Wednesday, February 20, 2019

Vì sao trung tâm Thúy Nga không thực hiện chương trình nhạc Trần Thiện Thanh?


Vì sao trung tâm Thúy Nga không thực hiện
chương trình nhạc Trần Thiện Thanh?
Bài viết của MC Nguyễn Ngọc Ngạn nói về những kỷ niệm cùng Nhật Trường – Trần Thiện Thanh. Ở đây ông Ngạn sẽ giải thích rõ vì sao Paris By Night thực hiện chương trình riêng cho rất nhiều nhạc sĩ, nhưng lại không có nhạc Trần Thiện Thanh.
Nói đến những sáng tác của Trần Thiện Thanh, người ta thường nghĩ ngay tới hai dòng nhạc: nhạc tình và nhạc lính. Thật ra hai dòng nhạc ấy vẫn là một, bởi cũng giống như Lam Phương hay Anh Bằng, nhạc lính của Trần Thiện Thanh chỉ là nhạc tình trong thời chiến. Anh chia sẻ tâm sự người quân nhân xa nhà, anh cảm thông nỗi niềm người tình hay người vợ đợi chờ ở hậu phương. Thế hệ mai sau sẽ thấy nhạc Trần Thiện Thanh là những trang sử viết gọn, ghi dấu một thời khói lửa trên quê hương Việt Nam.
Tôi gặp Nhật Trường Trần Thiện Thanh lần đầu tiên ở Las Vegas khi anh mới ra hải ngoại. Vì chưa quen, chưa biết tính tình anh thế nào, nên tôi chỉ bắt tay xã giao, chúc mừng anh vừa sang Mỹ định cư. Ngày ấy tôi mới lên sân khấu Thúy Nga được hơn 2 năm, nên vẫn còn là khuôn mặt mới trong làng văn nghệ. Nhưng dĩ nhiên anh vẫn coi tôi ở Sài Gòn vì băng lậu tràn ngập trong nước. Nghe tôi gợi chuyện, Trần Thiện Thanh lắc đầu cười buồn rồi bùi ngùi nói:
– Anh Ngạn ở cải tạo về mà đi được ngay, hên quá!
Tôi hiểu trong lòng anh đang mang nỗi sầu “trâu chậm uống nước đục”! Năm 1975, anh đang ở lứa tuổi ngoài 30. Lúc đó tiếng hát Nhật Trường và dòng nhạc Trần Thiện Thanh đang độ sung mãn như dòng suối tuôn chảy chan hòa thì bất ngờ bị đứt đoạn. Rồi anh đợi đến 20 năm mới có người bảo lãnh ra hải ngoại. Khoảng thời gian hai thập niên ấy là một phí phạm lớn, rất thiệt thòi cho sinh hoạt văn nghệ của anh và của những người yêu nhạc Trần Thiện Thanh. Cho nên giờ này anh ngồi trầm ngâm ưu tư cũng là phải! Trên chuyến xe đón nghệ sĩ từ phi trường vào khách sạn, anh không nói chuyện với ai, khác hẳn những nghệ sĩ chung quanh lúc nào cũng ồn ào vui đùa thoải mái. Đó cũng là liveshow duy nhất tôi đứng cùng anh trên một sân khấu, rồi suốt 20 năm làm văn nghệ, chẳng bao giờ tôi diễn chung với anh một lần nào nữa!
Cuối tháng 4 năm 2009, tôi nhận được lá thư của một khán giả, bà Vũ Vân Nga ở Sugar Land, Texas, có đoạn viết như sau:
“Cả gia đình và bạn bè Nga có một thắc mắc từ lâu lắm mà đợi hoài không thấy nên đành viết thư hỏi sau 25 năm đợi chờ: Lý do gì Thúy Nga không làm chủ đề Trần Thiện Thanh (Nhật Trường)? Thiết nghĩ đây cũng là thắc mắc chung của rất nhiều người Việt Nam, vậy xin trả lời trên show Paris By Night cho vui lòng mọi người.
