Friday, March 8, 2019

Nợ chui của các địa phương Trung Quốc - Nguyễn Xuân Nghĩa


Nợ chui của các địa phương Trung Quốc
Nguyễn Xuân Nghĩa
Thứ Ba mùng năm Trung Quốc có hai hội nghị song hành tại Bắc Kinh là Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân. Khai mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân, Tổng lý Quốc vụ viện Lý Khắc Cường đọc Báo cáo về Hoạt động của Chính phủ để cơ chế gọi là Quốc hội đó ban thành luật kinh tế áp dụng cho cả nước. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về các đề nghị này.
Giải pháp khắc phục
Thanh Trúc: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Thanh Trúc  xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, hàng năm cứ vào đầu Xuân, lãnh đạo Trung Quốc cho tổ chức hai hội nghị, thường được họ gọi là “lưỡng hội”. Đó là Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc hay “Nhân Đại” là cơ chế lập pháp tối cao có thẩm quyền ban hành luật lệ do đảng đề ra, và Hội nghị Hiệp thương Chính trị hay “Chính Hiệp” là cơ chế cố vấn cho đảng. Từ hôm Thứ Ba mùng năm, hai hội nghị này được tiến hành tại Bắc Kinh và Tổng lý Quốc vụ viện, là Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đọc bản báo cáo về Hoạt động của Chính phủ cho gần ba ngàn đại biểu để cơ chế có chức năng như quốc hội ban thành luật lệ áp dụng cho cả nước. Theo dõi sinh hoạt này của Trung Quốc, ông có nhận xét gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thủ tướng Lý Khắc Cường - nhân vật đứng hàng thứ hai trong đảng Cộng sản Trung Hoa sau Tổng bí thư Tập Cận Bình – chỉ xác nhận những gì thiên hạ dự đoán về tình hình kinh tế thiếu khả quan của Trung Quốc. Nhưng người ta chú ý đến những giải pháp khắc phục sẽ áp dụng trong năm nay.
Giải pháp cổ điển “tăng chi ngân sách và giảm thuế khiến Trung Quốc tốn kém gần 300 tỷ đô la. Giải pháp này cho thấy vấn đề xã hội tiềm ẩn bên dưới là nạn thất nghiệp.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Nói về bối cảnh chính trị, đảng Cộng sản xứ này thường có một hội nghị vào mùa Thu để Ban chấp hành Trung ương thảo luận về các biện pháp kinh tế xã hội do Bộ Chính trị đề ra để rồi chuyển qua Quốc hội nhất trí biểu quyết thành luật. Điều bất thường là Hội nghị Kỳ 4 cùa Ban chấp hành Khóa 19 lại không được triệu tập vào Tháng 11 năm ngoái, có khi vì thiếu nhất trí trong các Trung ương Ủy viên, và ông Lý Khắc Cường chỉ trình bày báo cáo xuất phát từ Bộ Chính trị.
- Báo cáo này xác nhận trước các Đại biểu Quốc hội nhiều thách đố của tình hình kinh tế Trung Quốc và dự báo việc hạ thấp chỉ tiêu tăng trưởng cho năm nay là từ 6% tới 6,5%, thay vì 6,6% như năm ngoái. Không nói gì về tính xác thực của các con số đó thì giới quan sát quốc tế cũng đồng ý rằng đà tăng trưởng này là thấp nhất kể từ gần 30 năm qua và chú ý nhiều hơn đến các giải pháp khắc phục.
Thanh Trúc: Về các giải pháp khắc phục, ông có những nhận xét gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Loại giải pháp cổ điển mà mọi người chờ đợi vẫn là tăng chi ngân sách và giảm thuế. Vì Chính quyền Bắc Kinh dự trù là sẽ tăng chi và giảm thuế, mức bội chi ngân sách cho năm nay sẽ là 2,8% của Tổng sản lượng GDP so với 2,6% của năm ngoái. Việc giảm thuế tập trung vào sắc thuế “Trị giá Gia tăng” - có thể hạ cho các doanh nghiệp tầm nhỏ và vừa vì các cơ sở sản xuất đó tạo thêm 90% công việc làm mới cho nền kinh tế. Tốn kém gần 300 tỷ đô la, giải pháp này cho thấy vấn đề xã hội tiềm ẩn bên dưới là nạn thất nghiệp.
