Hai nữ tù chính trị Việt Nam được CPJ nêu danh nhân
dịp 8/3
RFA
2019-03-08
2019-03-08
Tổ chức Bảo vệ Ký giả
(CPJ) cho biết tổ chức này ghi nhận hiện có 32 nữ nhà báo đang bị cầm tù trên
thế giới, trong đó có 26 người đưa tin tức liên quan đến lãnh vực chính trị tại
quốc gia của họ.
Trong báo cáo phổ biến
nhân ngày Phụ nữ Quốc tế, 08/03/19, CPJ xếp Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đứng đầu
trong danh sách giam giữ đến 14 nữ nhà báo trong tổng số 68 nhà báo bị buộc tội
chống chính quyền.
Trung Quốc xếp thứ nhì
với 6 trong 7 nữ nhà báo bị tuyên án tù với tội danh “chống nhà nước”.
Việt Nam đứng thứ 4
với hai nhà báo được nêu tên, bao gồm Trần Thị Nga và Huỳnh Thục Vy bị tuyên án
tù do những công việc đăng tải thông tin về vi phạm nhân quyền và tham nhũng.
Bà Trần Thị Nga bị bắt
giữ vào hạ tuần tháng 1 năm 2017 và bị tuyên án 9 năm tù giam. Hiện tại, bà Nga
đang bị giam giữ ở trại tù Gia Trung, tỉnh Gia Lai. Vào tối ngày 8 tháng 3,
thân nhân của bà Trần Thị Nga, ông Lương Dân Lý cho biết về tình hình của bà
Nga:
“Nga bị áp lực là bị
giam riêng. Tuy không bị cùm chân tay, không bị nhốt trong tối nhưng bị ở phòng
riêng, không được tiếp xúc chuyện trò với ai cả. Tôi nghĩ thì cũng giống như
một hình thức biệt giam. Nga bảo rất bị áp lực về chuyện này vì giống như mình
bị đày ra ngoài hoang đảo. Sức khỏe thì Nga mới bị thoái hóa đốt sống lưng nên
cũng bị đau nhức. Vì bị giam riêng nên lúc trước họ không cho chữa bệnh gì đâu.
Nhưng vừa rồi, Nga gọi điện về bảo là đột xuất cách đây khoảng độ 1 tuần thì họ
cho đi khám bệnh. Thấy hơi lạ!”
Blogger Huỳnh Thục Vy,
thành viên của tổ chức xã hội dân sự độc lập-Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam,
vào ngày 30/11/18 bị tòa án tại Buôn Hồ, tỉnh Đăk Lăk tuyên án 2 năm 9 tháng tù
giam với cáo buộc “xúc phạm quốc kỳ” theo điều 276 Bộ Luật Hình Sự và bản án sẽ
có hiệu lực khi con của cô tròn 3 tuổi. Nhân ngày Phụ nữ Quốc tế, cô Huỳnh Thục
Vy chia sẻ với RFA:
Mình không phân biệt
đàn ông hay phụ nữ trong cuộc đấu tranh này. Trong cuộc đấu tranh cho dân chủ
Việt Nam thì ai có chút sức lực nào thì góp sức bấy nhiêu đó thôi. Mình thấy
điều này là bình thường. Ai đã lên tiếng chống lại chính quyền thì chính quyền
ghét và bỏ tù thì cũng là điều bình thường luôn. Nếu họ không ghét, họ không bỏ
tù thì chính quyền đó không phải là độc tài. Và nếu đó không phải là chính quyền
độc tài thì mình cũng không phải đấu tranh cho nhân quyền gì cả.”
Vào ngày 7 tháng 3 Tổ
chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) cũng ra thông cáo báo chí nêu trường hợp
những nữ tù chính trị đang bị giam giữ trên khắp thế giới. Trường hợp của bà
Trần Thị Nga của Việt Nam được nêu ra.
Ngoài ra trường hợp nữ
tù chính trị Nguyễn Đặng Minh Mẫn được nêu trong thông cáo báo chí về nhóm bị
ngược đãi.
No comments:
Post a Comment