Dân số là định mệnh
Nguyễn Xuân Nghĩa
2019-10-15
2019-10-15
https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/EconomicForum/demography-is-destiny-10152019115746.html
Một số thống kê tại
Việt Nam cho thấy nhiều nguy cơ đáng ngại ngay trước mắt và trong lâu dài. Ngay
trước mắt, Việt Nam thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn cao để tận dụng cơ
hội từ trận thương chiến giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc. Về lâu dài thì nạn thất
quân bình giới tính là trai thừa gái thiếu cũng ảnh hưởng đến dân số Việt Nam
trong tương lai. Diễn đàn Kinh tế xin tìm hiểu chuyện này.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng
Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, tuần
qua thông tấn xã Reuters của Anh quốc và nhiều bài báo của quốc tế cho biết
Việt Nam thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn cao để tận dụng cơ hội của trận
thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khi giới đầu tư tìm vào thị trường xứ
này. Cùng lúc đó, Giám đốc Chương trình của tổ chức Lao Động Quốc Tế thuộc Liên
Hiệp Quốc cho biết trong số thất nghiệp tại Việt Nam thì có đến 48% là giới
thanh niên. Còn Tổng cục Dân số Việt Nam cũng báo động về nạn chênh lệch giới
tính nam nữ tại cả nông thôn lẫn thành thị khiến Việt Nam sẽ thiếu phụ nữ và
điều ấy sẽ chi phối dân số của Việt Nam trong lâu dài. Ông nghĩ sao về những
tin đó?
Như nhiều xã hội Đông
Á tiên tiến, Việt Nam cũng sẽ bị nạn lão hóa dân số trong tương lai, với tỷ
trọng người già cao hơn sẽ ảnh hưởng đến ngân sách hưu bổng và y tế. Dù tương
lai đó chưa tới, Việt Nam cũng nên tự chuẩn bị, như đã thiếu chuẩn bị về giáo
dục và đào tạo.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Người ta thường nói
dân số hay nhân khẩu là định mệnh của quốc gia vì ảnh hưởng đến kinh tế và xã
hội trong trường kỳ, trong lâu dài. Việt Nam bị chiến tranh quá lâu, và khi
chiến tranh thực tế chấm dứt từ năm 1989, đúng 30 năm trước, thì bản năng sinh
tồn của con người khiến dân Việt Nam đẻ nhiều và có cơ cấu lao động rất trẻ,
tính tới năm ngoái thì gần 60% lực lượng lao động là những người từ 15 tuổi trở
lên, và mỗi năm lại có một triệu người đến tuổi tham gia vào thị trường lao
động. Đó là về lượng tưởng như ghê gớm. Nhưng về phẩm thì ta thấy ra nhiều vấn
đề nghiêm trọng của lực lượng lao động ấy.
- Thứ nhất, lực lượng
lao động không được đào tạo cho đúng nhu cầu của kinh tế và xã hội, nên chỉ có
12% của nguồn nhân lực lên tới gần 60 triệu người là có tay nghề cao. Thứ hai,
yếu tố văn hóa tương tự Trung Quốc là “trọng nam khinh nữ” trong chế độ kế
hoạch hóa gia đình cũng dẫn tới hiệu tượng trai thừa gái thiếu. Chênh lệch về
sinh học này sẽ ảnh hưởng tới dân số của Việt Nam trong tương lai. Thứ ba, như
nhiều xã hội Đông Á tiên tiến, Việt Nam cũng sẽ bị nạn lão hóa dân số trong
tương lai, với tỷ trọng người già cao hơn sẽ ảnh hưởng đến ngân sách hưu bổng
và y tế. Dù tương lai đó chưa tới, Việt Nam cũng nên tự chuẩn bị, như đã thiếu
chuẩn bị về giáo dục và đào tạo.
Dân số đông và trẻ
Nguyên Lam: Thưa ông, chúng ta sẽ chuẩn bị đi từng
bước vào các vấn đề ông vửa nêu ra. Thứ nhất là dân số đông và trẻ khi chiến
tranh thực sự kết thúc vào năm 1989 khi Việt Nam rút quân khỏi Kampuchia….
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta nhớ lại bài Quê Nghèo do Phạm
Duy sáng tác tại Quảng Bình vào năm 1948, có câu “nửa đêm thanh vắng không một
bóng trai” vì thanh niên trai tráng nhập ngũ trong chiến tranh, thật sự kể từ
1945. Cho tới năm 1989, Việt Nam trải qua gần 45 năm chiến tranh và chỉ trở về
trạng thái bình thường từ 30 năm qua khi dân mình ào ạt lấy vợ đẻ con do một
bản năng sinh tồn.
- Giai đoạn ấy cũng
trùng hợp với thời kỳ đổi mới của Việt Nam, nhưng người ta chỉ thấy lượng mà
chưa có phẩm. Thành thử Việt Nam có dân sổ trẻ, lực lượng lao động đông mà 80%
lại không được đào tạo cho đúng với nhu cầu của xã hội và thị trường. Từ một
quốc gia mà đảng và nhà nước chi phối quá nhiều sinh hoạt của người dân, đấy là
một thất bại về kế hoạch và về giáo dục khiến Việt Nam khó cạnh tranh với các
nước lân bang trong khu vực.
