Tuesday, February 26, 2019

Hỏi về nước tiểu trắng và bị đi tiểu nhiều-Bs Hồ Văn Hiền


Hỏi về nước tiểu trắng và bị đi tiểu nhiều
25/10/2018
·         Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Thính giả Khánh Lan hỏi:
Tôi năm nay 42 tuổi, thời gian khoảng 4-5 tháng gần đây, tôi thường xuyên bị đi tiểu, nước tiểu rò rỉ yếu và chậm, mỗi lần đi tiểu nước tiểu yếu đến nỗi cứ bị tè rò rỉ chảy xuống chân ướt nhẽm, không biết nguyên nhân vậy có thể là bị bệnh gì hả Bác sĩ ? Và cần điều trị thuốc gì để khỏi ạ?
Tiền sử của tôi nghe bố mẹ kể lại là từ nhỏ năm tôi lên 1 tuổi, bị tiểu ra như nước gạo, và ruồi kiến bâu vào mỗi khi đi tiểu, bác sĩ hồi đó chẩn đoán tôi bị bệnh to gan, và đã đến mức giai đoạn bệnh viện trả về chờ chết, vì thời đó điều kiện gia đình tôi rất nghèo. Trên đường bố tôi đưa tôi về thì gặp một thầy lang. Ông thầy đó nhận nhầm bố tôi là người quen nên mới hỏi bố tôi cháu bị sao và ổng bắt mạch kê thuốc cho tôi, 5 thang thuốc, chỉ uống duy nhất 5 thang thuốc mà từ đó tôi khỏi bệnh luôn, không còn đi nước tiểu như nước gạo nữa, da dốt dần trở nên hồng hào và khỏe mạnh lớn phổng phao lên trông thấy.
Đến năm 13 tuổi, tôi bắt đầu bị hành kinh, thì tự nhiên tiểu buốt tiểu rắt rất khó chịu, thì tôi mới được nghe mẹ kể lại. Tôi uống đủ các lá bông lá đề đích mẫu, rau má v..v. rồi đi các bệnh viện khám, sang cả bệnh viện ở Quảng Đông, Trung Quốc khám nhưng bác sĩ đều không khám ra bệnh. Họ nói tôi không có bệnh gì.
Đi khắp nơi khám không ra bệnh, nên tôi dần dần tạo cho mình thói quen là uống thật nhiều nước thì không bị tiểu buốt nhưng lại bị đi tiểu nhiều lần. Chấp nhận như vậy mấy chục năm qua, cho đến giờ gần đây 4-5 tháng tự nhiên tôi lại bị tiểu yếu và chậm như tôi nói trên.
Tôi xin Bác sĩ có thể cho tôi biết mua thuốc gì để uống hết được tiểu chậm không ạ? Và nguyên nhân là bệnh cũ tái phát hay là còn nguyên nhân nào nữa không hả Bác sĩ?
Rất mong nhận được tin trả lời của Bác sĩ. Tôi xin chân thành cảm ơn Bác sĩ nhiều.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời
Cũng như mọi khi, chúng ta chỉ bàn để cùng nhau học hỏi, hoàn toàn có tính cách thông tin mà thôi. Người bịnh cần được bác sĩ của mình chữa trị và theo dõi.
Câu chuyện kéo dài trên 40 năm, không dễ gì định bịnh được chỉ qua một lá thư. Lời khuyên đầu tiên là vị thính giả đi tìm một bác sĩ gia đình có thì giờ và kiên nhẫn theo dõi câu chuyện của mình, và sau đó lần mò những tìm ra những đường dẫn trong quá khứ có liên hệ với tình hình bịnh nhân hôm nay. Không những để trị những triệu chứng đường tiểu hiện nay, mà còn để xem những vấn đề sức khoẻ khác, như gan, dinh dưỡng có thể còn tồn tại. Đây là những triệu chứng ít khi gặp, lại quy tụ vào một bịnh nhân, cho nên rất khó hy vọng tìm được một chẩn đoán bao quát hết mọi vấn đề xảy ra trên nhiều thập kỷ. Những điều sau đây chỉ có mục đích lý luận mà thôi; phần chẩn đoán là vai trò của bác sĩ riêng của bịnh nhân.