Cám ơn chú Ngạn…”
(trích thư viết ngày 21 tháng 4 năm 2009)
Tôi không trả lời thắc mắc này trên Paris By Night là vì có một chút tế nhị giữa Trần Thiện Thanh với trung tâm Thúy Nga. Từ khi tôi cộng tác với Paris By Night, Thúy Nga đã thực hiện băng chủ đề giới thiệu sự nghiệp của hầu hết tất cả mọi nhạc sĩ miền Nam, như Phạm Duy, Lam Phương, Ngô Thụy Miên, Văn Phụng, Đức Huy, Nguyễn Hiền, Song Ngọc, Hoàng Thi Thơ, Huỳnh Anh, Cung Tiến, Tuấn Khanh, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Lê Dinh, Trường Sa, Phạm Mạnh Cương, Nhật Ngân, Trần Trịnh, Xuân Tiên, Thanh Sơn, Châu Kỳ, Nguyễn Ánh 9, Quốc Dũng và Tùng Giang. Chỉ có Phạm Đình Chương không may mất sớm khi Thúy Nga chưa bắt đầu loạt video chủ đề này. Và người thứ hai là Hoàng Trọng, Thúy Nga đang chuẩn bị mời thì ông qua đời.
Ông Tô Văn Lai, chủ nhân trung tâm Thúy Nga, thường nói với mọi người:
“Giáo sư Dương Quảng Hàm viết cuốn Việt Nam Văn Học Sử Yếu, để ghi lại đôi nét về sự nghiệp các nhà văn, nhà thơ. Thúy Nga cũng muốn làm điều này với các nhạc sĩ sáng tác, để lưu lại chút tài liệu nhạc sử cho thế hệ mai sau.”
Với chủ trương ấy, Thúy Nga đã lần lượt mời tất cả các nhạc sĩ lên sân khấu Paris By Night, mặc dầu băng chủ đề một nhạc sĩ đôi khi khó bán hơn các chương trình đại nhạc hội tổng hợp.
Mời mọi nhạc sĩ lên sân khấu Paris By Night mà thiếu Trần Thiện Thanh thì phải có lý do!
Cái lý do ấy là hai bên đã gặp nhau khoảng 4 lần, ngay từ những ngày đầu khi Trần Thiện Thanh vừa đặt chân đến Mỹ, nhưng đôi bên không đạt được thỏa thuận vì Trần Thiện Thanh đòi nhiều điều kiện khó khăn quá. Ngoài tiền tác quyền anh tính quá cao so với các nhạc sĩ khác, anh còn muốn can dự cả vào việc chọn bài bản và mời ca sĩ trình diễn.
Sau những lần gặp gỡ bất thành ấy, giao tình giữa Thúy Nga và Trần Thiện Thanh ngày càng xa cách. Nói đúng ra thì không phải riêng với Thúy Nga, mà với bất cứ trung tâm băng nhạc nào, Trần Thiện Thanh cũng chẳng thân thiện bởi bản tính anh vốn lạnh lùng, khiến nghệ sĩ gặp anh đều ngần ngại, ít dám kết thân. Cũng nên nhớ ngày ấy, chỉ có Thúy Nga là trung tâm duy nhất thực hiện băng chủ đề về các nhạc sĩ. Anh không đạt được thỏa thuận với Thúy Nga thì đâu còn trung tâm nào thực hiện cho anh!
Những năm sau này, anh ít đi show, trừ các show Hội Đoàn hay Hội Chợ Tết, mặc dầu tiếng hát Nhật Trường vẫn còn nguyên vẹn như trước năm 1975. Có ba trung tâm băng nhạc hoạt động đều đặn là Asia, Thúy Nga và Hollywood Night thì không may, anh lại cộng tác với Hollywood Night là trung tâm yểu tử đầu tiên! Anh lập trung tâm Nhật Trường, tự thực hiện vài chương trình thu hình chính những ca khúc hay nhất của mình, nhưng kết quả tài chánh thu nhập rất èo uột bởi anh đầu tư kỹ thuật sơ sài quá.