- Bài viết của Reuters
mới chỉ nhấn mạnh tới ách tắc vì thiếu trình độ lao động cao, nhưng người ta
còn nên thấy ra một sự thật đau lòng khác là tuổi trẻ Việt Nam rất giỏi về
toán, đọc và các bộ môn khoa học nhưng chỉ có 28% là được vào tới bậc đại học,
so với 48% của Malaysia hay 43% của Thái Lan.
Nguyên Lam: Thưa ông, vì sao Việt Nam lại gặp nghịch lý kỳ
lạ này khi đã hết chiến tranh?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong bài khải tên là “Cần Bộc Chi Ngôn”,
là những lời nôm na thô kệch do Ngô Thì Nhậm trình lên Chúa Trịnh Sâm vào thời
Trịnh Mạt, cuối Thế kỷ 18, ông nói về “giáo, chính, pháp”, là giáo dục, chính
trị và pháp lý, rồi kết luận rằng “Thầy giảng không tinh, thưởng phạt không
công bằng, và bổng lộc không đủ, duyên cớ đều là do tình trạng thiếu thốn và sự
thiếu thốn. Cho nên, dù có cấp bách lo việc này, nhưng nếu không nắm được mấu
chốt của nó, thì dù “trí” có thể biết được, “thế” vẫn không thể làm được”. Ngẫm
lại thì nhà tư tưởng Ngô Thì Nhậm chỉ ra yếu tố then chốt là kinh tế trong cơ
chế chính trị.
- Ngày nay, người
ngoại quốc cũng nói thế, rằng “một số nghiên cứu cho thấy các chương trình giáo
dục ở Việt Nam đã lạc hậu, giáo viên bị trả lương thấp, còn sinh viên khi tốt
nghiệp lại thiếu kỹ năng cần thiết để kiếm việc làm trong khu vực tư nhân”.
Nhân khẩu học
Nguyên Lam: Bước sang vấn đề thứ hai về dân số hay
nhân khẩu học thì Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình thuộc Bộ Y Tế,
cho biết theo cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, tỉ số giới tính khi
sinh của Việt Nam là 107 bé trai/100 bé gái, thì 20 năm sau, tỉ số này là 115
bé trai/100 bé gái trong khi mức chuẩn sinh học bình thường là 105 bé trai/100
bé gái. Thưa ông, phải chăng Việt Nam cũng bị nạn mất cân bằng giới tính nam nữ
như Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Việt Nam mất thế cân
bằng nam nữ nghiêm trọng nhất Đông Á và chỉ hơn Trung Quốc thôi. Yếu tố văn hóa
ngàn năm ấy là chuyện nên chú ý. Nhưng Việt Nam là nơi đã thiếu phụ nữ mà lại
còn xuất khẩu cô dâu qua xứ khác nữa! Hậu quả của hiện tượng đáng lo này là
những gì?
Các nhà nhân khẩu học
nhìn vào số sinh đẻ bình quân của phụ nữ trong xã hội, nếu ở mức hai con thì
đáng lo vì mấp mé nạn xã hội già lão, dưới mức đó thì đáng nguy vì sẽ là hiện
tượng lão hóa. Theo dự báo tại Việt Nam thì đến năm 2050, Việt Nam có thể thiếu
từ hai triệu ba tới bốn triệu ba phụ nữ.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Ta nhớ rằng nền móng
của quốc gia khởi sự từ gia đình và cấu trúc gia đình thành hình từ hôn nhân
giữa nam và nữ. Đặc tính xã hội của Việt Nam sau mấy chục năm chiến tranh triền
miền là phụ nữ đảm đang và chu toàn cho gia đình hơn nhiều xã hội Đông Á khác.
Nhìn ra đường, ta thấy phụ nữ xốc vác ngược xuôi và về nhà dạy con, còn thanh
niên thì trác tác uống bia, rung đùi hút thuốc!
- Nhưng nếu dân số phụ
nữ giảm thì cấu trúc gia đình tan vỡ, hết còn ai lo cho con trẻ từ trong nhà ra
tới nhà trường, xã hội bị băng hoại như ta đang thấy. Cộng với nạn xuất cảng cô
dâu vừa nói ở trên thì quy luật cung cầu còn dẫn nạn buôn gái bán dâm. Giới hữu
trách ở trong nước có nhìn ra vấn đề, nhưng muốn giải quyết thì phải mất nhiều
thập niên, là vài chục năm. Việt Nam là nơi hiếm hoi, thậm chí duy nhất, là phụ
nữ lãnh đạo cuộc đấu tranh cho độc lập từ năm Canh Tý 1980 năm trước, mà ngày
nay qua thời bình phụ nữ vẫn bị coi là công dân bậc hai! Ngoài yếu tố văn hóa
thì ta nên nhìn vào cơ chế pháp lý để chấm dứt tình trạng phi lý ấy!
Lão hóa dân số
Nguyên Lam: Ở trên, ông có nói tới hiện tượng lão hóa dân
số mà ông cho rằng Việt Nam cũng có thể sẽ gặp, Nguyên Lam xin đề nghị ông giải
thích cho thính giả của chúng ta cái hiện tượng đó.
