GẶP GỠ Ở LƯNG ĐÈO
Vũ Thư Hiên
Thời gian trôi, chớp mắt đã quá nửa thế kỷ. Không thể níu kéo
nó, không thể bắt nó dừng. Nó đi rồi là hết, may chăng còn rớt lại cái bóng.Tôi
có giữ lại một cái bóng có thể bổ sung cho tiểu sử một con người đáng nhớ.
Người ấy có thể là người quen của bạn, người ấy có thể không xa lạ với bạn,
biết đâu đấy.
Chuyện là thế này.
Cuộc kháng chiến đã vào năm thứ tư. Con đường hàng tỉnh từ Tuyên
Quang đi Thái Nguyên vốn hẹp không có ô tô qua lại còn trở nên hẹp hơn nữa.
Những bụi cây lúp xúp tràn ra mặt đường. Cỏ gà, cỏ mần trầu mọc thành bụi ở
những ổ gà. Ở đôi chỗ hoa lau loà xoà quệt vào mặt khách bộ hành.
Ba lô trên vai, tôi cắm cúi đi. Một mình. Nắng chói chang. Đường
vắng ngắt, không bóng người. Thỉnh thoảng lắm mới thấy một chiếc xe đạp lọc cọc
vượt qua. Đang đi bỗng dưng tôi thấy người ngây ngấy sốt. Trong người cảm giác
rét tăng dần. Sốt rét rồi! Cái thứ bệnh tai quái không đến khi mình còn ở cơ
quan tĩnh tại hoặc ở một trạm chờ nào đó, khốn nạn thế, lại nhằm lúc mình đang trên
đường, không còn gì tệ hơn. Tôi sốt đùng đùng và rét run cầm cập. Thứ ánh sáng
tàn nhẫn của nắng quái thiêu đốt tất tần tật mọi thứ nó đụng tới. Những bụi rậm
ven đường rũ xuống, lá nào lá ấy quắt queo. Đến lúc không còn chịu đựng được
nữa, tôi tạt ngang, lao bừa vào rừng qua những bụi rậm gai góc và dây leo chằng
chịt. Chỉ ở trong ấy, dưới những tán lá rậm của cây cao mới có chỗ trú khỏi cái
nắng chết người.
Sức trong người tôi cạn dần cùng với mỗi bước đi, cùng với mỗi
hơi thở nóng hổi, như thể nước trong thùng từng đợt ộc ra ngoài. Đi được vài
chục bước, tôi kiệt lực, gieo mình xuống thảm lá mục, cố lê đến một gốc cây
thấp, tựa vào nó mà thở hồng hộc. Hơi thở làm bỏng môi trên. Những dòng mồ hôi
lăn dài trên ngực. Áo quần chẳng mấy chốc đã ướt đẫm. Dù sao thì cuộc chạy trốn
khỏi con đường đá răm vắng ngắt phơi mình dưới ánh nắng kinh khủng ngoài kia
cũng ngừng được trong giây lát. Một con chim đỏ chót bay vút qua những bụi rậm
trước mắt tôi với một tiếng hót lanh lảnh làm tôi giật mình.
Tôi chợt hiểu: cái mà tôi đang chịu đựng không phải sốt rét
thường. Rất có thể nó là một cơn ác tính. Tôi đã biết sốt rét ác tính cái gì.
Nó thường đi kèm với cái chết. Tôi thì còn quá trẻ để chết. Không, tôi không
thể chết thế này.
Tôi gắng gượng đứng lên, lảo đảo lao trở lại con đường chói lòa.
Không thể dừng. Phải tiếp tục đi. Ngay lập tức. Bằng mọi giá, phải tới được
trạm quân y, tôi nhớ nó cách đấy không xa lắm.
2
Tiếng đàn làm tôi tỉnh giấc. Tôi nằm yên, lắng nghe những giọt
âm thanh thánh thót tan vào không gian im ắng. Nó thoáng hiện, thoáng mất,
nhưng không phải trong mơ. Giai điệu mơ hồ đưa tôi về quá khứ, nhắc tôi tới một
cái gì mang máng nhớ mà không sao nhớ ra. Choàng tấm chăn sui [1] lên vai, tôi đứng lên đi, những bước xiêu vẹo về phía có tiếng
nhạc.