Một lần, tôi sang Cali, đi với ông Tô Văn Lai đến thăm nhạc sĩ Lam Phương sau khi ông bị tai biến mạch máu não phải ngồi xe lăn. Tình cờ tôi gặp Nhật Trường Trần Thiện Thanh và Mỹ Lan cũng vừa từ trong nhà Lam Phương bước ra. Gặp Nhật Trường thì tôi không thấy thoải mái lắm mặc dù tôi rất phục tài anh: viết nhạc hay mà hát cũng hay. Chỉ có điều vì chưa thân nên tôi vẫn giữ một khoảng cách.
Mỹ Lan vốn trước đây ở Montreal, lại gia nhập Thúy Nga cùng thời với tôi, hay gặp nhau bên Paris trong những cuốn băng đầu tiên, nên cũng khá thân. Đã lâu mới gặp lại, tôi niềm nở tiếp chuyện Mỹ Lan và hỏi:
– Lâu rồi Mỹ Lan có về lại Canada không?
Trần Thiện Thanh từ bên kia đường đi nhanh qua, tươi cười bảo tôi:
– Ý đồ gì mà anh cứ rủ vợ tôi về Canada?
Thái độ thân thiện và cởi mở của anh làm tôi rất ngạc nhiên. Anh bắt tay và nhìn tôi, trang nghiêm tiếp:
– Nguyễn Ngọc Ngạn, người gây sóng gió!
Tôi hiểu anh muốn nhắc đến một số bài báo đả kích tôi nên tôi trả lời:
– Sóng gió tìm tôi chứ tôi đâu có bao giờ gây sóng gió!
Rồi tôi từ giã anh và Mỹ Lan để vào gặp nhạc sĩ Lam Phương trong căn nhà mobile home.
Năm sau, tôi lại gặp Nhật Trường ở San Jose nhân dịp đầu Xuân. Anh hát cho đoàn xe hoa diễu hành ban ngày, tôi diễn trong show văn nghệ buổi tối. Tình cờ ở chung khách sạn, tôi xuống lobby lấy ly cà phê lên phòng thì thấy anh ngồi một mình ngoài hành lang và giơ tay ngoắc tôi. Tôi bưng tách cà phê Starbucks lại ngồi với anh. Gặp anh, tôi luôn giữ thái độ dè dặt thì chính anh lại liên tục đùa giỡn, chọc ghẹo tôi, có lẽ vì anh biết tính tôi qua những cuốn Paris By Night bên cạnh Kỳ Duyên. Anh hỏi thăm tôi thời còn đi dạy học ở Sài Gòn bởi anh cũng là nhà giáo trước khi tình nguyện vào quân đội trước tôi.
Lan man qua nhiều mẩu chuyện, tôi vẫn thấy nét buồn trong ánh mắt anh. Anh là người mang bản tính tự tôn, vừa là nhạc sĩ giỏi vừa là ca sĩ hay, anh nghĩ mình phải thành công lớn tại hải ngoại mới đúng, thế mà tiếc rằng con đường văn nghệ không trải thảm đỏ đón anh! Biết vậy, nhưng tôi không đả động gì đến việc mời anh trở lại nói chuyện với Thúy Nga, mà anh vốn là người tự ái nên dù muốn, anh cũng không bao giờ ngỏ lời trước! Người làm nghệ thuật, bất cứ ngành nào, cũng đều muốn tác phẩm của mình được phổ biến càng rộng càng tốt. Nhu cầu ấy lớn hơn cả tiền bạc. Tôi nhớ một lần gặp nhạc sĩ Phạm Duy gần 20 năm về trước, lúc tôi vừa vào Paris By Night. Ngồi ở tiệm ăn, bên cạnh một người bạn trẻ vừa từ Việt Nam qua, nhạc sĩ Phạm Duy hỏi:
– Cậu về bên ấy, có thấy chúng nó hát nhạc của tôi không?
Người bạn trẻ lắc đầu. Tôi thấy Phạm Duy buồn lắm. Sau đó ông rủ tôi về nhà, chỉ cho tôi thấy, ông đang đưa hết tất cả các tác phẩm của ông vào computer để lưu trữ và phổ biến. Tôi vốn mù tịt về lãnh vực này. Ông bảo tôi:
– Trong nước không cho phổ biến nhạc Phạm Duy thì chính Phạm Duy phải tự lo phổ biến lấy!
