Thursday, August 15, 2019

'Thư tình gửi một người' của Trịnh Công Sơn (4)


'Thư tình gửi một người' của Trịnh Công Sơn (4)
Những tiếng súng vẫn nổ rền rất đáng ngại cả những tiếng xe nhà binh lao vút vào đêm. Những ngón tay Ánh có còn lạnh không. Anh nhớ Ánh cùng những ngón tay dài đó.

Trịnh Công Sơn - 
Blao, 26/2/1965
Dao Ánh,
Anh đọc thư Ánh từ chiều hôm qua. Cũng như tháng 8 năm ngoái, thư Ánh vẫn là thư đầu tiên trong những ngày mọn mọt của anh ở đây. Anh đã đọc thư bao nhiêu lần. Và để mừng những tờ thư đó, anh đã mặc áo ấm vào đêm, uống thật say một mình rồi trở về cầm những tờ thư còn thơm mùi thơm quen thuộc đó mà ngủ. Bạch lạp thì cháy âm thầm trên giấc ngủ đó của anh.
Những ngày nay anh vẫn chưa làm được gì ngoài phí bỏ những giờ dài dẳng để ngồi đốt thuốc và nhìn hoài khoảng đất trời trước mặt. Anh đã viết xong một bản nhạc cho Ánh. Ru mãi ngàn năm hay Ru em từng ngón xuân hồng.
Bây giờ buổi chiều. Anh đã hết cả ngôn ngữ để nói về vẻ ảm đạm của những buổi chiều ở đây.
Thứ sáu đã gần xuống hết, những mảng đất đang mang màu nâu bạc. Những con sâu đất và dế cũng đã reo rất sớm ngoài kia. Có lẽ anh lại phải nằm thêm một thứ bảy và một chủ nhật ở đây nữa.
Bây giờ Ánh đang làm gì, bờ sông thì vẫn có những hàng cây. Những hàng cây nhìn xuống một đời nước mãi chảy và những màu lá xanh, đỏ của mỗi ngày, của mỗi tháng, của mỗi năm. Anh thấy Ánh đi qua những khung hình quen thuộc đó và mỗi ngày Ánh đã lớn lên, đã xa dần từng ngày tháng cũ. Đã bỏ sau lưng từng buổi chiều êm ả, đã quên mất những yêu dấu của một tuổi nồng nàn nhất trong đời một người con gái. Rồi sau đó còn gì ngoài một đời sống đều đặn hơn, ngăn nắp hơn và những kỷ niệm đã được trút bỏ âm thầm (như anh đã có lần nói).
Một cơn mưa qua bất chợt ở chót con đường dốc. Anh đã biết được một vài người như thế. Sau lưng họ như đã có một bức tường dựng lên che khuất những ngày tháng dĩ vãng. Có lúc họ cũng quay lại nhưng để nhìn những gì đã qua với một vẻ thản nhiên của núi rừng. Sao anh lại nói đến điều này. Có phải nghĩ rằng một ngày kia Ánh cũng bỏ ra đi như thế không. Điều đó đã hẳn rồi. Anh nghĩ mình sẽ mãi như đứa trẻ vụng về bốc từng nắm cát và để trôi qua kẽ tay. Ôi những điều quý giá có bao giờ giữ mãi được.
Đêm bỏ xuống chỗ anh ngồi và ngoài kia. Những giờ rỗi rảnh ở đây, anh tình cờ đọc được cuốn Những cặp kính màu của Võ Đình Cường. Cuốn sách viết đã lâu, hơn 17 năm, bây giờ mới xuất bản. Giọng văn đã xưa nhưng tình tiết buồn đến vỡ mật. Có những đoạn journal của Thu như của Alissa. Những ý nghĩa về tình yêu của một người con gái bao giờ cũng dễ thương, cũng nồng nàn và cũng buồn. Trong cuốn truyện có hai người con gái: một Huế và một Hà Nội. Cuối cùng thì không còn ai và Lạc đã xót xa nhận chịu những mất mát đó với một hư vô nặng nề trùm lên đời sống. Mọi người đã không ai hiểu ai. Mọi người đã nhìn nhau qua một cặp kính màu. Anh đã buồn như khi đọc Porte étroite.
Một trang thư Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh. Ảnh tư liệu
