Việt Nam đã vướng vào "bẫy nợ" của Trung Quốc như thế nào?
Trần Thảo Vy
2020-01-17
2020-01-17
Chính sách ngoại giao
bẫy nợ là gì?
Trong Chiến lược Quốc
phòng Quốc gia năm 2018 của Hoa Kỳ, phía Hoa Kỳ đã cảnh báo là Trung Quốc đang
sử dụng chính sách “kinh tế cưỡng đoạt” để nhằm đạt được những mục tiêu chiến
lược tại khu vực châu Á cũng như trên toàn cầu.[1] Một
trong những hình thức của chính sách “kinh tế cưỡng đoạt” đó chính là chính
sách “ngoại giao bẫy nợ” được giăng ra với các nước đang và chậm phát triển.
“Chính sách ngoại giao
bẫy nợ” được một số nhà nghiên cứu của Trường đại học Harvard giải thích “là
một kỹ nghệ đang được Trung Quốc gia tăng áp dụng để tận dụng các khoản nợ cộng
dồn lại, từ đó đạt được các mục tiêu chiến lược mà Trung Quốc đã đặt ra”.[2] Theo
đó, có 3 mục tiêu chiến lược quan trọng mà các “bẫy nợ” của Trung Quốc giăng ra
để đạt được, đó là: 1) Thiết lập trên thực tế chiến lược “chuỗi ngọc trai” để
có thể chi phối được khu vực châu Á; 2) Làm suy yếu mạng lưới đồng minh và đối
tác của Hoa Kỳ, để Trung Quốc có thể nắm ưu thế tại biển Đông; 3) Hỗ trợ Hải
quân Trung Quốc vượt qua Chuỗi đảo thứ nhất để có thể vươn ảnh hưởng ra khu vực
Thái Bình Dương.
Cách thức thực hiện
chính sách “ngoại giao bẫy nợ” này được Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Rex Tillerson
tóm tắt: “Khuyến khích sử dụng các hợp đồng không rõ ràng, thực hiện các khoản
vay mang tính chất cưỡng đoạt, đi đến các thoả thuận bằng các phương cách tham
nhũng, từ đó đẩy các quốc gia vay mượn lún sâu vào nợ nần, từ đó họ phải bán rẻ
chủ quyền của chính họ…”[3]
Báo chí gần đây nhắc
đến trường hợp nhiều quốc gia vướng phải bẫy nợ phải bán rẻ chủ quyền cho Trung
Quốc như trường hợp Srilanka đối với việc phải bắt buộc cho Trung Quốc thuê
cảng Hambantota với thời hạn 99 năm, sau khi không trả nổi món nợ khổng lồ từ Trung
Quốc.
Tuy nhiên, câu chuyện
Việt Nam lại gần như không được nhắc tới như các “nạn nhân” của chính sách
“kinh tế cưỡng đoạt” này của Trung Quốc.
Việt Nam vướng vào
“bẫy nợ” của Trung Quốc
Mặc dù báo chí nước
ngoài không nhắc tới, báo chí Việt Nam thì không được phép nhắc tới việc này,
nhưng chúng ta có thể tìm hiểu để thấy được thực sự Việt Nam đã và đang trở
thành “nạn nhân” của chính sách này hay không.
Với vị trí là một quốc
gia có bờ biển chạy dọc biển Đông, Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong
các quốc gia ven biển Đông, và Việt Nam cũng đang là một bên “cứng đầu” chống
lại tham vọng của Trung Quốc ở biển Đông. Chính vì vậy, các quan hệ ngoại giao
hay kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc cũng không thể tách ra khỏi bối cảnh
này. Và vì thế cũng không có chuyện, Trung Quốc chỉ áp dụng chính sách “ngoại
giao bẫy nợ” với các quốc gia khác, mà hơn hết, Trung Quốc hiểu rằng khó có thể
dùng biện pháp quân sự với Việt Nam, nhưng dùng các “biện pháp kinh tế cưỡng
đoạt” thì dễ hơn nhiều.
Báo chí Việt Nam gần
đây đang xôn xao về một loạt sự kiện liên quan đến các khoản đầu tư từ Trung
Quốc. Trong khuôn khổ bài báo này, sẽ điểm một số trường hợp cụ thể để xem xét.
Tiêu biểu là trường hợp tuyến đường sắt nội ô Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội; Dự
án đường sắt Lào cai - Hà Nội - Hải Phòng; Nhà máy đạm Ninh Bình và Nhà máy
gang thép Thái Nguyên.
1.
