Vương Mộng Long, tốt nghiệp Khóa 20/TVBQGVN. Trong suốt thời gian binh nghiệp, ông phục vụ tại Vùng II qua các Tiểu Đoàn BĐQ sau đây: TĐ 11, 4 Mike Force, TĐ 81, và TĐ 82. Cấp bậc và chức vụ sau cùng: Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 82/BĐQ. Sau 30/4/1975, Cộng Sản VN đã giam giữ ông từ 1975 tới 1988 qua các trại cải tạo, từ nam ra bắc (13 năm). Hiện ông và gia đình, vợ 4 con, đang sinh sống tại Seattle, WA. Năm 2003, ông tốt nghiệp University Of Washington với cấp bằng B.A. Social Science & Communication
Vương
Mộng Long là hình ảnh tượng trưng cho một thế hệ những sĩ quan
trẻ của Miền Nam (VNCH) đã nhận ra những giá trị nền tảng của nhân phẩm,
trong một xã hội mà những yếu tố căn bản của một nền dân chủ (dẫu còn chập
chững) đã bắt đầu nảy mầm.
Noel ở Cẩm Nhân
29 Tháng Chín 2015
Tháng 7/1976 tàu Sông
Hương cập bến Hải-Phòng. Chúng tôi, khoảng ba ngàn tù cải tạo, cựu sĩ quan của
QLVNCH, được chuyển lên tạm nghỉ một ngày ở Sáu-Kho. Trong chuyến đi này, đội
ngũ hành khách tù binh đã hao hụt mất hai người. Một người bị trượt chân, rớt
từ sàn tàu xuống nước chìm luôn ở Tân-Cảng, Sàigòn đêm khởi hành. Người thứ nhì
chết trên tàu giữa biển khơi.
Trước đây, trong tháng
6/1976, cũng đã có vài chuyến tàu chuyển tù, ghé bến Sáu-Kho. Nhưng trí tò mò
của dân địa phương, nhất là những đứa trẻ con, vẫn bị lôi cuốn bởi hình ảnh
khác thường của đoàn hành khách mới tới. Người từ phương Nam ra, đi từng cặp
một, tay trái của người đi bên phải, còng với tay phải của người đi bên trái.
Mọi người vai mang nặng, đa số đều mặt mày buồn rầu, xanh xao, thân hình gầy
ốm, tong teo. Họ nối đuôi nhau đi thành hàng im lặng, cúi đầu không nhìn ai.
Hai bên đường họ di chuyển là những họng súng AK với lưỡi lê tuốt trần. An ninh
thật là nghiêm ngặt.
Đoàn tù được lùa vào khu
đất rộng, có sáu cái nhà vòm dài và cao bằng tôle .
Xung quanh khu nhà vòm này là bãi cỏ cháy khô, hôi thối, vì đây là bãi đại tiện lộ thiên, công cộng, của xóm dân cư lao động gần đó. Quanh đây, dày dặc hố bom B 52 khổng lồ. Nước trong hố bom màu cà phê sữa lợt, mặt nước lác đác bèo tấm.
Sau khi được cởi khóa
cái còng, tôi gởi ba-lô cho anh bạn tù Ngô Văn Niếu giữ giùm. Tôi lang thang
trên sân cỏ Sáu-Kho, rồi tạt vào căn nhà vòm của những tù binh cấp úy. Vừa bước
qua cửa đã có người nhận ra tôi rồi. Anh ta ôm chầm lấy tôi, xuýt xoa,
“Thái Sơn (Danh hiệu
truyền tin của Thiếu Tá Vương Mộng Long-Blog ViSa)! Anh còn sống ư? Độ đây! Em
nghe đồn anh chết ngày ba mươi. Vậy mà anh còn đây. Ôi! mừng quá! Anh ngồi
xuống đi!”
Anh Phạm Xuân Độ là đại
úy sĩ quan chỉ-huy hậu-cứ của Liên Đoàn 23 Biệt Động Quân. Chúng tôi quen nhau
lâu lắm rồi, từ ngày Độ mới từ Lực Lượng Đặc Biệt chuyển sang Biệt Động
Quân.
