Bài viết của
Nhã Ca về những nhà văn VNCH
bị bắt
hoặc giết chết trong tù sau 1975
Năm 1979,
anh Nguyễn Mạnh Côn chết trong nhà tù Xuyên Mộc. Sau này, nghe
bạn quen kể, tính ra mới biết anh mất đúng vào những ngày thành phố đang bị
đánh tư sản, khi mấy mẹ con chúng tôi bị bứt ra khỏi nhà. Một đêm nào đó, ngủ
ngồi ngoài bến xe, có lúc tôi nghe có tiếng kêu bên tai: "Cô Nhã. Cô
Nhã." Mở mắt, không thấy ai. Có phải anh mất đúng vào lúc đó không? Không
biết.
Trong những ngày
bị săn đuổi, lang thang nơi này nơi kia, tôi thường nghe bên tai mình có nhiều
tiếng gọi. Có thể chỉ là tưởng tượng, mà cũng là sự thật. Người sống. Người
chết. Biết bao người vẫn gọi chúng ta, lúc mê sảng cũng như khi tỉnh thức.
Tôi đã có lần đi
qua một nghĩa địa chôn tù giữa rừng sâu. Dăm chục mô đất, với những tấm bia lây
lất bằng khúc cây rừng chẻ ra còn nguyên cả vỏ. Ngôi mộ anh Côn trong mảnh đất
chôn tù ở rứng già Xuyên Mộc, chắc cũng vậy thôi.
Khi anh Hiếu
Chân Nguyễn Hoạt chết trong khám Chí Hòa, thân xác được hỏa thiêu, tro cốt còn
lại được mang rải trên sông Sàigòn.
Dòng sông. Mặt
đất. Bầu trời. Sự sống, sự chết. Kẻ mất, người còn. Ký ức, như bụi gai chằng
chịt. Sắp đặt lại cho ngay hàng thẳng lối, chắc còn lâu lắm. Cũng có thể sẽ
chẳng bao giờ nữa. Thôi thì cứ nhớ đâu viết đó: Những mảnh hồi ức rời rạc,
không đầu đuôi, ngày tháng.
Đám tang Hồ Hữu
Tường
Buổi chiều, nắng
quái dị lay lắt. Tiếng máy xe Honda ầm ĩ. Chúng bước vô.
"Chị rảnh
không?"
"Chi
vậy?"
"Rảnh em
chở chị đi thăm ông Hồ Hữu Tường." Khùng điên gì đâu. Ông ta đang ở một
trại tù nào, Xuyên Mộc, Hàm Tânn, Long Khánh, hay xa lắc, Gia Trung. Mấy cậu
còn trai trẻ, hoàn cảnh nào cũng đùa được.
"Em có đùa
đâu. Ông ta đang ở nhà mà."
"Ủa, được
tha rồi sao?"
"Chưa.
Nhưng chết."
Chết. Đâu có gì
đáng cho tôi ngạc nhiên. Như khi nghe tin anh Hoàng Vĩnh Lộc,
anh Minh Đăng Khánh, anh Trần Việt Sơn, anh Nguyễn
Mạnh Côn...
Không có anh Sỹ
và các anh khác. Cũng không kịp thông báo. Ngồi lên yên sau, tôi nhờ cậu em đèo
tới đó. Rồi công an, mật vụ, theo dõi, mượn cớ khó dễ thì sao? Mặc kệ. Thời
buổi mà đi thăm người chết cũng là một trọng tội thì còn nói gì nữa.
Tới đầu con ngõ,
sực nhớ thiếu một cái phong bì. Nhớ, quanh đây, có một nhà quen thân anh Nguyễn
Chánh Lý. Tôi ghé. Quang đi vắng. Chỉ có người mẹ đang tụng kinh trên căn gác
nhỏ. Cứ cắt ngang chầu kinh, hỏi xin cái phong bì. Bị gấp quá. Bà mẹ dừng tay
chuông mõ, kiếm chiếc phong bì. Đưa, hỏi:
"Ai chết
vậy?"
"Ông Hồ
Hữu Tường, ngõ đối diện với bác đó."
