Wednesday, August 29, 2018

Cuộc chiến leo thang - Ký Thiệt


Cuộc chiến leo thang
Ký Thiệt
Ngày 27.7.2018, tờ Politico loan tin theo tiết lộ của bốn cựu nhân viên an ninh, vào đầu thập niên 2000, một nhân viên tại văn phòng ở San Francisco của Nghị sĩ  Dianne Feinstein được phát hiện là một mật báo viên của Bộ An ninh Trung cộng, làm việc trực tiếp với tổ gián điệp nằm trong Lãnh sự Quán Trung Cộng tại San Francisco. Khi tên gián điệp này, giữ vai trò liên lạc với cộng đồng người gốc Hoa trong vùng, bị sa thải, y đã không bao giờ bị truy tố, l‎ý do là vì y chỉ cung cấp những tin tức chính trị, và không phải là tin mật.
Không phải chỉ có FBI không khởi tố tên gián điệp này, Nghị sĩ Feinstein đã chỉ lẳng lặng sa thải tên này mà không cho những nhân viên khác trong văn phòng biết lý do.
Tên gián điệp Trung cộng này đã xâm nhập văn phòng của Bà Feinstein trong 20 năm, trong khi bà là một nghị sĩ thâm niên của đảng Dân Chủ tại Thượng Viện Hoa Hoa Kỳ và từng là chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện. Vậy mà tin quan trọng này đã không hề được các đài truyền hình của TTDC (Truyền Thông Dòng Chính) nhắc đến, từ CNN đến MSNBC, ABC, CBS hay NBC.
Chỉ có tờ The San Francisco Chronicle và Fox News làm tin về vụ này. TTDC đã hoàn toàn làm ngơ về vụ tai tiếng này của Nghị sĩ Dân Chủ Feinstein, mà với vai trò chủ tịch Ủy ban Tình báo, bà ấy nắm giữ nhiều tin mật có thể là cực kỳ giá trị cho Trung cộng, trong khi lại say sưa làm rùm beng vụ FBI bắt giữ Dân biểu Cộng Hòa Chris Collins ngày 8 tháng 8 về tội vi phạm luật về thị trường chứng khoán.
Cũng vậy, từ hơn một năm qua, gần như không có ngày nào mà TTDC không nói tới chuyện ông Trump “thông đồng” với người Nga trong cuộc bầu cử năm 2016. Trong khi “tham vấn viên độc lập” Robert Mueller với quyền hành rộng rãi vô giới hạn để điều tra, cho đến nay vẫn là một cuộc “săn bắt phù thủy”, không tìm được dây mơ rễ má nào về sự thông đồng giữa ông Trump và người Nga thì TTDC Mỹ vẫn chĩa mũi dùi tấn công, đả kích mọi mặt, mọi việc  nhắm vào ông tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 như đánh kẻ thù chung của họ.
Bình luận về vụ này trên Fox News Channel, Sean Hannity, “cây nói” vừa được Talkers Magazine bình và bầu là người sáng giá nhất trong hàng trăm nhà bình luận thời sự trên các đài phát thanh Mỹ, phán rằng “báo chí đã chết”  (journalism is dead), ý‎ nói TTDC Mỹ đã chết. Không phải nói một lần mà trước đây Hannity đã tuyên bố như vậy nhiều lần.
Nhiều người đã đồng ‎ý với nhận định của Hannity, và nói thêm rằng báo chí đã “chết” không phải vì bị ai giết nhưng trong khi cố “giết chết” ông Trump thì TTDC đã tự ăn thịt chính mình. Thật vậy, tôn chỉ của người làm báo là công bằng (fair) và cân bằng (balance).
Từ khi Donald Trump trở thành tổng thống Hoa Kỳ, TTDC đã bỏ rơi tôn chi này và ngả hẳn về phía đảng Dân Chủ, mở cuộc chiến tranh toàn diện, toàn lực chống ông Trump với những tin thất thiệt (fake news), bình luận thiên lệch và ác ý.
Thật ra, cử tri đã biết ông Trump phải đương đầu với giới báo chí thù nghịch từ khi ra tranh cử tổng thống, và đã kéo dài không ngừng nghỉ cho tới bây giờ, bằng cách sản xuất hằng hà sa số những tin tức và bình luận tiêu cực chưa từng thấy, nhắm vào chiến dịch vận động tranh cử của ông ta, vào chính ông ta, và vào chính phủ của ông ta trong suốt hai năm qua. Và, cuộc tấn công ác liệt của TTDC đã bị phản ứng ngược của quần chúng. Dân Mỹ ngày nay chán ghét TTDC cũng gần như TTDC thù ghét ghét ông Trump vậy. Gậy ông đập lưng ông!
Trong khi đó, TT Trump đã tiếp tục duy trì đầy kho vũ khí để chống trả những kẻ thù trong giới báo chí. Ông ta có một bộ tham mưu can trường, không bao giờ sợ hãi. Ông ta có mối quan hệ tốt đẹp với một nhúm cơ quan ngôn luận đầy quyền lực hậu thuẫn mình. Ông ta qua mặt TTDC với chiến thuật “tweet” và truyền thông mạng làm việc suốt ngày đêm.