Qua tấm liếp khép hờ ngăn với gian ngoài tôi thấy một người đàn
ông đang cúi xuống cây ghi ta Hạ Uy Di. Cảnh tượng làm tôi sững sờ – tôi không
nghĩ tới, không tưởng tượng nổi giữa rừng Việt Bắc thời chiến lại có người nhàn
tản chơi đàn như thế.
Tiếng đàn đột ngột tắt. Người đàn ông ngẩng lên. Rồi bật dậy,
sải bước về phía tôi, ngắm nghía tôi, đoạn buông một câu hỏi bất ngờ:
- Hà Nội hở?
Rất ngạc nhiên, nhưng tôi gật:
- Hà Nội.
Anh ta nhìn tôi chằm chằm, đặt tay lên trán tôi, rồi cười lớn:
- Lạy Trời, cậu sống rồi!
3
Tôi không tới được trạm quân y. Hình ảnh cuối cùng mà tôi nhớ
được là một mái tranh lờ mờ trước mặt.Tỉnh lại, tôi thấy mình trong gian bếp
thấp tè, đen sì mồ hóng với bầu không khí đậm mùi khói lưu cữu. Người đàn ông
kéo tôi đến bên chõng, đặt tôi ngồi.
- Tốt rồi! – anh nắm tay tôi, nhìn sâu vào mắt tôi, lặp lại lần
nữa – Đã tưởng cậu không sống nổi.
Tôi nhìn anh. Dáng thanh mảnh, cao ráo, gương mặt thông minh,
đôi mắt sáng, đen láy, cái nhìn thẳng thắn. Tất cả gợi cảm giác tin cậy, thoải
mái. Cách xưng hô “cậu, tớ” ngay lập tức xoá nhoà ranh giới giữa tôi và người
lạ.
- Lúc khiêng cậu vào, mặt cậu tím ngắt, lay gọi thế nào cũng
không tỉnh. Tôi ấp úng lời cảm ơn.
- Vớ vẩn! – anh lắc đầu, cười hiền – Cảm ơn cái con khỉ. Cảm ơn
trời ấy.
Thì ra đây là người cứu tôi. Tôi chỉ nhớ khi quán nước hiện ra
lờ mờ trước mặt, thì trời đất bỗng nghiêng ngả rồi đổ sụp.
Anh đặt tay lên vai tôi:
– Cậu nằm đây vài ngày cho lại sức, mọi cái tính sau.
Nụ cười nói về con người nhiều hơn bất cứ ngôn ngữ nào. Qua nụ
cười ta có thể biết mọi thật giả, tốt xấu nơi người đối thoại. Nụ cười của anh
cho tôi niềm tin.
- Cậu người phố nào?
- Nhà Rượu, anh ạ.
- Ờ, Sergent Larrivet – anh nói, mắt mơ màng – Tớ cũng hay qua
đấy. Bên kia Nghĩa địa Tây có cái marbrerie
Cái xưởng đá với vô số bia mộ đẽo dở nằm ngổn ngang trong một
bãi rộng tràn cả ra ngoài đường là hình ảnh quen thuộc với tôi. Tôi thường đi
qua đây để ra phố Huế, nơi lũ trẻ chúng tôi đặt những nút bia lên đường tàu
điện, chúng sẽ bị bánh tàu điện ép phẳng lì thành một thứ tiền trong trò ăn
thua của trẻ con, gọi là xèng.Từ chỗ chúng tôi đang ngồi, Hà Nội xa tít tắp,
như ở một thế giới khác.
Anh đặt cây đàn sang một bên, bắt tôi nằm, rồi ngồi bên – Giữa
đường được gặp cậu, lại là người Hà Nội, tớ vui lắm. Tôi nằm, ngước nhìn anh.
Tôi gật.
Anh mơ màng:
- Mình hay đi Majestic. Cậu cũng hay xem ở đấy chứ?
Tôi lại gật.
Majestic nằm giữa phố Huế, là rạp cho tây đầm, cho nhà giàu, vé
đắt. Tôi mê xem phim, nhưng chỉ có thể xem phim ở rạp Moderne phố Hàng Quạt.