"Trời Phật
ơi. Ông ta à? Làm sao mà chết? Đang ở tù mà chết. Ông ta... Gượm, cho tôi góp
một thẻ hương thắp cho ông ta với. Giời đất ơi. Nam Mô A di Đà Phật..."
Tôi đi xuống căn
gác, tiếng chuông mõ trên lầu vọng theo. Con ngõ đang đường thẳng thì nở phình
ra. Căn nhà nhỏ dựa vào một trạm biến điện, có rạp che trước sân, dễ nhận. Bàn
gỗ kê dài, ghế băng. Bình trà, chén nhựa. Khá đông. Những ai vậy? Không thấy mặt
một người quen nào. Có tới mấy người đàn bà. Chưa mặc tang phục. Quan tài đặt
giữa nhà. Chắc phải tới đó trước để đốt một nén nhang.
"Mời chị
dùng nước."
Ai đó nói. Giọng
Chủng tiếp:
"Chị Nhã,
bác gái ở đây này."
Một bàn tay đặt
lên vai, đưa lên nữa, vuốt tóc tôi.
"Nhã Ca đây
hả? Chào cháu. Bác có biết cháu. Biết thôi, phải nhờ bác trai chết, mới nhìn
thấy mặt cháu."
Nhìn lên. Chưa
bao giờ tôi thấy một người đàn bà đẹp như thế. Chưa bao giờ. Thật mà. Nhìn bà
ta coi, dong dỏng cao, thanh tú. Còn nét mặt kìa, mắt sáng một cách kỳ lạ. Gò
má cao, mắt mũi miệng cân bằng giữa sự hiểu biết, thông minh cùng nét lạnh lùng
đến tàn nhẫn của sức chịu đựng. Chiếc phong bì trên tay sao bỗng ngượng nghịu
quá.
"Đưa phong
bì đây. Tốt. Tốt lắm."
Dõng dạc bình
tĩnh, mà còn đầy thân mật nữa.
Một cái ôm vai,
xiết nhẹ. Lại quay sang trả lời câu thăm hỏi của người khách khác tới viếng.
Lúc đó, tôi mới chợt nhận ra nhiều bộ mặt chìm nổi của công an, giả dạng đủ
hạng người.
"Dạ,
thưa... nhà tôi còn sống được từ trại tù, tới đầu con ngõ. Dạ thưa, tắt thở
ngay đầu ngõ. Có kịp nhìn thấy nhà cửa không à? Dạ thưa, chẳng cần đâu, nhìn
làm gì mọi thứ đã không còn như cũ... Vâng, thưa, lúc nhà tôi về tới nhà, chỉ
có khoảng nơi trái tim còn hơi ấm...
Bà đưa tay lên.
"Dạ, tôi
lấy kịp chút hơi ấm ấy. Dạ, nó vào hết đây."
Miệng có méo
xệch đi. Nước mắt có rơi?
Không. Vẫn khuôn
mặt bình tĩnh, tuyệtđẹp.
Buổi sáng hôm
sau, con ngõ mở ra đường Trần Quang Khải chật ních người. Tôi đứng chờ trước
ngõ. Khi quan tài đi qua, dẫn đầu là anh Tuấn, hai tay bưng di ảnh ông bố. Bức
di ảnh xung quanh như bị xóa sạch hết. Chỉ có khuôn mặt ông Hồ Hữu Tường ngước
lên, với cái micro trước mặt. Ông ta nói gì với hư vô và hư vô đang nói gì với
ông ta? Ô hay, đã tưởng là không khóc được nữa.
Chẳng nhớ bao
lâu sau, có dịp ghé lại Vẫn ngôi nhà xưa, cũ kỹ, điêu tàn, bề bộn hơn. Bưóc vào
nhà, vắng ngắt. Nhà cửa ngổn ngang những bao gạo, thúng, gánh bỏ không. Gặp lại
người con tên Tuấn.
"Xin lỗi.
Tôi muốn thăm cụ bà."
"Mời chị
vào. Mẹ tôi có ở nhà."
