Friday, November 29, 2019

Bloomberg đối mặt thách thức khi 'ngáng đường' Trump


Bloomberg đối mặt thách thức
khi 'ngáng đường' Trump
Ánh Ngc (Theo CNN, Politico, WSJ)

Bloomberg muốn "đánh bại Trump và tái thiết nước Mỹ", nhưng chính sách cứng rắn khi điều hành New York và nhiều lần chuyển đảng có thể cản trở ông.
Tỷ phú Michael Bloomberg, cựu thị trưởng New York, hôm 24/11 chính thức tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020. Một số người gần gũi với Bloomberg cho biết ông không tin các ứng viên Dân chủ hiện tại có thể đánh bại Tổng thống Donald Trump, kể cả cựu phó tổng thống Joe Biden, người Bloomberg cho rằng đã thể hiện mờ nhạt và gặp khó khăn trong việc gây quỹ.
"Chúng ta không thể chịu đựng những hành động liều lĩnh và trái đạo lý của Trump thêm 4 năm nữa. Ông ấy đại diện cho mối đe dọa hiện hữu với đất nước cũng như các giá trị của chúng ta. Nếu ông ấy thắng thêm một nhiệm kỳ nữa, chúng ta có lẽ không bao giờ khắc phục được thiệt hại", tỷ phú truyền thông 77 tuổi phát biểu trong tuyên bố tranh cử.


