Trường
hợp Malaysia
Nguyễn Xuân Nghĩa
2018-08-29
2018-08-29
Lên lãnh đạo xứ
Malaysia lần thứ nhì ở tuổi 93, Thủ tướng Mohamad Mahathir vừa thăm viếng Trung
Quốc trong bốn ngày và đã đưa ra nhiều quyết định mới trong quan hệ với Bắc
Kinh. Chúng ta có thể rút tỉa những bài học gì từ trường hợp của Malasyia, Diễn
đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu sau đây...
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam
xin chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, Thủ tướng Mohamad
Mahathir của Malaysia vừa thăm viếng Trung Quốc trong bốn ngày và sau khi lên
cầm quyền lần thứ nhì ở tuổi 93, ông đã lấy nhiều quyết định gây chú ý trong dư
luận các nước Đông Nam Á. Diễn đàn Kinh tế kỳ này sẽ tìm hiểu về trường hợp của
Malaysia và thính giả của chúng ta có thể tự hỏi xem Việt Nam có thể rút tỉa
được những bài học gì... Nguyên Lam xin kính mời ông bắt đầu.
Đất nước Mã Lai và bác sĩ Mahathir
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Malaysia quả thật là trường hợp đặc
biệt ta nên tìm hiểu. Trước hết, về địa dư thì xứ này có hình thể lạ kỳ là lãnh
thổ bị chia hai trên vùng biển Đông Nam Á. Tại hướng Tây là khu vực bán đảo
tiếp giáp với Thái Lan và tiếp cận với Singapore cùng Indonesia và eo biển
Malacca dài gần 900 cây số. Tại hướng Đông là mạn Bắc của Hải đảo Bornéo, tiếp
giáp với hai xứ Brunei và Indonesia và tiếp cận với Philippines. Với diện tích
bằng Việt Nam mà dân số chỉ chừng một phần ba, người dân xứ này có lợi tức bình
quân một đầu người cao hơn bốn lần lợi tức của dân Việt Nam.
Vào Tháng Sáu vừa qua,
ông Mahathir nói về kinh nghiệm của Trung Quốc khi triều Mãn Thanh khi phải ký
kết các “hiệp ước thiếu cân đối”, vì là một nước lạc hậu vì các cường quốc chèn
ép từ giữa thế kỷ 19 tới đầu thế kỷ 20. Lời phát biểu đó cảnh bảo các nước đang
phát triển hoặc chưa mở mang và nay bị một cường quốc chèn ép chính là Trung
Quốc.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Về lịch sử, Malaysia
giành được độc tập từ Đế quốc Anh cách nay 71 năm, vào ngày 31 Tháng Tám năm
1957, sau đó cũng gặp hiểm họa cộng sản như nhiều nước Đông Nam Á khác mà lại
thoát và khởi sự hiện đại hóa từ sau thập niên 60 của thế kỷ trước. Về chính
trị, Malaysia là nước quân chủ lập hiến, là có một ông vua làm quốc trưởng, mà
theo thể chế dân chủ đại nghị, với Thủ tướng là người lãnh đạo đảng đa số, kết
hợp ba sắc tộc chính gồm hơn hai phần ba là người Mã Lai Đa Đảo, họ gọi là
“bumiputera” theo Hồi giáo, một phần tư là người gốc Hoa và dân gốc Ấn thì có
chừng 7%. Bài học đầu tiên ta nên chú ý là Malaysia vẫn cố gắng xây dựng nền
dân chủ và thực tế thì đã tiến xa hơn Việt Nam.
Nguyên Lam: Nguyên Lam thấy rằng lãnh đạo một quốc
gia khá đa diện và phức tạp như vậy có lẽ không dễ, ông nghĩ thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta bước qua phần hai và nói đến
nhân vật thời sự là Bác sĩ Mahathir. Là người thuộc sắc tộc Mã Lai, ông có ý
thức quốc gia hơn ý thức giai cấp hay sắc tộc, và hoạt động chính trị từ năm
1964, ở tuổi 39, ông góp phần vào việc hiện đại hóa một quốc gia nông nghiệp đa
chủng tộc thành một nước công nghiệp. Lãnh đạo một đảng chính trị chiếm đa số
khá lâu, ông làm Thủ tướng gần 22 năm, từ năm 1981 đến 2003 và coi như về hưu
khi gần 80 tuổi.
- Mười năm sau khi làm
Thủ tướng, vào năm 1991, ông phát động một kế hoạch gọi là Viễn ảnh 2020 để xây
dựng một nền móng kinh tế, xã hội, chính trị và giáo dục cho một nước công
nghiệp hóa hiện đại. Khi ấy, ông chủ trương hợp tác với kinh tế Trung Quốc để
tìm lực đẩy cho quốc gia. Ngày nay, ông Mahathir xuất hiện trở lại và lập ra
một đảng khác khi thấy quốc gia sa sút và chính trị bị tham nhũng đục khoét,
đối ngoại thì bị Trung Quốc lũng đoạn.