- Song song, hệ thống ngân hàng của nhà nước Trung Quốc cũng được khuyến khích gia tăng tín dụng tài trợ cho nền kinh tế, là một giảp pháp cổ điển khác mặc dù gánh nợ của Trung Quốc đã lên tới mức kỷ lục rất đáng ngại. Chính giải pháp tín dụng này càng khiến người ta hiểu ra vì sao ông Lý Khắc Cường nói tới những “thách đố gay go”. Nhưng chìm sâu bên dưới các biện pháp thông thường kể trên là một loại giải pháp vô cùng bất thường khác.
Thanh Trúc: Khán thính giả của chúng ta muốn được biết thêm về giải pháp bất thường chìm sâu bên dưới những gì vừa được đề nghị. Thanh Trúc xin ông trình bày thêm cho rõ.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vẫn xin nói về bối cảnh trước khi ta dự báo tương lai. Từ vài chục năm nay, Trung Quốc có một bài toán trong cơ cấu công chi thu của họ là ngân sách trung ương và ngân sách của địa phương, theo đó, trung ương nhận về số thu hoạch thuế khóa nhưng lại giảm mức tài trợ cho các địa phương trong khi các địa phương vẫn phải gia tăng đầu tư để tạo ra việc làm hầu tránh động loạn xã hội. Từ kinh nghiệm của loại “xí nghiệp hương trấn” ngày xưa, các địa phương bèn lập ra “loại công cụ tài trợ” là các doanh nghiệp đầu tư, họ đi vay tiền thực hiện dự án xây dựng hạ tầng mà các khoản vay này không nằm trong sổ sách nợ nần của địa phương. Quốc tế gọi loại công cụ tài trợ của địa phương này là “local-government financing vehiclea” hay LGFV. Nói cho dễ hiểu là “vay ngoài biên chế”. Khi tình hình kinh tế có dấu hiệu sa sút, chiều hướng vay mượn đó tăng mạnh cho nên từ năm 2015, chính quyền trung ương tại Bắc Kinh đã cố giải quyết.
Cách giải quyết
Thanh Trúc: Thưa ông, họ giải quyết như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Họ giải quyết bằng liều thuốc đổ bệnh khác! Vì vấn đề quá phức tạp, tôi xin được đi từng bước để chúng ta cùng hiểu ra nội dung của hồ sơ này.
- Bắc Kinh cho các địa phương được phát hành trái phiếu, tức là đi vay tiền, tiếng là để tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư mà thực chất lại y hệt loại “công cụ tài trợ của địa phương”, tức là vẫn vay ngoài sổ sách chính thức của địa phương. Về lý thuyết thì giải pháp cho địa phương phát hành trái phiếu nhắm vào việc đảo nợ là lấy nợ mới trừ nợ cũ để khỏi vỡ nợ. Về thực tế thì các địa phương còn vay thêm tiền cho các dự án đầu tư vào hạ tầng cơ sở. Kết quả thì sản lượng vẫn tăng nhờ có thêm tiền đầu tư, nhưng về hậu quả thì các địa phương mắc nợ nhiều hơn xưa mà các khoản nợ chìm lại lại không được ghi vào ngân sách công chi thu và nấu các cơ sở địa phương vỡ nợ thì ngân sách trung ương sẽ mất tiền trang trải để tránh một vụ khủng hoảng tài chính cho hệ thống ngân hàng đã tài trợ theo diện chính sách.
Thanh Trúc: Câu chuyện quả là quá rắc rối vì nạn đi vay ngoài biên chế, nhưng thưa ông, tình trạng đó nghiêm trọng tới mức nào?
Nói vắn tắt, lãnh đạo Bắc Kinh vừa nhồi thêm chất nổ vào một trái bom nổ chậm và điều đó mới cho thấy tình trạng nguy ngập thực tế của Trung Quốc.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tính tới cuối năm ngoái, khoản nợ chìm do các trái phiếu địa phương lên tới bảy ngàn 400 tỷ Nhân dân tệ, tương đương với một ngàn 100 tỷ đô la, hay 8% của Tổng sản lượng GDP. Bây giờ Tổng lý Quốc vụ viện Lý Khắc Cường lại vừa cho phép các địa phương được phát hành thêm “loại trái phiếu đặc biệt” lên tới hai ngàn 150 tỷ Nhân dân tệ so với một ngàn 900 tỷ của năm 2018. Thực chất của giải pháp ngấm ngầm đó vẫn là kích thích kinh tế ngoài các biện pháp cổ điển là tăng chi và giảm thuế.