Giá hạng bét ở rạp này một hào rưỡi, nhưng khi buổi chiếu đã bắt đầu, cửa đã
khép, thì chỉ cần giúi vào tay ông gác cửa to béo có hàng ria mép rậm một hào
hoặc không đủ một hào là con người dễ tính liền gạt bức màn bằng vải thô nặng
nề đẩy tôi vào không gian mơ ước. Tôi thường được vào khi đã qua phần thời sự
hoặc phim chính bắt đầu chiếu. Phim nói tiếng Pháp nhưng đọc chương trình tóm
tắt có thể hiểu chuyện phim. Chúng tôi, những đứa trẻ mê xi-nê, đứa nào cũng
tích được một tập chương trình. Chúng tôi thuộc tên các diễn viên, ngày ấy gọi
là tài tử - Clark Gable, Cary Grant, Gary Cooper…
- Phim cuối cùng cậu xem là phim nào?
- Bạch Tuyết và bảy chú lùn, anh ạ.
Tôi không thể cậu tớ với người hơn mình nhiều tuổi.
Bạch Tuyết và bảy chú lùn không được chiếu ở các rạp rẻ tiền.
Tôi phải hy sinh vài buổi xem ở rạp Moderne để được ngồi ghế hạng bét ở
Majestic.
- Thích chứ?
- Thích.
- Còn mình thì thích Pinoccio.
Mắt anh mờ đi.
Nỗi nhớ chung dắt chúng tôi về nơi đã trở thành dĩ vãng.
- Tớ có xem phim này. Charles Starett vai chính.
- Xem xong, sau buổi chiếu muộn - tôi mơ màng nhớ lại - khi
ngoài tiếng guốc gỗ khua trên vỉa hè đêm là tiếng huýt sáo bản nhạc trong phim
vừa xem.
Anh huýt sáo giai điệu tôi vừa nhắc:
- Tuyệt. Người Hà Nội rất có khiếu âm nhạc. Không thế thì làm
sao nhớ được một giai điệu vừa mới nghe.
4
Một cô gái xuất
hiện ở cửa quán. Ánh sáng ngược tạo ra một vầng hào quang trên mái tóc cô, nó
làm gương mặt cô chìm trong tối, trừ cặp mắt long lanh.
- Cô chủ quán –
anh ngừng nói, mắt tươi rói.
Nhìn thấy tôi,
cô gái reo lên mừng rỡ:
- Ối trời, anh
đã dậy được rồi kìa!
Cô đặt bàn tay
mềm và mát rượi lên trán tôi, cười khanh khách:
- A lúi, lúc ấy
trông anh kinh lắm. Mấy ngày rồi ấy nhỉ? Hôm nay là ngày thứ ba.
- Không có cô
ấy thì một mình tớ không tài nào tha nổi cậu đâu – anh nói – Cậu trông thế mà
nặng kinh.
Anh cười tươi,
mắt không rời cô gái.
- Như chết rồi
ấy – cô gái nói – Người chết nặng hơn người sống, các cụ bảo thế.
Nước da trắng
hồng, nụ cười phô hàm răng trắng đều đặn – một cô gái xinh. Thoạt nghe cô “a
lúi”, tôi nghĩ cô người Tầy, nhưng “may ơi là may” thì chỉ có người Kinh nói.
- Đang nằm xuội
anh bật dậy, răng nghiến chặt, bọt mép sùi ra, giãy giụa như lên cơn động kinh
– cô miêu tả tình cảnh của tôi - Hai anh em đè không nổi. Tôi nói xinh là không
đủ, hoặc sai.
Tôi đang ở cái
tuổi nhìn thấy cô gái nào cũng đẹp, không đẹp lắm thì cũng đẹp vừa. Trong bộ
quần áo xanh chàm, trông cô không khác những cô gái Tày. Cô có giọng liến
thoắng, rất trong, như hát. Anh cười theo cô, lắc đầu:
- Khiếp, lại
còn đái cả ra quần nữa chứ.
Tôi nhìn xuống.
Tôi đỏ bừng
mặt. Ai đã thay cho tôi? Người đàn ông nọ? Hay… cô gái?
Cái ba lô của
tôi nằm dưới chân chõng. Tôi kéo nó lại. Bộ quần áo cũ đã được giặt sạch nằm
trên cùng. Cái tôi quan tâm hơn hết là bó tài liệu bọc trong vải mưa tẩm nhựa
thông. Nó còn nguyên vẹn. Anh không để ý cử chỉ hấp tấp của tôi. Nếu nhận thấy,
anh sẽ giận vì nó chứng tỏ tôi không tin người đã cứu mình.