- Sau khi thắng cử,
ông xin quốc vương ân xá một đối thủ chính trị năm xưa là ông Anwar Ibrahim, để
ông này có thể kế nhiệm mình trong vài ba năm tới. Trong lần nhậm chức Thủ
tướng trước đây, ông cũng rút tỉa được nhiều bài học về sai lầm và nhất là kinh
nghiệm từ vụ khủng hoảng Đông Á vào năm 1997.
Nguyên Lam: Chuẩn bị cho chương trình tuần này,
Nguyên Lam cũng nhớ rằng ngay từ năm 1997, ông đã phân tích những nguyên
nhân khủng hoảng tại Đông Á và trường hợp của Malaysia vào thời đó. Ngày nay,
ông cho rằng Thủ tướng Mahathir nghĩ sao và muốn làm gì?
Thủ tướng Mahathir, suy nghĩ và hành động
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thời ấy, ông Mahathir đổ lỗi cho giới
đầu tư Tây phương mà thật ra không thấy nhiều sai lầm của các quốc gia đang
phát triển. Ngày nay, có lẽ ông đã hiểu rằng muốn phát triển với tốc độ tăng
trưởng cao và bền vững, các nước kém mở mang cần một chiến lược kinh tế có thể
cân bằng các lực đẩy như đầu tư của công quyền và tư doanh được tài trợ bằng nỗ
lực tiết kiệm thay vì trông cậy vào bội chi ngân sách và vay mượn nước ngoài.
Hai mối nguy của vay mượn là đô la Mỹ hay tiền tài trợ của Trung Quốc. Đô la Mỹ
có thể lên giá làm kinh tế khủng hoảng và tiền bạc của Trung Quốc sẽ làm chính
trị của quốc gia sụp đổ. Có lẽ chúng ta nên nhìn vào một bối cảnh lâu dài thì
mới phần nào hiểu ra chủ trương của ông Mahathir.
Nguyên Lam: Xin đề nghị ông nhắc lại về bối cảnh lâu
dài đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vốn nghi ngờ các nước Tây phương vì
chủ nghĩa thực dân, ông Mahathir hoạt động chính trị khi Trung Quốc lâm khủng
hoảng vì cuộc Cách mạng Văn hóa Vô sản Vĩ đại của Mao Trạch Đông và tính chất
cực đoan hoang tưởng của chủ nghĩa cộng sản. Nhưng lên cầm quyền sau khi Đặng
Tiểu Bình tiến hành cải cách kinh tế và tạo ra thời kỳ tăng trưởng chưa từng
thấy tại Trung Quốc nên có lẽ Mahathir cũng đã học hỏi nhiều, nhất là sau khi
phát động kế hoạch năm năm lần thứ sáu gọi là “Viễn ảnh 2020” vào năm 1991 mà
tôi nói ở trên. Ngày nay, Viễn ảnh 2020 đó đã thất bại vì năng suất sút giảm,
ngân sách bị bội chi, và tham nhũng lây lan lại còn dẫn tới sự lệ thuộc vào
Trung Quốc.
- Bây giờ, khi Tập Cận
Bình tập trung quyền lực tại Trung Quốc và có chính sách bành trướng cả an ninh
lẫn kinh tế qua kế hoạch “Nhất Đới Nhất Lộ, Thủ tướng Malaysia đang ngẫm nghĩ
về số phận của một nước Đông Nam Á nằm trên con đường bành trướng của Bắc Kinh.
Từ trường hợp Malaysia, chúng ta đang chứng kiến một thay đổi lớn trong khu
vực....
Nguyên Lam: Từ một người đã làm Thủ tướng trong hơn
hai chục năm và ngày nay vẫn ra lãnh đạo xứ sở khi đã hơn chín mươi tuổi, chắc
hẳn rằng ông Mahathir có nhiều kinh nhiệm xử trí như ông Nghĩa vừa tóm lược ở
trên. Thưa ông, riêng với Trung Quốc thì ông Mahathir nghĩ sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đầu tiên, mới lên làm Thủ tướng, ông
Mahathir đã lấy quyết định cải sửa những sai lầm và tai hại của hai Chính quyền
trước, nhất là tình trạng tham nhũng và cấu kết khi cầm quyền quá lâu làm xứ sở
bị thế lực tiền tài của Trung Quốc khuynh đảo. Phản ứng của nước Úc và New
Zealand lẫn Philippines về sự lũng đoạn của Trung Quốc cũng có nét tương tự.
- Sau khi nhậm chức,
ông Mahathir chuẩn bị thoát khỏi ảnh hưởng tai hại của Bắc Kinh qua nhiều quyết
định liên hệ đến các dự án xây dựng hạ tầng của Trung Quốc trong kế hoạch Nhất
Đới Nhất Lộ. Ông đưa ra một phát biểu có tính chất cảnh báo cả Bắc Kinh lẫn các
nước đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á.
Nguyên Lam: Theo dõi sự tình từ lâu, xin đề nghị
ông nói tới lời phát biểu có tính chất cảnh báo đó của Thủ tướng
Malaysia.