Bước vào, ngơ
ngác.
"Bác đâu?"
"Mẹ tôi kia
kìa, chị."
Theo tay, nhìn
lên. Bàn thờ giản dị. Trên cái tủ nhỏ, bên trong đồ đạc đã trống hốc, là hai
bức ảnh, chung một bát hương. Bức ảnh bà cụ đã đứng tuổi, mắt sáng, đẹp, bên
cạnh ảnh ông chồng nhà văn nghiêm trang. Mắt cả hai như đang nhìn tôi, mỉm
cười.
Tro Cốt Hiếu
Chân
Trưa nắng. Một
người mang áo vải xô, đội mấn gai, chít khăn tang, tay dắt xe đạp, từ phía nhà
sách Ngoại Văn -Tên gọi mới của nhà sách Xuân Thu trên đường Tự Do, Sai gôn -
băng qua đường. Anh ta dựng xe vào gốc cây me già, rồi tới trước cửa hàng 142,
cúi đầu chào, chờ đợi.
Khi tôi bước ra,
người mặc đồ tang nói:
"Thưa cô.
Cháu mang Bố cháu lại chào cô."
"Bố
cháu?"
Người mặc tang
phục, nét mặt trang trọng:
"Dạ. Thưa
cô. Bố cháu đây."
Hai tay anh ta
chắp lại, xoay người về phía chiếc xe đạp dựng bên gốc me. Sau xe đạp có cột
một gói nhỏ, bọc bằng vải xô. Người thanh niên mặc tang phục là chồng của cháu
Vĩnh, con rể anh chị Hiếu Chân,
Bị bắt cùng lúc
với các anh Doãn Quốc Sỹ, Hoàng Hải Thuỷ, Nguyễn
Khánh Giư, Hồ Văn Đồng... từ hồi tháng năm 1985, anh Hiếu
Chân vừa chết trong nhà tù Chí Hoà. Gia đình và thân hữu lo lót.
Thượng Tọa Trí Quang và các tăng chùa Ấn Quang phụ giúp. Sau bao nhiêu thủ tục
quanh co, mới hôm qua thôi, di hài anh vừa được hỏa thiêu.
Tôi đã bước được
tới gần chiếc xe đạp. Trong gói vải xô cột sau xe là một cái hũ đất nung. Anh
Hiếu Chân. Đúng là anh, tro cốt anh, trong cái hũ đất bọc vải xô kia.
Từ hồi sáng, Bố
cháu đã tới chào bên bác Giư, bác Sỹ. Chào cô xong, bây giờ cháu đưa Bố cháu ra
sông Saigon. Bố cháu vẫn muốn khi chết, tro cốt ông được rải trên mặt sông.
Cháu xin phép cô."
Chiếc xe đạp
được dắt qua đường, đạp ngược về phía bờ sông. Mới chừng hai giờ trưa. Đường
phố vắng lặng.
'Chuyện gì vậy,
chị Vân?"
Có tiếng hỏi.
Một người lối xóm.
"Có gì đâu.
Đứa cháu đi qua nhà, ghé vô chào."
Tôi trả lời và
ngạc nhiên thấy giọng nói của mình không hề có vẻ gì khó khăn, khác lạ. Vậy mà
từ lúc bước ra đứng cạnh hũ tro cốt của anh Hiếu Chân, tôi đã tưởng mình không
thể nói nổi thành tiếng.
Cửa hàng kế cận,
lại có thêm mấy người bước ra. Bộ tang phục, cung cách khác thường của người
con rể anh Hiếu Chân làm lối xóm chú ý. Đừng đứng lại. Đừng vô nhà. Cũng đừng
trả lời. Họ sẽ hỏi tới nữa. Tôi băng qua đường, đi dọc theo vỉa hè. Có nên ra
bờ sông? Không kịp đâu. Bộ áo xô gai trên xe đạp đã khuất ở góc đường Lê Lợi.
