Sunday, September 8, 2019

Con cái giống ai nhiều hơn: Cha hay mẹ? - BS.Hồ Ngọc Minh


Con cái giống ai nhiều hơn: Cha hay mẹ?
BS.Hồ Ngọc Minh

Gần đây, nhiều nghiên cứu khoa học cho biết, nếu nói rằng, con cái giống mẹ nhiều hơn, thật ra không đúng hẳn. Trên thực tế, con cái, nhất là con gái, thường giống cha nhiều hơn là giống mẹ. Ngoài ra, có giả thuyết còn cho là, nếp sống của người cha, từ thức ăn, thói quen, cho đến tâm tánh cũng là nền tảng cho sự phát triển của em bé về sau. Có phải vì vậy, cổ nhân ta có nói, “con gái nhờ phước đức của cha mình?”
Trên lý thuyết, 50% DNA là từ mẹ kết hợp với nửa kia từ người cha. Tuy nhiên, nghiên cứu cho biết, gene của người cha thường thường mạnh hơn là gene của mẹ, do vậy, trên thực tế có khoảng 60% gene của người cha là gene trội so với 40% của người mẹ. Ước đoán này chỉ đúng khi cha mẹ cùng một chủng tộc. Người da vàng, hầu hết gene lặn và thuần chủng, do đó khi kết hôn với người thuộc các màu da khác, con cái thường mất đi những nét đặc thù của người da vàng, có khi, chỉ sau một thế hệ.
Về khuôn mặt, con cái thường giống về mũi, miệng, gò má và lưỡng quyền, khóe mắt, cũng như cằm. Đây cũng là những nét chính mà kỹ thuật nhận dạng của computer (facial recognition) như trên iPhone, dùng để phân biệt người này với người khác.
Ngoài ra, ngược với nguyên tắc đề kháng khi bị nhiễm bệnh, khi mang thai, thai nhi là một sinh vật lạ, cơ thể người mẹ lại có khuynh hướng bảo vệ và nhượng bộ nếu thai nhi ấy “khác” với mình. Đây cũng là lý do giải thích tại sao những thai nhi có “đồng máu huyết” thường dễ bị sẩy; một cách để bảo tồn nòi giống, với sự khác biệt về gene thích ứng cho môi trường. Do vậy, để bảo vệ em bé, khi gene của người cha càng mạnh thì gene của người mẹ càng nhượng bộ, và thoái vị.
Tuy vậy, một số gene chỉ tuyệt đối đến từ cha hoặc mẹ tuỳ theo trường hợp. Sau đây là một số gene cũng như đặc tính chịu ảnh hưởng từ cha hay từ mẹ:
1. Giới tính
Giới tính của em bé lệ thuộc vào người cha, vì tinh trùng có hai loại: X và Y. Từ mẹ, em bé luôn luôn nhận nhiễm sắc thể X, do vậy, nếu sự kết hợp là XX sẽ là bé gái, và XY là bé trai.
Trên lý thuyết số lượng tinh trùng X và Y là ngang ngữa, 50-50%, nhưng trên thực tế, rất ít người đàn ông có số lượng tinh trùng đực và cái bằng nhau. Do vậy, nếu người đàn ông có nhiều anh em trai, thường sẽ có nhiều con trai hơn là con gái, và ngược lại.
Vì tinh trùng Y ngắn và chứa ít gene hơn là nhiễm sắc thể X, và phần lớn các gene nầy chỉ quy định sự phát triển của giới tính nam, do vậy, con trai thường giống mẹ nhiều hơn. Riêng về con gái, giống cha hay mẹ sẽ tùy thuộc vào gene nào mạnh hơn, nhưng chung chung, cũng sẽ giống cha nhiều hơn là mẹ. Đoạn dưới sẽ bàn thêm về hai nhiễm sắc thể XX ở con gái.
2. Trí thông minh
Gene di truyền quy định trí thông minh được chứa trong nhiễm sắc thể X. Đây là lý do tại sao, con trai thừa hưởng trí thông minh của người mẹ. Trung bình chỉ số thông minh IQ của con trai chênh lệch khoảng 10 đến 15 điểm so với người mẹ.
Nói như vậy thì, có phải là đàn bà thông minh hơn đàn ông? Nói cho vui thôi, chứ không đúng như thế. Ở con gái, tuy có hai nhiễm sắc thể XX, nhưng chỉ có một X là hoạt động “active.” Sự lựa chọn chiếc nhiễm sắc thể X nào active thường là ngẫu nhiên cho mỗi tế bào, có khi là của cha, và có khi là của mẹ. Do đó, với con gái, trí thông minh đến từ cả cha lẫn mẹ.