- Ca ác tính
này tớ đã gặp. Khó qua lắm – anh chậm rãi nói – Phải có Quinoform tiêm thẳng
vào ven mới xong. Ở cái chốn hẻo lánh này thì làm gì có nó. May sao, tớ còn
nhiều ký ninh. Mới hòa thật đặc cho cậu uống. Là còn nước còn tát, chứ chẳng hi
vọng gì.
- Cả một vốc
thuốc. Răng anh cắn chặt lắm – cô gái kể - hai người cậy mãi mới được. Anh vùng
vẫy, phun phì phì.- Tớ còn sợ làm cậu chết vì thuốc ấy – anh nghiêm nghị - Thôi
thì cứ liều, đổ đại cho cậu. Coi như còn nước còn tát.
5
Tôi không quên
từng chi tiết cuộc gặp gỡ bất ngờ. Nó hằn sâu trong trí nhớ bề bộn. Nó đúng là
như thế. Bắt đầu không phải cái gì khác, mà một câu hỏi:
- Hà Nội hở?
Làm sao anh có
thể thoáng qua đã nhận ra một nét Hà Nội trong tôi? Tôi không đặt câu hỏi ấy ra
với anh. Anh hỏi mà như khẳng định. Không khảo sát, không đánh giá.
Quán nước này
giống hệt mọi quán khác – một mái tranh nhỏ, tạm bợ, không chái, không vườn.
Những quán nước như thế nằm rải rác trên con đường hàng tỉnh với quãng cách
không thể nào biết trước, có thể vài cây số, có thể hơn. Chúng hiện ra bất ngờ
ở những khúc ngoặt, những ngả rẽ bên con đường ngoằn ngoèo hết lên lại xuống
giữa đồi núi chập chùng.
- Em phải chạy
ngay, mẹ em bảo. Đã có các anh ở đây rồi.
Tôi gặp mẹ cô
vài lần mấy ngày sau khi bà tạt qua quán – một người hết sức đồng bằng, chít
khăn mỏ quạ, thấp bé, nhanh nhẹn, ít nói, cười nhiều. Bà kể: khi làng bị Tây
càn, bà đắt con chạy theo gia đình một ông lái gỗ, vùng này ông quen khi còn
làm sơn tràng. Thời chiến, nghề buôn gỗ về xuôi không còn đất, ông dựng hai
ngôi nhà tạm cho hai gia đình. Đất rộng, hai nhà phát hoang trồng khoai trồng
sắn, nuôi gà, chạy chợ.
Trong gian
ngoài cái quán có cái chõng tre đã ngả màu cánh gián, trên đó có ấm nước vối
sứt vòi, mấy cái bát sành, vài nải chuối, mấy tấm bánh lá, mấy gói kẹo vừng,
kẹo lạc, vài phong thuốc lào - hàng hoá muôn thuở của bất cứ quán ven đường
nào. Sang hơn cả, được đặt trong một lọ thuỷ tinh không trong suốt là những cái
kẹo đen sì làm bằng đường thẻ, có tên là “kẹo đầu Tây”, vì chúng trông giống
những cái mũ sắt. Khi vắng chủ quán, khách vãng lai tự ăn tự uống, rồi tự bỏ
tiền vào một cái hộp bánh quy đã rỉ sét, không có nắp. Hàng bày trên chõng đều
có ghi giá, khi bằng bút chì, khi bằng mực tím, viết nguệch ngoạc trên một mẩu
giấy.
Nhiều quán trên
mấy tỉnh lộ vùng núi cũng thế - người ta chẳng cần trông, khách không bao giờ
ăn uống mà không trả tiền.- Có lần người ta trả bằng gạo, chắc là của mấy chú
bộ đội – bà chủ quán kể - Tội nghiệp, không còn tiền thì thôi, chứ ai nỡ đòi
gạo bộ đội.
Ngoài hai mẹ
con, trong quán còn có một con chó bốn mắt, thứ chó mực có hai đốm vàng trên
mặt, tôi gặp nhiều ở vùng này. Cả ngày nó tha thẩn theo cô chủ, cô đi đâu nó
theo đấy. Nhưng khi cô bảo nó ở lại quán thì nó nghe lời, ở lại với hai chúng
tôi.