Hai anh em: Hiếu Chân, Nhã Ca
(Saigon, 1980)
Anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt là một nhà văn, nhà báo lừng lẫy từ lúc tôi còn là con bé đồng nữ Phật Tử Hương Đàm. Từ 1945, thời chính phủ liên hiệp Quốc Cộng, nghe đâu anh đã cùng với Khái Hưng làm tờ Việt Nam Hồn, báo của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Hà Nội. Báo quán bị Việt Minh tấn công, Khái Hưng bị thủ tiêu. Di cư vào Nam, trên nhật báo Tự Do, tờ báo nổi tiếng trong những năm 50, anh viết mục Nói Hay Đừng ký tên Hiếu Chân, truyện dài Tỵ Bái ký tên Nguyễn Hoạt. Khi Văn Bút Việt Nam vừa được thành lập, anh là Tổng Thư Ký cạnh chủ tịch Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Sau 1963, có lúc anh làm chủ nhiệm Việt Nam Nhật Báo với Vũ Khắc Khoan chủ bút. Tôi có nghe tiếng anh từ nhỏ, nhưng trước 1975, chưa hề được gặp mặt. Chỉ từ 1980, khi anh Doãn Quốc Sỹ từ trại tù Gia Trung trở về, mấy anh em mới có dịp lui tới rồi trở thành thân thiết.
Khi Cộng sản bắt
toàn bộ các nhà văn nhà báo miền Nam năm 1976, có lẽ vì đã rút lui khỏi làng
báo, mai danh ẩn tích từ 10 năm trước đó, anh bị sót tên trong danh sách đi tù
đợt đầu.
Thoát được cảnh
tù ngục, điều mà mọi người cho là may mắn, với anh, hình như lại là một ray rứt
tới mức không thể chịu đựng nổi. Nhiều lần, anh em gặp nhau, anh thường tự dầy
vò mình: "Tại sao chúng nó không bắt tôi. Tại sao lại vậy? Bộ các cậu
tưởng tôi có thể chịu đựng được cảnh này à?" Nghe vậy anh em nhìn nhau.
Vừa thương anh, vừa buồn cười. Nhà có cái máy chữ cất giấu từ lâu, anh lôi ra, công
khai gõ lóc cóc, cả ngày lẫn đêm, lui cui viết văn, dịch sách, bất kể hàng xóm
đi báo cáo. Cứ vậy mãi tới tháng Năm 1985, công an Cộng Sản mới chịu giúp cho
anh thỏa nguyện là được cùng bạn hữu vô tù.
Anh Hiếu Chân,
cái gì gọi anh từ nhà tù mà anh phải vào đó bằng được để chết?
Trong những năm
qua, ai nấy đều tự thu mình lại, mong sao yên thân. Anh Hiếu Chân hình như lại
khác hẳn. Tuổi già sức yếu, anh vẫn ngày ngày đạp xe tìm thăm từng bạn văn đi
tù về, lôi kéo bằng được mọi người phải ngồi lại với nhau.
Nhớ: ngôi nhà
xiêu đổ của anh chị Hiếu Chân trong một xóm Đạo đường Trương Minh Ký, từng là
nơi mấy anh em lui tới. Anh Doãn Quốc Sỹ gầy gò mà tươi tỉnh: nhanh nhẹn. Anh
Hiếu Chân, anh Trần Việt Sơn còm cõi như hai bộ xương khô. Anh Nguyễn Khánh Giư
to lớn dềnh dàng, mắt muốn lồi ra khỏi kính cận, còn ưa hất mặt lên, chòm râu
coi hỗn quá. Còn có cả anh Cao, một nhân sĩ Phật Giáo người Huế. Thêm Nguyễn
Tăng Thanh, người em của anh Giư. Chị Hiếu Chân, với gánh hàng quà tần tảo
chợ búa, những lần có bạn hữu, vẫn rán bớt lại dăm miếng đậu hủ, vài ba gói bì
cuốn...
Có hồi nghe tôi
bệnh tim nặng, anh Hiếu Chân đạp xe tới tận nhà, nhất định dạy cách tập ngồi
thiền để tự chữa bệnh. Anh Trần Việt Sơn còn tủm tỉm cười, can:
"Thôi ông
ơi. Cô Nhã còn phải buôn bán dành sống. Tọa thiền không nổi đâu.. Tập chửi lộn
có khi quan trọng hơn là tập ngồi thiền."
