Rủi ro đại dịch toàn cầu
Nguyễn Xuân Nghĩa
2020-02-27
2020-02-27
Dịch bệnh xuất phát từ
thủ phủ Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc đã trở thành một vấn đề quốc tế với hơn tám vạn
ca nhiễm bệnh và hơn hai ngàn 700 người thiệt mạng, đa số tại Trung Quốc. Nhưng
dịch bệnh do vi khuẩn được tổ chức Y tế Quốc tế WHO đặt tên là “COVID-19”, hay
được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ CDC đặt tên là “SARS-CoV-2”
lại lan qua 41 quốc gia và khu vực khác ngoài Trung Quốc nên có thể dẫn tới một
đại dịch toàn cầu. Hậu quả sẽ là những gì, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu sau đây
qua bài phỏng vấn kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Hậu quả kinh tế lan rộng
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng
Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, từ đầu
Tháng 12 năm ngoái cho tới nay là cuối Tháng Hai, thế giới có ba mối lo chồng
chất. Đó là tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc, với dữ kiện khó tin vì cứ đổi
thay của nhà chức trách; thứ hai là sự lây lan dịch bệnh tại nhiều quốc gia
ngoài trung Quốc khiến người ta nói đến nguy cơ “đại dịch toàn cầu”, hay
“global pandemic”. Và mối lo thứ ba chính là hậu quả kinh tế lan rộng cho các
nước trên thế giới. Ông nghĩ sao về các chuyện ấy?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ ta có
ít ra sáu mối lo chồng chất trong nhiều vòng xoắn thắt khó gỡ: Thứ nhất, trong
vạn năm qua, nhất là từ hai thế kỷ gần đây, khoa học kỹ thuật của con người đã
có nhiều tiến bộ, mà vẫn không thể giải quyết mọi dịch bệnh, mươi năm lại xảy
ra vài lần. Mỗi lần như vậy, giới khoa học chuyên về dịch tễ lại tìm hiểu và
trao đổi thông tin để tìm giải pháp chữa chạy và chủng ngừa trong khi con người
lại hốt hoảng lo sợ vì cái chết, là điều dễ hiểu.
- Thứ hai, lần này
dịch bệnh lại xuất phát từ Trung Quốc nữa, với thói che giấu thông tin và không
nói thật về số nhiễm bệnh hay tử vong nên các nước càng e ngại. Khi thông tin
chính thức thiếu khả tín thì lời đồn được coi là tin thật, nên sự hốt hoảng
càng lan rộng.
Sau trào lưu “toàn cầu
hóa”, chúng ta có thể thấy xuất hiện một xu hướng trái ngược, xin tạm gọi là
“nhất thể hóa” là quốc gia nào cũng cố sản xuất lấy phần lớn hàng hóa và dịch
vụ cho mình thay vì trông cậy hay hợp tác với các nước khác
-Nguyễn Xuân Nghĩa
-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Thứ ba, sau ba tháng
lây lan tại Trung Quốc, từ đầu Tháng 12 năm ngoái, tình hình trở thành nguy
ngập hơn vì dịch bệnh lại tràn lan ngoài lãnh thổ Trung Quốc vào các lục địa và
40 quốc gia hay khu vực khác. Hôm Thứ Ba 25, lần đầu tiên số người nhiễm bệnh
ngoài Trung Quốc lại vượt qua số nội địa. Vì vậy, người ta sợ dịch bệnh từ Vũ
Hán sẽ là “đại dịch toàn cầu”, hay “global pandemic”, do lây qua người chưa đến
Trung Quốc hay lâm bệnh tại Vũ Hán, như Iran hay Brazil là các nước chưa có hệ
thống dịch tễ hiện đại bằng Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan….
- Thứ tư, vì kinh tế
Trung Quốc có sản lượng thứ nhì thế giới sau Hoa Kỳ, lại tham gia vào “chuỗi
cung ứng toàn cầu”, nên dịch bệnh tại đây gây lo ngại cho các doanh nhiệp nội
địa lẫn quốc tế. Hậu quả là luồng sản xuất, kỹ nghệ du lịch và vận chuyển của
thế giới đều bị thiệt hại - nặng nhất là kinh tế Trung Quốc. Chúng ta chưa biết
tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu nhưng các thị trường Á, Âu rồi Mỹ đều chờ tin
xấu cho nên tuột giá trong nhiều ngày liền của tuần này.
