Friday, March 1, 2019

Hai Nhận Đinh Rất Ngắn của Trương Duy Nhất


Tác Giả Trương Duy Nhất
Trương Duy Nhất sinh ngày 31/1/1964 tại Hà Nội, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: số 25 Tống Phước Phổ, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, tp.Đà Nẵng; con ông Trương Nghề và bà Nguyễn Thị Ngư, sinh ra trong gia đình có 6 chị em, Trương Duy Nhất là thứ 2.
Từ 1964 đến 1975 ông sống cùng bố mẹ tại Hà Nội. Từ 1975 đến 1983, ông học phổ thông tại tỉnh Quảng Nam. Từ 1983 đến 1987, Trương Duy Nhất học khoa văn của trường Đại học Tổng hợp Huế. Từ 1987 đến 1995, ông là phóng viên của báo Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Từ 1995 đến 2011, ông là phóng viên báo Đại Đoàn kết, văn phòng miền Trung.
Trương Duy Nhất kết hôn với bà Cao Thị Xuân Phượng – giảng viên trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, sinh được một con gái là Trương Thục Đoan.
Khoảng giữa năm 2010, ông Nhất thôi làm việc tại báo Đại Đoàn Kết và trở thành người viết blog, là chủ của trang “Trương Duy Nhất - Một góc nhìn khác”.[3]
Năm 2007, ông Nhất tự lập blog cá nhân có tên miền truongduynhat.vnweblogs.com. Vì blog truongduynhat.vnweblogs.com là blog miễn phí nên tính an toàn và bảo mật thấp, thường xuyên bị tin tặc tấn công nên vào đầu năm 2010, ông Nhất tự lập thêm blog có tên miền truongduynhat.blogpost.com. Sau khi lập blog truongduynhat.blogpost.com, ông Nhất không sử dụng blog này do thường xuyên gặp trục trặc kỹ thuật.
Ngày 1/12/2010, thông qua Công ty cổ phần Truyền thông trực tuyến Micronet có trụ sở tại số 2, Villa E, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm (Hà Nội), ông Nhất đăng ký sử dụng tên miền truongduynhat.vn, lập và quản trị website truongduynhat.vn (mang tên "Trương Duy Nhất/ Một góc nhìn khác"). Sau khi website truongduynhat.vn hoạt động, ông Nhất bỏ không sử dụng và tải tất cả thông tin của blog truongduynhat.blogpost.com về website truongduynhat.vn.
Năm 2011, ông Nhất đã đăng ký mua tên miền truongduynhat.org (khi truy cập địa chỉ http://wwwtruongduynhat.org, sẽ tự động đăng nhập website truongduynhat.vn). Việc lựa chọn, đăng tải, hiển thị tất cả các bài viết và ý kiến bình luận (comment) trên website truongduynhat.vn đều do ông Nhất tự quyết định, thực hiện. Cây viết này đã đăng tải trên website của mình trên 1.000 bài viết ký tên Trương Duy Nhất và một số tác giả khác, rồi lựa chọn hiển thị nhiều ý kiến bình luận của người đọc.[4]
Ngày 26/05/2013, Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an cùng với Công an Đà Nẵng đã tiến hành bắt khẩn cấp đối với ông Trương Duy Nhất. Chiều cùng ngày ông Nhất bị di lý ra Hà Nội để phục vụ điều tra về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo điều 258, Bộ luật Hình sự.
Ngày 4/3/2014, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Trương Duy Nhất 2 năm tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.[5] Theo BBC, ông Nhất bị kết tội do đã viết 11 bài đăng trên trang blog của ông trong đó ông đã "chấm điểm Thủ tướng" và yêu cầu "Tổng bí thư phải ra đi". Cáo trạng được đưa ra tại phiên xử ông Nhất cho rằng các bài viết này của ông "đã làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền và làm mất uy tín cá nhân các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam".[6]
Tại phiên tòa, ông Trương Duy Nhất cho rằng ông "chỉ chỉ ra những khuyết điểm, sai lầm, những hiện tượng chưa đúng với hy vọng lãnh đạo Đảng và Nhà nước sẽ thấy ra, khắc phục, sửa chữa và rút kinh nghiệm".[6]
Lời nói cuối cùng của ông Trương Duy Nhất, trước khi toà tuyên án: "Có loại tù làm người ta nhục nhã, nhưng có loại tù chỉ khiến họ vinh quang!'"[6]
Trong phiên tòa phúc thẩm ngày 26 tháng 6 năm 2014 Tòa án Nhân dân tối cao Đà Nẵng vẫn giữ nguyên mức án sơ thẩm.[7][8][9] Trong phiên tòa này, ông Trần Vũ Hải, luật sư bào chữa cho ông Nhất đề nghị phân tích từng bài trong 11 bài viết của ông Nhất xem chúng có “xâm phạm lợi ích của nhà nước,” có vi phạm quy định nào của pháp luật hay không nhưng tòa không chấp nhận. Phần bào chữa của luật sư đã bị ngăn cản. Ông Nhất đã chỉ trích ngay tại toà rằng đây là một phiên toà "bịt miệng bị cáo", khi không cho ông phát biểu tranh tụng, thậm chí không cho ông nói lời sau cùng trước khi toà nghị án. [10]
Theo lời của ông Nguyễn Tâm – tổ trưởng tổ dân phố 3 (phường Hòa Cường Bắc), nơi Trương Duy Nhất cư trú, là người được công an mời lên chứng kiến việc khám xét nhà và bắt ông Nhất cho biết: Trong lúc khám xét nhà, bản thân ông Nhất và vợ con đều tỏ ra hợp tác với cơ quan công an. Ông Nhất đồng ý ký vào các biên bản.”[3]
Sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội ra thông cáo nói: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc bởi việc Tòa án Việt Nam kết án Trương Duy Nhất.” “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho Trương Duy Nhất và các tù nhân lương tâm đồng thời cho phép người Việt Nam bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa.” Tuyên bố này cho biết: “Thứ trưởng ngoại giaoWendy Sherman đã nêu vấn đề nhân quyền với chính phủ Việt Nam trong chuyến thăm đến Hà Nội ngày 4/3.”[11]
Ngày 26 tháng 5 năm 2015, ông Trương Duy Nhất được ra tù sau 2 năm thi hành án.[8][12][13] Trên trang Facebook của mình, nhà báo Huy Đức, người đã cùng vợ con ông Nhất đến đón ông tại nhà giam, cho biết ông Nhất không được thả trước cổng nơi vợ con đón, mà ‘bị áp tải bởi 8 người mặc thường phục và 2 người cảnh phục trên một xe 12 chỗ’ và ‘bị ném ra lề đường Hồ Chí Minh, cách trại 4km.” [6]
Ngày 25 tháng 1 năm 2019, Trương Duy Nhất đã đến Văn phòng Cao ủy về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc (UNHCR) ở Bangkok để xin quy chế tị nạn chính trị, nhưng sau đó cơ quan này đã không thể liên hệ được với ông.
Những người quen ông Nhất ở Thái Lan cho biết Trương Duy Nhất bị mất tích vào hôm 26/1 tại trung tâm mua sắm Future Park ở ngoại ô Bangkok. Cảnh sát Thái Lan cho biết họ không giam giữ Trương Duy Nhất.
Blogger Người Buôn Gió và Điếu Cày nghi ngờ rằng những nhân viên tình báo của quân đội đã bắt cóc Trương Duy Nhất tại Bangkok theo lệnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.[1][2]
Hàng loạt các tổ chức phi chính phủ quốc tế đã yêu cầu chính quyền Thái Lan và Việt Nam tìm kiếm và điều tra về sự mất tích của Trương Duy Nhất. Chính quyền quân đội Thái Lan sau đó đánh tiếng cho biết sẽ điều tra những vẫn chưa thấy có động thái gì.[14]