Độ cầm tay tôi, cao
giọng giới thiệu với bạn của anh ta,
“Đây là Thái-Sơn, đàn
anh của tớ. Xin giới thiệu với các bồ, để các bồ quen biết một đàn anh, đúng
nghĩa một đàn anh”
Nghe anh Độ quảng cáo ồn
ào như thế, những người bạn của anh ta liền tỏ thiện cảm với tôi ngay. Họ kéo
tôi ngồi xuống manh chiếu góc nhà. Họ mời tôi hút thuốc lào. Họ tíu tít hỏi tôi
ở trại nào trong Nam? Tôi có quen, có gặp người này, người kia hay không?
Sau khi quân đội ta tan
rã, nhiều cấp chỉ huy trở thành những cái bia hứng chịu phỉ nhổ của người dưới.
Tuy thế, cũng có nhiều cấp chỉ huy trở thành nỗi luyến tiếc cho thuộc cấp, mỗi
khi họ nói về kỷ niệm một thời đã qua. Cũng may, cái cung cách chỉ huy nghiêm
khắc tại mặt trận và thân ái hòa đồng ở hậu cứ của tôi, không làm thuộc cấp
ghét bỏ hay hận thù.
Vì thế mà hôm ấy, ở một
nơi nghìn trùng xa Sàigòn, vào cái thời buổi không còn gì nhục nhã hơn, thật
khó tin còn có người lễ phép mời mình ngồi uống ly cà phê nấu bằng cơm cháy pha
với đường thẻ, rồi cùng nhau ôn lại những kỷ niệm oanh liệt, vàng son.
Một người vừa sà xuống
chiếu, nhìn tôi gật đầu chào thân thiện. Tôi vội vàng gật đầu chào lại. Người
sĩ quan này da ngăm ngăm. Má anh ta có cái nốt ruồi bằng hạt đậu. Dáng anh ta
quen quen... Tôi ngờ ngợ đã gặp anh ta ở đâu đó? Anh bạn mới, giọng Bắc trầm
trầm, tự giới thiệu,
“Tôi tên là Trần Gia
Toản, 'Toản Thuốc Lào' . Tôi là em ruột của Trần Gia Toàn cùng khóa với anh.
Tôi là bạn thân của Độ. Tôi có rất nhiều bạn Biệt Động Quân. Bạn tôi ai cũng
thương anh và phục anh lắm. Tôi đã nghe tên anh nhiều lần. Nay có dịp gặp anh,
thật là hân hạnh.”
Tôi chợt hiểu, thì ra
anh ta là em ruột của Trần Gia Toàn, bạn cùng khóa 20 Võ-Bị của tôi. Anh em nhà
này giống nhau quá, hèn nào tôi thấy anh ta trông quen quen. Những người tuổi
trẻ thích nói thật, không vòng vo, quanh co. Hiểu nhau rồi thì chúng tôi dễ trở
thành thân.
Từ hôm ấy tôi có thêm
một số bạn. Những người bạn mới lấy mì gói ra, giấy bao mì gói trở thành củi,
cái lon Guigoz trở thành nồi, vỉ cơm cháy trở thành cà phê. Bỗng nhiên, tôi
thành người khách quý của nhóm bạn tù cấp úy trong góc một căn vòm Sáu-Kho hôm
ấy.
Ăn mì xong, chúng tôi
chuyền tay nhau ca cà phê cơm cháy. Uống cà phê mà không kèm theo khói thuốc
thì không đúng “gu”. Anh em mời tôi hút thuốc lào. Khi biết tôi chưa tập hút
được thuốc lào, thì chỉ nháy mắt sau tôi đã có một bao thuốc lá Sàigòn
Giải-Phóng.
Qua trao đổi với họ, tôi
được tin tức của vài sĩ quan cấp úy cùng đơn vị như chú Lý Ngọc Châu, chú Trần
Cao Chánh, chú Nguyễn Ngọc Khoan... Tôi cũng có tin những bạn cũ đã chết vì
vượt trại như Quách Hồng Quang và Lê Hữu Thịnh.