Nhớ: hồi 1983,
anh Trần Việt Sơn mất, xác quàng tại chùa Vĩnh Nghiêm, mấy anh em thay nhau
đứng cạnh quan tài. Anh Hiếu Chân bàn giao phiên trực cho tôi xong, vẫn không
chịu bỏ về.
"Anh em
mình cùng ở lại với ông ấy, cô ạ.. Có đông đủ bạn hữu, ông ấy sẽ cảm thấy ấm
hơn."
Chớp mắt, tất cả
đã tan tác.
Bây giờ, tới
phiên anh Hiếu Chân.
Tro cốt anh, giờ
này, hẳn đang cùng người con rể lênh đênh trên một chiếc xuồng nhỏ. Cũng có thể
đã được rãi trên mặt sông. Nướx sông Saigon đang chảy về phía nào, lên núi hay
ra biển? Đâu còn bạn hữu nào ở bên anh phút này. Nguyễn Khánh Giư, Doãn Quốc
Sỹ, Hoàng Hải Thuỷ... đang ở trong tù. Nguyễn Tăng Thanh nghe đâu đã vượt biên.
Chỉ còn mình tôi lang thang trong thành phố. Cũng đâu chỉ mình tôi. Quay lại:
bên kia lề đường, một cái bóng vừa khuất sau gốc cây. Vẫn cái đuôi công an canh
chừng đấy thôi. Thây kệ. Cứ phải ra bờ sông, phải nhìn thấy dòng nước.
Anh Hiếu Chân,
anh thong thả, tôi tới.
Loanh quanh một
lát, đi hết đường Tự Do, mặt sông Saigon hiện ra trong nắng trưa chói chang. Có
mấy chiếc xuồng nhỏ qua lại giữa dòng. Nhìn coi, không thấy bóng người con rể.
Tro cốt anh Hiếu Chân được rải trên mặt sông, chắc giờ này đã tan vào dòng
nước.
Lại cái bóng
quen thuộc của anh chàng công an bên kia đường. Mời theo. Tôi tới nơi hẹn bí
mật với thành phần nguy hiểm đây: dòng sông đang lấp lánh chảy về phía Nhà Bè.
Anh Hiếu Chân.
Bao năm day dứt.
Điều gì đã gọi anh từ nhà tù. Gọi cách nào mà khiến anh phải vào tù cho bằng
được để chết? Có phải đó là tiếng gọi bạn hữu, tiếng gọi tư cách người cầm bút?
Vào tù. Vào lửa.
Vào nước. Thỏa lòng rồi. Anh yên tâm chưa, khi tro cốt đã tan vào dòng sông,
thành bọt nước tung toé reo vui, nơi này, nơi kia?
Phần trên, trích
"Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng", in tại Hoa Kỳ năm 1990. Anh Hiếu
Chân đi sớm, không gặp lại quản nhiệm và tổng thư ký báo Tự Do khi các
anh Mặc Thu và Như Phong ra tù rồi sang Mỹ.
Bài tiếp theo viết khi anh Như Phong mất ở miền Đông, rồi anh
Mặc Thu cũng từ trần khi về Sài gòn với con cháu.
Và Mặc Thu, Như
Phong
Như Phong, tổng
thư ký báo Tự Do từ 1954, là ông anh lớn của làng báo. Biết anh từ lâu, nhưng
phải chờ mãi đến sau tháng Tư 1975, khi cộng sản lùa hét bọn nhà văn, nhà báo
Saigon vào tù tôi mới có vinh dự làm... hàng xóm của anh.
Trong trại giam
T 20 thuộc Sở Công An Nội Chính Saigon, ngoài các phòng giam tập thể - mỗi
phòng nhốt 40, 50 người - còn có khu biệt giam gồm nhiều "cachot" nối
tiếp nhau. Đây là những cái hộp bê tông cửa sắt kiên cố, trên cửa có ô thông
hơi bằng bàn tay mở đóng từ phía ngoài để cai tù kiểm soát. Cuối năm 1976, tôi
ở cachot số 8. Một lần nửa đêm, bỗng nghe phía ngoài tiếng sắt thép rổn rảng,
rồi có tiếng hô "Lê Văn Tiến, thu dọn đồ cá nhân. Khẩn
trương."