Mời đọc 2 bài viết rất ngắn của ông:
Cảm hứng Venezuela
Thứ Tư, 01/23/2019 - 23:28 — truongduynhat
Nhìn biển người Venezuela hôm qua, ngẫm cảnh hàng triệu dân Việt xuống đường hò hét sau những trận bóng.
Tôi mong, thú thật là mong đêm nay Việt Nam đừng thắng nữa. Những cơn lên đồng tập thể thế, sẽ làm dân tộc này rồ dại mất.
Dân gần trăm triệu ai người lớn (xin lỗi, nhại câu cụ Tản Đà). Cảm hứng Venezuela, đánh thức được bao người, trong cái đám triệu người xuống đường hò hét đêm nay?
Tự hỏi vậy, để thấy dân Việt mãi không chịu lớn.
Chỉ số niềm tin của người Việt
Thứ Ba, 01/15/2019 - 12:20 — truongduynhat
Kết quả, từ một cuộc khảo sát xã hội học của Viện nghiên cứu phát triển Mekong, với 1.400 người Việt được chọn lựa ngẫu nhiên: 90% cho rằng mình hạnh phúc, 90% tin tưởng vào hệ thống giáo dục, 90% tin tưởng vào hệ thống y tế và pháp luật, 68% tin tình hình tham nhũng sẽ được cải thiện trong 5 năm tới, 75% cho rằng triển vọng kinh tế và việc làm sẽ được cải thiện trong 5 năm tới (*).
Tôi tin, cuộc khảo sát có thể là nghiêm túc, khách quan. Nhưng, không quá ngạc nhiên về kết quả này.
Năm 2011, Viện dư luận BVA và tổ chức quốc tế Gallup cũng từng công bố một kết quả khảo sát tại 53 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới về chỉ số lạc quan của người dân: nước Việt đứng đầu, dân Việt được xem là lạc quan nhất thế giới.
Điều đáng nói, không phải ở vị thế nhất nhì, hay những chỉ số 90% ấy.
Báo chí, rồi lại sẽ tung hê, hồ hởi trước những chỉ số niềm tin, với hạnh phúc này. Còn tôi nghĩ khác: Đó là một nỗi lo, nếu không muốn nói là báo nguy, về bản tính tiếp nhận dễ dãi của người Việt, dễ bằng lòng với thực tại mà ít đòi hỏi quyết liệt cho những thay chuyển lớn.
Một đất nước, một dân tộc mà chỉ số lòng tin trong dân chúng luôn ở mức hài lòng, dễ dàng chấp thuận thực tại thì đó là một dân tộc không có khao khát lớn.
Nhìn ở nghĩa đó, cái chỉ số niềm tin với hạnh phúc 90% kia là đáng lo, chứ không phải đáng mừng.