Buổi chiều, chúng tôi bị
lùa xuống các hố B52, nước màu cà phê sữa, để tắm rửa. Lúc lên bờ, đỉa đói còn
bám từng chùm, lủng lẳng trên vế trên đùi, chúng tôi giựt mãi chúng không chịu
nhả ra. Sau khi được phát mỗi người một gói lương khô Trung-Cộng, đoàn tù được
lệnh chuẩn bị đội ngũ chờ xe lửa để lên đường. Nghe đâu, người ta sẽ đưa chúng
tôi lên mạn ngược, vùng biên giới Trung-Hoa, thuộc tỉnh Yên-Bái, Thái-Nguyên,
Tuyên-Quang...
Chuyến xe lửa Hải- Phòng
Yên- Bái khởi hành lúc nửa đêm. Chúng tôi được dồn lên những toa chở súc vật.
Cứ bốn mươi người một toa, khóa trái bên ngoài. Diện tích của toa xe chỉ đủ chỗ
cho chúng tôi ngồi hoặc đứng chứ không thể nằm. Mỗi toa có bốn cái cửa tò vò to
bằng bàn tay xòe nơi bốn góc. Tôi chui vào chiếm một góc và thò mũi ra lỗ cửa
tò vò để thở.
Ngồi kế tôi là Thiếu Tá
Hoàng Đình Mẫn nguyên Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 81 Biệt Động Quân. Thiếu Tá
Mẫn là vị tiểu đoàn trưởng già nhất của liên đoàn tôi. Ông Mẫn với tôi thương
nhau như anh em.
Xe chạy được khoảng một
giờ thì không khí trong toa bắt đầu ngột ngạt. Lúc lên xe, trưởng đoàn vệ binh
có chỉ định anh cựu đại úy tên là Thu làm trưởng toa. Từ đầu hôm, anh Thu chiếm
cái góc có thùng phuy vệ sinh.
Giờ này, thùng cứt đái
bắt đầu bốc mùi. Anh Thu bước tới góc cuối toa, và ra lệnh cho tôi nhường chỗ
cho anh. Tôi chưa kịp phản ứng thì anh Thu đã dện một đạp vào mặt ông già Mẫn
để dành cái cửa sổ. Lúc đó ông Mẫn đang ghé mũi vào cửa tò vò hít khí trời. Ông
Mẫn vừa ôm mặt, vừa chửi rủa.
Anh Thu có dáng dấp của
một võ sĩ. Anh không cao lắm nhưng rất “đô” con. Anh cởi áo và vắt những
dòng mồ hôi vừa nóng vừa nồng trên đầu tôi vì lúc đó tôi ngồi dưới chân anh.
Rồi anh ngồi xuống bên tôi, thò mũi ra lỗ tò vò. Mồ hôi của anh nồng kinh
khủng. Tôi nhè nhẹ đẩy anh ra xa tôi một chút. Anh hậm hẹ,
“Đù mạ! Lộn xộn ăn đòn à
con! Mày nhỏ con, tao cho ngồi cạnh để đỡ choán chỗ. Biết điều thì ngồi êm! Cục
cựa ông bẻ răng à!”
Anh Thu ngồi chồm hổm,
nách anh choàng qua gáy tôi. Mùi hôi nách làm tôi tắc hơi. Tôi lách đầu cho mũi
tôi ghé vào một góc cửa sổ. Tôi hít lấy, hít để, cái không khí thơm mùi đòng
đòng, lúa mới ngoài kia. Chợt anh trưởng toa hẩy mạnh vai, mặt tôi đập vào thành
xe nghe “kịch!” một cái, đau tới hoa cả mắt.
“Ê ...ê...ê...anh này
chơi ác quá vậy?”
Trong lúc quýnh quáng,
tôi quýu lưỡi, nói xàm như một đứa bé.
Chưa xong, hai bàn tay
hộ pháp của tên du côn chẹt cổ tôi, tống tôi vào góc xe,
“Ngồi im! Cục cựa ông bóp
chết!”
Tôi chợt cảm thấy có cái
gì đó ứ nơi cổ. Mặt tôi nóng dần. Tay tôi run run. Tôi hít vào một hơi dài, rồi
thở ra từ từ.
Tôi ra chiều ngồi êm,
nhưng tay tôi mò tìm... mò tìm...Tôi tìm được nó rồi! Cái nĩa U.S bằng inox,
tôi cài nó trong cái túi bên hông balô...