"Thu dọn đồ
cá nhân có nghĩa chuyển phòng giam hoặc chuyển trại. Tôi chờ tới phiên mình
được kêu lên, nhưng chỉ nghe tiếng cửa sắt mở đóng một lát rồi im. Thì ra người
hàng xóm của tôi, tiếng gõ đêm đêm từ bên kia bức tường, chính là anh Như
Phong. Không biết chúng đưa anh đi đâu.
Mười hai năm
sau, 1988, tôi không nhớ ngày tháng, nghe tin Như Phong vừa ra tù, Từ cùng anh
Mặc Thu đi đón anh về căn phố 142 đường Tự Do.
"Như Phong
đây rồi. Cô lo bữa nhậu đi, cô Nhã."
Anh Mặc Thu bảo
tôi.
"Cô gọi tôi
là ông Gió." Anh Như Phong nói.
Phải rồi, Như
Phong diễn nôm là như gió. Nhớ truyện ngắn "Nhốt Gió" của anh Bình
Nguyên Lộc, tôi cười:
"Gió mà
cũng tù?"
"Ơ hay, cái
cô này. Gió vào rồi gió ra. Làm sao chúng bỏ tù được gió?"
"Sơ sơ mới
12 năm thôi!"
"Hơ hơ... Bộ cô
tưởng tôi ở tù thiệt hả? Chính chúng mới là bị bỏ tù. Đầu óc chung bị xiềng vào
cái nhà tù do chúng tạo ra. Còn mình, chỉ cần nhắm mắt lại là mình muốn đi đâu
thì đi. Gió mà.."
"Còn cái
lần anh nhịn ăn mấy tuần lễ rồi nằm thẳng cẳng trên băng ca cho chúng khiêng
đi, anh muốn đi đâu? Tính thăm Bác của chúng nó hả?"
"Còn lâu,
anh phản ứng nhanh, rồi ngạc nhiên, Ủa, hôm ấy cô thấy tôi hả?"
"Không phải
tôi thấy. Chỉ là chuyện nghe từ một bạn tù khác. Vào lúc anh Như Phong tuyệt
thực phải đưa đi cấp cứu, tôi đang ở trong phòng giam tập thể. Nghe tôi kể vậy,
anh Như Phong cười hì hì, nói lảng:
"Sau vụ ấy,
lúc từ bệnh xá ra, chúng cũng cho tôi ra tập thể luôn. Vui đáo để."
Chuyện như mới
hôm qua, vậy mà đã là 12 năm sau. Chiều tối, thành phố cúp điện, căn nhà số 142
như cái ống tối thui, nóng như lò nung. Bữa nhậu mừng anh Như Phong ra tù được
dọn ngay trên hè đường Tự Do, bên gốc cây me già trước nhà.
Anh Mặc Thu nâng
ly đế, cười khà:
"Thấy bọn
mình công khai đấu láo ngoài trời, mấy anh công an chìm chắc cũng yên tâm
hơn."
Đúng là có mấy
"cái đuôi" vừa lảng vảng khi gần khi xa.
"Ừ, mình ăn
ngon mà để họ lo lắng, tội nghiệp."
Anh Như Phong
nói.
Mấy anh em ăn
uống vui vẻ, chuyện nhà tù lớn, nhà tù nhỏ rôm rả. Có lúc anh Như Phong thình
lình bảo tôi:
"Tôi nợ cô
một việc."
"Gì mà ghê
vậy anh?"
"Trước khi
bọn chúng mang anh em ông này lên rừng, lẽ ra cô với Từ (Trần Dạ Từ, phu quân
của Nhã Ca-BV) được gặp nhau một lần. Chẳng hiểu sao hắn để tôi dành mất chỗ
của cô. Hắn kể cô nghe chưa?"
