Sunday, May 17, 2020

Người Sống Đống Vàng - Khổng Thị Thanh Hương

Người Sống Đống Vàng

Khổng Thị Thanh Hương
Papa’ikou, ngày 25 tháng 5 năm 2016

Thưa bố kính thương,

Bố còn nhớ vào khoảng bẩy năm về trước, con có xin bố mẹ viết xuống những câu tục ngữ bố mẹ hay dùng để con gom vào một cuốn tập làm kỷ niệm. Trong số hơn 850 câu con lượm lặt từ Internet và của bố mẹ, nhiều câu tục ngữ được “chế” ra từ khiếu làm thơ viết văn của bố. “Ăn có mời, làm có khiến,” “Chán như cơm nếp rớt,” “Lè nhè như chè thiu,” “Dở như phở Tầu,” “Vây vo xôi vò chè bà Cốt,” “Vào lỗ hà, ra lỗ hổng,” “Từ gót đến đầu, đau đâu khổ đó.” Tuy nhiên, trong danh sách không có câu “Người sống đống vàng” con nghe bố nói với con. Con hỏi mẹ, mẹ bảo mẹ chưa bao giờ nghe bố nói câu này. Hỏi các em, các em cũng trả lời tương tự.
Theo thói quen, con hay chép lại những ngày giỗ, ngày sinh nhật từ cuốn lịch năm cũ qua quyển lịch mới, và câu tục ngữ trên cũng được chép sang lịch mới, từ năm 2014. Con không hiểu vì đâu mà con ghi câu này trên tờ lịch Tháng Tư, mà không phải trên tờ lịch của tháng khác.

Hồi tưởng lại những năm tháng còn sống bên bố mẹ và sau khi trưởng thành con nhận thấy bố mẹ luôn sống theo tinh thần của câu tục ngữ nêu trên: Ðối xử tử tế hết lòng với tha nhân khi họ còn sống. Ngược dòng thời gian, kỷ niệm xa xưa nhất trong tâm khảm con là lúc con khoảng năm hay sáu tuổi. Con đã được học bài học vỡ lòng về đức bác ái, khi con đi lễ với bố mẹ. Bố mẹ cho con đồng tiền để bỏ vào ống lon của một người hành khất, ngồi bên ngoài nhà thờ.

Theo gương bố mẹ, chị em chúng con cố gắng làm một chút gì cho tha nhân, dù chỉ là một nụ cười hay một câu chào hỏi. Bố hay nói nụ cười có được như không mà sao không tặng cho người? Ca dao mình cũng có câu, “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.” Trong gia đình mình, các em con chia sẻ điếu thuốc lá với người vô gia cư, dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn mồ côi, để dành giầy, mũ hay áo ấm trong xe, phòng khi thấy ai cần thì cho, luôn luôn có tờ một đồng gấp sẵn trong xe để cho những người đứng ở lối ra vô xa lộ, và mới đây nhất: tìm phương tiện di chuyển thường trực cho một cụ ông đã bị thu hồi bằng lái vì có tuổi…

Không được như các em, con cũng cố sống tinh thần phục vụ. Trên con đường làng Kaieie này chúng con quen được vài người bạn. Có lần bà Patsy hỏi con có biết may? Con trả lời con biết chút đỉnh, nhưng rất tiếc máy may vẫn còn nằm trong kho. Bà Patsy nói là bà không cần may, mà chỉ cần con khâu lại cái mũ rách. Trong vòng 15 phút con khâu kín chỗ rách. Con đưa lại cho bà Patsy. Bà cầm cái mũ, tấm tắc khen, “Hay quá! Tui không còn thấy đường rách đâu nữa.”

Cô con gái thấy con sửa mũ cho mẹ, bèn hỏi con có cách nào kết lại cái cúc quần của cô ấy và tiện thể sửa một cái quần khác, gấu đã sờn? Con nói chuyện này dễ như trở bàn tay, nhưng với điều kiện phải “giặt ủi hấp tẩy nỉ xẹc” trước khi đưa quần áo cho con sửa. Nói đùa chứ Bev là một người suốt ngày làm việc ngoài trời, khi cắt cỏ, lúc đào mộ, lúc sửa chữa máy móc thì có bao giờ cô này mặc quần là áo lụa mà phải hấp tẩy. Hai hôm sau, Bev đưa cho con hai cái quần, một ngắn, một dài. Quần ngắn thì không hiểu sao đính tới bốn cái móc. Có lẽ để giữ quần đừng bị tuột bất thần? Con dùng con dao X-acto tháo hết móc ra, rồi đính một cái cúc thật là to để chặn cái thùng nước lèo của Bev khỏi bung ra bất tử, rồi con làm một cái khuy để gài cúc. Cái quần dài thì hơi nhiêu khê vì gấu đã sờn hết. Nếu cắt ngắn thì quần sẽ cao hơn mắt cá, Bev chỉ có dịp mặc khi nước lụt! Ðể giữ chiều dài, con cắt đi cái gấu đã sờn, rồi nối một khúc vải khác làm gấu mới. Chỉ trong vòng một tiếng là xong. Ðưa lại cho Bev, cô nàng vui quá, cám ơn con rối rít. Ngày hôm sau, Bev khoe là đang mặc cái quần short, và còn cho biết thêm là nó không còn tuột nữa.