Dự án đường sắt Cát
Linh - Hà Đông
Tuyến đường sắt này
thực hiện từ khoản vay 250 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, do
Công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc làm tổng thầu thi công. Dự
án này khởi công từ năm 2011 và đến nay vẫn chưa thể vận hành, nhưng đã đến hạn
phải trả tiền lãi cho Ngân hàng Trung Quốc khoảng 650 tỉ đồng/ năm.[4]
2. Dự án tuyến đường
sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải phòng
Cuối tháng 11/2019, dư
luận Việt Nam rộ lên việc Bộ giao thông vận tải Việt Nam đang triển khai lập kế
hoạch chi tiết cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Thông tin từ
báo chí cũng cho biết là Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng tài trợ số tiền 10 triệu
nhân dân tệ, tương đương 33,4 tỉ đồng để khảo sát lập quy hoạch cho dự án này.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, tuyến đường sắt này thực sự không đáp ứng nhu cầu
đi lại cùa người dân mà chiếm vốn đầu tư ban đầu lên tới khoảng 100.000 tỉ đồng
là quá phung phí. Chưa kể như người phương Tây hay nói “không có bữa trưa nào
là miễn phí” để giải thích việc không phải bỗng dưng mà phía Trung Quốc “cho
không” hơn 33 tỉ đó.
3. Nhà máy đạm Ninh
Bình
Theo phân tích của các
chuyên gia thì nhà máy Đạm Ninh Bình đang phải gồng mình trả khoản nợ 5.000
tỷ đồng với lãi suất 4%/năm cho Ngân hàng Eximbank Trung Quốc.
Và nguồn vốn mà Chính phủ Trung Quốc cho phía Việt Nam vay đầu tư nhà máy Đạm
Ninh Bình thông qua Eximbank không phải là vốn ODA.
Theo thông lệ quốc tế,
ODA là hình thức cho vay đặc biệt bởi tính lợi nhuận không cao, nó là các quan
hệ hỗ trợ nhau trong quá trình phát triển. Các nước đi tiên phong thường viện
trợ hoặc cho các nước chậm phát triển vay ưu đãi, hỗ trợ họ nhanh chóng
ngang bằng với các nước khác ở nhiều phương diện nhằm tạo ra một hệ thống phát
triển tương đồng hơn.
Nhưng khi vay tiền của
Exim bank Trung Quốc, một trong những điều kiện của họ là Việt Nam phải sử dụng
nhà thầu của họ.
Tờ báo Đất Việt cho
biết: “Ban đầu phía Việt Nam tưởng có lợi khi được vay với lãi suất 4%, dù
không thấp nhưng vẫn rẻ hơn so với vay thương mại, tuy nhiên nó
lại đi kèm với điều kiện phải sử dụng nhà thầu Trung Quốc, dùng
máy móc, thiết bị thay thế của Trung Quốc...
Đó là những ràng buộc
khiến bên đi vay "sập bẫy" và khi ấy công cụ tài chính của
Trung Quốc đã vượt khỏi mục tiêu kinh tế đơn thuần. Đằng
sau đó là vấn đề chính trị, nền móng của sự phát triển. Quan hệ giữa
hai bên cũng không phải là hai đối tác bình thường, sòng phẳng và bình đẳng
trong nền kinh tế thị trường, giữa người cho vay và bên đi vay nữa mà
nó đã mang tính chất giữa hai chính phủ, hai quốc gia.”[5]
4 Dự án mở rộng nhà
máy Gang thép Thài Nguyên giai đoạn 2
Thông tin về dự án này
trên báo Pháp luật TPHCM như sau: “dự án này được Thủ tướng phê duyệt chủ
trương đầu tư vào năm 2005; giao VNS tổ chức thẩm định, xem xét phê duyệt; Công
ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) là chủ đầu tư.
Tổng mức đầu tư (TMĐT)
được HĐQT VNS phê duyệt là 3.843 tỉ đồng, gồm hai gói thầu chính: (1) Gói thầu
mỏ sắt Tiến Bộ đã hoàn thành đưa vào sử dụng với giá trị thanh toán là 224 tỉ
đồng; (2) Gói thầu EPC dây chuyền công nghệ luyện kim (143 triệu USD, sau là
160,9 triệu USD) đấu thầu rộng rãi, Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC)
trúng thầu với giá 160,9 triệu USD.
Sau ký hợp đồng, MCC
đã được tạm ứng 35,6 triệu USD; tiếp đó TISCO và MCC ký 10 phụ lục điều chỉnh
nhiều nội dung quan trọng của hợp đồng EPC đã ký.
Ngày 15-5-2013, chủ
tịch HĐQT TISCO ký quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là hơn
8.100 tỉ đồng (tăng 4.200 tỉ đồng), thời gian thực hiện đến hết năm 2014 đi vào
hoạt động. Thực tế, gói thầu EPC đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay, các
hạng mục đều chưa hoàn thành.