Tôi nói tôi nghe
rồi và hiểu. Anh Mặc Thu hỏi chuyện gì vậy. Cũng chỉ là chuyện T 20. Ra tù sớm
hơn anh mấy tháng, Từ có kể lại lần gặp anh Như Phong ngay tại T20. Tháng Tám
năm 1977, thình lình bị gọi đi "làm việc". Vẫn cái tên chấp pháp quen
mặt từ trên "Thành" -tức từ Sở Công An- phái xuống, nhưng hôm ấy hắn
ra vẻ tử tế bảo, hôm nay mừng ba ngày lễ lớn, anh muốn thăm gặp bất cứ ai tôi
cũng sẽ đặc cách cho xe đi đón đến đây gặp anh." Hiểu ngay đòn "ban
tí đặc ân để giở trò gì đó" thường thấy trong nhà tù cộng sản, thay vì xin
gặp vợ con, Từ nói đâu cần đưa đón gì, tôi mới thấy anh Như Phong Lê Văn Tiến ở
tập thể khu A, anh cho mời anh ta ra đây mình trò truyện cho vui.
Khi nghe Từ kể, tôi
hỏi rồi chúng cho gặp không. Gặp chớ. Sau chút ngạc nhiên, hắn gọi vệ binh bảo
đưa Như Phong ra. Anh em được một bữa cười đùa với chấp pháp vui vẻ. Chỉ ít
ngày sau đó, Từ và các anh Mặc Thu, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn
Sỹ Tế, Hồ Văn Đồng, Nguyễn Viết Khánh, Chóe... bị
đưa lên Gia Trung đi đày.
Với chúng tôi,
các anh Như Phong, Mặc Thu là lớp tuổi đàn anh. Thời bọn tôi con là mấy cô cậu
nhóc tập sự viết lách, cả hai anh đều đã là nhà văn, nhà báo cỡ lớn. Sau đợt di
cư từ Bắc vào Nam, nhật báo Tự Do do các anh chủ trương là tờ báo Bắc kỳ dẫn
đầu làng báo Saigon. Thêm mấy chục năm, đủ thứ đổi đời. Quản nhiệm Mặc
Thu Lưu Đức Sinh, Tổng thư ký Như Phong Lê Văn Tiến của
báo Tự Do ngày nào ngồi đó, nhưng nhiều anh em khác không còn nữa.
"Cháu Vĩnh
đã lên thăm anh chưa?" Tôi hỏi.
"Rồi. Tôi
đã hẹn Vĩnh mai lên nhà thắp nhang cho ông ấy."
Cháu Vĩnh là con
gái anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, một kiện tướng khác của tờ Tự Do. Vậy là anh Như
Phong đã nghe cháu Vĩnh kể về những ngày cuối cùng của ông bố nhà văn. Có thể
anh cũng đã biết sau khi hỏa thiêu, tro cốt anh Hiếu Chân đã được mang rải trên
sông Saigon. Tôi kể thêm chuyện người chồng cháu Vĩnh trên đường đưa tro cốt ra
sông đã ghé qua đây. Chính trên vỉa hè này, cũng ngay dưới gốc cây me này, tôi
đã được đứng với tro cốt anh Hiếu Chân lần cuối.
Nghe kể, anh Như
Phong nhìn anh mặc Thu.
"Hèn gì bọn
mình kéo nhau ra đây ngồi. Ông Hoạt đang nhậu với mình đấy, ông ạ."
"Chứ sao.
Tay này ranh lắm. Hắn biết cậu vừa ra tù mà, anh Mặc Thu nói, nâng ly với hắb
đi."
Ly rượu trên
tay, anh Như Phong đứng dậy, bước thêm một bước:
"Nào, ông
Hoạt, mình uống." Anh nghiêng ly, chậm rãi rưới rượu cho gốc cây me già
rồi đứng thẳng nhìn lên. Đó là hình ảnh Ông Gió một đêm Saigon cúp điện mà tôi
còn nhớ mãi.
Nhã Ca
2016
2016
No comments:
Post a Comment