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Người ta nghiệm thấy
một trào lưu chung của nhân loại là phụ nữ có một chức năng xin gọi là truyền
thống, là sinh con đẻ cái. Trung bình thì họ có chừng 30 năm cho việc thiêng
liêng ấy ấy, tôi xin lấy con số đại khái cho dễ nhớ là từ 12 tới 42 tuổi. Nhưng
đà tiến hóa chung của các xã hội con người là phụ nữ được giải phóng nên có
cuộc sống riêng tư và có thêm thời gian học hỏi. Vì vậy, họ lập gia đình trễ
hơn và hết muốn sinh đẻ nhiều như xưa vì nhu cầu kinh tế và nhân lực cũng dần
dần đổi khác. Hậu quả phố biến là xã hội càng tiến hóa thì càng ít con. Trái
với nỗi lo của loài người khi bắt đầu công nghiệp hóa mấy thế kỷ trước là thiên
hạ sẽ bị nạn nhân mãn, khi dân số gia tăng theo cấp số nhân mà sản lượng kinh
tế chỉ tăng theo cấp số cộng, các nước công nghiệp hóa ngày nay đều thấy dân số
giảm và cần di dân để bổ xung cho lực lượng lao động. Đó là một vấn đề khá phổ
biến.
- Vấn đê kia là tiến
bộ của khoa học cũng kéo dài tuổi thọ của con người sau tuổi lao động, thí dụ
cho dễ nhớ là 65 tuổi. Khi các xã hội đã tiến hóa thì số sinh đẻ ít hơn nên tỷ
trọng của lớp người ở tuổi lao động so với dân số cũng giảm và tỷ trọng của
giới cao niên thì tăng. Người ta gọi đó là hiện tượng “lão hóa dân số”.
- Các nhà dân số học
hay nhân khẩu học thì tính ra là trung bình các phụ nữ phải đẻ chừng 2,1 đứa
con thì xã hội hay quốc gia mới có đủ dân số bù đắp cho người đã chết. Dưới mức
này thì quốc gia bị nạn lão hóa và người lao động phải nuôi nhiều người cao
niên đã về hưu. Nhật Bản và Đức đã gặp bài toán đó, Trung Quốc cũng sẽ gặp vì
chính sách mỗi hộ một con mà họ áp dụng từ 1978 tới 2015.
Chênh lệch giới tính
Nguyên Lam: Thưa ông, thế còn Việt Nam thì sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Việt Nam cũng sẽ đi tới đó, mà có thể
còn sớm hơn chính là vì nạn trai thừa gái thiếu chúng ta vừa nói. Các nhà nhân
khẩu học nhìn vào số sinh đẻ bình quân của phụ nữ trong xã hội, nếu ở mức hai
con thì đáng lo vì mấp mé nạn xã hội già lão, dưới mức đó thì đáng nguy vì sẽ
là hiện tượng lão hóa. Theo dự báo tại Việt Nam thì đến năm 2050, Việt Nam có
thể thiếu từ hai triệu ba tới bốn triệu ba phụ nữ. Nam giới sinh sau năm 2000
thì lo ế vợ chứ xã hội nên lo rằng mình thiếu… máy đẻ. Dân số sẽ suy giảm và cơ
cấu cũng thay đổi từ đó. Đừng nên nghĩ rằng năm 2050 vẫn còn xa vì năm 1989
người ta cũng tưởng 2019 vẫn còn xa cho tới khi té ngửa vì thiếu nhân công có
trình độ!
Nguyên Lam: Như vậy, xin ông trình bày cho kết luận về các
vấn đề quá sâu xa rắc rối này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Người ta cứ nói lãnh đạo là tiên liệu.
Từ năm 1975, lãnh đạo Việt Nam đã nắm quyền tuyệt đối mà thiếu tiên liệu, từ kế
hoạch tới giáo dục và đào tạo, trong khi xã hội băng hoại dần. Từ năm 2014, khi
Trung Quốc hết là “công xưởng biến chế toàn cầu” thì Việt Nam cũng đã có cơ hội
thay thế chứ chẳng đợi tới trận Thương chiến Mỹ-Hoa ngày nay mà chẳng tiên liệu
- Vấn đề then chốt là
quyền của người dân bị thu hẹp, quyền tư hữu bị xâm phạm và dù có thấy trước
vấn đề của bản thân và gia đình, người dân cũng chẳng có quyền giải quyết. Kết
cuộc thì tuổi trẻ bị nhồi sọ về chủ nghĩa Mác-Lênin trong một nền giáo dục lạc
hậu, khi trưởng thành thì vẫn chưa thành người và rất khó thành công như những
người cùng tuổi ở các nước lân bang. Nhìn con trẻ Việt Nam lội sông hay bước
qua cầu khỉ để đi vào trường tiểu học thì chúng ta nên lo cho tương lai xứ này
khi phải cạnh tranh với thế giới đang tiến quá nhanh.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam
xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích tuần này.
Tin, bài liên quan
No comments:
Post a Comment