo của ông. Thứ hai, phía Bắc Kinh cung cấp rất ít thông tin mà đa số
nội dung lại chú trọng tới việc tuyên truyền cho quần chúng ở trong nước nên ta
khó biết được đúng sai. Thứ ba, Hoa Kỳ là xứ dân chủ theo kinh tế thị trường,
nơi mà tư doanh, thị trường và giới bình luận cũng có quyền nhận định và giải
trình hậu quả của thương chiến theo nhãn quan lợi và hại cũng khá cục bộ
của họ.
Các nước Đông Nam Á
nên nhìn lại khả năng hội nhập kinh tế của gần 700 triệu dân mà khắc phục các
mâu thuẫn về chủ quyền bên trong và có đối sách chung của toàn khối với Trung
Quốc và có hậu thuẫn của công pháp quốc tế, thay vì để bị đánh tỉa như bẻ đũa từng
chiếc.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Về cách giải trình
của họ, tôi thấy đa số đều nói tới sự thiệt hại cho phía Mỹ nhưng khó kiểm tra
và trình bày được sự thiệt hại có thể trầm trọng hơn về phía Trung Quốc. Chính
sự thiệt hại này cũng ảnh hưởng đến tiến trình thương thảo giữa đôi bên. Sau
cùng, và đây là nhận định chủ quan nhuốm mùi bi quan của tôi: “vẫn là vô vọng”!
Nguyên Lam: Thính giả của chúng ta đã quen với
nhận định bi quan của ông, nhưng vì sao ông lại nói cuộc đàm phán vào Tháng 10
vẫn là vô vọng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta có hai tầng nhận thức, thứ
nhất là thực tế và thứ hai là cách diễn giải thực tế ấy. Mà trong trò đấu trí
hiện nay giữa hai nước, cách diễn giải để tác động vào dư luận cũng thuộc nghệ
thuật đàm phán. Vì vậy, tôi thường hoài nghi mỗi khi nghe nói tới hy vọng thành
công vì khoảng cách của đôi bên vẫn còn quá xa. Xin cho tôi giải thích tiếp.
- Đầu tiên, ngay từ
khi tranh cử vào năm 2016, ông Donald Trump tỏ ý bi quan về quan hệ kinh tế
giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khiến Mỹ bị thất thế và nếu đắc cử Tổng thống, ông sẽ
điều chỉnh lại. Thứ hai, sau khi đắc cử, Chính quyền Trump có chủ trương cứng
rắn hơn về an ninh lẫn kinh tế với Trung Quốc, khác hẳn các vị tiền nhiệm từ
mấy chục năm qua. Thứ ba, từ Tháng Tư năm kia, Chính quyền Trump đã cho Bộ
Thương Mại nghiên cứu về yếu tố an ninh trong việc mua nhôm và thép của Trung
Quốc. Gần một năm sau, trên cơ sở của việc nghiên cứu, ngày 16 Tháng Hai năm
ngoái Hoa Kỳ mới mở ra trận thương chiến khi tăng thuế nhôm và thép do Trung
Quốc bán vào thị trường Hoa Kỳ.
- Sau đó đôi bên bắt
đầu đàm phán mất hơn một năm, với các biện pháp trả đũa nhằm gây thiệt hại và
nhằm hỗ trợ cho việc thương thuyết khiến đối phương phải nhượng bộ. Nhưng thực
chất của vấn đề là phía Hoa Kỳ đòi hỏi Trung Quốc những điều mà Bắc Kinh không
thể nhượng bộ được.
Bắc kinh không nhượng bộ?
Nguyên Lam: Thưa ông, những điều ấy là gì mà Bắc
Kinh không thể nhượng bộ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nói ngắn gọn thì Hoa Kỳ đòi Bắc Kinh
cải tổ cơ chế kinh tế và luật lệ, là điều mà giữa bao khó khăn kinh tế xã hội
chồng chất bên trong - chưa nói tới nhiều mâu thuẫn chính trị mà Tổng bí thư
Tập Cận Bình đang gặp ngày nay – Bắc Kinh cho là Mỹ đòi thay đổi chế độ tại
Trung Quốc!
- Đi vào chi tiết thì
Hoa Kỳ nêu bảy vấn đề trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, gồm có 1/ Bắc Kinh
xâm nhập “không gian điện não” hay cyberspace của Mỹ để đánh cắp và phá hoại;
2/ cưỡng bách doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ hay “thuật lý”, technology;
3/ ăn cắp tác quyền hay quyền sở hữu trí tuệ; 4/ ào ạt trợ cấp các tập đoàn
kinh tế nhà nước và gây ra tình trạng cạnh tranh bất chính; 5/ bán hàng phá giá
vào thị trường Hoa Kỳ để nhiều doanh nghiệp Mỹ phá sản; 6/ lũng đoạn ngoại hối
là hạ giá đồng Nguyên nhằm xuất khẩu cho rẻ; 7/ không kiểm soát chất fentanyl
chế tạo tại Trung Quốc và bán lậu vào Mỹ khiến Mỹ bị khủng hoảng vì số tử vong
kỷ lục với loại thuốc an thần và giảm đau gọi là opiod.