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Vào Tháng Sáu vừa
qua, ông Mahathir nói về kinh nghiệm của Trung Quốc khi triều Mãn Thanh khi
phải ký kết các “hiệp ước thiếu cân đối”, vì là một nước lạc hậu vì các cường
quốc chèn ép từ giữa thế kỷ 19 tới đầu thế kỷ 20. Lời phát biểu đó cảnh bảo các
nước đang phát triển hoặc chưa mở mang và nay bị một cường quốc chèn ép chính
là Trung Quốc.
- Đấy là nguyên nhân
ông hủy bỏ một số dự án trị giá tới 23 tỷ đô la do chính quyền tiền nhiệm ký
kết với Bắc Kinh. Tuần qua, trong cuộc họp báo bên Tổng lý Quốc vụ viện của
Trung Quốc là Thủ tướng Lý Khắc Cường, Thủ tướng Malaysia còn từ chối tái xét
các dự án đó và nói đến một hiện tượng “thực dân” mới trong khu vực. Tôi chưa
thấy lãnh tụ nào tại Đông Nam Á nói thẳng như vậy!
- Nhưng trong chuyến
thăm viếng Trung Quốc vừa rồi, ông Mahathir vẫn xúc tiến một số hợp đồng kinh
tế có lợi cho Malaysia chứ không đứng hẳn vào chủ trương chống Tầu. Nghĩa là dù
có tiền và có súng, Bắc Kinh vẫn cần mua chuộc các nước đang phát triển chứ
không dễ gì tự tung tự tác.
- Chúng ta không quên
xứ Malaysia nằm trên con đường hàng hải chiến lược vì chuyên chở tới 80% lượng
dầu thô nhập vào Trung Quốc và khoảng 50% số hàng xuất khẩu của Bắc Kinh. Nay
lãnh tụ của Malaysia không muốn xứ sở là chư hầu của Trung Quốc hay nằm trong
sổ lương của Bắc Kinh. Nhờ có bầu cử dân chủ, ý nguyện của người dân đã được
thể hiện: Thủ tướng trước thì vào tù vì tham nhũng, thủ tướng vừa lên cầm quyền
thì có thái độ cứng rắn hơn với Bắc Kinh.
Nguyên Lam: Nếu nhìn như vậy thì Malaysia nằm trên
bậc thềm của Con Đường Tơ Luạ trên biển và Việt Nam lại nằm ngay tại một cửa
biển của Trung Quốc. Hai quốc gia này có hoàn cảnh địa dư gần như tương tự mà
vì sao lại có hai lập trường hơi khác biệt thưa ông?
Khác biệt giữa Việt Nam và Malaysia
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vì lý do lịch sử hơn địa dư, thế thôi!
Nôm na là vì Malasyia thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản trên con đường giành lại
độc lập. Kết hợp cả hai lý do thì trong khi lãnh đạo Malaysia xét lại toàn bộ
bước tiến của Trung Quốc thì lãnh đạo Hà Nội lại muốn mở cửa Vân Đồn và mời
chào Trung Quốc vào Phú Quốc!
- Nói về Malasyia, Thủ
tướng Mahathir cho hủy bỏ hai dự án thiết lộ nối liền Con Minh từ tỉnh Vân Nam
qua Lào và Thái tới hai bờ biển Tây và Đông của Malaysia, dù đã mất năm tỷ đô
la xây dựng được một đoạn khá dài. Ngoài ra còn các dự án khác cũng đã bị hủy,
như hai ống dẫn khí, và nhất là dự án địa ốc vĩ đại là Forest City cũng vừa bị
cấm không cho ngoại quốc bỏ tiền vào đầu tư. Kinh nghiệm của Thủ tướng cũ đang
ngồi tù là ông Najib Razak cho thấy là càng tham nhũng thì xứ sở lại càng lệ
thuộc vào đồng tiền của Bắc Kinh, là điều khởi sự từ năm 2015.
Nguyên Lam: Câu chuyện về Malaysia quả thật là hấp
dẫn, nhưng thời lượng có hạn nên chúng ta vẫn phải tổng kết. Thưa ông, ông kết
luận thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng ta mới chỉ có thể sơ kết
thôi. Một số quốc gia trên con đường bành trướng của Bắc Kinh, như Pakistan,
Sri Lanka, đều đang xét lại cái giá của kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ. Malaysia thì
có vẻ quyết liệt nhất.
- Thứ hai, Thủ tướng
Mahathir không muốn xứ sở trở thành một tiền đồn chống Trung Quốc làm gì, nhưng
đang tìm một con đường an toàn hơn cho xứ sở. Chẳng phải ngẫu nhiên, từ khi
nhậm chức, ông đã hai lần gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Có lẽ ông tìm sự
cân bằng của các cường quốc để xứ sở khỏi bị một cường quốc bá quyền là Trung
Quốc ngày nay thôn tính ngay từ bên trong. Vẫn còn quá sớm để nói về chủ thuyết
Mahathir, có khi ta phải đợi ngày ông Anwat Ibrahim lên lãnh đạo, nhưng bài học
quan trọng nhất vẫn là nền dân chủ cho phép người ta sửa sai.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng
Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn tuần này.
No comments:
Post a Comment