Đầu Tư Nước
Ngoài chảy vào Đông Nam Á
Thanh Trúc & Nguyễn-Xuân Nghĩa,
RFA
2019-02-27
2019-02-27
Từ nhiều năm qua,
Trung Quốc hết là “công xưởng toàn cầu” nhờ nhân công nhiều và rẻ. Nhưng đà
tăng trưởng suy giảm và viễn ảnh thương chiến dai dẳng với Hoa Kỳ còn khiến
giới đầu tư nước ngoài đi tìm thị trường kế cận là các nước Đông Nam Á, trong
đó có Việt Nam. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về trào lưu này.
Thanh Trúc: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Thanh Trúc
xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, giới quan sát
tài chính có thấy một trào lưu mới trong khu vực Đông Nam Á, gồm hơn 650 triệu
dân và có sản lượng kinh tế tổng cộng chừng 3000 tỷ đô la một năm, là nơi tiếp
nhận rất nhiều đầu tư trực tiếp của nước ngoài, và hiện tượng đó còn tăng tốc
rất mạnh trong năm 2018 vừa qua. Đáng chú ý không kém là lượng đầu tư ấy còn
cao hơn số đầu tư vào thị trường Trung Quốc. Như vậy, phải chăng giới đầu tư
quốc tế đang rút khỏi Trung Quốc mà dồn tiền vào các nước Đông Nam Á?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nhìn về dài thì khu vực Đông Nam Á
được giới đầu tư quốc tế chú ý từ lâu, với lượng đầu tư tăng gấp đôi trong vòng
10 năm, trung bình là 7% một năm. Chiều hướng đó được đẩy mạnh từ năm sáu năm
trước, khi kinh tế Trung Quốc hết giữ vai trò “công xưởng toàn cầu” nhờ có dân
số đông và nhân công rẻ. Diễn đàn này của chúng ta dự báo sự kiện đó hơn năm
năm về trước và nói đến triển vọng cho Việt Nam. Ngày nay, nhiều chuyển động
khác còn đẩy mạnh chiều hướng đó hơn nữa.
- Thứ nhất, kinh tế
Trung Quốc không còn tăng trưởng mạnh như xưa; thứ hai, khó khăn chính trị bên
trong và nhiều mâu thuẫn đa diện với Hoa Kỳ ở bên ngoài khiến thị trường Trung
Quốc hết là nơi đầu tư hấp dẫn. Vì vậy, trong năm 2018 vừa qua, lượng đầu tư
trực tiếp của nước ngoài đổ vào Đông Nam Á lại cao hơn số đổ vào Trung Quốc…
Xin nói thêm rằng người ta quen gọi tắt “đầu tư trực tiếp của nước ngoài” bằng
Anh ngữ là FDI.
Thanh Trúc: Thưa ông, thính giả của chúng ta có thể thắc
mắc là vì sao kinh tế Trung Quốc có một tỷ 400 triệu dân với đà tăng trưởng dù
có sụt và chỉ còn dưới 7% và sản lượng kinh tế chừng 13 ngàn tỷ một năm, lại
không thu hút được đầu tư của quốc tế ngoài bằng các nước Đông Nam Á dầu sao
cũng chỉ có 650 triệu dân, và sản lượng chừng ba ngàn tỷ, với đà tăng trưởng
coi như cao nhất là Việt Nam thì cũng chừng 7% một năm mà thôi?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Câu hỏi rất hay vì cho chúng ta thấy
lối tính của các doanh nghiệp khi chọn nơi đầu tư. Về bối cảnh chumg thì năm
ngoái, lượng đầu tư trực tiếp của quốc tế ra ngoài giảm gần 20%. Tại sao như
vậy? Thứ nhất, vì Hoa Kỳ dưới chính quyền của ông Donald Trump thay đổi đạo
luật thuế khóa và khuyến khích doanh nghiệp Mỹ hồi hương tư bản để đầu tư ở nhà
hầu tạo ra công ăn việc làm cho dân Mỹ. Thứ hai, trận thương chiến giữa
Washington và Bắc Kinh khiến hàng hóa Trung Quốc có thể bị áp thuế nhập nội cao
hơn. Thứ ba là mâu thuẫn Mỹ-Hoa sẽ chi phối các nghiệp vụ đầu tư của doanh
nghiệp Mỹ vào thị trường Trung Quốc, nên họ phải tìm bãi đáp ở nơi khác, nơi đó
là khu vực Đông Nam Á gần Trung Quốc. Và yếu tố thứ tư là khả năng xuất khẩu
của Đông Nam Á khi mà sức nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm dần.