- Qua 11 vòng đàm
phán, đôi bên đồng ý về tiến trình giải quyết các vấn đề trên, được ghi vào một
dự thảo dày hơn 150 trang với từng chi tiết. Thế rồi, đầu Tháng Năm vừa qua,
Bắc Kinh bất ngờ gửi lại bản dự thảo mà xóa hết những gì họ đã cam kết. Vì vậy,
phía Hoa Kỳ nổi đóa với biện pháp trừng phạt nặng bằng thuế. Sau đấy, Tháng Tám
vừa rồi Hoa Kỳ đã đấu dịu với đề nghị đặc miễn nhưng khi Bắc Kinh lại đòi áp
thuế trên 75 tỷ hàng hóa của Mỹ bán vào Trung Quốc thì sự tình lại căng thẳng
cho đến tháng tới. Tôi không lạc quan là vì vậy.
Nguyên Lam: Nếu thế, có lẽ người ta cần ôn lại
từng diễn biến từ Tháng Tư năm 2017 cho tới ngày nay thì mới thấy hết những
chông gai trên con đường hòa giải giữa hai nước. Ông có nghĩ như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho là mâu thuẫn nhiều mặt giữa
đôi bên đã tích lũy từ nhiều thập niên, cho nên nếu hai nước thành tâm muốn
khắc phục thì cũng sẽ mất ít ra chục năm nữa. Khi ấy, cả Donald Trump và Tập
Cận Bình đã là quá khứ!
- Trong khi đó, các
nước phải ứng xử với một thế giới đã quá đổi thay chứ không chỉ có quan hệ giữa
hai cường quốc kinh tế ở hai bờ Thái Bình Dương. Một thí dụ bất ngờ về sự đổi
thay là mâu thuẫn gia tăng giữa Nhật Bản với Nam Hàn….
Nguyên Lam: - Chúng ta bước qua phần hai,
các nước nên ứng xử thế nào trong ngắn hạn là một vài năm tới và trong dài hạn
là cả chục năm sau này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, việc cải cách kinh tế của
Trung Quốc từ 40 năm trước là biến cố lịch sử có làm thay đổi tình hình Châu Á.
Nhưng, sau việc cải cách của bốn nước được thế giới gọi lầm mấy chục năm trước
là “Cọp Đông Á” là Nam Hàn, Đài Loan, Singapore và Hong Kong, người ta nghiệm
thấy rằng thế giới chỉ có sáu quốc gia đã phát triển mạnh về kinh tế và nâng
cao được mức sống của người dân là nhờ chế độ dân chủ chính trị. Trung Quốc
chưa lên tới đó, còn sợ bị rơi vào cái “bẫy sập của lợi tức trung bình” vỏn vẻn
chỉ ở khoảng 10-12 ngàn đô la một năm và đang kéo Hong Kong xuống vực thẳm kinh
tế.
- Sau 30 năm tăng
trưởng ngoạn mục, kinh tế Trung Quốc đã lên tới đỉnh và hết lối thế dân số đông
với nhân công rẻ để là “công xưởng toàn cầu” chuyên chế biến hàng tiêu dùng
loại hạ đẳng, cho nên giới đầu tư quốc tế đã tìm thị trường khác, kể từ
2013-2014, trước khi có trận thương chiến. Đấy là khi Đông Nam Á có cơ hội thay
thế thị trường Trung Quốc. Chuyện này, chúng ta đã đề cập từ lâu khi nói về
triển vọng của Việt Nam, nếu có cải cách về cơ chế kinh tế và chính trị, chứ không
chỉ tìm lợi thế nhân công rẻ. Ngày nay, do vụ thương chiến, nhiều người cho
rằng Việt Nam lại có một cơ hội khác, nhưng đấy là ảo vọng.
Ảo vọng
Nguyên Lam: Vì sao ông lại nói đấy là ảo vọng?
Năm tới, Việt Nam sẽ
đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN thì nên nhìn lại lịch sử và đề
xướng những sáng kiến thống nhất cho cả khối. Nếu nhìn lại lịch sử ngàn năm của
cả khu vực thì chuyện này không mơ hồ đâu.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đầu tiên, các doanh nghiệp Trung Quốc
đã vào Việt Nam để dùng thị trường Việt Nam làm bãi trung chuyển nhằm bán hàng
của họ cho Mỹ với nhãn hiệu “Made in Việt Nam”. Hậu quả là Việt Nam bị họa lây
và phía Hoa Kỳ cũng biết vậy. Do mâu thuẫn chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc
ngày nay, Việt Nam có thể khỏi bị Mỹ trừng phạt như đã hăm dọa thì ta gặp loại
trở ngại thứ hai.