Chỉ một lời tâm sự ấy, tôi hiểu nỗi khắc khoải của những nhạc sĩ không đưa được tác phẩm của mình đi xa. Paris By Night dù sao cũng là diễn đàn rộng lớn nhất của người Việt từ hải ngoại đến trong nước, anh Trần Thiện Thanh không thể không có lúc nghĩ đến việc góp mặt trên diễn đàn này, giống như bao nhiêu nhạc sĩ khác. Nhưng một chút tự ái đã giữ chân anh lại!
Mãi đến khi anh lâm trọng bệnh, nữ ca sĩ Hoàng Oanh mới gợi ý khuyên anh nên hợp tác với Thúy Nga thực hiện một cuốn Paris By Night về sự nghiệp sáng tác của anh để lưu lại cho đời như các nhạc sĩ khác. Nếu anh đồng ý thì Hoàng Oanh sẽ là nhịp cầu liên lạc với Thúy Nga và Nguyễn Ngọc Ngạn.
Trong cuộc đời mấy chục năm văn nghệ, Hoàng Oanh là người mà Trần Thiện Thanh nể nang nhất, hay nói đúng hơn, đã có một thời anh “thầm yêu trộm nhớ” người nữ ca sĩ trang nghiêm này. Anh đã sáng tác ít nhất hai bản nhạc cho Hoàng Oanh, là: Người Yêu Của Lính và Một Đời Yêu Em.
Trước đề nghị tha thiết của Hoàng Oanh, Nhật Trường xiêu lòng bảo:
– Cám ơn madam. Tôi về bàn lại rồi sẽ phone cho madam.
Cuối tuần đó, Trần Thiện Thanh gọi cho Hoàng Oanh để xúc tiến, vì bệnh anh đột ngột trở nặng. Nhưng Hoàng Oanh bận đi show, không gặp.
Như thế thì rõ ràng Nhật Trường Trần Thiện Thanh và Thúy Nga không có duyên làm việc với nhau. Bao nhiêu năm khỏe mạnh, ở bên cạnh nhau, anh không hợp tác vì tự ái. Đến khi đổi ý thì đã quá muộn!
Anh mất rồi, trung tâm Asia thực hiện cho anh cuốn băng rất thành công. Nhưng tiếc rằng, anh không còn nữa, không có mặt trên băng để khán giả được nghe những lời tâm sự, những xuất xứ, những động cơ sáng tác của từng ca khúc nổi tiếng mà anh đã để lại cho đời.
Ngày trước, chúng ta có nhạc sĩ Lê Thương sở trường về “chuyện ca”, nghĩa là dùng một bài hát để kể một câu chuyện, chẳng hạn “Bà Tư Bán Hàng” hoặc trường ca “Hòn Vọng Phu”. Gần chúng ta hơn, Trần Thiện Thanh cũng có biệt tài về thể loại này: dùng một ca khúc ngắn ngủi mà kể được một câu chuyện minh bạch, không gò bó, không gượng ép, làm sống lại hình ảnh của những người lính trong cuộc chiến, như Tình Thư Của Lính, Người Ở Lại Charlie, Anh Không Chết Đâu Anh, Góa Phụ Ngây Thơ, Chân Trời Tím, Chiều Trên Phá Tam Giang, Lâu Đài Tình Ái, Bảy Ngày Đợi Mong, Tình Đầu Tình Cuối,…
Mãi mãi, người ta sẽ nhớ Trần Thiện Thanh là dòng nhạc tình ghi dấu tích của mùa chinh chiến.
Theo Nguyễn Ngọc Ngạn (thoibao)


1 comment:

  1. Thúy Nga Paris không dám làm show TTT vì nhạc TTT toàn ca tụng người lính VNCH . Sợ đụng chạm tới chính quyền Hanoi, chỉ có thế mà NNN cứ loanh quanh không giám nói

    ReplyDelete