Saturday, November 30, 2019

Điệp Viên TC Trốn Sang Úc, Tiết Lộ Nhiều Cơ Sở Nằm Vùng ở HongKong


Điệp Viên TC Trốn Sang Úc, Tiết Lộ Nhiều Cơ Sở Nằm Vùng ở HongKong
 Sơn Trần
Mạng lưới truyền thông Nine của Australia hôm 23/11 cho biết điệp viên Trung Quốc đào thoát có tên Wang "William" Liqiang đã trao cho cơ quan phản gián của nước này danh tính của những sĩ quan tình báo cấp cao của Trung Quốc ở Hong Kong. Đồng thời, người này cung cấp chi tiết về cách thức Bắc Kinh tài trợ và tiến hành các hoạt động ngầm tại Hong Kong, Đài Loan và Australia.
Theo Guardian, đây là điệp viên Trung Quốc đầu tiên công khai lộ mặt.
Wang nói rằng bản thân từng tham gia vào các hoạt động xâm nhập và gây nhiễu tại cả ba vùng lãnh thổ này, theo thông tin được đăng trên tờ The Age và Sydney Morning Herald - thuộc mạng lưới Nine.


Sẽ chết nếu trở lại Trung Quốc
Theo báo chí Australia, Wang đã "tiết lộ tường tận các chi tiết" về cách Bắc Kinh kiểm soát các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán để tài trợ cho các hoạt động tình báo, bao gồm cả việc giám sát và lập hồ sơ của những nhà bất đồng chính kiến và các tổ chức truyền thông có liên quan đến họ.
Wang hiện sống ở một địa điểm không xác định tại Sydney cùng vợ và con trai sơ sinh của mình. Người này đã nộp đơn xin tị nạn tới chính phủ Australia.
Trong buổi phỏng vấn dự kiến phát sóng vào tối 24/11 trên chương trình 60 Minutes của đài Nine, Wang nói rằng mình sẽ bị xử tử nếu trở về Trung Quốc.
"Một khi tôi trở lại, tôi sẽ chết", Wang nói thông qua người phiên dịch.
Trong chương trình cũng có cảnh Wang đi dạo cùng vợ và con trai ở cảng Sydney, cạnh trung tâm giải trí Luna Park.
Theo truyền thông, Wang đã thú nhận với Tổ chức An ninh Tình báo Australia (ASIO) vào tháng 10 rằng: "Cá nhân tôi đã tham gia và liên quan đến một loạt các hoạt động gián điệp".
Trong số này có việc xâm nhập vào Đài Loan dưới một danh tính giả bằng hộ chiếu Hàn Quốc, điều hành các đầu mối địa phương trong nỗ lực can thiệp vào cuộc bầu cử thành phố năm 2018 cũng như cuộc bầu cử lãnh đạo diễn ra vào năm sau.
Wang cho biết chiến dịch này dựa vào các giám đốc truyền thông địa phương để tác động đến chiến dịch bầu cử nhằm loại bỏ các ứng viên bị coi là có quan điểm thù địch với Bắc Kinh.
Wang cũng tuyên bố đã thành lập và chỉ đạo một "binh đoàn số" với mục tiêu tác động vào tư tưởng chính trị của người dân, tương tự cách Nga bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
"Nhiệm vụ của chúng tôi ở Đài Loan là nhiệm vụ quan trọng nhất - thâm nhập vào giới truyền thông, các ngôi đền và gốc rễ của các tổ chức", Wang cho biết.
Sau khi lo ngại bị phát hiện bởi cơ quan phản gián Đài Loan về ý đồ tác động cuộc bầu cử tổng thống năm tới, Wang quyết định đào tẩu tới Australia.


Tại Hong Kong, Wang tiết lộ anh là một phần của chiến dịch tình báo ngầm dưới vỏ bọc của một công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, với nhiệm vụ thâm nhập các trường đại học và công ty truyền thông ở Hong Kong nhằm chống lại phong trào ủng hộ dân chủ.
Trung Quốc bị tố muốn "kiểm soát" Australia
Wang cho biết vai trò của anh trong tổ chức bí mật là thâm nhập vào tất cả các trường đại học ở Hong Kong, chỉ đạo cấp dưới thực hiện các vụ tấn công mạng nhắm vào những người bất đồng chính kiến.
"Họ (cấp dưới) sẽ tìm ra thông tin về các nhà hoạt động ủng hộ độc lập đó và công khai tất cả những dữ liệu cá nhân, bao gồm cha mẹ và các thành viên trong gia đình", Wang chia sẻ.
Wang nói thêm rằng mục tiêu là "làm cho tất cả những kẻ gây rối ở Hong Kong phải khiếp sợ".
Điệp viên Trung Quốc cũng nói rằng chính mình là người đã hỗ trợ thực hiện vụ bắt cóc Lee Bo, chủ hiệu sách Causeway Bay, vào tháng 10/2015. Hiệu sách này bị Bắc Kinh cáo buộc là nơi phân phát các tài liệu chống phá Trung Quốc.
Cũng trong năm đó, 4 nhân viên khác của hiệu sách đều bị bắt cóc và đưa sang đại lục.
Các đầu mối khác của Bắc Kinh ở Hong Kong, theo Wang, bao gồm cả quản lý cấp cao tại một hãng truyền hình lớn ở châu Á, người thực tế đang là "một sĩ quan quân đội với cấp bậc tư lệnh sư đoàn".
Wang cũng tiết lộ từng gặp một quan chức tình báo cấp cao của Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động gián điệp ở Australia thông qua một công ty vỏ bọc hoạt động trong lĩnh vực năng lượng.
"Ông ấy nói với tôi vào lúc đó rằng ông ấy sống ở Canberra. Tôi biết rằng vị trí của ông ấy rất quan trọng", Wang chia sẻ.
Bài báo không cung cấp thông tin chi tiết khác về các chiến dịch của Trung Quốc ở Australia, nhưng nhiều khả năng sẽ gây ra sự cảnh giác cao độ với các điệp viên Trung Quốc đang hoạt động ở nước này.
ASIO cảnh báo hồi đầu năm nay rằng những mối đe dọa từ lực lượng tình báo nước ngoài đang ở mức "chưa có tiền lệ" và ước tính số lượng điệp viên nước ngoài ở Australia vào lúc này đang cao hơn cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
ASIO chưa bao giờ nhắc đích danh Trung Quốc trong các báo cáo của mình.
Cựu giám đốc cơ quan, ông Duncan Lewis, người mới về hưu vào tháng 9, nhận định trong cuộc phỏng vấn mới đây rằng Trung Quốc muốn "kiểm soát" hệ thống chính trị Australia bằng các chiến dịch "quỷ quyệt" và có hệ thống.



No comments:

Post a Comment