Con bốn mắt
không có tên. Nó quấn tôi lắm. Mỗi khi tỉnh giấc thấy con bốn mắt nằm giãi thải
dưới chân, mắt lim dim, cùng tôi nghe đàn, tôi có cảm giác đang ở nhà mình.
Khi tôi còn bé,
nhà tôi có một con Kiki trắng vá đen. Lứa đầu nó đẻ bốn con rất đẹp, cũng trắng
vá đen như mẹ. Suốt ngày tôi chơi với chúng. Khi một đứa con của nó chết, tôi
đem con chó tí xíu chôn ở dưới gốc hoàng lan cuối phố, nơi có con đường tắt đầy
cỏ may dẫn vào chùa Hai Bà. Những giọt nước mắt đầu tiên của tôi trước sự mất
đi không thể nào lấy lại của sinh linh bé bỏng đã nhỏ xuống nấm mồ cũng tí xíu.
Tôi trên đường
công tác. Người đàn ông chẳng nói mình đi đâu, làm gì. Tôi cũng không hỏi. Anh
không giống những người tôi thường gặp. Áo sơ mi trắng, quần ka ki, sạch sẽ.
Như thế anh không thể là bộ đội, bao giờ cũng xộc xệch, cũng nhếch nhác, không
nhiều thì ít. Cũng không phải cán bộ chính trị chỉn chu trong bộ ka ki với cái
xà cột bất ly thân, cán bộ cấp cao một chút còn cưỡi xe đạp Sterling. Anh cũng
chẳng giống dân “bờ lờ”, cách gọi tắt dân buôn lậu, trong bộ cánh nâu tươm tất,
kính đen Stigmal gọn gàng trên sống mũi. Tôi đoán anh là nhạc công trong một
đoàn nào đó. Nhưng dân văn công thường đi đoàn với đủ mọi thứ lỉnh kỉnh. Người
này chắc hẳn có công việc gì đấy không quan trọng, không cấp thiết. Không thế
thì sao anh có thể ở lại giữa đường để trông nom một kẻ không hề quen biết.
Khi tôi hỏi ở
lại giúp tôi có làm dở dang công việc của anh không, thì anh thờ ơ: “Chuyện
vặt. Người nào gặp trường hợp này thì cũng làm như tớ thôi. Cậu có thể bỏ một
người thập tử nhất sinh mà không cứu? Phải đợi cậu khỏe lại hẳn tớ mới đi được.
Mấy ngày tôi
nằm lại, anh bắt tôi uống thuốc, chơi đàn cho tôi nghe, trò chuyện với tôi về
thành phố từ đó chúng tôi ra đi.
Hà Nội đã tít
tắp xa. Chẳng ai biết trước ngày trở lại. Có thể mường tượng nó – những con phố
với những cột điện, những hàng cây, lá rụng trên hè, nước lặng lẽ chảy trong rãnh.
Và “mái buồn nghe sấu rụng” trong thơ Chính Hữu. Rõ ràng là con người này chẳng
vội vàng, gặp chỗ dừng chân dễ chịu thì dừng, chẳng buồn kén chọn. Rất có thể
cuộc gặp gỡ bất ngờ với người cùng quê hương cho anh cái cớ để dừng lâu hơn.
Tôi còn ngờ anh
dừng lâu hơn vì cô gái.
- Một bông hoa
rừng. Nhưng từ dưới xuôi lên.
Khi nhìn cô,
mắt anh vừa sáng lên, vừa mơ màng. Cũng có thể tôi nhầm. Đôi lúc tôi có cảm
giác vừa nói chuyện với tôi anh vừa nghĩ về một cái gì khác rất xa, chẳng dính
dáng tới điều chúng tôi đang nói. Ngày nào anh cũng bảo cô chủ quán mua gà, mua
trứng về nấu cháo cho tôi ăn. Những bữa ăn như thế giúp tôi lại sức rất nhanh.
Không những thế, chúng còn là những bữa ăn sang trọng hiếm có trong đời lính.
Một hôm, thấy
tôi có vẻ băn khoăn, anh gọi tôi ra sau quán. Đứng trong những bụi sắn, anh
trật quần dài, kéo tay tôi đặt vào cạp quần đùi:
- Cậu nắn đi.
Tôi nắn thấy
những vật tròn cứng.
- Vàng đấy.
