Thursday, December 19, 2019

Hoa Kỳ và Trung Quốc tạm hưu chiến - Nguyễn Xuân Nghĩa


Hoa Kỳ và Trung Quốc tạm hưu chiến
Nguyễn Xuân Nghĩa
2019-12-18
ĐỌC:
Sau 20 tháng đàm phán, hôm Thứ Sáu 13 vừa qua, Hoa Kỳ và Trung Quốc thông báo đã thỏa thuận về “Giai đoạn Một” nhằm giải quyết mâu thuẫn kinh tế giữa hai nước. Nhưng phải chăng đây chỉ là một cuộc đình chiến tạm bợ cho tới năm sau và qua năm 2020, quan hệ giữa đôi bên sẽ còn căng thẳng? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu chuyện này….
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, kể từ Tháng Ba năm ngoái, trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã trải qua nhiều thăng trầm với cao điểm là đầu Tháng Năm của năm nay khi Bắc Kinh phủ nhận nhiều cam kết trước đó khiến Hoa Kỳ leo thang và gây áp lực rất mạnh về thuế nhập nội đánh trên hàng hóa của Trung Quốc bán vào thị trường Mỹ. Thế rồi, giới chức đôi bên tiếp tục đàm phán để tuần qua vừa đạt thỏa thuận về “Giai đoạn Một” sẽ áp dụng vào đầu năm tới. Theo dõi mâu thuẫn giữa đôi bên, ông có nhận xét như thế nào?
Đình chiến tạm bợ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta ở vào cuối năm nên vừa phải tổng kết cho năm nay rồi cố gắng dự báo về quan hệ giữa hai nước vào năm tới. Về thỏa thuận được thông báo hôm Thứ Sáu 13, tôi nghĩ đây chỉ là một cuộc đình chiến tạm bợ chứ mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ còn gia tăng và lan rộng qua năm sau.
Bắc Kinh đã chẳng hiểu sự vận hành của kinh tế toàn cầu từ hơn hai thế kỷ vừa qua, lại đòi khống chế nền kinh tế đó để trục lợi và để vượt mặt Hoa Kỳ. Bắc Kinh đang rơi vào chu kỳ bế tắc của Trung Quốc vào thời Đại Minh của Thế kỷ 15 và Đại Thanh của Thế kỷ 19 và sẽ bị khủng hoảng!
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Thính giả của chúng ta đã quen với cách phân tích có vẻ bi quan của ông, nên Nguyên Lam xin yêu cầu ông giải thích cho lý do vì sao thỏa thuận này chỉ là một cuộc đình chiến tạm bợ trong một trận thương chiến đã kéo dài từ 20 tháng qua?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước tiên, tôi xin đề nghị là chúng ta nhìn vào toàn cảnh sâu xa lâu dài của mâu thuẫn giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ và nhiều nước khác.
- Trung Quốc thật ra “chưa hùng mà đã hung” và lãnh đạo của họ kể từ khi ông Tập Cận Bình lên làm Tổng bí thư sau Đại hội đảng Khóa 18 vào cuối năm 2012 còn tập trung tối đa quyền lực để giải quyết nhiều vấn đề bên trong mà chưa xong. Vì vậy, năm 2019 sắp kết thúc là một năm ta có thể gọi là “mất mùa” cho họ Tập.
- Lý do vì sao giải quyết chưa xong các vấn đề bên trong thì có rất nhiều, nhưng về căn bản thì Trung Quốc chưa nắm vững sự vận hành của kinh tế quốc tế mà vội nuôi tham vọng thay thế Hoa Kỳ để lãnh đạo nền kinh tế đó và chi phối cả an ninh của các nước khác. Sau khi đắc cử Tổng thống vào cuối năm 2016, ông Donald Trump đã nêu rõ yêu cầu là sẽ gây áp lực để Bắc Kinh phải cải tổ cơ chế kinh tế chính trị theo chuẩn mực của các nước tiên tiến, như họ đã cam kết từ khi được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO gần 20 năm trướx.
- Vì lý do chính trị nội bộ của Mỹ, ông Trump chọn trận địa chiến để khai hỏa là mâu thuẫn thương mại và áp thuế nhập nội nhằm bảo vệ quyền lợi của công nhân và doanh nghiệp Hoa Kỳ. Chiến thuật đó của ông gây hiểu lầm là Mỹ chỉ lo cho quyền lợi ích kỷ của mình, nhưng dần dần thì các nước khác cũng hiểu ra ý đồ của Bắc Kinh và đấy là một nhược điểm của Tổng bí thư Tập Cận Bình.