Thật ra, chỉ có 40% trí thông minh là do gene di truyền quy định, phần còn lại, chịu ảnh hưởng môi trường. Vì thế, cha mẹ thông minh mà con lười biếng học cũng bằng không. Ngạn ngữ ta có câu, “cha làm thầy, con đốt sách” là vậy.
3. Bệnh tâm thần
Cha mẹ lớn tuổi có thể truyền những đột biến dị tật cho em bé. Ở đàn ông, khi tuổi càng cao, chất lượng tinh trùng càng kém đi. Do vậy, nguy cơ bị bệnh tâm trí, bệnh tự kỷ, bệnh khó tập trung sẽ tăng cao. Khi người cha trên 45 tuổi, con cái sẽ khó tập trung tư tưởng cho việc học hành, và có nguy cơ tự tử vì phiền muộn tăng cao. Ngoài ra nếu người cha có bị bệnh tim mạch, con trai cũng sẽ dễ bi bệnh tim như cha mình.
4. Bệnh truyền qua nhiễm sắc thể X
Một số bệnh như chảy máu không đông (hemophilia), bệnh mù màu sắc đi theo nhiễm sắc thể X truyền từ ông ngoại qua cháu ngoại trai, trong khi đó cháu ngoại gái vì có mang hai nhiễm sắc thể X nên chỉ một nhiễm sắc thể có gene đột biến và tiếp tục truyền xuống cho con trai ở đời sau.
5. Dễ bị béo phì
Khuynh hướng dễ bị béo phì chịu ảnh hưởng gene di truyền khoảng 25%, phần còn lại đến từ thói quen ăn uống và môi trường. Riêng về yếu tố di truyền, gene béo mập, 75% do gene của người mẹ chi phối. Vì thế, nếu người mẹ có tạng người trên cân thì con cái cũng sẽ khó xuống cân, cho dù cha mình có sức nặng bình thường.
6. Chiều cao
Chiều cao trung bình của con cái, chịu ảnh hưởng từ người cha và bên nội nhiều hơn là bên ngoại. Nếu người cha cao lớn thì con cái thường sẽ cao lớn. Trung bình khoảng 60 đến 80% chiều cao tùy thuộc vào gene của cha hoặc mẹ, phần còn lại đến từ nguồn dinh dưỡng và môi trường. Do vậy, riêng về cộng đồng người Việt tại hải ngoại, nếu con cháu cao hơn cha mẹ và ông bà, một phần trong dòng họ có chứa gene cao lớn, phần khác do nguồn dinh dưỡng tốt hơn thế hệ trước.
7. Màu mắt
Hầu như toàn bộ người Á Châu nói chung và người Việt nói riêng có màu mắt nâu đậm, chứ không phải “đen nhánh” như lầm tưởng trong thi ca. Màu mắt nâu là gene trội, do đó, cho dù một trong hai cha mẹ có màu mắt xanh chẳng hạn, con cái vẫn mang màu mắt nâu.
8. Má lúm đồng tiền
Má lúm đồng tiền là gene lặn. Có khi cha mẹ không có má lúm đồng tiền, nhưng trong dòng họ hai bên, hoặc một trong hai cha mẹ có má lúm đồng tiền thì con cái sẽ có.
9. Tóc quăn
Nhiều cặp vợ chồng thích con có tóc quăn chút đỉnh. Tuy rằng tóc quăn là gene trội, cho dù một trong hai cha mẹ có tóc quăn, không hẳn con cái sẽ có tóc quăn. Thường thường, nếu cả hai cha mẹ có tóc quăn con cái sẽ có, nhưng nếu chỉ một người có tóc quăn, em bé sẽ có tóc “dợn sóng”.
Nói chung thì con cái sẽ giống cả hai bên nội ngoại và thường thừa hưởng những nét mạnh và đặc biệt của hai bên. Một số nét về nhân dạng có thể tiềm ẩn khi còn trẻ, nhưng theo thời gian và môi trường sẽ lộ ra nhiều hơn. Vì thế có khi, lúc còn nhỏ, em bé nhìn giống mẹ nhiều hơn, nhưng khi về già lại giống cha mình hơn.Cho dù giống cha hay mẹ, yếu tố môi trường vẫn đóng một phần rất quan trọng. Nếu biết mình thừa hưởng những gene không được tốt cho lắm, thì nên thay đổi lề lối sống càng sớm càng tốt để thích nghi. Phần còn lại, giống cha hay mẹ đều là những điều trân quý, không nên phàn nàn và đòi hỏi. 

BS.Hồ Ngọc Minh



No comments:

Post a Comment