Monday, August 27, 2018

Tiếng Việt thời 'Công nghệ giáo dục'


Tiếng Việt thời 'Công nghệ giáo dục'
·         35 phút trước
Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện video clip trong đó một cô giáo dạy đánh vần theo cách hoàn toàn khác với cách truyền thống. Chẳng hạn các chữ cái k, q, c đều đọc là 'cờ'.
Nhiều phụ huynh cho biết họ 'hoang mang' vì cách đánh vần 'lạ', 'lần đầu được nghe thấy', và 'không biết phải dạy con thế nào', theo Laodong.vn.
Dạy và học theo giáo trình nào?
Một giáo viên ở tỉnh Bắc Giang nói với báo Lao động rằng nhiều trẻ đã nhầm lẫn "Tổ quốc" thành "Tổ cuốc", "kiên quyết" thành "ciên quyết" do lớp Một học đánh vần theo cách mới nhưng lên lớp Hai học trường khác lại học cách cũ.
Được biết đây là chương trình đánh vần của bộ sách giáo khoa mới cho học sinh lớp Một, khi đánh vần sẽ theo âm chứ không theo chữ. Bộ sách giáo khoa này được lưu hành với tên gọi "Tiếng Việt lớp Một Công nghệ giáo dục".
Cách dạy đánh vần mới khác hẳn cách quen thuộc mà học sinh vẫn được học từ hàng chục năm qua, vốn vẫn đang được ghi nhận trong bộ sách giáo khoa "Tiếng Việt lớp Một".
Với sự tồn tại song song của Tiếng Việt lớp Một (cách đánh vần cũ) và Tiếng Việt lớp Một Công nghệ giáo dục (cách đánh vần mới), nay giáo viên và học sinh đang đứng trước hai phương pháp dạy - học khác nhau.
Việc áp dụng giáo trình nào để giảng dạy từ trước tới nay là do các trường tự chọn, theo một nhà nghiên cứu.
"Bộ Giáo dục cho phép có nhiều bộ sách giáo khoa, có nhiều cách truyền đạt khác nhau dựa trên chương trình chuẩn. Các trường được tự chọn sách giáo khoa theo ý mình," dịch giả, nhà từ điển học Nguyễn Việt Long nói với BBC.
Chương trình Công nghệ giáo dục với cách đánh vần mới cho đến nay mới chỉ được xây dựng đến hết cấp hai. Lên cấp ba, học sinh sẽ phải học theo chương trình cũ, ông Long cho biết thêm.
Trong năm học 2018-2019, chương trình Công nghệ giáo dục đã được đưa vào giảng dạy tại gần 50 tỉnh thành với hơn 800.000 học sinh, "tạo nên hai lứa học sinh lớp Một có cách phát âm khác nhau", theo báo Lao Động.
Giáo trình mới này cũng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua, đã "kết thúc quá trình thí điểm và được đưa vào giảng dạy chính thức", báo Lao Động viết.
'Từng gây tranh cãi'
Theo ông Nguyễn Việt Long, chương trình Công nghệ giáo dục là của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, đã có từ lâu và từng gây nhiều tranh cãi.
"Theo ý kiến cá nhân tôi, chương trình này có hiệu quả hơn khi áp dụng với những học sinh mà tiếng Việt không phải là bản ngữ, ví dụ như học sinh dân tộc thiểu số," nhà nghiên cứu nói với BBC từ Hà Nội.
"Đó là do cách tiếp cận khoa học của cách đánh vần mới giúp trẻ phân biệt được âm đọc từ nhỏ (giống kiểu dạy tiếng nước ngoài). Trong khi đối với học sinh bản ngữ thì trước khi học đọc đã biết nói các từ và âm rồi nên hiệu quả của phương pháp này không bộc lộ rõ," dịch giả Long lý giải.
Cũng theo ông Long, chương trình này áp dụng phát âm theo nguyên tắc âm vị học ngay từ đầu, tiên tiến hơn và khoa học hơn chương trình đại trà (phát âm theo cách truyền thống).
"Có lẽ vì thế mà gây hoang mang cho những người mới biết đến lần đầu," ông Long nói.
"Xem kỹ thì thấy các trang trong sách đều có luật chính tả, tức quy tắc viết cho đúng chính tả, nếu thuộc thì học sinh không thể viết nhầm lẫn được."
"Trong tiếng Việt, có những phụ âm và nguyên âm đôi có nhiều cách viết khác nhau, nhưng chỉ để ghi một âm. Giống như trong tiếng Anh được ghi bằng cùng một ký tự phiên âm quốc tế IPA. Cái này ai biết tiếng Anh sẽ dễ hiểu."
"Đối với các phụ âm, cần phân biệt giữa âm đọc của chữ cái trong một từ và tên gọi chữ cái, nhưng khi dạy phát âm thì hiện nay người ta kết hợp cả tên gọi phụ âm cộng với âm đọc của vần, ví dụ 'ca iên kiên'."
"Chương trình đại trà thực ra cũng phân biệt giữa âm và tên chữ cái, nhưng không áp dụng triệt để nên cứ học theo lối truyền khẩu theo thói quen."
"Còn vấn đề phân biệt tên gọi của chữ cái (nhất là phụ âm) khác âm đánh vần thì sách giáo khoa lớp Hai có dạy nhưng có lẽ ít người để ý nên bây giờ người lớn cũng lẫn lộn khi đọc các chữ viết tắt."
"Ví dụ cùng là 'G' nhưng trong 'G'7 thì ta hay đọc 'gờ 7' - đọc theo âm của từ, nhưng trong GDP lại đọc là 'giê đê pê' theo cách gọi tên chữ cái Việt, hoặc 'gi đi pi' theo kiểu Anh."
Chương trình của Giáo sư Đại từng 'không được tiếp nhận' ở các thành phố lớn nên phải 'thực nghiệm' ở các tỉnh miền núi, báo Giáo dục và Thời đại nói trong một bài đăng từ 2016.
Báo này dẫn lời Thạc sỹ Nguyễn Đình Anh, nguyên Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, người từng trực tiếp tham gia thực nghiệm Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại hồi thập niên 1980, nói Giáo sư Đại, "bằng con đường riêng" đã "yêu cầu các tỉnh triển khai thêm chương trình và sách giáo khoa lớp Một thực nghiệm của ông, trong đó có môn Tiếng Việt", từ 1983.
Thời gian đó, có những tỉnh 'hăng hái' thử nghiệm, có tỉnh thành không, và vì không được tiếp nhận ở nơi đô thị, Giáo sư Đại mang chương trình về miền núi để thực nghiệm cải thiện tiếng Việt cho học sinh thiểu số, theo ông Anh.


No comments:

Post a Comment