Nguyên Lam: Nhưng ông vẫn chưa giải thích vì sao ông cho rằng Giai đoạn Một mà đôi bên vừa thỏa thuận chỉ là một cuộc hưu chiến tạm bợ và không bền. Nguyên Lam xin đề nghị là ông phân tích thêm chuyện này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Bắc Kinh có thủ thuật buôn bán và đầu tư của một cơ chế kinh tế chính trị thiếu tự do và minh bạch nên bị Mỹ trừng phạt về thương mại như bước đầu, nhằm tạo ra thay đổi sâu xa hơn. Thỏa thuận về “Giai đoạn Một” vừa được nói tới mới chỉ tạm hoãn việc áp thuế hay giảm thuế mà thôi và cần thời gian phiên dịch để khai triển những gì đã cam kết qua tài liệu dài 86 trang, sau đó mới được hai bên thẩm xét về thực hư và khả năng kiểm chứng.
- Chính trường Hoa Kỳ và nội bộ Trung Quốc có nhiều vấn đề vào năm tới nên đôi bên cùng tạm hưu chiến nhưng sẽ tiếp tục lâm chiến trên nhiều lĩnh vực khác. Điều đáng chú ý là lãnh tụ đôi bên đều tránh ký kết thỏa thuận này mà để cho thuộc cấp phát biểu và thi hành. Trong khi ấy, vấn đề nổi cộm là thuật lý, công nghệ hay technology, vẫn là mâu thuẫn lớn cho mai sau.
- Năm tới, người ta ít nói về kinh tế mà quan tâm hơn đến an ninh và đấy mới là trận địa chiến thật giữa hai nước, khi các vấn đề như nhân quyền, dân chủ hay chủ quyền của các lân bang của Trung Quốc cũng nằm trong nghị trình đàm phán mở rộng hơn…
Các ưu tiên của Bắc Kinh
Nguyên Lam: Nhìn từ giác độ của lãnh đạo Bắc Kinh, ông nghĩ sao về các ưu tiên của họ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Lãnh đạo Bắc Kinh có loại vấn đề mà dân ta hay gọi là “lấy ngắn nuôi dài”, là tìm lợi thế ngắn hạn để cải cách dài hạn, nhưng lại gặp “mâu thuẫn cơ bản” - chữ của họ - là biện pháp kích thích ngắn hạn đi ngược với mục tiêu cải cách dài hạn. Trong khi đó họ lại bị dồn vào nhiều ưu tiên khác như trận chiến về ngoại hối, đầu tư khi các nước đã thấy ra thế ưu đãi và trợ cấp cho hệ thống doanh nghiệp nhà nước, hay vụ Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng...
- Ông Trump ưa tuyên bố lung tung làm nhiều người chẳng hiểu khi nào ông nói thật, khi nào lập mưu giả bộ. Nhưng Bắc Kinh lại “thành thật khai báo” mục tiêu của họ qua các khái niệm “Trung Quốc Mộng”, sáng kiến “Nhất Đới Nhất Lộ”, hay việc bành trướng quân sự và uy hiếp các lân bang từ Đông Bắc Á quanh Đài Loan Nhật Bản, xuống biển Đông Nam Á thậm chí tới Nam Thái Bình Dương.
- Trong khi ấy Bắc Kinh đã chẳng hiểu sự vận hành của kinh tế toàn cầu từ hơn hai thế kỷ vừa qua, lại đòi khống chế nền kinh tế đó để trục lợi và để vượt mặt Hoa Kỳ. Bắc Kinh đang rơi vào chu kỳ bế tắc của Trung Quốc vào thời Đại Minh của Thế kỷ 15 và Đại Thanh của Thế kỷ 19 và sẽ bị khủng hoảng!
Các chu kỳ bế tắc
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin yêu cầu ông giải thích cho hai chu kỳ bế tắc đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong luồng giao dịch giữa các nước với nhau thì có mua vào cũng phải bán ra mới có bạn hàng và đồng minh. Nay Bắc Kinh vẫn chưa rõ quy luật sơ đẳng ấy của lịch sử nên rơi vào khủng hoảng kinh tế, nạn tham ô của triều Minh khiến nước Tầu gặp loạn, vua Sùng Trinh tự tử để nhà Thanh chiếm đoạt cả nước. Trong giai đoạn ấy, các Đế quốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nổi lên và chi phối toàn vùng Đông Á rồi bị các Đế quốc Anh, Hà Lan thay thế. Sự vận hành rắc rối đó cần trí nhớ và cách giải thích hợp lý, là điều Trung Quốc chủ quan lại nhìn không ra.
