Wednesday, August 14, 2019

Vai trò an ninh trong cuộc đấu Tập Cận Bình-Chu Vĩnh Khang


Vai trò an ninh trong cuộc đấu
Tập Cận Bình-Chu Vĩnh Khang

·         1 giờ trước                   https://www.bbc.com/vietnamese/world-49017033


Sách mới về ngành tình báo Trung Quốc hé lộ nhiều chi tiết về cuộc đấu giữa ông Tập Cận Bình và cựu bộ trưởng công an Chu Vĩnh Khang.
Roger Faligot, phóng viên điều tra người Pháp, vừa ra mắt sách Chinese Spies: From Chairman Mao to Xi Jinping, với bản dịch tiếng Anh của Natasha Lehrer.
Trong phần về giai đoạn gần đây, tác giả cho hay vào một sáng mùa đông 2009, bộ trưởng an ninh Cảnh Huệ Xương nhận được báo cáo - viết tay để không bị lộ qua máy tính.
Điều tra Bạc Hy Lai
Báo cáo nói điểm yếu của ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, là vợ ông ta, Cốc Khai Lai.
Theo sách, Thủ tướng Ôn Gia Bảo trước đó ra lệnh bộ an ninh điều tra Bạc Hy Lai, vì cáo buộc Bạc tung tin xấu về Ôn, Hồ Cẩm Đào và ứng viên hàng đầu sắp lên ngôi, Tập Cận Bình.
Chu Vĩnh Khang là bộ trưởng công an từ 2002 tới 2007 và đang đứng đầu Ủy ban Chính Pháp Trung ương. Họ Chu ủng hộ Bạc Hy Lai lên làm Tổng Bí thư, và vì thế cũng thành đối tượng bị theo dõi.
Báo cáo của an ninh Trung Quốc nói một doanh nhân Anh, Neil Heywood, là người tình của Cốc Khai Lai.
Bộ trưởng Cảnh Huệ Xương ra lệnh điều tra về Neil Heywod. Đầu năm 2010, Qiu Jin, thứ trưởng an ninh, khẳng định Heywood là nhân viên tình báo Anh MI6.
Sau khi an ninh có các thông tin này, Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình được báo cáo.
Nhưng đồng thời, một nguồn từ bộ an ninh cũng báo cáo cho Bạc Hy Lai rằng gia đình ông ta đang bị theo dõi.
Bạc Hy Lai cảnh cáo vợ phải cẩn thận quan hệ với Neil Heywood, đặc biệt khi an ninh Trung Quốc cho rằng đây là điệp viên MI6 của Anh.
Nhà báo Roger Faligot tin rằng bà vợ của Bạc Hy Lai đã lo sợ vì tin này, dẫn tới kịch lớn sau đó.
Thi thể Neil Heywood
Tháng 11/2011, thi thể của Neil Heywood được phát hiện trong phòng tại khách sạn.
Cảnh sát trưởng Trùng Khánh Vương Lập Quân lấy mẫu máu của Neil trước khi thi thể được hỏa táng. Họ Vương phát hiện bà Cốc Khai Lai đã đầu độc Neil Heywood.
Ngày 28/1/2012, Vương Lập Quân báo cáo với Bạc Hy Lai. Khi bị chồng chất vấn, Cốc Khai Lai hét rằng đây là cái bẫy.
Ngày hôm sau, Bạc Hy Lai la mắng, đấm vào mặt Vương Lập Quân.
Lo sợ, Vương quyết định chạy vào lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô ngày 6/2 xin tị nạn.
Thực tế là CIA lúc này liên hệ với bộ an ninh Trung Quốc, và cố gắng thuyết phục họ Vương đầu hàng, để tránh ảnh hưởng quan hệ Mỹ - Trung.
Sau khi người của bộ an ninh tới, Vương đầu hàng và được đưa về Bắc Kinh. Tại đây, Vương khai hết, rằng Cốc Khai Lai ám sát Neil Heywood, Bạc Hy Lai che giấu, Bạc âm mưu với Chu Vĩnh Khang để giành quyền lực. Vương cáo buộc Chu Vĩnh Khang chính là người tuồn tin cho báo chí Mỹ để viết về tài sản gia đình ông Tập.
Đến lúc này, sự thua cuộc của Bạc Hy Lai là rõ ràng. Mùa xuân 2012, ông ta bị cách chức. Cuối năm 2013, tòa án Tế Nam tuyên án Bạc Hy Lai bị tù chung thân và tịch thu hết tài sản.