Lần khác, con nhổ cỏ vườn nhà Ken. Anh chàng này có mảnh vườn 3 mẫu. Tuần nào không cắt cỏ khúc này này thì đốn tre, đốn ổi dại khu vực khác. Ðằng sau nhà có một con mương dẫn nước mưa xuống suối. Mùa này cỏ dại mọc rậm và cao cả thước. Con làm sạch đám cỏ dại tại nơi đây. Vì khom lưng nhổ trăm bụi ngắn, bụi dài, lúc đứng lên, cái lưng con muốn gẫy. Thế mà, sau khi nhận được cái text cám ơn của chủ nhà, con không còn thấy nhức mình nhức mẩy nữa.
Nơi chúng con tình nguyện hàng tuần có một người đàn bà ngồi xe lăn đã hơn 10 năm vì tai biến mạch máu não.
Daphne mới có đứa cháu ngoại đầu tiên nên hớn hở lắm, khoe với tất cả mọi người. Con hỏi Daphne có muốn con làm cho một cuốn tập để bỏ hình cháu và gia đình vào làm kỷ niệm? Cô ấy thích lắm, bằng lòng ngay. Ngày hôm sau con tới Walmart mua một cuốn scrapbook, nhưng không ưng ý vì chủ đề không nói gì về trẻ sơ sanh. Trên đường về nhà, chúng con ghé qua tiệm Ross và tìm được cuốn phác họa 100 trang có hình thủ đô Luân Ðôn với chữ “London” trên trang bìa. Một sự trùng hợp tuyệt vời, vì London Rose là tên cháu ngoại của Daphne. Con đem về, cắt hình hoa hồng từ các nguyệt san thời trang và các tấm thiệp nhiều hội đoàn gửi tặng để dán lên trên cuốn scrapbook.

Sáng Thứ Ba, con đưa cho Daphne coi. Daphne rươm rướm nước mắt khi thấy cuốn tập có tên cháu mình được in sẵn trên bìa. Biết cô ta thích hưu cao cổ, con ngỏ ý vẽ hình hươu mẹ, hươu con trong tập này. Daphne thích lắm, và nói là nếu con không ngại thì xin cứ tự nhiên. Con mang tập về nhà, cắm đầu cắm cổ vẽ gần 100 hình con hươu trong hai ngày! Có khi hươu đứng một mình. Có lúc hươu con ngước lên, âu yếm nhìn mẹ. Lúc hươu nằm dài trên cỏ, phơi cái bụng mầu nâu ra cho thế thái nhân tình chiêm ngưỡng. Khi thì giơ lưng ra phía sau, phe phẩy cái đuôi. Hình hí họa hươu bố, hươu mẹ, hươu con, với cái đầu thật to và bốn chân dài quá khổ. Ðôi khi, con vẽ hươu ló cái đầu có hai cái sừng non, từ bụi hồng con đã dán trước. Sau hai ngày vẽ hươu, chập chờn giấc điệp con cũng thấy hình con hươu cao cổ. Con nói với chàng là từ nay con có thể vẽ hươu đủ kiểu mà không cần phải mở mắt.

Những việc làm nhỏ nhặt trên không thể sánh với các công việc bác ái của bố mẹ. Có lẽ bố còn nhớ vào mùa Hè năm 1970, khi bố mẹ dành hơn một tháng để bay sang Los Angeles, New York, Bonn, Singapore, Hồng Kông, Ðài Bắc, Hán Thành và Tokyo để cổ động Hội 1$ Giúp Người Bất Hạnh do bố lập ra. Trong chuyến đi này, bố mẹ cũng được yết kiến riêng với người kế vị Thánh Phêrô tại Castel Gandolfo để đệ trình ngài dự án và xin ngài chúc lành cho Hội.

Con không bao giờ quên sự ưu tư của bố đối với những quân nhân đã giải ngũ hay đã bỏ mình vì đã chiến đấu cho tự do dân chủ. Rất nhiều thanh niên đã tử trận vào tuổi đang xuân, những chủ gia đình phơi thây ngoài chiến trường, để lại vợ dại con thơ. Vì vậy, bố muốn làm một điều gì trả ơn những chiến sĩ và gia đình họ. Ðây là động lực chính bố lập ra Hội 1$. Bố chú trọng vào việc xây cư xá khang trang để cựu quân nhân, thương phế binh và quả phụ có nơi sống thoải mái, sau khi đã bị thiệt thòi, mất mát quá nhiều về thể chất cũng như tinh thần. Bố mong ước xây cô nhi viện cho các trẻ em mất cha mất mẹ, để các em được săn sóc chu đáo trong khi đợi về sống hạnh phúc bên mái ấm gia đình. Bố ao ước xây viện dưỡng lão cho các cụ già đơn chiếc để các cụ sống an vui chuỗi ngày còn lại. Bố muốn xây nhà thương, trường học, trung tâm huấn nghệ và hướng nghệ và nhiều chương trình khác.