Cú đâm quyết định bị
trệch mục tiêu vì thế ngồi quá chật. Cái nĩa đâm sượt mắt trái của anh võ sĩ,
rạch một vết rách sâu trên trán anh. Tay trái tôi hất mạnh một cái cùi chỏ ngay
cằm anh.
Anh chưa kịp la lên thì
cái nĩa đã nằm dưới yết hầu. Tôi ghì ngược cái nĩa bằng cả hai tay ngay yết hầu
kẻ thù. Nhiều lần đánh lộn thời học sinh, cũng như trong chiến trận sau này,
tôi đã áp dụng thành thạo những đòn cận chiến học từ tuổi lên mười ở Trung-Tâm
Huấn-Luyện Nhảy Dù Chèm Vẽ (1951-1954). Hồi đó nhà tôi ở sát cạnh bãi tập thể
chất của lính Nhảy Dù Liên Hiệp Pháp trước cổng Đông làng Vẽ. Ngày ngày chứng
kiến tân binh học cận chiến, tôi thuộc nằm lòng những thế dao găm đâm ngang,
đâm dọc, đâm ngược, đâm xuôi...
Hơn hai mươi năm sau, trong
một góc toa xe chở súc vật, tôi phải xử dụng cái thế đâm ngược lợi hại này, với
một cái nĩa, để hạ một đồng đội. Tôi chỉ cần nhấn mạnh thêm năm phân, rồi xoay
hai tay theo chiều kim đồng hồ là cái yết hầu của thằng du côn sẽ bị móc ra
khỏi cần cổ nó.
Tôi nghe tiếng,
“Em lạy anh, tha cho
em!”
Tôi lơi tay, nhổ nước
miếng vào mặt anh võ sĩ và nói nhỏ,
“Cút về bên cái cầu tiêu
của mày mà ngồi. Tên tao là Vương Mộng Long, tao đã từng là tiểu đoàn trưởng
Biệt Động Quân. Sau khi xuống ga, mày có thể tìm tao bất cứ lúc nào.”
Ông võ sĩ trưởng toa ôm
trán đầy máu bò về hướng đầu toa, trả lại cái cửa tò vò cho mười anh tù ở cuối
toa thay phiên nhau ló mũi ra để hít chút không khí mà sống.
Tàu đi ngang cầu
Phú-Lương, Hải-Dương, tôi xin anh em cho tôi được ngồi lâu hơn một chút nơi cửa
sổ để ngắm nhìn cây cầu tuổi thơ của tôi. Tôi đã đi qua cây cầu này bằng đôi
chân trần tuổi lên sáu, từ vùng “Tề” chạy giặc trở về thành
phố Hải-Dương đổ nát điêu tàn.
Trong trí nhớ non nớt
của tôi chỉ còn: Cầu Phú-Lương đồng nghĩa với cầu Đen. Cầu dài lắm,
những cái vài khổng lồ sơn đen, lính gác cầu cũng là lính Marốc da đen. Tôi qua
cầu một ngày cuối năm 1948.
Từ ấy tôi không còn thấy
nó. Cho mãi tới đêm nay, tháng 7/1976 tôi mới có dịp qua cầu lần nữa. Hôm nay,
cầu Phú-Lương có vẻ đen hơn ngày xưa, vì tôi qua đó vào lúc nửa đêm, trời tối
đen như mực.
Tôi nhìn cây cầu nơi
chôn nhau cắt rốn từ cái cửa tò vò của một toa xe chở súc vật. Trong toa xe chở
súc vật này là những sinh vật ưu tú của một dân tộc anh hùng. Những sinh vật ưu
tú ấy đang bị chuyển hóa thành súc vật. Những con vật này đang tranh sống.
Chúng đang giết lẫn nhau để sống.
Toa xe lao nhanh. Động
cơ hơi nước phì phà “xình xịch!...xình xịch!...” Bánh sắt rít trên
tà vẹt nghe “ken két!...ken két!” rợn người. Những thanh sắt
vài cầu loang loáng sát thành xe.
Rồi tôi không nhìn được
gì thêm, nước mắt đã rơi, nước mắt bốc thành hơi, đôi mắt cay...