TISCO đã thanh toán
thay MCC tiền thuế là 11,6 triệu USD, thanh toán chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết
bị là 4,737 tỉ đồng, vượt giá trị hợp đồng, trong khi MCC chưa chuyển đủ thiết
bị, cung cấp nhiều máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật,
không phù hợp với quy chuẩn Việt Nam với giá trị xác định bước đầu là 38,8
triệu USD (42 xe ô tô là 1,033 triệu USD, năm đầu máy toa xe là 5,4 triệu
USD…).”[6]
Sai phạm tại dự án này
cũng liên quan tới nhà thầu Trung Quốc, đã khiến ông Hoàng Trung Hải - đương
kim Bí thư thành uỷ Hà Nội, Cựu phó thủ tướng đã bị chịu án kỷ luật.
Một báo cáo của Bộ kế
hoạch đầu tư Việt Nam năm 2018 cho biết: “trong số 12 đại dự án thua lỗ nghìn
tỷ của Bộ Công thương, có đến 4 dự án là sử dụng vốn vay từ Trung Quốc. Trong
đó, nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ, bị đội vốn lên tới
10.000 tỷ đồng; nhà máy Đạm Hà Bắc đội vốn lên hơn 10.000 tỷ đồng; dự
án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên bị đội vốn từ hơn 3.800 tỷ
đồng ban đầu lên hơn 8.100 tỷ đồng; dự án khai thác mỏ sắt Quý Xa và Nhà máy
Gang thép Lào Cai bị đội vốn gấp đôi từ 175 triệu USD lên hơn 335 triệu USD.”[7]
Các khoản vay từ Trung
Quốc “lãi suất cao hơn gấp rưỡi hoặc gấp 2 lần so với các thị trường khác; điều
kiện vay kém ưu đãi; yêu cầu chỉ định thầu cho các công ty Trung Quốc; các dự
án cho nhà thầu Trung Quốc thực hiện thường xuyên bị chậm tiến độ, đội vốn…”[8]
Kết luận
Qua khảo sát 4 trường
hợp mà báo chí Việt Nam nêu gần đây đã cho thấy, các cảnh báo từ phía các nhà
nghiên cứu và chính khách Hoa Kỳ về “chính sách ngoại giao bẫy nợ” của Trung
Quốc là hoàn toàn có cơ sở thực tế. Tất cả các dự án sai phạm lớn của Việt Nam
mà bài này đã nêu đều có bóng dáng của Trung Quốc với những vấn đề như hợp đồng
không rõ ràng, lãi suất cao, các điều kiện kèm theo như sử dụng nguyên liệu và
bên thi công từ Trung Quốc…Tất cả những yếu tố này được Trung Quốc triển khai
trong bối cảnh chính quyền thiếu minh bạch, công khai và không loại trừ việc
các bên ký kết các hợp đồng như vậy có bóng dáng của tham nhũng.
Những lo ngại về việc
chính quyền Việt Nam nhượng bộ hoặc “vướng vào” tham nhũng với phía Trung Quốc,
từ đó sẽ dẫn đến những nhượng bộ về chủ quyền như trường hợp Srilanka,
Pakistant là hoàn toàn có lý do. Chính vì vậy, nếu chính quyền Việt Nam thực
tâm muốn vượt qua “bẫy nợ” này thì chỉ có công khai, minh bạch các thông tin,
tôn trọng sự phản biện từ các chuyên gia mới có thể thực hiện được.
[1] U.S.
Department of Defense. Summary of the 2018 National Defense Strategy of The
United States of America, 19 Jan. 2018.
[2] https://www.belfercenter.org/sites/default/files/files/publication/Debtbook%20Diplomacy%20PDF.pdf
[3] Tillerson,
Rex W. “U.S.-Africa Relations: A New Framework.” 6 March 2018, George Mason
University, Fairfax, VA.
[4] https://soha.vn/duong-sat-cat-linh-ha-dong-vay-trung-quoc-14-ngan-ty-chua-biet-bao-gio-xong-20191101152927474rf20191101152927474.htm
[5] https://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/dam-ninh-binh-nang-no-trung-quoc-sap-bay-the-nao-3317025/
[6] https://plo.vn/thoi-su/sai-pham-khung-tai-du-an-gang-thep-thai-nguyen-876355.html
[7] https://trithucvn.net/kinh-te/1-3-so-du-an-thua-lo-nganh-cong-thuong-co-von-vay-tu-trung-quoc.html
[8] https://trithucvn.net/kinh-te/1-3-so-du-an-thua-lo-nganh-cong-thuong-co-von-vay-tu-trung-quoc.html
Tin, bài liên quan
No comments:
Post a Comment