Người đồng sáng lập kiêm chủ sở hữu chính của đế chế truyền thông và dữ liệu tài chính Bloomberg được coi là ứng cử viên đáng gờm, có khả năng thu hút cử tri từ các ứng viên khác như Biden, thượng nghị sĩ bang Minnesota Amy Klobuchar hay Thị trưởng Pete Buttigieg. Sự giàu có của ông cũng tương phản với quan điểm của hai thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và Bernie Sanders, các ứng viên nổi bật của đảng Dân chủ phản đối bất bình đẳng thu nhập và các quy định của Phố Wall.
Với khối tài sản khoảng 54 tỷ USD, nhiều gấp 17 lần Trump, được tạp chí Forbes xếp hạng giàu thứ 8 tại Mỹ và thứ 17 thế giới, Bloomberg cho biết ông sẽ tự tài trợ cho chiến dịch của mình và không nhận bất cứ khoản đóng góp nào. Tỷ phú này đã rót 100 triệu USD quảng cáo trực tuyến chống lại Trump và dường như đang cố thuyết phục người Mỹ rằng ông là ứng viên phù hợp nhất để đánh bại Tổng thống.
Các quảng cáo về Bloomberg bắt đầu phát sóng từ ngày 25/11 tại hơn 20 bang và khoảng 100 thị trường truyền thông khắp Mỹ, với chi phí 30 triệu USD một tuần. Trong khi đó, tính đến tuần trước, toàn bộ 18 ứng viên còn lại của đảng Dân chủ mới chi tổng cộng 82,5 triệu quảng cáo trên truyền hình. Bloomberg cũng đã bỏ hàng chục triệu USD giúp đỡ phe Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm ngoái.
Những chính sách được cho là sẽ giúp Bloomberg lấy lòng cử tri là kiểm soát súng đạn và chống biến đổi khí hậu. Trong video tuyên bố tranh cử, tỷ phú truyền thông đã nhấn mạnh những vấn đề đó, đồng thời thể hiện sự ủng hộ với việc tăng thuế của người giàu, cũng như mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế.
Việc Bloomberg nắm trong tay đế chế truyền thông mang tên mình cũng là lợi thế của ông. Hãng tin Bloomberg tuyên bố sẽ không tiến hành các bài viết điều tra nhà sáng lập cũng như gia đình và tổ chức của ông, đồng thời đưa ra "chính sách tương tự với đối thủ của ông trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ". Tuy nhiên, hãng tin này vẫn sẽ đưa tin điều tra về Trump với tư cách là "lãnh đạo chính quyền hiện tại". Một số thành viên ban biên tập chuyên viết các bài bình luận của Bloomberg sẽ nghỉ phép để tham gia chiến dịch tranh cử tổng thống của ông chủ.
Đoạn quảng cáo tranh cử đầu tiên ca ngợi kỷ lục ba nhiệm kỳ thị trưởng New York của Bloomberg, nhấn mạnh rằng ông "điều hành một thành phố vẫn quay cuồng sau thảm họa 11/9" và đã "phục hưng nó từ đống tro tàn", đồng thời nêu thêm nhiều thành tích khác như việc làm gia tăng.
Tuy nhiên, theo bình luận viên Dean Obeidallah của CNN, người từng sống tại New York dưới thời Bloomberg, tỷ phú này có thể là thị trưởng tuyệt vời đối với một số cư dân, nhưng không bao gồm người da đen, da màu và Hồi giáo. Những chính sách của ông dường như mang thông điệp ngầm rằng người theo đạo Hồi, da đen và gốc Latin không xứng đáng có các quyền công dân tương đương người New York.
Obeidallah cho biết Bloomberg từng thực thi hai chính sách có thể khiến các cử tri Dân chủ không bầu cho ông. Đầu tiên là chiến dịch "ngăn chặn và lục soát", cho phép cảnh sát chặn đường người da đen và gốc Latin tại New York mà không cần lý do. Chính sách này phát triển từ quan điểm cứng rắn của cựu thị trưởng Rudy Giuliani về tội phạm, nhưng bị coi là phân biệt chủng tộc và vi hiến. Bloomberg còn bị cáo buộc phân biệt đối xử khi triển khai kế hoạch giám sát cộng đồng Hồi giáo ở New York.
Theo số liệu của Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU), hơn 5 triệu vụ "ngăn chặn và lục soát" đã diễn ra trong 12 năm Bloomberg giữ chức thị trưởng. "Nam giới da đen và gốc Latin trong độ tuổi 14-24 chỉ chiếm 4,7% dân số New York, nhưng là đối tượng trong 41% vụ chặn đường từ năm 2003 đến 2013", báo cáo của ACLU cho hay, nói thêm rằng gần 90% thanh niên da đen và Latin bị chặn lại vô tội.
Một thẩm phán liên bang hồi năm 2013 tuyên bố chính sách này của Bloomberg vi hiến do vi phạm quy định chống bắt và lục soát vô cớ, cũng như việc đảm bảo tất cả người Mỹ đều được đối xử bình đẳng bất kể chủng tộc. Đáp lại, Bloomberg cáo buộc thẩm phán cố ý xét xử không công bằng và thề sẽ kháng cáo phán quyết này.
Bloomberg tuần trước xin lỗi vì chiến dịch "ngăn chặn và lục soát" của mình khi chuẩn bị tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng. Hồi tháng một, ông cũng bày tỏ sự thông cảm với những người bị nhắm mục tiêu sai, nhưng vẫn bảo vệ chính sách này bằng cách trích dẫn tỷ lệ giết người giảm khi nó được áp dụng. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho biết tỷ lệ giết người ở New York vẫn tiếp tục giảm ngay cả khi chiến dịch kết thúc.
Tuy ít được chú ý bằng chính sách "ngăn chặn và lục soát", việc giám sát cộng đồng Hồi giáo cũng là một quyết định sai lầm của Bloomberg, bình luận viên Obeidallah nhận định. Sau khi tỷ phú bắt đầu lãnh đạo New York, các cảnh sát chìm đã theo dõi từng hoạt động của người Hồi giáo, từ việc ăn, cầu nguyện, mua sắm tới đi học, thậm chí thâm nhập vào các nhóm sinh viên Hồi giáo không chỉ ở New York mà khắp vùng đông bắc. Khi được hỏi liệu cảnh sát có đi quá xa hay không, Bloomberg trả lời "không".
Ngoài hai chính sách gây tranh cãi trên, Bloomberg còn được cho là người luôn kiên quyết bảo vệ Phố Wall, khiến các điều kiện nhà ở và tình trạng vô gia cư tại New York trầm trọng hơn. Chiến dịch tranh cử của Bloomberg quảng bá ông là một tỷ phú tự thân, nhưng ông dường như không hề gần gũi với tầng lớp bình dân.
Khối tài sản khổng lồ cũng có thể trở thành thách thức chính trị với ông. Thượng nghị sĩ Warren, ứng viên tổng thống được ủng hộ mạnh mẽ trong đảng Dân chủ nhờ kế hoạch chống Phố Wall, thường xuyên chỉ trích giới thượng lưu giàu có đang tác động quá nhiều tới chính trị. Thượng nghị sĩ Sanders cũng cáo buộc Bloomberg đang lên kế hoạch mua chuộc cuộc bầu cử.
"Tôi không hài lòng với ý tưởng rằng Michael Bloomberg hay bất cứ tỷ phú nào nghĩ họ có thể phá vỡ tiến trình chính trị và chi hàng chục triệu USD để mua chuộc cuộc bầu cử. Nếu không thể xây dựng nền tảng tranh cử thì đừng chạy đua tổng thống", Sanders viết trên Twitter hôm 22/11.
Bloomberg còn gây ra những hoài nghi về quan điểm đảng phái do nhiều lần chuyển đảng. Ông vốn là thành viên đảng Dân chủ, sau đó đăng ký sang đảng Cộng hòa hồi năm 2001, dường như bởi nhận ra điều này giúp tăng cơ hội đắc cử thị trưởng New York. Ngay sau khi nhậm chức, ông đã tìm cách bãi bỏ các cuộc bầu cử mang tính đảng phái trong thành phố. Tới năm 2007, trong nỗ lực tranh cử tổng thống lần đầu tiên, Bloomberg lại từ bỏ phe Cộng hòa.
Tại Hội nghị Quốc gia của đảng Dân chủ hồi năm 2016, Bloomberg xuất hiện trong chiếc cà vạt màu tím, ám chỉ tính phi đảng phái, và tuyên bố ông "không phải thành viên của bất kỳ đảng nào". Tuy nhiên, Bloomberg năm ngoái một lần nữa gia nhập đảng Dân chủ, trong khi lập trường của ông được cho là không phù hợp với cánh tả, ngoại trừ các vấn đề kiểm soát súng đạn và chống biến đổi khí hậu.
Bất chấp tư cách ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, Bloomberg một lần nữa xuất hiện với chiếc cà vạt tím trong video tuyên bố tranh cử, dường như nhằm hy vọng thu hút cử tri bằng quan điểm lưỡng đảng của mình.
"Tôi sẽ cống hiến bằng cách hành động và giải quyết vấn đề thay vì chỉ nói miệng. Tôi là người sẵn sàng đấu tranh và giành chiến thắng", ông tuyên bố.
Ánh Ngọc (Theo CNN, Politico, WSJ)


No comments:

Post a Comment