Ý tưởng tên đường,
tượng ông McCain ở VN gây tranh cãi
27/08/2018
Biết tin Thượng nghị
sĩ Mỹ John McCain qua đời hôm 25/8/2018, rất nhiều người Việt Nam trong những
ngày qua bày tỏ trên mạng xã hội những tình cảm tốt đẹp và sự đánh giá cao của
họ về những nỗ lực của ông đối với việc hòa giải, bình thường hóa quan hệ giữa
Việt Nam và Mỹ.
Về mặt nhà nước,
truyền thông Việt Nam cho hay Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình
Minh vào chiều ngày 27/8 đã đến Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội để chia buồn về
việc Thượng nghị sĩ McCain từ trần ở tuổi 81, sau một thời gian chống chọi với
bệnh ung thư não.
Phó Thủ tướng Việt Nam
viết vào sổ tang tại đại sứ quán rằng đối với chính phủ và nhân dân Việt Nam,
“ngài Thượng nghị sĩ John McCain luôn là biểu tượng cho thế hệ nghị sĩ – cựu
binh chiến tranh Việt Nam, là người đi đầu và có nhiều đóng góp to lớn trong
việc hàn gắn vết thương chiến tranh, bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ Đối
tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ”.
Ông Minh nhấn mạnh
Việt Nam “luôn trân trọng những nỗ lực của ngài Thượng nghị sĩ trong việc xây
dựng và phát triển quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ trong những thập kỷ qua”.
Trước đó, tuyên bố hôm
26/8 của phái bộ ngoại giao Mỹ ở Việt Nam viết: “Trong nhiều thập kỷ, ông ủng
hộ mạnh mẽ mối quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, dũng cảm tạo dựng bước đường để hai
quốc gia chúng ta chuyển đổi từ kẻ thù thành đối tác”.
Báo chí trong và ngoài
nước dịp cuối tuần vừa qua đưa tin các kiều dân Mỹ và nhiều người Việt Nam đã
mang hoa đến đặt tại một bức phù điêu bên hồ Trúc Bạch để tưởng nhớ ông McCain.
Bức phù điêu mô tả một
phi công quỳ gối giơ tay đầu hàng, với các hàng chữ cho biết vào ngày
26/10/1967, tại hồ Trúc Bạch, “quân và dân thủ đô Hà Nội bắt sống phi công John
Sydney McCain, Thiếu tá không quân thuộc lực lượng Hải quân Hoa Kỳ”.
Vào thời điểm máy bay
của ông bị tên lửa đối phương bắn rơi, ông McCain đang thực hiện phi vụ oanh
tạc thứ 23 của ông ở miền bắc Việt Nam.
Viên phi công, khi đó
30 tuổi, đã bị giam trong nhà tù của Bắc Việt Nam trong hơn 5 năm và được trao
trả hồi đầu năm 1973, sau khi các bên tham gia chiến tranh Việt Nam ký Hiệp
định Paris.
Trong hồi ký của mình,
vị thượng nghị sĩ Mỹ nói ông đã bị “tra tấn” và không được chữa trị phù hợp
trong thời gian bị cầm tù đó. Việt Nam phủ nhận những cáo buộc này.
Trên mạng xã hội
Facebook trong những ngày này, không ít người đưa ra đề xuất rằng sự đóng góp
của viên phi công thời chiến tranh Việt Nam mà sau này trở thành một thượng
nghị sĩ Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn cần được ghi nhận tương xứng.
Nhà báo, nhà thơ Bùi
Hoàng Tám, một Facebooker có tổng cộng hơn 8.000 người theo dõi, viết trên
trang cá nhân rằng ông “đề nghị Hà Nội có một con đường mang tên John McCain”.
Ông Tám nêu ra lý do
một cách ngắn gọn: “Từ kẻ thù, trở thành bạn và nói thẳng, là ân nhân. Vượt qua
thù hận, quên oán, tạo ơn... Ông xứng đáng được đặt tên đường phố tại Thủ đô Hà
Nội”.
