Tuesday, August 28, 2018

‘Các lãnh đạo Việt Nam cần học tập TNS John McCain’


‘Các lãnh đạo Việt Nam cần học tập TNS John McCain’
28/08/2018
Những người Việt Nam từng gặp Thượng Nghị sĩ John McCain chia sẻ với VOA về tình cảm trân trọng của họ dành cho nhà lãnh đạo Quốc hội Hoa Kỳ vừa qua đời, người để lại một di sản lớn trong mối quan hệ giữa hai nước cựu thù.
Tấm gương cho lãnh đạo Việt Nam
Bà Lê Thu Hà, một phụ nữ ở Hà Nội, có dịp gặp Thượng Nghị sĩ John McCain cách nay mười mấy năm, nói với VOA rằng ông là nhân cách đáng trân trọng mà các lãnh đạo Việt Nam cần học tập.
“Ngài thượng nghị sĩ mà tôi từng gặp tại thủ đô Hà Nội đã ra đi rồi. Tôi rất ấn tượng khi trong những cuộc tranh luận tại thượng nghị viện Mỹ, ông thúc bách chính phủ Mỹ hãy thiết lập mối quan hệ với Việt Nam và gạt bỏ những đau thương trong chiến tranh. Tôi rất ngưỡng mộ vì ông, một cựu tù binh tại Hỏa Lò Hà Nội, lại là người đi đầu trong việc gạt bỏ những đau thương này. Tôi nghĩ chính phủ Việt Nam cần phải học ở ông John McCain. Những người cầm quyền, những vị lãnh đạo ở Hà Nội cần phải nhìn vào tính cách của ông John McCain mà học tập.”
Tôi nghĩ chính phủ Việt Nam cần phải học ở ông John McCain. Những người cầm quyền, những vị lãnh đạo ở Hà Nội cần phải nhìn vào tính cách của ông John McCain mà học tập.
Bà Lê Thu Hà ở Hà Nội
Cựu nữ cử nhân khoa tiếng Anh ở Hà Nội vẫn còn nhớ lời của Thượng nghị sĩ Mỹ khi ông mong ước người Việt Nam hãy vượt trên các “khuôn khổ hạn hẹp” mà tiến xa hơn về phía trước:
“Ông muốn người Việt Nam dùng sức lực và tâm quyết của mình vượt lên trên các khuôn khổ hạn hẹp để phấn đấu đi lên bằng trí tuệ, học hành.”
Ủng hộ giới tranh đấu
Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân, đã đôi lần gặp ông John McCain, chia sẻ rằng ngài thượng nghị sĩ Hoa Kỳ là một người đầy bao dung, quan tâm đến từng cá nhân cụ thể:
“Ông ấy là một người tuyệt vời. Ông John McCain không chỉ quan tâm đến những vấn đề lớn, tầm quốc gia, mà còn quan tâm đến những con người cụ thể, trao đổi cụ thể đối với chính phủ Việt Nam.
“Cá nhân tôi là một bằng chứng rất rõ ràng. Khi tôi bị bắt thì ông lên tiếng, và ông lên tiếng với từng điều khoản cụ thể với phía Việt Nam. Và cuối cùng là tôi được trả tự do.
“Có lần tôi đến thăm ông về thì tôi bị đánh. Tôi kể câu chuyện đó cho ông và ông bảo Việt Nam phải tiến hành một cách rõ ràng để sự việc đó không bị lặp lại. Tôi nghĩ ông John McCain quan tâm đến từng người một và đầy lòng nhân hậu, bao dung và có tầm nhìn chiến lược.”
Vào cuối tháng 5/2017, ông John McCain cùng các nhà lập pháp thuộc Ủy ban Quân vụ Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ đã thăm Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng, và đồng thời, khẳng định lập trường bênh vực nhân quyền.
Thượng nghị sĩ bang Azrizon đã nhiều lần đến thăm Hà Nội, nơi ông từng bị giam cầm từ năm 1967 đến 1973 trong chiến tranh Việt Nam.
Từ Đức, luật sư Nguyễn Văn Đài kể lại những lần thượng nghị sĩ Mỹ lên tiếng ủng hộ cho các nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam
“Vào năm 2007, khi Chủ tịch Nguyễn Minh Triết thăm Hoa Kỳ, chính quyền Việt Nam có bắt một số người bất đồng chính kiến như tôi, luật sư Lê Quốc Quân, và một số người khác. Ông John McCain đã gây áp lực rất là mạnh lên chuyến thăm của ông Nguyễn Minh Triết, buộc nhà cầm quyền phải trả tự do cho ông Lê Quốc Quân, ông Nguyễn Vũ Bình. Sau này, các vụ đàn áp, bắt giữ các blogger, các nhà hoạt động, những người bất đồng chính kiến xảy ra ở Việt Nam thì lần nào ông John McCain cũng lên tiếng rất mạnh và kêu cầu Việt Nam trả tự do cho họ ngay lập tức.”
Lên tiếng trước Trung Quốc
Luật sư Lê Quốc Quân nhận định những đóng góp to lớn của ông John McCain trong việc tạo ra sự e dè từ phía Trung Quốc đối với Việt Nam.
