Hà Nội với tiếng thở dài, Ngã Tư Tự Do và cà phê chim
Nguyễn Hà Hùng (Cây bút về Hà Nội)
·
31 tháng 8 2019
Bị kẹp giữa bốn, năm cái xe khách, xe tải, xe rác, luồn lách
trong tiếng động cơ, tiếng còi, những đường lượn, khói, ổ gà, những cú đạp
phanh, thường xuyên như thế khiến tôi luyện được khả năng tập trung cao độ.
Chểnh mảng dù chỉ một giây có khi là một đời lầm lỡ.
Ấn tượng về loại còi "một lần bấm, mười lần kêu" thật
đáng nể. Vừa nhàn, vừa ép - phê, đồng loạt ngân nga suốt phố. Ai chưa từng trải
nghiệm không thể hình dung được không khí khẩn trương đến thế. Tới ngã tư, hãy
quan sát kỹ đèn ô tô nhấp nháy bốn phía. Họ không rẽ đâu, đấy là tín hiệu đi
thẳng.
Ngược đời thật đấy, nhưng chẳng hề hấn gì. Ở đây mọi người hiểu
kiểu đi của nhau mới quan trọng.
Cốt yếu là Hà Nội không vội được, lái xe hơi tốc độ trung bình
chỉ nhỉnh hơn hai chục cây một giờ.
Chạy chậm, phố xá bừng lên ánh đỏ. Khăn quàng, khẩu hiệu và cờ.
Trước cửa, mỗi nhà một lá. Gia đình tự treo cũng được, không treo cũng chẳng
sao, tất cả đã có đảng và nhà nước lo. Trước những dịp lễ, tổ dân phố đi treo
không sót nhà nào. Lợi ích của màu đỏ là làm tăng huyết áp.
Búa liềm và hình ảnh về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội khắp
nơi. Hưng phấn như thế nên các xe đạp mang hoa khắp phố phường không làm cho
nhà chức trách thỏa mãn.
Họ cần nhiều hơn. Xung quanh Hồ Gươm, chen lẫn hoa thật là hoa
giả, tất cả đồng thanh tỏa sáng. Có thể vì vẻ đẹp ấy, người Hà Nội đang có sáng
kiến đề xuất trồng hoa trên đường tàu dang dở chín năm chưa khởi hành.
Bài học cho những người mới đến là "tập trung chuyên
môn"khi lái xe. Đừng giận dỗi nếu chói mắt vì xe ngược chiều kiên quyết
giương pha. Thành phố vì hòa bình, nhưng con người nơi đây trưởng thành trong
chiến tranh.
Nếu quá bức xúc, hãy dừng xe, trước khi mở cửa hãy chắc rằng
không có xe máy đằng sau.
Đừng quên, khi bước ra chớ có hít sâu. Hà Nội ô nhiễm nặng nề.
Bù lại nó có nhiều thức ăn.
Không còn phố vắng và
thơ
Hà Nội ngày này không phố vắng, thơ cũng ít liêu xiêu. Công an
vẫn đuổi, nhưng quán không nhẩy cóc như xưa nữa. Thực khách ngồi tràn hết lối
của người đi bộ. Đèn đuốc sáng loáng giúp trông rõ giấy ăn, xương xẩu và đồ
thừa la liệt.
Nhớ thở đều và đừng cố tránh, lỡ chân mất thăng bằng ngã vào
đống bát đĩa chưa rửa vẫn còn lõng bõng nước dùng.
Làm quen và bình thản với cảm giác nhai nuốt đồ ăn cùng thuốc
trừ sâu, thuốc tăng trọng, chất kích thích sinh trưởng, bảo quản thực phẩm, dầu
máy… đáng lẽ phải là một quá trình tu tập nhiều năm khắc kỷ, có lẽ còn khó hơn
thiền.
Không may, tất cả đều đắc đạo, ăn uống nhiệt tình. Bí quyết là,
con người nơi đây có những quan tâm khác. Muốn hiểu, chỉ cần giống họ, đều đặn
cà phê từ sáng đến trưa.
Không thể biết chính xác thành phố này có bao nhiêu hàng cà phê.
Từ thời kinh tế mở cửa, hàng ngàn quán tư nhân mọc lên khắp nơi, không còn bóng
dáng "quầy điểm tâm giải khát" quốc doanh thời bao cấp. Cũng như thế
giới, ở đây có nhiều quán theo chủ đề.
Chủ quán thích chứng tỏ cửa hàng mình khác biệt, dù nhiều khi
chỉ có trên quảng cáo. Khác với nhiều nơi, "cà phê chim" không chỉ để
uống.
Hồ Thiền Quang nằm cách Hồ Gươm chừng một cây số về phía Nam,
nơi có "cà phê chim" rất hút khách chơi. Họ đến đây, đắm chìm từng
cơn, ngắm nhìn, lắng nghe và bình luận về những bộ lông, tiếng hót. Lúc cao
hứng họ sẵn sàng giải thích mỗi khi chim truyện.
Ai đó cho rằng Hà Nội không có chim quả là quá đỗi vội vàng. Chỉ
là chúng sống trong lồng, tận hưởng niềm vui tự do trong khuôn khổ.
Không gian phóng khoáng nhất của thủ đô nằm trong lòng phố cổ,
cách Hồ Hoàn Kiếm năm phút đi bộ, điểm giao cắt giữa phố Lương Ngọc Quyến và Tạ
Hiện. "Ngã Tư Tự Do", cái tên khiêu khích này ra đời không có giấy
khai sinh gần ba chục năm nay.
Ở đây "Tây" rất đông, từ khi văn hóa tư bản theo chân
kinh tế thị trường gõ cửa. Được tiếng tự do vì ban đầu chỗ này là nơi hiếm hoi
dân có thể chơi khuya.
Ngã Tư Tự Do rất hẹp, công an đều đặn đi tuần. Đến muộn sau tám
giờ tối rất khó chen chân. Những người trẻ và đôi lúc cả những đám trung niên
kéo đến đây, lẫn vào đám đông nhiều màu da.
Cảm giác chạm vào phương Tây khó định nghĩa nhưng hiện hữu. Nó
làm cho giấc mơ có vẻ gần hơn, chỉ cần gọi đồ uống rồi kéo ghế ngồi. Không
chuyện trò cũng được, đã có internet không dây miễn phí 24/7.
Hà Nội giờ này được lắm, quán nước chè cũng có wifi, mạng xã hội
đã trở nên không thể thiếu. Từ khi có công cụ nói tiếng nói của mình, nhiều
người lên tiếng về các vấn đề giáo dục, y tế, xã hội, quốc phòng, họ lên án
quan chức tham nhũng, đứng về phía dân oan.
Thế là có thêm nghề "tác chiến không gian mạng". Người
nghèo, ít học, chập chững lên mạng khó phân biệt được.
Tất nhiên, thành phố này cũng có hố ngăn cách số.
Người nghèo phải đứng bên lề trên Internet và mạng xã hội. Những
người không có điện thoại thông minh, máy tính, không có internet, không được
học, không có kỹ năng sử dụng các ứng dụng thông tin, không có kỹ năng tham gia
mạng xã hội là mất khả năng tiếp cận thông tin mạng, mất đi một kênh gần như
duy nhất nói lên tiếng nói của mình.
Hà Nội từ khi tôi sinh không
thiếu người áo rách
Hà Nội có gì rất đau
Người ta yêu dấu, đi không trở
lại.
Bài thể hiện quan điểm riêng
của tác giả từ Hà Nội, người phụ trách trang Hà Nội Phố cho đến 03/2019.
No comments:
Post a Comment