Cùng suy nghĩ như ông
Tám, trên diễn đàn mang tên Góc nhìn Báo chí – Công dân có hơn 69.500 thành
viên, một người tên là Nguyễn Thành Long viết “John McCain là người có công rất
lớn trong việc hòa giải mối quan hệ Việt - Mỹ. Rất mong Nhà nước Việt Nam mạnh
dạn lấy tên ông đặt cho con đường chạy quanh hồ Trúc Bạch”.
Chính phủ Việt Nam không bao giờ thực hiện
điều đó. Nhà nước chỉ muốn tận dụng những con người như vậy, lợi dụng lòng
thương yêu, tầm nhìn chiến lược của người ta.
Luật sư Lê Quốc Quân
Facebooker mang tên
Nguyễn Thiện sống ở thành phố Hồ Chí Minh, có tổng cộng 44.500 người theo dõi,
thậm chí kêu gọi rằng: “Việt Nam nên tuyên bố đặt tên đường McCain tại Hà Nội
và Tp.HCM”. Theo ông Thiện, điều đó “rất có lợi cho 2 nước” và nên làm “càng
sớm càng tốt”.
Những ý kiến như vậy
nhận được sự hưởng ứng từ đông đảo những người khác. Bên cạnh đó, còn có một số
người đưa ra quan điểm rằng Hà Nội nên dựng một bức tượng ông McCain có hình
thức đàng hoàng hơn, thay cho bức phù điêu bên hồ Trúc Bạch hiện nay, được xem
là có tính chất sỉ nhục cả cá nhân ông McCain lẫn nước Mỹ.
Nhận xét về việc nhiều
người đặt hoa tại bức phù điêu, một người sử dụng Facebook có tên Nam Hai viết:
“Độc tài lập bia để đề cao mình và hạ nhục người khác, nhưng ngờ đâu nơi đây
lại thành chỗ biểu tượng cho một nền văn minh dân chủ thông qua cách ứng xử cao
thượng của một con người mà trước đây chúng ta coi là kẻ thù”.
Cựu tù nhân lương tâm
Lê Quốc Quân, người đã nhiều lần gặp gỡ Thượng nghị sĩ McCain và coi ông là
“bạn thân”, nhận định với VOA về khả năng chính quyền đón nhận những gợi ý, đề
xuất kể trên:
“Chính phủ Việt Nam
không bao giờ thực hiện điều đó. Nhà nước chỉ muốn tận dụng những con người như
vậy, lợi dụng lòng thương yêu, tầm nhìn chiến lược của người ta. Chứ còn thực
tâm mà nói, tôi chưa nhìn thấy sự ghi nhận đến mức đặt tên đường hay là thay
phù điêu”.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh,
người vẫn thường lên tiếng phản biện về các vấn đề chính trị, xã hội ở Việt
Nam, nêu ra “lòng kiêu ngạo” và “quan điểm cố hữu” của những người cộng sản để
đưa ra nhận định rằng việc đặt tên đường hay dựng tượng sẽ “không trở thành sự
thật”.
Cho dù như vậy, hai
ông Quân và Khanh lưu ý rằng những gì người dân bày tỏ ra đã cho thấy tình cảm
của người Việt dành cho vị thượng nghị sĩ quá cố là như thế nào.
Luật sư Lê Quốc Quân
nói:
“Bản thân ông chắc
chắn được người dân Việt Nam ghi nhận. Và rất nhiều người đã biết đến ông vì
ngay từ 1985, thì ông đã đến Hà Nội, tức là ông trở nên một con người rất là
gần gũi đối với nhân dân Việt Nam”.