- Đó là ngoài Trung
Quốc thì nhiều doanh nghiệp khác cũng đã vào Việt Nam thì mới phát giác là kinh
tế xứ này đạt gần hết công xuất hay khả năng sản xuất. Việt Nam gặp hiện tượng
“bão hòa” và cần cấp tốc cải cách trong trung hạn, từ hai đến năm năm. Chúng ta
trở lại nhược điểm của Việt Nam về hạ tầng cơ sở vật chất như cầu đường bến
cảng, lẫn hạ tầng cơ sở vô hình là luật lệ hành chính rườm rà, tham ô lẫn hệ
thống đào tạo giáo dục chưa cung cấp nổi nguồn nhân lực cần thiết. Khi cạnh
tranh với các nước lân bang Đông Nam Á, Việt Nam vẫn còn thua.
Nguyên Lam: Ông không nhìn thấy một hy vọng lạc
quan hay sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Có chứ! Việt Nam đã hội nhập khá sâu
vào luồng cung ứng toàn cầu qua Hiệp ước TPP đã cải tiến, qua Hiệp ước Tự do
Thương mại với Liên hiệp Âu châu cùng cả chục hiệp ước khác. Nhưng từ khi ký
kết tới lúc áp dụng thì còn phải ban hành luật lệ nhằm cải cách cơ chế của
mình. Vì vậy, động lực cải cách sẽ tạo ra động lượng hay cái trớn, nếu lãnh đạo
hiểu ra và thực thi. Trận thương chiến là một kích thích mới, nếu người ta nhìn
xa một chút. Như một kết luận, tôi xin được nói thêm hai chuyện cũng nhìn từ
viễn ảnh xa.
Kết luận
Nguyên Lam: Nguyên Lam cũng đang muốn đề nghị ông
nêu ra vài kết luận cho tuần này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chuyện thứ nhất, Trung Quốc không mạnh
như thiên hạ nghĩ mà còn có quá nhiều bài toán nan giải bên trong. Vì vậy, đảng
Cộng sản mới trao quyền lực ngày càng tập trung cho Tổng bí thư Tập Cận Bình để
giải quyết.
- Sau Đại hội 18 vào
cuối năm 2012 rồi Đại hội 19 vào cuối năm 2017, ông ta giải quyết không nổi mà
chỉ phô trương thanh thế hơn thực lực của Trung Quốc qua một số sáng kiến an
ninh và kinh tế, dùng hình thức khỏa lấp các vấn đề bên trong và gây nhiều mâu
thuẫn với bên ngoài.
- Biến cố bất ngờ
chính là ông Trump không chỉ vì vụ thương chiến mà còn vì rủi ro xung đột ngoài
Đông hải khiến Hoa Kỳ thống nhất ý chí đối phó và mời thêm các nước vào cuộc,
từ Ấn Độ, Nhật Bản tới Úc, thậm chí cả Việt Nam. Biến cố kia là vụ khủng hoảng
hiện nay tại Hồng Kông, cũng do chính họ Tập đề ra từ khi thăm đặc khu này vào
Tháng Bảy năm 2017. Kết luận của tôi là dù chẳng biết Tập Cận Bình có còn lãnh
đạo được bao lâu nữa thì “phương án” kinh tế chính trị của Trung Quốc chẳng thể
là mẫu mực cho Việt Nam.
Nguyên Lam: Thưa ông, thế còn chuyện thứ hai?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chuyện thứ hai cũng liên hệ đến giấc
mộng bành trướng của Trung Quốc, đó là số phận của các nước Đông Nam Á hay hiệp
hội ASEAN. Trong lịch sử, Trung Quốc chỉ là cường quốc lục địa, chưa khi nào
khống chế nổi cà khu vực Đông Nam Á, kể cả trong thời Chiến Tranh Lạnh. Thời
đó, ASEAN thành hình năm 1967 để kết hợp về kinh tế cho mục tiêu chống cộng
sản. Sau khi Trung Quốc cải cách kinh tế, và Chiến Tranh Lạnh kết thúc, khối
ASEAN đã mở rộng từ năm 1995 nhưng chuyên trú vào kinh tế mà quên mất yếu tố an
ninh. Ngày nay họ mới ngỡ ngàng phát giác mối nguy an ninh xuất phát từ Bắc
Kinh.
- Vì vậy, về dài thì
các nước Đông Nam Á nên nhìn lại khả năng hội nhập kinh tế của gần 700 triệu
dân mà khắc phục các mâu thuẫn về chủ quyền bên trong và có đối sách chung của
toàn khối với Trung Quốc và có hậu thuẫn của công pháp quốc tế, thay vì để bị
đánh tỉa như bẻ đũa từng chiếc. Kết luận của tôi là năm tới, Việt Nam sẽ đảm
nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN thì nên nhìn lại lịch sử và đề
xướng những sáng kiến thống nhất cho cả khối. Nếu nhìn lại lịch sử ngàn năm của
cả khu vực thì chuyện này không mơ hồ đâu.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam
xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích khá kỳ lạ của tuần
này.
Tin, bài liên quan
No comments:
Post a Comment