- Thành thử khu vực
Đông Nam Á sẽ trở thành bệ phóng cho việc xuất cảng ra ngoài, cho nên dù lượng
đầu tư trực tiếp FDI toàn cầu có giảm 19% năm ngoái, đầu tư vào Đông Nam Á vẫn
tăng đến hơn 10% lên tới 145 tỷ đô la, tương đương với 20% của tổng số đầu tư
quốc tế. Nói cho gọn thì khu vực Đông Nam Á đang có thế mạnh khi đàm phán và
tiếp nhận đầu tư của các nước khác.
Thanh Trúc: Nói về thế mạnh đó của Đông Nam Á,
ông cho rằng những yếu tố nào là đáng kể nhất?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nói chung thì thị trường hơn 650 triệu
dân có mãi lực cao, lợi tức trung bình một đầu người là 4.600 đô la một năm chứ
không ít. Thứ hai là phí tổn trong ngành chế biến tương đối vẫn còn thấp nên
đầu tư dễ có lời cao trong một chuỗi cung ứng toàn cầu là nhiều nước cùng góp
phần ráp chế một sản phẩm. Yếu tố thứ ba là 10 nước trong Hiệp Hội Quốc Gia
Đông Nam Á, gọi là ASEAN, có giao kết tự do thương mại với các khối kinh tế lớn
nên hàng hóa dễ bán hơn.
- Thứ tư, khu vực này
còn có đặc tính đa năng và đa diện khả dĩ đáp ứng nhiều yêu cầu khác nhau của
thiên hạ, tôi xin nêu vài thí dụ: Singapore là một trung tâm tài chính có thể
mở ra toàn khu vực; Indonesia là nơi tiếp nhận đầu tư về công nghệ hay thuật lý
cao; Thái Lan, Malaysia và Philippines là những nơi có sẵn hạ tầng chế biến mặt
hàng tiêu dùng, xưa kia là ưu thế của Trung Quốc nay sẽ cạnh tranh với hàng
Trung Quốc. Dù còn nghèo thì Lào vẫn là xứ có tiềm năng vế khoáng sản và thủy
điện, Cam Bốt cũng đang bước từ nghề may mặc áo quần lên chế biến hàng điện tử,
còn Miến Điện hay Myanmar cũng có thể ra khỏi khủng hoảng mà trở thành cửa ngõ
giao dịch với Ấn Độ Dương.
Thanh Trúc: Thưa ông, còn Việt Nam trong khu vực đó có
những thế mạnh gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Việt Nam có dân số gần trăm triệu chứ
không ít và với đà tăng trưởng được coi như cao nhất khu vực nên vẫn có hy vọng
thu hút đầu tư vào các ngành chế biến sơ đẳng như áo quần, giầy dép, đồ gỗ lẫn
ráp chế điện tử tương đối đòi hỏi tay nghề cao hơn. Năm qua, đầu tư trực tiếp
vào Việt Nam tăng được 9%, là điều đáng mừng. Nhưng vì ba trở ngại là hạ tầng
cơ sơ vật chất lẫn luật pháp chưa cải thiện bằng xứ khác, tham nhũng vẫn tràn
làn và trình độ tay nghề của các nhân viên chuyên môn còn thấp nên Việt Nam
chưa khai triển hết lợi thế của mình khi đàm phán và thuyết phục giới đầu tư
nước ngoài. Việc cải cách cơ chế và thực thi các cam kết về môi sinh và lao
động trong khuôn khổ Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương sẽ có sức thuyết
phục rất cao.
- Nhìn về dài cho một
viễn ảnh phát triển trường kỳ thì Việt Nam nên thu hút đầu tư của nước ngoài
làm lực đẩy cho đầu tư nội địa, của người Việt Nam. Các quốc gia trong khu vực
Đông Nam Á cũng đều tính toán như vậy.
Thanh Trúc: Nếu nhìn từ giác độ của giới đầu tư ngoại quốc
như từ Hoa Kỳ, Âu Châu hay Đông Bắc Á thì họ thấy những gì là ưu thế lâu dài
của Đông Nam Á để tới nơi rồi sẽ ở lại thay vì tìm bãi đáp khác?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thật ra, việc tìm một bãi đáp khác
cũng mất nhiều năm chứ không dễ đâu!
- Trước đây, Trung
Quốc là nơi hấp dẫn đầu tư để bán hàng ra ngoài cho tới khi kinh tế thay đổi vì
yếu tố dân số khiến nhân công không còn rẻ và vì chiến lược của Bắc Kinh là từ
bỏ dần các ngành chế biến hạng thấp để tiến lên trình độ sản xuất cao hơn thì
Đông Nam Á là cơ hội điền thế vào khoảng trống Trung Quốc.