Toàn nhẫn cả. Dự trữ cho kháng chiến trường kỳ. Thỉnh thoảng tớ lấy ra một cái
bán đi ăn dần. Anh xắp lại quần, cười hì hì:
- Đừng lo tớ
không có tiền.
Tôi kể dài dòng
văn tự chỉ cốt để người đọc những dòng kỷ niệm này hình dung được khung cảnh
một thời đã mất. Thời ấy con người với con người là bạn, và còn hơn thế. Mà
cũng để ghi lại một cái ơn. Không có cuộc gặp gỡ tình cờ ấy, biết đâu tôi chẳng
còn.
Thời gian ngắn
ngủi ở bên nhau đủ để chúng tôi thân nhau, yêu quý nhau nữa, có thể nói như
thế. Những cuộc tâm sự đêm khuya trong tiếng sương rơi lộp độp trên mái tranh
làm tôi hiểu và quý anh hơn.
Tôi trách mình
đã không hoàn toàn tin anh. Thời chiến, tinh thần cảnh giác cách mạng làm cho
cuộc chia tay giữa hai chúng tôi không được như lẽ ra nó phải có. Chúng tôi
quyết định lên đường đi Thái Nguyên khi tôi đã có thể đi được. Tôi cố ý đi quá
nơi tôi phải rẽ vào chừng một cây số mới chia tay với anh:
- Mình sẽ còn
gặp lại – tôi nói.
- Chắc chắn –
anh nói.
6
Tôi đã gặp Đoàn
Chuẩn đúng như thế. Chia tay với anh, tôi chỉ biết cái tên. Tôi gặp một con
người, không phải một danh tiếng. Những tác phẩm của Đoàn Chuẩn tôi không được
nghe trong những năm kháng chiến. Tôi không nghĩ rằng đã có một lệnh cấm những
bài hát lãng mạn. Chúng có vẻ không thích hợp trong thời chinh chiến thì người
ta không hát, thế thôi. Hoặc giả có một lệnh cấm nào đó mà tôi không biết,
không được nghe phổ biến.
Cuộc gặp gỡ thứ
hai với người cứu mạng mình xảy ra mấy năm sau.
Ngày 10.10 năm
1954, xong việc quay cảnh thượng kỳ ở Cột Cờ, tôi đi lang thang. Ở phố Huế,
trước cửa rạp chiếu bóng Majestic, tôi thấy một chiếc xe hơi bồng bềnh đi chầm
chậm theo mình. Một gương mặt lạ – mái tóc bóng mượt, miệng ngậm bót thuốc lá
ló ra ở cửa để mở. Người ngồi sau tay lái chăm chú nhìn tôi rồi cho xe vượt lên
ngang tầm:
- Hiên hả? Phải
Hiên không?
Đến lúc ấy tôi
nhận ra anh: Đoàn Chuẩn.
Anh cho xe
dừng, bước ra, ôm chặt tôi, mừng rỡ.
- Về khi nào?
- Đêm qua. Mới
đi bát phố một lát.
- Cậu ở đâu?
- Khách sạn
Splendid.
Anh cười:
- Sang nhỉ?
Rồi kéo tôi vào
quán cà phê An Thái Majestic.
Người Hà Nội
xưa đều biết quán cà phê này. Nó ở bên trái rạp chiếu bóng nếu đứng từ ngoài
đường nhìn vào. Sau này, khi rạp Majestic đổi tên thành Tháng Tám thì nó biến
thành một cái gì khác, một quán tạp hoá thì phải. Quán đầy người. Khói thuốc lá
mù mịt.
Đoàn Chuẩn lấy
ra một cái hộp đựng thuốc lá lạ mắt bằng nhựa trong, màu vàng. Hộp này có rất
nhiều ngăn, trong mỗi ngăn là một thứ thuốc lá: Phillips Morris, State Express,
Craven A, Camel, Melia Jaune, Bastos… Các ngăn nối với nhau bằng dây thun. Chọn
thứ thuốc loại nào thì bẻ gập nó ra. Tôi ngắm hộp thuốc lá của anh không rời –
lần đầu tiên tôi thấy một hộp thuốc lá như thế.
- Cậu chọn loại
nào?
Tôi chọn Craven
A.
Anh bật lửa cho
tôi. Cái bật lửa cũng lạ mắt như hộp thuốc lá, nó nhỏ, mạ vàng. Trong vùng
kháng chiến chúng tôi chỉ có thứ bật lửa có khắc hình xe tăng, được gọi là “bật
lửa tàu bò” có bán ở các chợ giáp ranh.