Những ông bố độc ác, hay nền chính trị độc ác?
Thứ Hai, 01/14/2019 - 08:18 — truongduynhat
“Tôi kính, phục khi nghe nhiều vị dám hi sinh cái ghế của mình để bảo vệ vợ con. Và khinh miệt những chính khách vô sỉ đến mức bê cả bệnh tình và tính mạng con ra làm tấm khiên đỡ, khi lâm trận.
Đàn ông thế, hèn!
Chính khách thế, vứt!”
Tôi viết những dòng trên, trong sự cố phu nhân Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Là nói về thái độ quẩn quanh, thậm chí bắt đứa con thơ dại ngây ngô của mình phải “đổ bệnh” để bao biện.
Nay, thêm chuyện ông Kiệt (Võ Anh Kiệt, phó bí thư tỉnh uỷ An Giang) khiến tôi... kinh sợ!
Khi đứa con nghiện ngập của mình bị bắt, ông đã phân trần rằng: Lâu nay nó ở riêng, ở riêng 7 năm rồi chứ không chung sống với ông. Và ông, cũng đã nhiều lần chủ động yêu cầu từ công an huyện đến công an tỉnh bắt giam, nhưng nó trốn thoát.
Man rợ hơn, khi ông bảo rằng “nếu giết được nó thì tôi đã giết”(*).
Hai sự kiện, hai thái độ ứng xử đến kinh sợ. Những người bố ác độc đến mức bắt con phải “đổ bệnh”, thậm chí đòi giết con để giữ ghế, bảo vệ uy tín chính trị cho mình.
Nhìn, nghe họ ứng xử với con họ đã kinh sợ. Huống gì để họ cầm nắm vận mạng quốc gia.
Sự độc ác từ họ, hay bản chất nền chính trị này khiến họ phải độc ác?
____________ 


No comments:

Post a Comment