- Kế tiếp, nhà Đại Thanh cũng mắc bệnh vĩ cuồng như Bắc Kinh ngày nay, vì tưởng mình là cường quốc kinh tế giàu mạnh hơn các Đế quốc Anh Pháp. Rốt cuộc, nhà Thanh không cải cách rồi bị nội loạn với vụ Thái Bình Thiên Quốc và sụp đổ. Lãnh đạo Bắc Kinh ngày nay chỉ nói về “bách niên quốc sỉ”, trăm năm ô nhục vì bị liệt cường tấn công từ vụ Chiến tranh Nha phiến giữa Thế kỷ 19 mà không thấy ra hoặc dám nói đến các vấn đề chồng chất ở bên trong.
- Họ không tự hỏi vì sao làm xứ sở lụn bại khi đã là cường quốc kinh tế số một? Một lý do giải thích là Chủ nghĩa Mác-Lênin tai hại. Một lý do khác chính là từ nền văn hóa duy ý chí của Trung Hoa. Hậu quả là ngày nay không chỉ có Hoa Kỳ mà các nước khác cũng đang nêu vấn đề về âm mưu bành trướng của Bắc Kinh trong nhiều lĩnh vực an ninh, kinh tế và thuật lý. Năm 2020 này sẽ phơi bày chuyện đó.
Nguyên Lam: Như vậy, kết luận của ông là qua năm 2020, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ còn gay go hơn những gì chúng ta đã thấy trong hai năm qua?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nhiều phần sẽ là như thế và đấy là thành tích của ông Tập Cận Bình!
Ngày nay không chỉ có Hoa Kỳ mà các nước khác cũng đang nêu vấn đề về âm mưu bành trướng của Bắc Kinh trong nhiều lĩnh vực an ninh, kinh tế và thuật lý. Năm 2020 này sẽ phơi bày chuyện đó.,BR>-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Tại Hoa Kỳ, giữa sự phân hóa chính trị khá kỳ lạ của nước Mỹ, Tập Cận Bình lại tạo ra sự đồng thuận giữa Hành Pháp và Lập pháp và giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa về đối sách với Bắc Kinh, về vụ Hồng Công, Đài Loan, Tân Cương hay về mâu thuẫn trên Biển Đông. “Chưa hùng mà đã hung” là vậy!
- Đã thế, qua bảy đời Tổng thống Mỹ, từ ông Richard Nixon tới Barach Obama, Bắc Kinh còn chứng minh rằng Trung Quốc sẽ chẳng cải cách để có một chế độ thông thoáng và hợp tác với các cường quốc hầu cùng giải quyết các vấn đề lớn của thế giới mà chỉ ăn cắp, ăn cướp thuật lý và quyền sở hữu trí tuệ của thiên hạ để củng cố vai trò tệ hại của đảng, của nhà nước và hệ thống kinh tế quốc doanh. Trên tuyến đầu thì Hoa Kỳ tố giác điều ấy và sẽ đòi Bắc Kinh cải cách nữa.
- Nhưng nhìn rộng ra ngoài, vì sao ngày nay Hoa Kỳ lại gọi Trung Quốc là đối thủ số một, còn nguy hiểm hơn Liên bang Xô viết vào thời Chiến tranh lạnh như Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ sau Phó Thủ tướng và Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã phát biểu? Khác với ông Trump, Nội các và Ban tham mưu của Tổng thống Mỹ đang nói thẳng nói thật với các đồng minh và nay các quốc gia này cũng đã hiểu.
Nguyên Lam: Thưa ông, phải chăng vì vậy mà uy tín của Trung Quốc và niềm tin vào Bắc Kinh của nhiều quốc gia đã sa sút nặng trong năm 2019 sắp kết thúc?
Nguyễn-Xuân Nghiã: - Nếu để kết luận thì vụ thỏa thuận về “Giai đoạn Một” chỉ là hưu chiến nhất thời và không qua nổi con trăng vì thế giới thấy ra sự thật! Mâu thuẫn giữa Bắc Kinh với trật tự của thế giới là vấn đề đã có và tồn tại khi ông Donald Trump hết còn là Tổng thống Hoa Kỳ sau nhiệm kỳ hai. Trong nhiệm kỳ tới, ông ta sẽ đẩy mạnh áp lực cải cách để Bắc Kinh phải thay đổi cơ chế của họ, là điều cần thiết nhưng mà khó. Vì vậy, năm 2020 sẽ còn có nhiều biến động và sức ép cho Bắc Kinh. Có khi họ sẽ thấy tái diễn chuyện Minh Thanh xa xưa là điều chúng ta sẽ tìm hiểu trong suốt năm tới…
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích của tuần này.


No comments:

Post a Comment