Anh nheo mắt
ngắm tôi:
- Sao cậu không
mặc uniforme (đồng phục)?
- Tôi không
thích nó – tôi cười - Mặc vào như người gỗ.
Tôi trở về Hà
Nội từ Nam Định. Trong thành phố người Pháp vừa bỏ lại mọi sinh hoạt vẫn diễn
ra bình thường. Đoàn quay phim chúng tôi được lệnh phải may mỗi người một bộ
đại cán để vào tiếp quản Hà Nội. Đúng vào lúc lên đường, mọi người mới ngớ ra –
cả đoàn đều vận đại cán, riêng tôi thì mặc đồ dân sự: áo popeline Thuỵ Sĩ, quần
simili, giày tây.
Tôi phân trần:
- Mọi hiệu may
đều hết vải ka ki.
Lý do này nghe
cũng hợp lý. Tôi không bị “kiểm điểm” về thói tự do chủ nghĩa là cái tôi thường
bị phê phán, và người ta phê phán đúng – tôi không vừa cho một cái khung nào.
Tiền tiêu chuẩn phát cho cán bộ may đại cán không đủ cho bộ quần áo tôi chọn.
Ông chủ tiệm hào phóng không lấy thêm:
- Có mấy khi ta
được gặp nhau như thế này.
Hoà bình ở Việt
Nam chỉ có một nghĩa: hết chiến tranh. Đoàn Chuẩn ngắm tôi:
- Với bộ diện
này ai bảo cậu là cán bộ.
Tôi móc túi lấy
cái phù hiệu tiếp quản thủ đô mọi cán bộ đều được phát cho anh xem. Đoàn Chuẩn
ngắm nó lâu với vẻ tò mò.
- Tôi không đeo
nó – tôi phân trần – Như thế tôi lẫn vào mọi người . Mới nghe được những nhận
xét: “Quân phục xấu quá! Mà xăng Liên Xô thối kinh!”
Đoàn Chuẩn cười
vui, giống hệt anh trong lần đầu chúng tôi gặp nhau.
- Xuống xe điện
tôi vẫn nhảy bổ được, chưa quên đâu – tôi khoe.
- Vẫn còn Hà
Nội – anh khen.
Tôi không đụng
tới chuyện anh bỏ kháng chiến. Có cả đống lý do cho chuyện đó, mỗi người mỗi
kiểu. Nghe người ta kể thì Phạm Duy rất bực khi anh đã có trong danh sách đi dự
festival thanh niên và sinh viên thế giới ở Berlin, nhưng vào phút chót không
hiểu sao anh đã bị gạt ra. Vì thế, và chắc vì nhiều điều khác nữa, anh bỏ kháng
chiến. Sau này, tôi gặp Phạm Duy nhiều lần tôi cũng không hỏi anh chuyện đó. Nó
không bao giờ là một thắc mắc. Người ta đi, người ta về, chẳng liên quan tới
ai.
Đoàn Chuẩn
không bực bội gì với kháng chiến. Người ta không quan tâm anh, anh không quan
tâm họ. Anh đi kháng chiến như đi vào một cuộc viễn du thú vị, có vẻ chỉ là
thế. Rồi anh trở về khi anh thấy đi đã đủ. Chẳng có chính chị chính em gì trong
chuyện anh đi và về.
Chúng tôi hàn
huyên cả giờ, uống mấy ly cà phê rồi mới chia tay.
Tối hôm đó tôi
bị kiểm điểm: “Vừa mới vào đã liên lạc với bọn tư sản”. Tôi không biết mấy cậu
bảo vệ đã tình cờ gặp tôi hay đi theo tôi, họ đã báo cáo. Dường như những cuộc
tiếp xúc giữa chúng tôi với người ăn vận sang trọng đều bị coi là thiếu cảnh
giác với cái gọi là “viên đạn bọc đường”.
Họ bảo vệ tôi
vì được dạy dỗ như thế. Chứ không có ý xấu.
7
Sau cuộc gặp gỡ
bất ngờ với Đoàn Chuẩn tôi được đi Liên Xô học, rồi làm báo, rồi đi tù 9 năm.