- Thứ năm, lãnh đạo
Bắc Kinh đang ở vào hoàn cảnh “lưỡng nan”, hai ngả đều khó, là từ bỏ chế độ
cách ly và gián đoạn lưu thông để cứu kinh tế hay cứu người? Thành thử dịch
bệnh đang thách đố hệ thống kinh tế chính trị của Trung Quốc và vị trí lãnh tụ
tối cao của Tổng bí thư Tập Cận Bình. Vòng xoắn này mới là éo le nhất.
- Thứ sáu, nhìn về
dài, tôi còn nghĩ dịch bệnh Vũ Hán sẽ đảo lộn toan tính kinh doanh của thế
giới. Khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc với sự tan rã của Liên bang Xô viết, người
ta tưởng thế giới sẽ tìến vào hình thái “toàn cầu hóa”, là các nước tự do giao
dịch với nhau và mở ra kỷ nguyên hội nhập để một sản phẩm tiêu thụ có phần đóng
góp của cả trăm doanh nghiệp từ cả chục nước, trong cái gọi là “chuỗi cung ứng
toàn cầu” hay “global supply chain”, với giá rẻ nhất. Nào ngờ, dịch bệnh Vũ Hán
phá vỡ sự lạc quan đó, như tại Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, chưa nói tới nỗi
bất trắc tại Liên Hiệp Âu Châu sau khi Vương quốc Anh Thống nhất rút khỏi tổ
chức này. Vì vậy, sau trào lưu “toàn cầu hóa”, chúng ta có thể thấy xuất hiện
một xu hướng trái ngược, xin tạm gọi là “nhất thể hóa” là quốc gia nào cũng cố
sản xuất lấy phần lớn hàng hóa và dịch vụ cho mình thay vì trông cậy hay hợp
tác với các nước khác. Tiến bộ về khoa học kỹ thuật, về “thuật lý” là
“technology”, trí thông minh nhân tạo hay nghệ thuật sản xuất qua không gian ba
chiều gọi là 3-D sẽ càng thúc đẩy trào lưu đó. Đấy là một thiệt hại cho các
nước đang phát triển, mà đứng đầu vẫn là… Trung Quốc đông dân nhất!
Kinh tế thế giới sẽ suy trầm?
Nguyên Lam: Nhưng thưa ông, dù sao kinh tế của Trung Quốc
cũng đóng góp tới một phần ba cho đà tăng trưởng sản xuất của thế giới trong
năm 2019. Nếu dịch bệnh tại Trung Quốc lại nghiêm trọng đến như vậy thì tình
hình sẽ ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta thật ra chưa thể biết mà chỉ
dự đoán thôi và tôi nghĩ là nhiều phần sẽ đoán sai! Thứ nhất, chưa ai biết sự
thể sẽ nghiêm trọng tới độ nào và thứ hai là sẽ kéo dài bao lâu. Giới chuyên
gia kinh tế, như thuộc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF trong khóa họp tuần qua của Nhóm
G-20 tại Saudi Arabia thì cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ chóng phục hồi trong
năm 2020 này, đà tăng trưởng của họ vẫn đạt 6% so với 3,3% của toàn cầu, nhưng
Ngân hàng Thế giới lại dự báo một đà tăng trưởng toàn cầu thấp hơn, chỉ ở
khoảng 2,5% mà thôi.
- Lý do là họ đo đếm
từ các số liệu của trận dịch Viêm Phổi Cấp Tính SARS xảy ra tại Quảng Đông cách
nay 17 năm. Khi đó, đà tăng trưởng sản xuất của Trung Quốc mất hai điểm bách
phân là 2%, nhưng phục hồi nhanh và thiệt hại chỉ ở khoảng 55 tỷ đô la. Tuy
nhiên, tình hình ngày nay đã khác vì kinh tế Trung Quốc đã giàu hơn thời
2002-2003, từ 4% Tổng sản lượng toàn cầu, nay đã lên tới 17% và họ tham
gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với nhiều nền kinh tế khác, như các nước Á Châu
là Nhật Bản, Nam Hàn hay cả Việt Nam cần tới 40% sản phẩm bán chế đến từ Trung
Quốc. Ngày nay, các sản phẩm đó hết còn nữa, ít nhất là trong vài tháng, nên
tình hình không thể như trước và ngoài tổn thất nhân mạng vì dịch bệnh, các
nước còn bị tổn thất kinh tế mà chưa ai có thể đếm ra được.