Bây giờ anh đã gần trở lại hẳn với vẻ bình thản cũ của anh, nhưng anh cho đó cũng chỉ là một gắng gượng giả tạo mà thôi. Anh thấy khó thích nghi mình vào với đời sống này. Dù có già nua hơn nữa. Anh nghe một người quen vừa ở Sài Gòn lên cho biết đã có danh sách động viên khóa 20. Có lẽ anh đã có tên ở đó. Vào tháng tư thì giấy gọi bắt đầu gửi đến. Không hiểu khi vào đó thì anh sẽ ra sao nữa. Thôi cũng đành mà thôi. Những vùng đất lạ đày đọa vẫn mở không ngừng trước lối đi của anh. Tất cả đời sống anh đã bị cuốn hút vào một cơn gió độc sẽ rã rời hơn nữa. Sẽ kêu rêu hơn nữa. Để rồi ích gì. Sẽ đánh mất và quên dần nhau. Định mệnh luôn luôn đào sâu những vực thẳm giữa anh và niềm an bình. Định mệnh chắc đã mãi theo dõi anh bằng đôi mắt hằn thù. Có lẽ anh đã quá ích kỷ như Ánh nói. Anh đã nghĩ về mình quá nhiều. Anh đã nhìn thấy anh và quên rất nhiều người xung quanh. Bao giờ có tin chắc chắn về chuyện đi lính của anh, anh sẽ cho Ánh hay. Sẽ có dịp để đặt mình vào những giới hạn khác. Sẽ bắt đầu một cuộc đời học trò gian nan hơn. Sẽ bỏ vào lòng súng từng viên đạn phi lý để nhắm vào đầu vào mắt vào tim nhau. Anh đã hèn nhát hay vì chiến tranh này quá thô bạo. Nhưng thôi anh sẽ câm bớt lại. Trong xã hội này lý lẽ của kẻ yếu bao giờ cũng dễ biến thành những lời ngụy biện.
Từ một cái nhìn vào xã hội - vào thành kiến đã có - đến tất cả tất cả.
Đêm đã dày và một cơn mưa vừa trút xuống. Những tiếng hát cũng đã dấy lên rất xa xưa.
Anh ngồi đây và bỗng nhận ra rằng tất cả một cuộc đời này rồi cũng chỉ là một hoài công vô ích kéo dài hằng bao nhiêu thế kỷ nữa.
Ánh hãy quay ra cửa nhìn đồi với anh. Đồi thì đen sẫm và mưa đan nhỏ dưới bóng đèn.
Anh đang bị rơi vào những ngao ngán thường trực. Những lúc này anh đang bị dao động bởi hai thứ tình cảm khác ngược, vừa yêu thương tất cả vừa chẳng cần ai. Anh nghĩ đến vai trò của mỗi người trên vùng đất này sẽ diễn biến theo những công thức cố định để rồi kết thúc theo một phương châm bi đát như nhau. Bởi thế anh hay lo sợ vẻ kệch cỡm ngụy trang của con người. Anh tự hào khởi từ những ngày lớn khôn anh chưa hề dối lừa ai.
Đêm cũng chưa khuya mà sự yên tĩnh đã nghe rất rõ. Anh nhớ Ánh rất nhiều và điều đó chỉ có thể âm thầm nói cho riêng mình nghe. Ánh có thể nghi ngờ điều đó vì Ánh chỉ đọc nó qua những dòng chữ rời rã, khô cằn. Làm thế nào mà biện bác được. Cả một vòm trời ngoài khung cửa chỉ còn có một vì sao rất sáng. Cơn mưa đã ngưng từ bao giờ anh không biết rõ.
Những tiếng súng đại bác của đêm đã nổ rất gần. Mọi người đã ngủ yên. Mấy đêm nay anh ngủ ít hơn chẳng hiểu vì sao.
Những lời nói của Ánh như bắt đầu dấy lên: Anh sẽ đền gì cho Ánh, cho Ánh, cho Ánh.
Tiếng súng nổ đã rung cả cửa kính trước mặt. Anh sẽ đền bù cho Ánh tất cả, tất cả.
Bây giờ là giờ bạch lạp. Anh thắp nến để viết tiếp cho Ánh. Anh nằm dài trong mùng và viết đây.
Những tiếng súng vẫn nổ rền rất đáng ngại cả những tiếng xe nhà binh lao vút vào đêm.
Những ngón tay Ánh có còn lạnh không. Anh nhớ Ánh cùng những ngón tay dài đó.
Bây giờ thì hãy vào giấc ngủ. Đêm đã muộn màng. “Thôi em hãy ngủ anh hầu quạt đây” [72].
***
Sài Gòn 28/2/1965
Tưởng đã không về được nhưng rồi đã về. Đến đây từ chiều thứ bảy. Anh ra phố tìm Hà được đi phép. Đi suốt đêm và ngủ rất muộn.