Trời mờ sáng thì tàu đi
ngang Vĩnh-Phúc-Yên, những hố bom B52 còn như rất tươi trên ruộng lúa, dọc hai
bên đường tàu. Những đoạn đường sắt ở đây cũng thấy như mới được đắp vá. Không
khí trong xe ngột ngạt hơn. Chúng tôi thay nhau cái lỗ tò vò với tốc độ mau
hơn, quyền được thở giảm bớt. Người được thở tự đếm, “một, hai, ba,
bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, hết!” rồi ngồi nhích sang một bên,
nhường cho người kế tiếp.
Chúng tôi chia nhau từng
giây không khí để sinh tồn. Đôi người đã khóc, đôi người vẫn cười. Giờ phút ấy
có lẽ không ai còn nhớ đến vinh quang. Nơi góc cuối của một toa xe chở súc vật,
mười sĩ quan QLVNCH chia sẻ nhục nhằn để sống.
Ba góc còn lại của toa
xe không có cái trật tự tự nguyện này. Đã có chuyện không hay. Có ai đó nơi đầu
toa bị ngộp thở. Tiếng người nói xôn xao,
“Làm hô hấp cho anh ấy
đi!”
Có tiếng la to,
“Anh bộ đội ơi! Có người
xỉu! Anh bộ đội ơi!”
Tàu vẫn chạy xình xịch,
xình xịch...tiếng kêu cứu loãng trong không gian, không lời đáp lại.
Xế trưa hôm đó chúng tôi
vào ga Yên-Bái. Đang phiên thở hít của tôi, tôi nghe tiếng người gọi nhau,
“Tù tới! Tù tới!”
Qua cửa sổ, tôi thấy ánh
mắt tóe lửa của vài người dân đang vội vàng cúi lượm những viên đá xanh lót
đường tà vẹt. Thấy không ổn, tôi thụt mũi vào trong toa.
Tôi nói với Thiếu Tá
Trần Ngọc Báu, Trưởng Phòng 2 Tiểu Khu Pleiku là người kế phiên hít thở,
“Đừng ló mặt ra, dân nó
ném đá đó!”
Anh Báu không tin.
Vì tôi ngồi sát cửa với
Báu, tôi nghe rõ tiếng reo,
“Thằng Mỹ mày ơi!”
Rồi anh Báu ôm mặt. Mặt
anh đầy máu! Một cục đá xanh đập vỡ mũi anh. Hình như hai cái răng cửa đã nhảy
ra khỏi miệng anh. Khuôn mặt Tây lai của anh biến thành cái mặt nạ máu me bầy
nhầy.
Cái cửa được bít lại
ngay bởi cái thùng đựng đạn trung liên chứa nước của ông già TĐT/TĐ81/BĐQ. Đoàn
xe lửa bị một trận mưa đá tấn công tới tấp. Cho tới khi vài viên đá lạc vào toa
của vệ binh thì tôi nghe tiếng súng bắn chỉ thiên, tiếng đá chạm thành toa mới
ngưng.
Đoàn xe ra khỏi ga chừng
hai trăm mét thì ngừng bánh. Tù được lệnh xuống xe. Tôi là một trong những
người đạp đất sớm nhứt. Không đội ngũ, đoàn tù bị lùa lên xe Zin chở về nơi nào
đó đã định. Hai bên đường, có những người dân mặc trang phục Dao, Tày, Thái,
Mán, Thổ, Mường... ngơ ngác trông theo.
Tới một ngã ba, cứ một
xe rẽ về trái, thì xe kế tiếp rẽ về phải. Thì ra, đoàn tù được chia làm đôi,
một nửa đi về đông bắc qua hồ Thác-Bà, nửa còn lại qua sông Hồng đi về hướng
tây. Chiếc xe chở tôi đi về hướng đông bắc. Anh bạn cùng khóa, cùng binh chủng,
Ngô Văn Niếu cũng ngồi trên cùng một xe với tôi.
Đoàn 776 không đủ phương
tiện đưa hết đoàn tù đi trong ngày. Chúng tôi được chia ra thành nhiều đợt lên
ca nô vượt hồ. Toán của tôi là toán chót, lên ca nô sau toán đầu hai ngày, hai
đêm.