Tháng 11 năm 2012, tại Đại hội Đảng 18, Tập Cận Bình trở thành tổng bí thư, và sau đó kiêm chủ tịch nước.
Đánh Chu Vĩnh Khang
Một tháng trước đó là lần cuối người ta còn nhìn thấy Chu Vĩnh Khang tại một sự kiện.
Sinh năm 1942, Chu Vĩnh Khang chủ yếu trưởng thành trong ngành dầu khí, sau này giữ chức Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc từ 1996, làm Bí thư Tứ Xuyên từ 1999.
Ông là bộ trưởng công an nhiệm kỳ 2002-2007.
Sự thăng tiến của Chu được giải thích là vì ông ta thuộc nhóm Thượng Hải, do Tổng Bí thư Giang Trạch Dân cầm đầu.
Năm 2001, Giang Trạch Dân giới thiệu để Chu kết hôn với cháu của mình, kém chồng 28 tuổi.
Năm 2011, năm cuối cùng khi ông ta còn phụ trách an ninh, Chu Vĩnh Khang vận động được để ngành an ninh có ngân sách cao hơn cả quân đội.
Khi Tập Cận Bình chính thức nắm quyền tối cao từ cuối 2012, ông thiết lập mạng lưới lãnh đạo mới, chủ yếu dựa vào người có gốc từ tỉnh Hà Bắc. Hà Bắc là địa phương ban đầu nơi ông Tập công tác đầu thập niên 1980.
Cảnh Huệ Xương, bộ trưởng an ninh Trung Quốc từ 2007 tới 2016, là người quê ở Hà Bắc.
'Thăm Giang Trạch Dân'
Theo nhà báo Roger Faligot, trước khi ra cú đánh cuối, Tập Cận Bình đến Thượng Hải thăm Giang Trạch Dân.
Tại đây, ông Tập được cho là đã nói rằng nếu Chu Vĩnh Khang và đồng bọn bị khởi tố, cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không đi xa hơn.
Cuộc điều tra Chu Vĩnh Khang mở rộng trong năm 2013, và người ta tin rằng Chu bị bắt vào cuối năm đó.
Sang năm 2014, Chu bị giam tại Bắc Kinh. Có vẻ như nơi giam giữ rất sang trọng, có hồ bơi, sân tennis…
Cuộc điều tra kéo dài tổng cộng 18 tháng, bắt giữ hơn 300 người.
Số liệu trong sách của Roger Faligot nói các tài khoản liên quan gia đình Chu bị phong tỏa trị giá tới 37 tỉ nhân dân tệ, cộng thêm 51 tỉ tệ trong cổ phiếu.
Cùng đợt này, hàng loạt tướng tá trong quân đội cũng bị bắt.
Tháng 6/2015, tòa án Thiên Tân kết án tù chung thân với Chu Vĩnh Khang, mục tiêu lớn nhất bị hạ bệ trong cuộc chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình.
Thanh lọc ngành an ninh
Nhưng trớ trêu, bộ an ninh Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Sau khi dùng Bộ an ninh để phá mạng lưới của Chu Vĩnh Khang, ông Tập Cận Bình quyết định thanh lọc luôn bộ an ninh.
Nhiều người phó của bộ trưởng an ninh Cảnh Huệ Xương bị sa thải, bắt giữ.
Qiu Jin, trùm phản gián, là người được cử tới lãnh sự Mỹ ở Thành Đô để đưa Vương Lập Quân quay về. Cũng vì vụ này, Qiu Jin bị cách chức.
Nhân viên văn phòng của bộ an ninh tại Bắc Kinh bị bắt giữ hàng loạt, có vẻ vì cáo buộc là nội gián cho Bạc Hy Lai.
Cuối năm 2016, bộ an ninh có bộ trưởng mới, Trần Văn Thanh, nguyên là Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản.
Trước đó, cuối năm 2013, Tập Cận Bình thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia do ông đứng đầu.
Năm 2015, luật an ninh quốc gia mới ra đời, với một phần mới nói về chống phản gián.


No comments:

Post a Comment