“Tôi cho rằng ông John McCain có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đóng góp cho quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, không chỉ là các nạn nhân của chiến tranh, nạn bách hại, mà còn đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của Việt Nam nói chung. Đặc biệt đóng góp quan trọng nhất là nỗ lực của ông để Việt Nam có mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ, mua sắm được một số trang thiết bị nhằm tự chủ tự cường trước sự xâm lấn của Trung Quốc. Chính ông đã tạo ra một cảm giác e dè nào đó từ phía Trung Quốc đối với Việt Nam.”
Chính ông đã tạo ra một cảm giác e dè nào đó từ phía Trung Quốc đối với Việt Nam.
Luật sư Lê Quốc Quân
Trong sự nghiệp hơn 30 năm làm nghị sĩ Mỹ, ông John McCain, người có lập trường rất cứng rắn với Bắc Kinh, đã nhiều lần gọi Trung Quốc là “kẻ bắt nạt.”
Ông John McCain ủng hộ mạnh mẽ chủ trương hải quân Mỹ tiến hành thường xuyên tuần tra tự do hàng hải, đặc biệt là chiến hạm Mỹ đi vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp, cải tạo trái phép trên biển Đông, nơi có tranh chấp với Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Đài nhận định:
Tôi đánh giá rằng ông John McCain là một trong những người có sự quan tâm và lo lắng nhất đối với chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Văn Đài
“Tôi đánh giá rằng ông John McCain là một trong những người có sự quan tâm và lo lắng nhất đối với chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Việc ông ra đi là một sự mất mát to lớn không chỉ đối với gia đình ông, Quốc hội, nhân dân Hoa Kỳ, mà đó là sự mất mát một người bạn rất lớn đối với nhân dân Việt Nam, đặc biệt đối với những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.”
Góc khuất Truyền thông
Đài truyền hình Việt Nam VTC dẫn lời nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết ông John McCain chính là người tiên phong trong “ngoại giao cựu chiến binh,” góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ sau chiến tranh.
Các nhà quan sát nói truyền thông trong nước ca ngợi những công lao to lớn của Thượng nghị sĩ Mỹ trong mối quan hệ Việt – Mỹ, nhưng dường như không nhắc đến những năm tháng ông bị giam cầm và tra tấn tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.
Ông Lê Quốc Quân nói:
Những câu chuyện ngày xưa đối xử tệ đối với ông John McCain thì cũng không đưa lên báo chí được, ví dụ hồi ký của John McCain kể rất rõ là ông đã bị đánh liên tục, bị tra trấn, nhục mạ.
Luật sư Lê Quốc Quân
“Tôi nghĩ Hà Nội đã nghe theo lời của ông John McCain trong nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, một chế độ độc tài có những vi phạm nhân quyền rõ ràng thì họ không thể đưa những ý kiến của ông John McCain về những vi phạm của mình.
“Những câu chuyện ngày xưa đối xử tệ đối với ông John McCain thì cũng không đưa lên báo chí được, ví dụ hồi ký của John McCain kể rất rõ là ông đã bị đánh liên tục, bị tra trấn, nhục mạ…. Nhưng sau đó họ đối xử tử tế, rất tốt, đó là lúc rất nhiều máy ảnh giương lên, phóng viên báo chí đến… đó là câu chuyện truyên truyền…”
Luật sư Trịnh Hữu Long viết trên Facebook hôm 27/8 rằng có ít nhất 3 điều mà chính quyền Việt Nam và và báo chí chính thống không muốn đề cập là: ông John McCain cáo buộc chính quyền Việt Nam tra tấn ông trong trại giam; bảo trợ cho một chương trình tị nạn cho người Việt Nam, trong đó cho phép con cái đã trưởng thành của những cựu sĩ quan Việt Nam Cộng hoà bị đi học tập cải tạo sau năm 1975 được đi định cư ở Mỹ; và việc ông thường xuyên gặp các nhà hoạt động dân chủ Việt Nam.
Tuy nhiên, Luật sư Quân cho biết chính quyền Việt Nam dường như hiểu được tấm lòng nhân ái và lòng yêu mến đất nước Việt Nam của ông McCain.
“Tôi nghĩ rằng chính quyền Việt Nam hiểu ông, và hiểu những đóng góp của ông cho đất nước, và ông có lòng nhân ái thực sự, và yêu mến đất nước Việt Nam.”

No comments:

Post a Comment