1) Bịnh lúc 1 tuổi: Nước tiểu trắng (albinuria; abino=trắng, uria=tiểu) có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau:
- Quá nhiều chất vôi, như calcium phosphate, hay uric acid, oxalate. Ít xảy ra. nếu cho chất acid vào nước tiểu các lợn cợn trắng calcium phosphate này sẽ tan. Nếu ly tâm nước tiểu, sẽ có cặn màu trắng như phấn vôi. Bịnh nhân thường được khuyên uống nước nhiều hơn, ăn bớt muối. Nếu chuyện xảy ra đã lâu, nên kiểm tra xem có sạn đường tiểu hay không bằng siêu âm hay quang tuyến, và xem cơ năng thận như thế nào, bằng cách thử máu, thử nước tiểu (xem có máu, có protein không, có nhiễm trùng không).
- Tuy nhiên, theo thính giả kể, nước tiểu bị ruồi kiến bâu vào, và gan bị sưng to, các bs đều chê không chữa được. Không biết lúc đó, có lẽ sau 30 tháng 4 năm 1975, bịnh nhân ở vùng nào, bác sĩ thuộc trình độ thế nào, và có khảo sát thử nghiệm gì hay không. Gan lớn và tình hình nghiệm trọng ở một bé gái 1 tuổi như vậy, nước tiểu trắng có thể do protein hiện diện rất nhiều trong nước tiểu. Một số trong các nguyên nhân có thể xảy ra:
chyluria: có đường rò rỉ của bạch huyết (lâm ba, lymph) qua đường tiểu (bọng đái) làm nước tiểu trắng đục như có pha sữa. Nếu ở miền bắc VN, bịnh do ký sinh trùng giun chỉ bancrofti (filariasis do Wuchereria bancrofti) có thể gây ra chuyện này, trên lý thuyết, giải thích tình trạng bịnh rất nặng và gan to. Nếu hết bịnh sau đó, có thể bịnh nhân dọn đi nơi khác và không bị muỗi của vùng đó chích và nhiễm lại đợt ký sinh trùng mới. Rò rỉ dịch lâm ba có thể bẩm sinh và sau đó, tự nó tắt đi, bít lại. Cần cho bác sĩ chuyên về niệu khoa (urologist) biết về chi tiết này để để ý hơn vào các bất bình thường có thể có hiện nay.
-nephrotic syndrome: thận thải ra quá nhiều protein (albumin) trong nước tiểu,là ruồi kiến bu vào; nhưng nước tiểu không trắng như sữa; bịnh nhân có thể phù, thiếu máu.
-nước tiểu đục vì mủ của bịnh lao thận (caseous material from renal tuberculosis). Cần xem hiện nay, có dấu hiệu lao hay không, nhất là đường tiểu: như bọng đái, cơ năng thận. Các ổ vi trùng lao có thể tạo nên ổ mủ, mở ra vào các ống dẫn, sau đó có thể tồn tại hàng chục năm. Bịnh nhân có thể mất một phần cơ năng thận, áp huyết cao vì thận hư hại. Thẹo ở ống niệu quản bị hoá xơ có thể chặn đường nước tiểu làm thận nông đầy nước tiểu (hydronephrosis), trong bọng đái, các sợi cơ có thể bị vi trùng lao huỷ hoại và thay thế bằng những sợi xơ (fibrous bladder), làm bọng đái không co giãn được, chỉ chứa được một lượng nước tiểu nhỏ và đầy quá thì tràn ra ngoài gây tiểu són (incontinence).