Theo nhạc sĩ Tuấn
Khanh, ngoài tình cảm dành cho cá nhân ông McCain về những đóng góp giúp hàn
gắn quan hệ hai nước, cũng cần xét đến việc nhiều người Việt thường có thiện
cảm hơn với các giá trị và các chính khách phương Tây. Ông nói với VOA:
“Người Việt Nam vẫn
chờ đợi một sự thân thiện của phương Tây và người ta tin rằng nền dân chủ và
nhân quyền phương Tây có giá trị nằm trong trái tim người ta. Mặc dù đằng sau
nhân dân này là chế độ cộng sản, nhưng tình cảm của người dân thể hiện đối với
một người như ông John McCain, tôi nghĩ rằng nó có thể nhiều hơn mức hiện thực
ông John McCain đã làm được cho Việt Nam”.
Ngược lại với nhiều ý
kiến tưởng nhớ, tôn vinh hay bày tỏ biết ơn vị thượng nghị sĩ Mỹ, trong một
trang Facebook có tên Diễn đàn độc giả trẻ gồm hơn 32.500 thành viên, đã có một
số cuộc thảo luận theo hướng nhắc nhở rằng ông John McCain từng nhiều lần ném
bom “gây tội ác” ở Bắc Việt Nam, cũng như đã có những phát biểu miệt thị, xúc
phạm những binh sĩ đã giam giữ ông.
Những con người đó không có tầm nhìn về tương
lai, và theo tôi thì không thể hiện rõ ràng lòng yêu nước Việt Nam. Yêu nước
Việt Nam có nghĩa là mong cho một Việt Nam tốt đẹp hơn, mà điều đó John McCain
đã và đang làm.
Luật sư Lê Quốc Quân
Bên cạnh những lời mỉa
mai dành cho nhiều người có cảm tình với ông McCain, các thành viên của Diễn
đàn độc giả trẻ còn xem đó là những người “ngây thơ chính trị”.
Nhắc đến thực tế là
ông McCain đã quay trở lại Việt Nam để xây đắp tình hữu nghị giữa hai nước,
luật sư Lê Quốc Quân cho rằng những người có quan điểm thù địch hay tức tối
dành cho vị thượng nghị sĩ Mỹ mới qua đời là những người “cố ăn mày về quá khứ,
không có đủ lòng bao dung, hoặc không có hiểu biết bằng chính ông ấy”.
Ông Quân nói thêm:
“Những con người đó
không có tầm nhìn về tương lai, và theo tôi thì không thể hiện rõ ràng lòng yêu
nước Việt Nam. Yêu nước Việt Nam có nghĩa là mong cho một Việt Nam tốt đẹp hơn,
mà điều đó John McCain đã và đang làm. Chẳng qua họ nói vậy để khơi lại quá
khứ, và như vậy không tốt một tí nào cả”.
Còn về phần nhạc sĩ
Tuấn Khanh, ông bình luận:
“Ngày hôm nay mà đặt
lại vấn đề những tội ác và những sai lầm của một người hôm qua trong bối cảnh
chiến tranh, thì ngày hôm nay thực sự chúng ta khó có chuyện hòa giải. Ngày hôm
nay mà cứ giở lại những vấn đề quá khứ mà không nhìn thấy những giá trị của
hiện tại thì chúng ta sẽ mãi mãi không đi đến được tương lai”.
Đại sứ quán Mỹ ở Hà
Nội hôm 26/8 cho biết sẽ mở cửa đón người Việt tới gửi lời chia buồn tới gia
đình Thượng nghị sĩ John McCain. Cơ quan đại diện ngoại giao này cho hay “sẽ mở
sổ chia buồn” từ ngày 27 tới 29/8, và sẽ “chào đón tất cả những ai mong muốn có
lời chia sẻ với gia đình ông McCain”.
Cùng thời gian, Đại sứ
Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Hà Kim Ngọc, được Đài Tiếng nói Việt Nam dẫn lời nói
rằng ông McCain là “biểu tượng của quá trình hòa giải của quan hệ Việt - Mỹ”.
No comments:
Post a Comment