Friday, March 8, 2019

Bí mật Nhà nước - Nguyễn Khắc Giang


Bí mật Nhà nước
Thứ sáu, 1/3/2019
Nguyễn Khắc Giang
Từ lâu, suy nghĩ phổ biến của cả công chúng lẫn cán bộ là tất cả hoạt động của nhà nước đều có thể đóng dấu hay gắn nhãn “mật”. Lý do “bí mật nhà nước” có thể được sử dụng để một nhân viên địa chính từ chối cung cấp thông tin đất đai, một tổ chức không minh bạch ngân sách chi tiêu. Vụ án mua lại AVG của Mobifone khiến hai cựu bộ trưởng vướng vào vòng lao lý cũng liên quan đến sự tùy tiện đó, khi một thương vụ đầu tư công được “mật hóa”.
Quốc hội vào tháng 11/2018 đã thông qua Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước - Bộ luật sẽ hiệu lực toàn phần từ năm 2020 - khiến tôi hồi hộp. Luật quy định cụ thể về yêu cầu "giải mật". Theo đó, đa số thông tin của nhà nước sẽ có thể được công bố sau muộn nhất 30 năm.
Với chúng ta, "giải mật" thông tin vẫn còn là điều xa lạ. Những vấn đề liên quan đến hoạt động của nhà nước vẫn được coi là những điều dân không nên biết. Ngay chính Luật Bảo vệ Bí mật nhà nước mới được thông qua cũng có phạm vi điều chỉnh rất rộng, gồm cả những lĩnh vực tưởng bình thường.
Ví dụ, nếu luật và nghị định về bảo mật ban hành sớm hơn, những bài báo kể về hành trình đưa ông Park Hang-seo đến với tuyển Việt Nam liệu có bị xử phạt? Vì "phương pháp, bí quyết tuyển chọn huấn luyện viên, vận động viên các môn thể thao thành tích cao" cũng nằm trong số thông tin được bảo mật.
Ai cũng đồng ý rằng bí mật nhà nước không phải là chuyện lựa chọn giữa trắng và đen: nhu cầu giữ kín một số thông tin hệ trọng của nhà nước là có thật. Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết từ năm 2001 đến nay đã phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước. Năm ngoái, một công an viên bị bắt và xét xử vì tội gián điệp, sau khi đe dọa bán tài liệu mật để đánh bạc ở Campuchia. Vụ án Vũ "Nhôm" cũng xoay quanh nhiều sai phạm liên quan đến hành vi này. Lộ bí mật không chỉ làm ảnh hưởng đến an ninh - quốc phòng mà còn khiến các quyết sách trở nên vô hiệu.
Nhưng người dân cũng có quyền giám sát, được biết nhà nước làm gì và có hiệu quả hay không với tiền thuế họ đã đóng góp. Giải quyết tình trạng lưỡng nan giữa "bí mật nhà nước" và quyền biết của người dân, bởi thế, không phải là điều dễ dàng.
Việc xác định phạm vi điều chỉnh là yêu cầu trước tiên để kẻ đường ranh giới giữa bí mật và quyền biết. Nhìn vào 15 nhóm thông tin thuộc bí mật nhà nước theo luật, có thể thấy ưu tiên vẫn nghiêng về phía "giữ mật" hơn là "giải mật".
Nhưng đó dù sao cũng chỉ là vấn đề kĩ thuật. Người dân thậm chí vẫn có thể hài lòng với phạm vi "giải mật" hẹp, miễn thông tin được công bố chính xác và dễ tiếp cận. Điều quan trọng hơn là thái độ: liệu nhà nước và cán bộ thừa hành có thực sự mong muốn người dân tiếp cận dễ dàng các thông tin đó hay không?
Thái độ sẽ quyết định cách thực thi. Bởi nếu chỉ tuyên bố giải mật thông tin, nhưng lại không có cơ quan phụ trách, không công bố qua các kênh dễ tiếp cận (như mạng Internet) hay yêu cầu dân thực hiện nhiều thủ tục nhiêu khê, thì không khác nào rào thêm một lớp mới với thông tin "mật".
Những ai nghiên cứu lịch sử có liên quan đến nước Mỹ có lẽ đều quen với các văn bản được giải mật, công bố bởi các cơ quan khác nhau như Thư viện Tổng thống hay Cục Lưu trữ Văn khố Quốc gia. Số tài liệu được công bố lên tới hàng tỷ trang giấy, dữ liệu ghi âm, hình ảnh, và là nguồn thông tin quý giá để công chúng tìm hiểu các thông tin không chỉ liên quan đến Mỹ mà còn nhiều nước khác. Phần lớn các thông tin này đã được số hóa, sắp xếp gọn gàng và dễ tìm kiếm chỉ qua một vài cú nhấp chuột. Nhiều dữ liệu quan trọng về lịch sử Việt Nam cũng được tìm thấy trong những tài liệu này.
Với Việt Nam thì chưa dễ dàng như vậy. Khi chưa có thông tin giải mật công khai, nếu không có công sức của cánh báo chí vật lộn trong các thư viện và kho lưu trữ, những độc giả như tôi thậm chí sẽ "hổng" cả kiến thức về lịch sử dân tộc mình, như về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, chứ chưa nói đến những chuyện thời sự đang diễn ra.
Một đất nước muốn dân chủ và thịnh vượng không thể có quá nhiều vùng cấm thông tin. Đó vừa là kẽ hở để một số cán bộ tha hóa lợi dụng, vừa làm suy giảm tính minh bạch của bộ máy, đồng thời bào mòn niềm tin của người dân. Nhưng quyền tiếp cận thông tin, muốn được thực hiện đầy đủ, phải được đi kèm với những hỗ trợ thích đáng. Không thể cho ai đó quyền được bay nhưng ngăn họ tiếp cận bầu trời.
Nguyễn Khắc Giang


No comments:

Post a Comment