Tuesday, February 19, 2019

Thế nào thì dã man hơn? - Phó Đức Tùng


Thế nào thì dã man hơn? 
Phó Đức Tùng
SOI: Đây là tổng hợp những cmt của kiến trúc sư Phó Đức Tùng trong bài “Lưỡi người và máu lợn”. Soi xin được phép nối lại thành một bài vì thấy những ý kiến này rất nên được đọc lại một cách tổng hợp. Tên bài do Soi đặt.

Với lễ hội chém lợn ở Ném Thượng, trên đời có nhiều thứ dã man hơn mấy cái lễ hội ấy, và tôi cũng không cho rằng cần phải cấm. Nếu làng nào họ có phong tục đó thì cứ kệ họ làm, cho dù tôi nghĩ bây giờ người ta cũng chẳng tin nữa đâu.
Chỉ có điều việc biến những lệ làng đó thành điểm nóng du lịch, quảng bá khắp nơi, dân tình nô nức tới xem lại là chuyện đáng đau lòng cho một dân tộc.
*
Có người so sánh lễ hội chém lợn này với lễ đâm trâu…
Trong lịch sử hiến tế, nguyên lý là người ta hiến cho thần linh những thứ quý giá nhất. nhiều dân tộc hiến tế vua hoặc hoàng gia, thánh nữ, công chúa. có dân tộc hiến tế con trẻ. Kể cả khi họ hiến tế kẻ thù thì cũng gần ngang với hiến tế tính mạng, vì để bắt được kẻ tù binh để hiến tế, người ta phải mạo hiểm tính mạng của chính mình. Một số dân tộc khác ít cực đoan hơn thì hiến tế trâu, dê, lợn, gà nhưng đó cũng là những thứ họ quý hóa nhất. Việc hiến tế do đó luôn đi kèm với đau xót, mất mát, sợ hãi, nhưng họ phải làm như vậy để tỏ lòng thành kính với thần linh. Những người dân Tây Nguyên rất yêu con trâu, họ coi nó như bạn, nhưng họ hy sinh nó để dâng hiến cho thần linh. việc đâm trâu đối với họ còn trên cả mức sợ hãi thông thường.
Tóm lại, bản chất của mọi hiến tế là người ta rất kinh sợ hành động đó, nhưng buộc phải làm vì cho rằng chỉ có như vậy mới mong thánh thần mủi lòng.
Ngày nay, con người không còn sợ thần linh như thời đó nữa, họ cũng không sợ cảnh giết chóc, không quý con vật bị giết. Những lễ hội kiểu đó thực sự chỉ là những trò tiêu khiển thô lỗ của một lũ mọi rợ khát máu.
*
Có người nói, ai “cũng thừa biết con ngỗng bị hành hạ cả đời thế nào để được món gan béo ngậy. Con lợn tế được chăm bẵm nâng niu, khi chết chỉ một đao đứt lìa. Hai hành động ấy hành động nào dã man hơn?”
Con ngỗng nuôi lấy gan là dã man, và tôi cũng thấy ghê cho những ai thích đi tham quan cảnh đó mà sau đó còn hào hứng nhâm nhi món gan ngỗng. Tuy nhiên vẫn có thể coi đó là một sự cần thiết để có được món gan ngỗng như vậy.
Con lợn được chăm bẵm để chém tế không phải dã man lắm, nhưng việc kéo nhau từ xa đến xem cảnh chém giết, bôi máu lấy may là không hề cần thiết, và nếu cảm thấy hào hứng với cảnh đó thì rõ ràng có vấn đề về nhân tính.
Lấy ví dụ khác, ai thì cũng phải chết, vậy cái chết vốn là thứ tất yếu và chẳng có gì đáng nói, nhưng nếu tự mình giết một người, cho dù lỡ tay lại là vấn đề, hoặc là tận mắt nhìn thấy người ta chết trước mặt mình cũng lại là vấn đề. Nói chung, chết chóc máu me vốn là quy luật, nhưng việc lấy đó làm hội, làm trò tiêu khiển giải trí thì rõ ràng là có vấn đề. Hành động đó bề ngoài tất nhiên vô hại, nhưng nó bộc lộ một sự đáng lo ngại về mất cơ sở đạo đức, nhân cách bên trong mỗi con người.
*
Lại có người nói, chê lễ hội chém lợn, nhưng chúng ta vẫn ăn thịt lợn…
Có sự khác nhau rất cơ bản giữa việc nghe tin về một vụ tai nạn và trực tiếp chứng kiến vụ tai nạn đó. Cũng khác nhau cơ bản giữa việc ăn thịt mà không thấy con vật bị giết với việc chứng kiến nó bị giết, rồi khác nhau cơ bản giữa việc giết một con vật để ăn thịt với giết để mua vui. Tại sao lại khác thì ta không thể chứng minh, nhưng đó là một tiên đề được coi là cơ sở của đạo đức và nhân tính. Nếu phủ nhận sự khác nhau mang tính trực giác tiên nghiệm này thì hoàn toàn không có cơ sở cho nhân tính và đạo đức, nhất là ở Á đông (có thể tham khảo F. Julien).