Rồi cả ngày chủ nhật lên Thủ Đức để lại trở về phố cùng Hà và long dong trên những con đường phố rất vắng - rất đông. Những lá me bay, những tiếng nhạc rất nhỏ. Gặp Cung. Tất cả những nhọc nhằn anh phải vui theo Hà theo Cung. Và đã buồn rời nhau. Mỗi người trở về để tiếp tục công việc ê chề của mình. Thật nản.
Anh trở về đây (nhà anh Cường) nằm dài và như mê đi trong cơn - rời - rã - vô - biên. Thật không còn biết nói gì vui vẻ với nhau lúc này. Anh chưa bao giờ thấy ảo não hơn.
Đã qua thêm một chiều thứ bảy, một ngày chủ nhật. Những khuôn mặt con gái rất đẹp, rất sang, rất nhã, rất cao đi bên cạnh những ngoại kiều trên đất nước này. Ôi làm sao giải thích cho hết những ô nhục, những khúc mắc, những rối rắm trên mặt đất này nữa.
Ánh ơi Ánh ơi,
Khi anh quay về gọi Ánh thì đã cảm thấy an tâm hơn. Có một cái gì rạng rỡ từ đó. Anh vừa từ nhà một người quen ăn anniversaire đứa bé trở về. Uống rượu rất nhiều và càng thấy mê mỏi hơn. Đã hơn 10 giờ. Suốt đêm qua anh đã phải chong mắt suốt đêm để chờ đúng 5 giờ 30 sáng thức Hà dậy cho kịp giờ trở về quân trường để canh gác.
Anh mong giấc ngủ đêm nay sẽ an bình. Trời đã nóng lắm. Những cơn mưa chưa về đây. Vào mùa hạ thì trời ở đây thường bắt đầu mưa.
Anh đang nhác nhớm muốn trở về Blao rồi. Có lẽ đến trưa thứ ba anh sẽ về trên ấy.
***
1/3/1965
Buổi sáng anh thức dậy trong căn nhà chỉ còn một mình anh. Mọi người đã đi làm việc, ra chợ, đi học. Ở đâu rồi anh cũng vẫn rơi vào sự tăm tối ngấy ngẩm.
Những lúc này câu “l'enfer c'est les autres” [73] của Sartre anh thấy mất cả nghĩa lý. Anh đang cần có bạn bè, có người thân yêu hơn thế. Không thể cô lập, rút về một an nghỉ mà chỉ còn có mình với mình. Ánh hãy tiếp tục da du với bạn bè ở đó đi - Với Hoa với Trang với những ai Ánh thấy cần.
Trời đã nắng, 8 giờ 30.
Có lẽ giờ này Ánh đã ngồi yên ở lớp học nhìn những hàng cây sắp hàng ngoài cửa sổ.
Anh Cường vẫn còn dạy ở đó. Định vào đây nhưng anh khuyên ở lại. Ở đâu rồi cũng thế cũng dậy, cũng đi cũng trở về rất buồn bã nếu không còn ai có ai.
Anh ra phố bây giờ để mua ít sách và xem danh sách động viên ở Tòa đô sảnh.
Buổi chiều sẽ viết cho Ánh nhiều hơn.
Cả buổi chiều đã qua.
Danh sách động viên vẫn chưa có. Không hiểu vì sao. Bởi vì đến 20/3 này đã phải nhập ngũ.
Trời ở đây oi bức đến rã rượi. Anh tìm ít cuốn mua cho Ánh, nhưng chẳng thấy cuốn nào hay. Cuốn Les enfants qui m’aiment mua cho Ánh lúc trước Tết trong nhà dọn dẹp để đâu tìm chưa ra. Anh tìm xong sẽ gửi ra ngay.
Thành phố này bây giờ chỉ còn lại tiếng động và sự oi bức. Khó yên tâm làm được gì ở đây. Anh sợ phải phơi mình ngoài phố. Chỉ một buổi ra phố đã thấy mình phờ phạc hẳn đi.
Trưa mai anh lại trở về Blao để hóa thân trên đó. Không có điều gì vui vẻ hơn để nói với Ánh. Ánh đang buồn hay vui hay bình thường. Có lúc rồi đời sống mình cũng âm thầm trôi đi như giòng sông. Anh nghĩ về Ánh rất nhiều nhưng rồi không viết gì được cả.
Mọi ý nghĩ đã lắng xuống hay đã bay biến mất. Sẽ viết cho Ánh khi đầu óc sáng suốt dễ dàng hơn.
Bây giờ đã 9 giờ tối. Anh định ra phố một lát, ngồi uống gì rồi về, nhưng nhác nhớm quá nên thôi. Anh cần nằm nghỉ và nhớ Ánh như bao giờ.
Anh.


No comments:

Post a Comment