Tiếc thay, mộng góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn của bố qua Hội 1$ Giúp Người Bất Hạnh đã không bao giờ thành sự. Bên cạnh danh sách những mạnh thường quân dài hạn, Caritas Tây Ðức đã hứa tặng Hội một triệu Ðức Mã, với điều kiện phải có chữ ký của vị nguyên thủ quốc gia. Buồn thay, vị này đã không bao giờ đặt bút ký, dù ban đầu ông đã tỏ ra ủng hộ bố hết lòng.

Dù không bao giờ thực hiện được những việc làm bác ái với tầm vóc quy mô như bố đã hoạch định, con vẫn cố gắng thực hành câu “Người sống đống vàng” bố dạy. Có lẽ bố mỉm cười khi thấy con hằng theo gương bố. Tuy thế, con vẫn thắc mắc tại sao mẹ và các em không bao giờ nghe bố nói câu này. Mãi cho đến sáng hôm nay, khi ung dung ngồi ngắm những con chim đi tìm sâu trên thảm cỏ thì một ý tưởng lóe lên trong trí con như một tia chớp, rồi tia sáng này biến dạng, trở thành một dòng dung nham loang dần, loang dần cho tới khi thấm toàn tâm trí con, khiến con tê dại. Thắc mắc lâu năm của con nay được trả lời qua sự âm thầm làm việc của tiềm thức. Sở dĩ ra mẹ và các em chưa hề nghe bố dùng câu tục ngữ trên là vì bố chỉ nói câu đó cho riêng con, chỉ một mình con. Chân lý này khiến con bàng hoàng, sửng sốt và con không ngăn được dòng lệ trào ra, khiến hai mắt con nhức nhối. Những giọt nước mắt như nước lũ, lan vào tận cùng ngõ ngách tâm hồn con và phá tung những những dày vò, ăn năn, thống hối được giấu kín bao năm. Bố ơi, không như những lần khác, những giọt nước mắt lần này pha lẫn sự xúc động mãnh liệt, bên cạnh nỗi ân hận bám sát con từ lâu. Cảm động khi con biết được bố đã quá tế nhị, khéo léo dặn dò con, khi bố không còn bên mẹ và chúng con nữa. Ân hận vì khi nghĩ lại hành động đáng trách của mình, con chỉ muốn đi ngược thời gian để có dịp chiều theo ý mẹ.

Sự thật, dù có đau lòng đến đâu, khi được phơi bày, cũng giải thoát phần nào sự sâu xé, cắn rứt canh cánh trong lòng. Con cảm thấy nhẹ nhõm hơn sau khi trút cạn nguồn nước mắt. Từ nay, hai bố con mình có sự cảm thông tuyệt đối, vì bố đã hiểu con hơn chính con hiểu con.

Một buổi tối của Tháng Hai, khi vào nhà thương thăm bố, sau khi bố hôn mê đã vài hôm, con đã thầm thì nói với bố rằng, “Bố ơi, bố đừng bận tâm, con sẽ về ở với mẹ để lo cho mẹ.” Tối hôm sau, bố đã bỏ mẹ và chúng con ra đi vĩnh viễn! Sau khi đưa tiễn bBố về nơi an nghỉ cuối cùng, con đã thu xếp để về ở với mẹ, nhưng vì vị kỷ, thương mình hơn thương mẹ, con đã không thể đáp ứng một lời yêu cầu của mẹ. Không hiểu do đâu mà bố biết trước là con sẽ không làm được lời hứa và đã nhắc nhở con qua câu tục ngữ này, khi bố vẫn còn sống!

Bố thương nhớ của con, từ sự khám phá bất thần này, con chợt ý thức rằng những gì con làm cho người đều như dã tràng xe cát! Cho dù con có nhổ cỏ dại cho tới khi chai cứng đôi tay, vẽ hằng vạn con hươu, hay vá hằng trăm mảnh quần áo cho tha nhân, không bao giờ con là một đứa con hiếu thảo. Con đã thất hứa với bố, bất hiếu với mẹ.

Cho đến ngày bố nhắm mắt, giấc mơ giúp người bất hạnh trên quê hương của bố đã tàn phai như chiếc mũ nhạt mầu vì thời gian, như làn khói tan trong gió, như bức tranh thủy mạc trôi dạt trên sông. Thêm vào nỗi thất vọng khôn cùng này, đứa con mà bố đặt nhiều kỳ vọng cũng thất hứa với mình. Bố ơi, con biết bố đã tha thứ cho con từ lâu, vì “Người thác không để bụng.” Nhưng còn con, bao giờ lương tâm con mới thực sự thư thái?

Ðứa con gái bất toàn của bố.

(Nguồn: Tác giả gửi bài và tranh qua sangtao@org)


No comments:

Post a Comment