Thanh Trúc: Nhưng vì sao ông lại gọi biện pháp bất thường này là “liều thuốc đổ bệnh”?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta phải đi sâu vào bối cảnh của vấn đề thì hiểu ra cơ sự. Từ Tháng Bảy năm ngoái, khi trận thương chiến với Hoa Kỳ bắt đầu gây hiệu ứng bất lợi thì Bộ Chính trị của Đảng đã dời ưu tiên từ cải cách cơ chế nhằm giải quyết nhiều vấn đề như khủng hoảng tài chính, ô nhiễm môi sinh và bất ổn xã hội qua ưu tiên là kích thích kinh tế. Từ đó, Bộ Tài Chính của Bắc Kinh mới có hướng dẫn về việc tăng mức tài trợ cho các địa phương với phân lời cao hơn.
- Vì trái phiếu của địa phương được các ngân hàng và giới đầu tư trong doanh nghiệp bảo hiểm coi là công cụ an toàn do ngầm có sự bảo đảm của chính quyền địa phương nên họ ào ạt mua trái phiếu, tức là cho vay thêm để thu lời nhiều hơn. Kỳ họp năm nay của Quốc hội Trung Quốc, khi ông Lý Khắc Cường cho phép các địa phương phát hành thêm loại trái phiếu đặc biệt ấy thì đấy vẫn là biện pháp kích thích kinh tế.
- Nói về liều thuốc đổ bệnh thì ta không quên hệ thống “công cụ tài trợ” của các doanh nghiệp địa phương đã vay tới con số khổng lồ là 30 ngàn tỷ đồng Nguyên, vào khoảng 30% của Tổng sản lượng GDP của Trung Quốc là 90 ngàn tỷ đồng. Nếu cho rằng GDP của Trung Quốc ở khoảng 13 ngàn tỷ Mỹ kim thì số nợ đó đã lên tới 400 tỷ Mỹ kim. Bây giờ lãnh đạo Bắc Kinh còn cho các địa phương được phát hành thêm trái phiếu để kích thích kinh tế thì khi khủng hoảng bùng nổ và trung ương phải mất tiền đắp vốn, số bội chi ngân sách quốc gia không thể ở mức 2,8% Tổng sản lượng như vừa dự báo mà cao gấp bội, có thể lên tới 8% của GDP.
Thanyh Trúc: Bây giờ, nói về sự công hiệu của các biện pháp kích thích này, thưa ông, người ta cho là Bắc Kinh sẽ đạt kết quả như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta thật ra chưa biết được. Lần trước, vào cuối năm 2008 khi thế giới bị nạn Tổng Suy Trầm, Bắc Kinh đã có biện pháp tăng chi và tài trợ tín dụng với mức công hiệu khá nhanh, chừng dăm ba tháng đã có kết quả và tới năm 2010 thì sản lượng kinh tế vượt Nhật Bản. Sau đó, vào quãng 2012 trước Đại hội đảng Khóa 18, kết quả lại chậm hơn, thời gian kéo dài gần gấp đôi khi núi nợ đã chất đống. Lần này, kết quả có thể còn chậm hơn nữa và chắc chắn là núi nợ sẽ là vấn đề nguy ngập nhất. Nhưng người ta chỉ thấy khoản nợ chính thức mà lại quên loại “nợ chui” của các địa phương. Nói vắn tắt, lãnh đạo Bắc Kinh vừa nhồi thêm chất nổ vào một trái bom nổ chậm và điều đó mới cho thấy tình trạng nguy ngập thực tế của Trung Quốc. Nó trầm trọng hơn nhiều dự báo trước đây, chúng ta nên chờ xem Tổng bí thư Tập Cận Bình sẽ giải thích thế nào về những thách đố nghiêm trọng này.
Thanh Trúc: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Thanh Trúc xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn kỳ này.


No comments:

Post a Comment