Hồ Thác-Bà rộng lắm, mỗi
chiều cả chục cây số. Ca nô đưa chúng tôi đi ngược lên đầu nguồn sông Chảy,
lướt chậm trên di tích của một thung lũng cổ. Trong đám đọt cây khô giữa làn
nước trắng, một gác chuông thánh giá đứng lẻ loi, phần dưới của nhà thờ chìm
trong nước. Nắng mai từ đỉnh núi hướng đông chiếu xuống mặt hồ, làm cho những
đợt sóng lăn tăn lấp lánh như dát bạc...
Chúng tôi đến cuối hồ
Thác-Bà, hạ trại nơi không xa một xã người Tày. Xã đó tên là Cẩm-Nhân. Xã thuộc
huyện Yên- Bình, Yên-Bái, tỉnh Hoàng- Liên- Sơn, cách biên giới Việt-Trung gần
50 km.
Bên bờ hồ, nơi một bãi
lau sậy được đặt tên là Trại 3 Liên Trại 4, tôi và anh bạn TĐT/ BĐQ Ngô Văn
Niếu nằm cạnh nhau.
Lán trưởng của tôi lại
là anh đại úy tên Thu đã có lần tôi gặp cách đó hai ngày, trên chuyến xe lửa
Hải-Phòng Yên-Bái. Anh nhìn tôi như kẻ lạ, như chưa từng thấy nhau. Nhìn cái
băng trên trán anh tôi nghĩ anh thật là chóng quên.
Tối đầu tiên ở đây, anh
Nguyễn Tuyên Thùy (K10VB) cho tôi biết một tin buồn: Có ông thiếu tá dược sĩ
tên là Duy vừa uống thuốc tự tử. Dược Sĩ Duy được bó chiếu chôn bên cạnh hồ.
Như vậy, trong Nam, gia đình anh Duy sẽ là những người đầu tiên biết chồng con
họ đang ở đâu.
Anh Nguyễn Tuyên Thùy
đến đây từ tháng trước. Anh còn nói rằng,
“Nghe đâu, có vài ba
người chết ngộp trên chuyến xe lửa từ Vinh ra Yên-Bái hồi tháng trước...”
Anh nói chuyện người
chết, người sống nghe nhẹ như không. Mà thực vậy, lúc này sinh mạng một người
tù thua trận nhẹ như không...
Sáng hôm sau anh Thu tập họp đồng đội trước lán để truyền lại nội quy của trại cho những người mới tới. Anh phân tích rõ tội nào sẽ bị hình phạt gì.
Những tội cải thiện linh tinh sẽ bị cảnh cáo, cúp phần ăn. Tội phát ngôn bừa bãi có thể bị cùm, bỏ đói... Tội vượt trại có thể bị xử bắn...vân vân. Anh cảnh cáo rằng nếu ai đụng vào chai dầu lửa treo ở đầu giường anh thì sẽ biết tay anh.
Tôi đi quanh trại,
la cà trò chuyện cùng vài người quen. Những vị này, thời chiến tranh
Đông-Dương, đã có dịp qua đây, như Trung Tá Nguyễn Hữu Phú cựu tham mưu trưởng
BCH/BĐQ/QLVNCH, Thiếu Tá Hoàng Đình Mẫn Tiểu Đoàn Trưởng TĐ81/BĐQ, Thiếu Tá Bùi
Ngọc Long Tiểu Đoàn Trưởng Địa Phương Quân Tiểu Khu Quảng- Đức, Thiếu Tá Nguyễn
Tuyên Thùy TCCTCT/TTM.
Nhưng những đàn anh lớn tuổi này cứ duỗi ra mỗi khi tôi hỏi họ về địa thế, dân tình quanh khu Thác-Bà.
“Đường xa diệu vợi lắm!
Đừng dại mà trốn trại! Mất mạng đó em ơi!” tôi cứ nghe các anh ấy can ngăn như thế mỗi khi tôi tỏ ý
muốn...đi.