- Một nước Tây phương
bị thiệt hại nhất vì nền kinh tế quá lệ thuộc vào việc xuất khẩu, kể cả xuất
khẩu giáo dục là đào tạo sinh viên cho thị trường Trung Quốc chính là nước Úc.
Vụ khủng hoảng về dịch bệnh này có thể khiến Úc phải đa diện hóa thị trường
xuất cảng, như với Indonesia, Ấn Độ và Âu Châu, để thoát khỏi ảnh hưởng quá bất
lợi đến từ Trung Quốc.
Nguyên Lam: Trở lại với trường hợp Hoa Kỳ, tối Thứ Tư 26,
giờ miền Đông Hoa Kỳ, sau khi thảo luận với ban đặc nhiệm về sức khỏe, Tổng
thống Donald Trump có cuộc họp báo để trấn an dư luận rằng không nên sợ hãi
dịch bệnh lây lan vì nước Mỹ có khả năng kiểm soát được tình hình và mức độ rủi
ro vẫn còn thấp. Tuy nhiên, lời trấn an có vẻ thiếu công hiệu vì hôm sau, các
thị trường tài chính của Mỹ lại tiếp tục sụt giá nặng. Theo như ông nhận xét
thì liệu kinh tế thế giới có bị suy trầm vì dịch bệnh này hay không?
Trung Quốc đã không
giải quyết nổi một vấn đề y tế xã hội nên sẽ lãnh hậu quả kinh tế nặng nhất và
các nước còn lại không thể trông cậy vào việc giao dịch với nền kinh tế này như
xưa. Chúng ta cần thời gian, ít ra là sáu tháng, để kiểm nghiệm lại sự thay đổi
này.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ông Trump không thuyết phục được thị
trường. Người ta lo rằng dịch bệnh đã lan ra quá nhiều quốc gia chứ hết còn là
một vấn đề của riêng Trung Quốc. Việc Nhật Bản cho đóng cửa các trường trung
tiểu học trong suốt Tháng Ba cũng là yếu tố đáng ngại. Vì vậy, chuỗi cung ứng
giữa các nước đang bị tê liệt, và nếu đà tăng trưởng toàn cầu chỉ còn là 2,5%
như Ngân hàng Thế giới dự báo cho năm nay thì quả thật là kinh tế toàn cầu đang
trôi vào suy trầm.
- Theo định nghĩa, suy
trầm là khi đà tăng trưởng sút giảm trong hai quý liền, nên người ta chỉ biết
sau sáu tháng, nhưng các thị trường đều có dấu hiệu hốt hoảng và mất giá liên
tục trong sáu ngày liền, phân lời trái phiếu dài hạn cũng sụt tới mức đáng lo.
Nhưng đáng lo hơn vậy là lãi suất của các nền kinh tế Âu Mỹ Nhật nói chung đều
quá thấp nên nếu kinh tế bị suy trầm thì biện pháp kích thích sản xuất bằng hạ
lãi suất cũng có giới hạn. Sau cùng, ta phải kết luận rằng trường hợp đại dịch
toàn cầu đang xảy ra trước mắt chúng ta.
Nguyên Lam: Tuy nhiên, nếu nhìn trong trường kỳ thì
biến cố này lại khiến các nước quan niệm lại về chuỗi cung ứng của Trung Quốc,
như ông có nói hồi nãy. Có phải như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đấy là nỗi lo chồng chất thứ sáu tôi
trình bày ở trên. Trung Quốc đã không giải quyết nổi một vấn đề y tế xã hội nên
sẽ lãnh hậu quả kinh tế nặng nhất và các nước còn lại không thể trông cậy vào
việc giao dịch với nền kinh tế này như xưa. Chúng ta cần thời gian, ít ra là
sáu tháng, để kiểm nghiệm lại sự thay đổi này.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam
xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích tuần này.
Tin, bài liên quan
No comments:
Post a Comment