- Bây giờ, khi đà tăng
trưởng sút giảm và mâu thuẫn của Trung Quốc với Hoa Kỳ gia tăng thì cơ hội đó
càng sáng tỏ. Mặc dù Trung Quốc vẫn còn ưu thế là có chuỗi cung ứng sản phẩm
trải rộng nhưng động thái gay gắt của Bắc Kinh càng khiến giới đầu tư muốn tìm
nơi khác.
- Chẳng hạn như Đài
Loan đã đầu tư rất mạnh vào thị trường Trung Quốc nhưng nay khuyến khích các
doanh nghiệp của họ tìm xuống hướng Nam cho an toàn. Nam Hàn cũng thấy mức lời
từ Trung Quốc giảm dần trong lâu dài nên tìm xuống các thị trường Đông Nam Á và
đang thương thuyết hiệp ước tự do mậu dịch với Indonesia, Malaysia và
Philippines.
Thanh Trúc: Ông nói tới “chuỗi cung ứng” của Trung Quốc là
một ưu thế, thưa ông, thính giả của chúng ta có thể muốn biết cái đó là gì vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Một sản phẩm hoàn tất kết hợp nhiều cơ
phận và là đóng góp từ nhiều quốc gia. Thí dụ như sản phẩm nói là chế tạo tại
Trung Quốc để bán ra ngoài có phần đóng góp của xứ khác khi sản xuất từng cơ
phận chế ráp thành một sản phẩm hoàn tất. Nhà đầu tư hội nhập các yếu tố cung
cấp từ nhiều nơi và dù có nhãn hiệu “Made in China”, phần đóng góp thuần túy
của Trung Quốc không là 100%.
- Nhưng ngược lại,
Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu lớn của nhiều nước Á Châu như Đài Loan,
Nam Hàn, thậm chí Việt Nam. Khi mâu thuẫn gia tăng với Mỹ và số xuất khẩu vào
Trung Quốc giảm thì giới đầu tư muốn lập ra một hệ thống ráp nối khác, một
chuỗi cung ứng khác.
Thanh Trúc: Nói về Việt Nam thưa ông, đâu là lợi thế và
đâu là rủi ro của xứ này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Kinh tế Việt Nam có nhược điểm là 1/
quá lệ thuộc vào đầu tư của nước ngoài để xuất khẩu và cơ bản là làm gia công
cho xứ khác, 2/ mua nhiều nhất từ Trung Quốc nhưng lại bán nhiều nhất vào thị
trường Hoa Kỳ, 3/ thiếu quân bình vĩ mô về công chi thu vả chính sách tiền tệ
nên có thể kém sức cạnh tranh nếu so sánh với các lân bang trong khu vực.
- Nhưng trận thương
chiến Mỹ-Hoa lại mở ra cơ hội mới và đó là lợi thế. Như Tháng Giêng vừa qua,
đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam tăng hơn 50% so với năm ngoái, chủ yếu là
vào các khu vực khoa học, điện tử, thông tin và viễn thông. Nói tới “chuỗi cung
ứng” thì ta nhớ khái niệm “trị giá gia tăng”, mọi quốc gia đều mong góp phần
sản xuất với trị giá gia tăng cao hơn của mình. Muốn vậy thì Việt Nam nên nhân
cơ hội nâng cấp đóng góp của nhân công và doanh nghiệp nội địa và đấy cũng là
cơ hội thoát khỏi tình trạng quá lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc.
Thanh Trúc: Nói về viễn ảnh lâu dài, thưa ông, Việt Nam
nên khai thác cơ hội này như thế nào cho năm bảy năm tới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nhìn trong trường kỳ, Việt Nam nên
nhắm vào mục tiêu hơi trái ngược. Đó là phải ít lệ thuộc hơn vào xuất khẩu để
tránh ảnh hưởng thăng giáng bất thường của thị trường quốc tế, chỉ dấu cảnh báo
trước mắt là xuất cảng tháng trước đã giảm hơn 1,2%. Mục tiêu thứ hai là gia
tăng khả năng đóng góp của doanh nghiệp nội địa hầu bớt lệ thuộc vào đầu tư của
nước ngoài.
- Nghịch lý hơi khó
hiểu ở đây là khi giới đầu tư quốc tế đang nhìn vào Việt Nam như một nơi kiếm
lời cao hơn thì Việt Nam phải chuẩn bị cho việc doanh nghiệp của mình sẽ có mức
lời cao hơn. Sau Nhật Bản thì Nam Hàn hay Đài Loan cũng đã tính toán như vậy từ
nửa thế kỷ trước, để ngày nay là những chủ đầu tư mà các nước Đông Nam Á đều
trông ngóng, mời chào.
Thanh Trúc: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng
Thanh Trúc m xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng
vấn kỳ này.
No comments:
Post a Comment