Cuối cùng tôi gặp Đặng
Quốc Trụ, người bạn cùng khóa, anh ta đã từng là tiểu đoàn trưởng của Trung
Đoàn 48/SĐ18 Bộ Binh. Nghe tôi ngỏ ý tìm bạn đồng hành để đi Lào, anh Đặng Quốc
Trụ hưởng ứng ngay...
Chúng tôi chưa biết rõ xã Cẩm-Nhân nằm ở nơi nào trên bản đồ Việt-Nam thì toán trốn trại đầu đã nhổ neo. Bốn đại úy gồm một ông ở Tổng Thống Phủ và ba ông pilots. Đi được ba ngày thì bốn Papillons bị bắt lại. Tòa án giữa đồng được thiết lập. Không có lời buộc tội nào từ phía cai tù, mà chỉ có quân ta kết tội lẫn nhau.
Nghiêm khắc nhất là một cải tạo viên, nguyên là phi công trực thăng, đã đề nghị xử bắn những người đi trốn để anh ta được yên tâm cải tạo (!)
Vài người nữa lên phát
biểu ý kiến xin trại phạt nặng những kẻ vô kỷ luật để làm gương cho những kẻ
khác. Ban chỉ huy trại cũng không ý kiến. Tòa giải tán. Không ai dám hé răng
bàn tán về những gì đã xảy ra. Bốn anh trốn trại bị cùm trên đồi, gần ban chỉ
huy trại.
Hai ngày sau, toán trốn
trại thứ hai ra đi. Toán này gồm có hai người và được coi là có “kí lô”.
Họ là Đại Úy Biệt Kích Trần Trung Ginh và Đại Úy Nhảy Dù Tôn Thất Ủy (Ủy là tùy
viên của Tướng Lưỡng, Tư Lệnh SĐ Dù /QLVNCH).
Sau khi phát giác có
thêm một vụ trốn trại nữa, cán bộ Chính Trị Trại 3 tập họp tất cả chúng tôi
lại, răn đe,
“Các anh sẽ phải trả
giá. Không ai thoát khỏi mạng lưới của nhân dân. Cứ trốn đi! Tôi thách các anh
đấy!”
Giữa đêm đó Vương Mộng
Long và Đặng Quốc Trụ khăn gói lên núi. Cái bật lửa của bác BĐQ già Hoàng Đình
Mẫn nằm trong hành trang của tôi, và chai dầu lửa của anh đội trưởng tên Thu
cũng nằm trong hành trang của tôi.
Vài ngày sau khi tôi và
Trụ vượt trại, Trại 3 Liên Trại 4 bị giải tán, tù nhân được chia cho các trại
5,7,9 kế bên. Một đoàn tù từ bên hướng tây sông Hồng được đưa về đây xây Trại 3
mới.
Cái đêm 08/08/1976 tôi
và Đặng Quốc Trụ trốn trại lần đầu là một đêm mưa, khởi đầu trận bão số 6 khốc
liệt. Trận bão này gây nên mưa gió kéo dài hơn một tuần lễ. Mười ngày sau chúng
tôi bị mất hướng, luẩn quẩn trong rừng tre, rồi bị vây bắt lại.
Tên Việt-Cộng chấp cung
tôi đã thẩm vấn tôi câu đầu,
“Có phải anh Thu cho anh
chai dầu lửa để anh đi trốn hay không?”
Tôi “thành khẩn” khai
báo,
“Thưa cán bộ không ạ!
Tôi ăn trộm nó khi anh đội trưởng còn ngủ.”
Tên cán bộ ngạc nhiên
lẩm bẩm,
“Lạ nhỉ? Vậy là anh Thu
bị phạt oan, nhưng không hiểu tại sao anh ấy không tự biện bạch?”
Từ đêm chui rào khỏi
Trại 3, tôi không có dịp gặp lại anh Thu, không rõ đã có hậu quả gì đến cho anh
sau khi tôi đi.
Tôi và Trụ được đưa về
nhốt ở Trại 4 Liên Trại 4. Tại đây đã có 2 “đồng bọn” đang nằm
cùm, đó là Trần trung Ginh và Tôn Thất Ủy.