Giữa những khoảng cách ấy tôi còn gặp Đoàn Chuẩn vài lần. Ngoài anh ra tôi
không gặp một người nào chơi ghi ta Hạ Uy Di. Thứ đàn ấy ít người chơi, người
ta thành kiến với tiếng ngân nga của nó, chắc vậy.
Ra tù, tôi bận
lăn lộn kiếm sống, rồi liều mạng vào Sài Gòn, nơi không có bàn tay quen thuộc
nào chìa ra cho mình. Đất phương Nam rộng rãi, người miền Nam phóng khoáng, che
chở tôi, cho tôi mái ấm trong tha hương.
Thỉnh thoảng
lắm tôi mới ra Hà Nội thăm cha mẹ và các em. Hoá ra bác Đoàn Vạn Vân, cha anh,
là bạn với cha tôi. Bác là một trong số ít nhà mà cách mạng gọi là tư sản dân
tộc, chủ một hãng nước mắm nổi tiếng. Cha tôi nói bác có giấm giúi cho cách
mạng tiền, nhưng tôi không thấy những người viết hồi ký nhắc tới bác. Có lẽ tại
bác cho không đủ nhiều. Hoặc vì chẳng bao giờ bác ra mặt ủng hộ cách mạng.
Đoàn Chuẩn vẫn
vui khi gặp tôi, chắc hẳn như gặp một kỷ niệm không quên. Có một lần anh nhắc
tới cô gái ở quán lưng dèo, mắt mơ màng. Trong đời anh chắc có nhiều bóng hồng
lướt qua, cô là một. Mặt thêm nhiều nếp nhăn, anh không đi xe hơi nữa, hút
thuốc lá Điện Biên bao bạc.
Chúng tôi hay
kéo nhau tới quán cà phê ở gần Cột Đồng Hồ, nơi văn nghệ sĩ Hà Nội thường lui
tới. Ông chủ quán có biệt danh Lâm Toét trọng các nghệ sĩ, nhất là các hoạ sĩ,
mắt hấp him nhận ra Đoàn Chuẩn, đãi chúng tôi Gold Flake, thứ thuốc lá ngoại
không biết của nước nào, vào Việt Nam bằng đường nào.
Thời gian ở Sài
Gòn, cũng tới mười năm có lẻ, tôi mới được nghe nhạc Đoàn Chuẩn. Tôi nghe và
sung sướng – tôi đã gặp một nhạc sĩ tài ba mà không biết.
Văn Cao đánh
giá Đoàn Chuẩn:
- Nhạc hay. Ca
từ lạ, là tâm sự mà đi thẳng vào hồn người.
Nhớ lại cuộc
gặp gỡ ở lưng đèo Re, tôi đồ rằng những ngày ấy anh cho tôi nghe những bản nhạc
anh vừa sáng tác:
Đây khách ly
hương mấy thu vàng ấm...
Nơi quán cô đơn mơ qua trùng sóng...
Mơ tới bên em em tô quầng mắt...
Em tôi ngập ngừng trong tấm áo nhung...
Tung phấn hương yêu qua muôn lời hát...
Bay tới bên em tới em thầm nhắc...
Đây ý tơ xưa đâu duyên tình cũ...
Bóng anh phai dần ái ân tàn theo...
Nơi quán cô đơn mơ qua trùng sóng...
Mơ tới bên em em tô quầng mắt...
Em tôi ngập ngừng trong tấm áo nhung...
Tung phấn hương yêu qua muôn lời hát...
Bay tới bên em tới em thầm nhắc...
Đây ý tơ xưa đâu duyên tình cũ...
Bóng anh phai dần ái ân tàn theo...
Và:
Chiều nào áo
tím nhiều quá
Lòng thấy rộn
ràng nhớ người
Đường về Việt
Bắc xa cách mây
Nhìn về đường
lối muôn khó khăn
Đây núi cao.
Đây suối sâu
Đây lá xanh như
ngàn xưa
Đường về ngập
gió tha phương
Tiếc đời gấm
hoa ta đành quên núi rừng…
Đoàn Chuẩn là
một tiên ông lạc bước xuống trần. Anh không thuộc về thế giới này. Tôi không
thể nghĩ khác thế.
Năm 2001 khi
tôi đang lang thang ở miền Nam Ý thì nhận được tin nhắn của một người bạn cho
biết Đoàn Chuẩn không còn nữa. Ông tiên của tôi đã về trời!
2019
No comments:
Post a Comment