Tôi không tin là một người văn minh thực sự nếu trực tiếp đi xem những lễ hội trên mà không thấy tởm lợm. Tuy nhiên, tôi nghĩ nó cũng không phải quá nguy hiểm, vì thực tế ngoài đời hiện nay còn có vô số thứ kinh tởm hơn, nên có cấm hay không cũng vậy thôi. Xã hội ta đang rơi vào một tình trạng khủng hoảng đạo đức trầm trọng. một mặt thì chúng ta được nghe rao giảng từ bé về duy vật, rằng trên đời không có đức tin, không có thần thánh. Mặt khác, mọi cơ sở tập quán đều liên quan tới tín ngưỡng, nhưng lại không có lý luận thần học đủ mạnh. kết quả là sự mất phương hướng, dẫn tới tình trạng mông muội còn thấp hơn cả những xã hội cổ đại, nguyên thủy.
*
Rồi có người thắc mắc, “cái dân tộc mà thường cắt tiết rồi mới ăn con thịt thì khác thế nào với các dân tộc họ giết một cú chết đứ đừ con vật định ăn thịt?”
Có loại người không ăn thịt chắc chắn là hiền hòa nhất.
Rồi loại người ăn thịt mà cho con vật một cú đứ đừ (có thể sau đó vẫn cắt tiết vì lý do kỹ thuật chế biến) là văn minh, kể cả về kiến thức ẩm thực, vì khi con vật ít bị stress thì thịt sẽ ngon nhất, ít độc hại nhất.
Có người cắt tiết nhưng để con vật đau đớn giãy giụa suốt quá trình đó là loại bình thường, chưa văn minh. họ làm việc cho là cần thiết, không gây thêm vấn đề, nhưng cũng không nỗ lực tìm ra giải pháp tối ưu cho người khác, vật khác và cho chính mình.
Có người cố tình hành hạ con vật, như kiểu đánh dê cho ra hết mồ hôi rồi mới cắt tiết, đánh trâu cho đến chết, hoặc bày ra những trò cắt tiết ghê rợn hơn mức kỹ thuật cần thiết, như chém ngang lưng, là dân mọi rợ, dã man. Xã hội loài người tiến hóa từ thấp tới cao, từ chỗ mông muội đến chỗ văn minh. nhưng những người này cố bám lấy những góc ô trọc nhất, coi đó là phong tục, cổ truyền, không có khả năng hướng thượng.
Có người chẳng liên quan gì nhưng thích đi xem những trò máu me hành hạ trên để mua vui, coi những thứ đó là hội hè, bôi máu lấy may v.v. là loại nguy hiểm, khát máu. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Những người cảm thấy vui thú với những thứ đó một cách vô tri vô giác có thể có linh hồn được làm bởi loại vật liệu ô trọc tới mức họ không còn bị câu hỏi lương tri khuấy động xem có nên hay không mà đơn giản là “enjoy”.
Nếu cả một dân tộc có một đặc điểm chung của loại người nào nói trên thì sẽ có cùng tính chất như vậy.
Cuối cùng theo gương một bạn kể câu chuyện này để thấy cái lắt léo của lập luận con người:
Có người nông dân nuôi mấy con lợn, nhưng vì nghèo quá chẳng có gì cho ăn nên lợn gày còm ốm yếu:
– Hôm đầu tiên có người tới hỏi, tại sao lợn nhà ông gày thế, người nông dân thành thật khai do nhà nghèo, lợn thiếu ăn nên gầy. Khách bèn dọa đưa ông ra tòa, vì khách là hiệp hội bảo vệ súc vật và cho rằng thật vô trách nhiệm nếu đã nghèo lại còn bày trò nuôi gia súc, khiến chúng ăn không đủ no.
– Hôm sau lại có người hỏi, bác nông dân nói cho ăn nhiều lắm mà không hiểu sao vẫn gày, đúng là gày thầy cơm. Khách bèn dọa đưa ông ra tòa và tiêu hủy số lợn, vì lợn ăn nhiều vẫn gày còm chỉ có thể giun sán, dịch bệnh, có thể nguy hiểm. Khách là người của vệ sinh dịch tễ.
– Hôm sau nữa lại có người hỏi, bác nông dân nói toàn cho lợn ăn đinh, uống giấm, cộng thêm tra tấn dã man, để con lợn được rèn giũa, mình đồng da sắt, không một tí mỡ thừa, đây là lợn cực quý hiếm, nuôi dưỡng theo phương pháp bí truyền Tây Tạng, ăn một miếng bổ như ăn thịt Đường Tam Tạng. Thế là bác được tung hô là điển hình văn hóa, nghệ nhân chân truyền, đề nghị mở lễ hội hành lợn và mổ lợn quý bán cho đại gia. Lúc mổ cũng phải dùng biện pháp tùng xẻo để tỏ rõ bản lãnh can trường đã được tôi luyện của con lợn và tăng thêm độ quý của mỗi miếng thịt. Khách là đại diện của bộ Văn hóa.


Ý KIẾN - THẢO LUẬN

12:04 Friday,20.3.2015 Đăng bởi:  Ánh Vân Nguyễn
Đành rằng con người nuôi các con vật để ăn,nhưng đâm nó với sự hả hê chiến thắng thì lại hoàn toàn khác về tính chất. Xưa nay ông cha ta luôn quý trọng con Trâu, được coi là "đầu cơ nghiệp"; là bạn của người nông "trâu ơi ta bảo trâu này..." cơ mà. Sao có thế duy trì một lễ hội phản văn hóa như vậy.Không lẽ lại quay thời đồ đá, man ri mọi rợ ?!!!! 


No comments:

Post a Comment