Bịnh nhân nhiễm vi khuẩn lao do hít vào đường hô hấp (phổi). Trong một số trường hợp vi khuẩn lao đi vào máu, qua thận, làm thận tổn thương, rồi có thể đi theo niệu quản (ureter).Bộ phận sinh dục có thể mắc bịnh lao do tiếp xúc với vi khuẩn lao ở vùng này lúc giao hợp, ví dụ tuyến tiền liệt, dịch hoàn ở nam giới và tử cung ở nữ giới.
Bịnh lao ở bọng đái (bàng quang, bladder) có thể chỉ tấn công nội mạc bên ngoài hoặc có thể ăn sâu vào lớp cơ của bộ phận này, thay thế cơ bằng mô sẹo xơ và cứng (fibrous, scar tissue), không co giãn được, làm thể tích của bọng đái nhỏ teo lại, và thêm nữa nhạy cảm làm cho người bịnh phải đi tiểu thường xuyên.
Người bịnh lao được chích và uống nhiều thuốc trong nhiều tháng, hoặc cả năm và được theo dõi thường xuyên (thử đàm, chụp hình phổi, thử máu xem thuốc có tác dụng độc trên gan hay không). Một số bác sĩ dùng những thuốc có tác dụng giảm co thắt các sợi cơ của bọng đái (anticholinergic drugs) đồng thời với thuốc kháng sinh để giảm thiểu các triệu chứng của bịnh lao bọng đái, kết quả khả quan, số lần đi tiểu giảm 75% và dung tích bọng đái tăng 4,7 lần.
Bọng đái bị cơ năng rối loạn không những làm người bịnh khổ sở mà còn làm tổn hại hư cơ năng hai trái thận vì áp suất nước tiểu ứ đọng trong bọng đái dội ngược lên trên thận và làm thận hư hại. Những trường hợp nặng cần phẫu thuật để nới rộng bọng đái (augmentation cystoplasty).
Bịnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa niệu nghiên cứu kỹ lưỡng (chẩn đoán hình ảnh, đo áp suất trong bọng đái, nghiên cứu tình hình và cơ năng của hai thận, hai niệu quản là ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bọng đái, xem nước tiểu có bị áp suất quá cao trong bọng đái đẩy ngược lại lên thận [vesicoureteral reflux] và làm tổn thương thận hay không).
Có thể ông thầy lang có bài thuốc tác dụng trên các trường hợp nêu trên, hay cũng có thể do yếu tố tình cờ, cuộc sống cải thiện và bịnh tình khá hơn.
Tóm lại, với một bịnh sử kéo dài lâu như vậy, ngoài một bác sĩ gia đình chúng ta nên tham khỏi với một bác sĩ chuyên về niệu khoa /urologist, bác sĩ sản phụ khoa (cần nghiên cứu quá khứ sanh đẻ; tình hình tử cung, âm đạo ảnh hưởng đến sức khoẻ bọng đái, niệu đạo, vùng xương chậu) (và bs chuyên khoa thận/nephrologist nếu cần) để xem xét và đánh giá toàn bộ hệ tiết niệu (urinary system), gồm cơ năng thận, hình ảnh về thận (kidney imaging), niệu quản (ureter) và bọng đái (urinary bladder) để có những chẩn đoán chính xác và biện pháp trị liệu thích hợp.
Tôi vẫn biết nếu từ xa càng bàn nhiều vào cơn bịnh sẽ có cơ nguy là làm bịnh nhân lo lắng nhiều thêm. Tuy nhiên đây có vẻ là một trường hợp chưa được khám bịnh và nghiên cứu nghiêm túc, có lẽ giúp cho người bịnh nhìn thấy vấn đề của mình trên một bình diện bao quát hơn là những triệu chứng rời rạc có thể là một bài học có ích cho người góp ý lẫn quý vị đang theo dõi câu chuyện hôm nay.
Chúc quý vị thính giả may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 19 tháng 10 năm 2018


No comments:

Post a Comment