Nhưng, có lẽ quan trọng hơn cả, ông Trump là một người làm ra tin tức bất khả kháng và một bậc thầy trong việc tạo ra một đòn phản công khôn khéo, ông ta vừa chọc giận vừa lôi cuốn các nhà báo tấn công mình vào một cuộc tranh cãi lẫn nhau rồi cấp tốc tạo ra một câu chuyện để trả đòn.
Nhưng chưa hết, ông Trump tiếp tục cho phổ biến những thăm dò công luận nghiêm chỉnh của chính mình mà bản mới nhất là một tập họp gồm 27 câu hỏi được ông diễn tả là một “Thăm dò về trách nhiệm của TTDC để cho giới truyền thông thấy rằng dân Mỹ đã chán ngấy với bộ máy chuyên sản xuất tin bịa đặt”.
TTDC rất tức giận về việc TT Trump liên tục kêu ca “fake news” và ông thường phóng đại, gọi những nhà báo đi theo con đường ấy là “những kẻ thù của dân Mỹ”.
Nhiều ký giả đã so sánh ông Trump với những tên đồ tể độc tài như Stalin và Hitler vì ông ta cũng thù ghét báo chí như mấy bạo chúa cộng sản và tên trùm Quốc Xã Đức.
Victor Davis Hanson, một sử gia của Viện Hoover tại Đại Học Stanford, trong một bài đăng trên trang “Commentary” Nhật báo The Washington Times ra ngày 9.8.2018 đã viết như sau:
Có lẽ ông Trump đã hơi thô lỗ với các ký giả, nhưng giới báo chí cũng không hẳn là vô tội. Họ đã tự đem nhiều hù dọa hiện nay đến cho chính họ trong những phương cách khác nhau.
Giới truyền thông dường như không mấy quan tâm tới những tường trình thiên lệch của họ dù rằng thăm dò dư luận cho thấy đại đa số dân Mỹ tin rằng giới truyền thông loan tin bịa đặt một cách cố ý.
Thật vậy, “fake news” không phải là một phóng đại của Trump. Mặc dù có tường trình rằng ông Trump đã dẹp bỏ bức tượng Martin Luther King trên kệ trong Văn phòng Bầu dục Tòa Bạch Ốc, sự thật là bức tượng vẫn còn đó. Điều trần của cựu Giám đốc FBI James Comey tiết lộ nhân viên cao cấp trong ban vận động tranh cử của ông Trump không tham khảo với “các viên chức tình báo cấp cao Nga”, như The New York Times đã loan tin.
Trong cuộc phỏng vấn của NBC, Vladimir Putin bác bỏ có tin tức về sự điều đình với ông Trump, khi trước đó chính NBC đã loan tin ông Putin đã không chối bỏ có tin tức như vậy.
Mặc dù có những tường trình cuồng nhiệt rằng trong cuộc điều trần trước Quốc hội, ông Comey sẽ phản bác tuyên bố của ông Trump rằng ông Comey đã cam kết với ông ta là ông ta không đang bị điều tra, trái lại, ông Comey đã xác nhận câu chuyện do ông Trump đưa ra.
Bản danh sách những tin bịa đặt còn dài. Nhận xét chung là dù chúng chỉ là những lăng mạ bừa bãi, chúng được nhiều người xem như có mục đích cao hơn là nhằm truất quyền tổng thống của ông Trump.
Duyệt lại những bài báo về 100 ngày đầu tiên nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, Trung Tâm Shorenstein chuyên về Truyền thông, Chính trị và Chính sách Công cộng thuộc Trường Harvard Kennedy đã cho thấy những tin tức với một luận điệu rõ rệt, 80 phần trăm của các câu chuyện về ông Trump mang tính tiêu cực, 20 phần trăm tích cực.
Những nhà báo xếp hạng từ Christiane Amanpour tới Jorge Ramos tới Jim Rutenberg đã cãi rằng những luật lệ về sự tường trình trung thực không còn cần thiết phải áp dụng khi nói về ông Trump…
Các ký‎ giả thường xuyên lăng mạ ông tổng thống với sự thô bạo tối đa mà họ có thể làm. Julia Ioffe của Politico đã đưa tin rằng ông Trump có thể đã loạn luân với cô con gái của ông ta.
Anderson Cooper của CNN đã buộc phải xin lỗi sau khi anh ta tấn công thô bạo một nhân vật ủng hộ ông Trump.
Dạ tiệc của Hiệp hội Phái viên báo chí Tòa Bạch Ốc năm nay đã biến thành một đại hội ghét Trump, khi người chủ tiệc Michelle Wolf đã đứng ra vung vít xỉ vả ông tổng thống. Cô ta còn chế giễu dung nhan của Bộ trưởng Báo chí Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders. (ngưng trích).
Vậy mà vừa mới đây, quyết định của 350 tờ báo  đã khiến nhiều người ngạc nhiên.