Cuối năm ấy tụi tôi được
tha ra khỏi cùm để về đội lao động. Nhiều dân trốn trại đã được qui tụ về đây
trước đó. Trong số ấy có một băng Võ-Bị, gồm Trần Tấn Hòa (Dù K20), Nguyễn Văn
Nghiêm (Dù K20), Trần Đăng Khôi (Dù K16), Hồ Văn Hòa (BĐQ K16), Chu Trí Lệ
(SĐ23 K16), Trần
Anh Đặng Quốc Trụ được
đưa về Đội 10 dưới quyền đội trưởng Lâm Kỳ Sáng (cựu trung tá), tôi về Đội 11
dưới quyền Đặng Kim Bảng (cựu đại úy).
Vừa chui vào lán, tôi đã
nghe giọng Bắc Kỳ quen,
“Mừng đại ca, đại ca
có nhận ra em không?”
Dù lúc đó là buổi chiều
mùa đông, trong lán tranh tối tranh sáng, tôi vẫn nhận ra ngay Toản Thuốc Lào.
“Quên sao được hả chú!
Mới tháng trước đây, chúng mình chia tay nhau ở Sáu-Kho...”
Ngay lúc ấy người đội
trưởng bước vào, anh ta nói tôi sẽ được cử đi gánh gạo tiếp tế chiều nay cùng
với đội ở bên Cẩm-Nhân.
Sau nhiều ngày nằm cùm,
mới đi được hai cây số đường đồi tới chợ Cẩm-Nhân, chân tôi đã muốn rã ra
rồi.
Đến Hợp-Tác Xã
Nông-Nghiệp tôi gặp hai anh bạn cùng khóa là Nguyễn Xuân Hoè và Minh Vồ, mừng
mừng tủi tủi, hai anh này ở trại khác, cũng đi gánh gạo chiều nay.
Bên kia đường, có một
người vừa đưa tay vẫy tôi.
Tôi tìm trong óc xem có
phải anh ta cùng khóa với mình không? Không!
Hóa ra đó là anh Thu!
Thấy anh, tôi nhớ chuyến tàu hôm nào từ Hải-Phòng đi Yên-Bái. Tôi nhớ ra chai
dầu lửa anh cố tình treo trên lối ra vào của lán tù Trại 3. Đêm vượt trại, chỉ
cần dơ tay, tôi đã nẫng được chai dầu một cách nhẹ nhàng.
Tôi định đưa tay vẫy lại
cái vẫy tay của anh Thu, thì đoàn tù gánh gạo ấy đã đi xa rồi.
Hôm đó, tiêu chuẩn chung
của trại, trọng lượng cân đo, đúng 150 kg cho một chuyến hai người.
Toản cao hơn tôi, Toản
đi sau, tôi đi trước.
Chúng tôi phải hò “Dô
ta!” để lấy đà đứng lên. Toản hò “Dô... ta!” rồi,
nhưng Toản không đứng lên. Toản cúi xuống lượm cái gì đó.
Tôi hỏi,
“Sao không đi Toản?”
Toản cười,
“Em có quà cho đại ca.”
Anh ngước mắt lên, vui
sướng đưa cho tôi cục kẹo đường đen,
“Em lượm được cục kẹo,
anh ăn cho hồi sức đã mất trong nhà cùm.”
Tôi cảm động, nhận cục
kẹo đường đen to bằng đầu ngón tay út.
Toản cười,
“Anh có nhớ hôm nay là
Noẽl đó không?”
Tôi cắn cục kẹo làm hai,
đưa cho Toản một nửa,
“Merry Christmas!”
Thấm thoắt đã mấy chục
năm đi qua. Tôi thấy buồn khi nhìn Noẽl trở lại. Tôi thấy buồn khi nhớ ra, bây
giờ tôi không còn sức để gánh chung cùng bạn một gánh gạo nặng 150kg trên đoạn
đường đồi dài 2 km nữa rồi!
Noẽl nào tôi cũng nhớ
tới buổi chiều đi gánh gạo, nhớ cái vẫy tay của anh Thu, nhớ chai dầu lửa, nhớ
cục kẹo đường đen ở Cẩm-Nhân, và nhớ Trần Gia Toản cùng những người bạn tù thuở
ấy...
Vương Mộng Long k20
(Seattle, Noel 2004)
No comments:
Post a Comment