Do sự đề xướng và vận động của Ký‎ giả Marjorie Pritchard, chủ bút trang “op-ed” của Nhật báo Boston Globe, 350 tờ báo Mỹ đồng ý đăng một bài xã luận với đề tài giống nhau trên số báo ra ngày 16.8.2018, phản đối ông Trump đã gọi báo chí là “kẻ thù của nhân dân” (Mỹ) và báo động về việc ông tổng thống đã không ngừng tấn công báo chí.
The New York Times, The Dallas Morning News và The Denver Post là những tờ báo lớn đã gia nhập trận chiến, bên cạnh những tuần báo với số ấn hành là 4,000 tờ.
Cô Pritchard nói với hãng tin AP: “Tôi hy vọng việc này sẽ giúp độc giả thấy một cuộc tấn công vào Tu Chính án thứ nhất nhìn nhận quyền tự do ngôn luận của mọi người là không thể chấp nhận. Chúng tôi là báo chí độc lập, tự do, đây là một trong những nguyên tắc thiêng liêng nhất ghi trong Hiến Pháp.”
Nhưng Ký‎ giả James Freeman, phụ tá chủ bút trang quan điểm của tờ The Wall Street Journal, không đồng ý với Pritchard, và đã viết như sau:
Tu Chính Án số 1 không nói rằng chính quyền không thể chỉ trích báo chí. Ông Trump được hưởng tự do ngôn luận cũng như giới truyền thông thù địch ông ta. Lại nữa, Tu Chính Án số 1 ngăn cấm chính quyền vi phạm quyền của người Mỹ được nói và được xuất bản.”
Wall Street Journal là một trong những tờ báo lớn đã không gia nhập trận chiến xã luận do cô Pritchard cầm đầu..Cuộc chiến tranh giữa TT Trump và TTDC đã leo thang, đồng thời cũng xuống thấp tới một mức độ mới.
Trong làng báo Việt ngữ tại Mỹ, các nhà báo ta cũng chia hai phe. Phe chống Trump thì hầu như chỉ lặp lại những gì của TTDC và có vẻ chống Trump còn hăng hơn TTDC. Phe ủng hộ Trump có “sáng tạo” và lý luận hơn, như đoạn dưới đây, trích từ một bài của ông Vũ Linh ngày 19.8.2018:
Người ta có cảm tưởng truyền thông đang ngồi lại cùng nhau, tổ chức lại thành một tổ chức đối lập, phối hợp chặt chẽ mọi hoạt động chống TT Trump và phe bảo thủ, hiển nhiên không còn là những nguồn tin độc lập trung thực gì nữa. Theo ý kiến kẻ này, có lẽ họ nên thành lập đảng mới, gọi là ‘Đảng Truyền Thông Chống Trump’? Nghe tên có vẻ quái lạ, nhưng đúng là chủ trương tối hậu của đảng này, phải không? Ít ra thì cái đảng này cũng có tôn chỉ rõ ràng và có can đảm dám nhận những gì mình thực sự muốn làm.
Câu hỏi cho TTDC: quý vị không chấp nhận việc TT Trump tấn công báo chí, nhưng lại tự cho mình quyền tha hồ tấn công TT Trump vô giới hạn? Như vậy gọi là công bằng? Hay là gì khác? Khi hơn 90% tin và bình luận nhằm đánh TT Trump thì sao dám ngang nhiên đòi không cho TT Trump trả lời? Nên ghi nhận TT Trump chưa đóng cửa bất cứ báo hay đài nào, chỉ là phản ứng, đánh lại thôi, tại sao lại không được cái quyền đó? Cụ tỵ nạn nào giải thích giùm, kẻ này đa tạ.
Trong các chế độ độc tài, chính quyền tự cho mình quyền bịt miệng báo chí, để chính quyền muốn nói gì thì nói. Trong chế độ dân chủ kiểu Mỹ, báo chí tự cho mình quyền xỉ vả chính quyền, muốn chửi gì thì chửi nhân danh tự do ngôn luận, nhưng chính quyền không được phép có phản ứng sao? Thế thì dân chủ kiểu Mỹ có gì hay ho? (hết trích)
“Hay ho” chứ!
Không hay sao TTDC đã có thể làm Mỹ “tháo chạy” khỏi Việt Nam, và khai tử VNCH khiến hàng triệu người dân miền Nam VN đã phải bỏ nước đi tìm tự do, và nay lại nghe lời TTDC?
Ký Thiệt


No comments:

Post a Comment