Bài
học đau điếng của nhân dân trong sự kiện 17-2
19/02/2019
·
Mạnh Kim
Kể cả những cú đấm tàn bạo nhất vào mặt người
biểu tình cũng không đau bằng việc chiếc lư hương ở tượng đài Đức Thánh Trần
(bến Bạch Đằng, quận 1, Sài Gòn) bị dời đi ngay trong dịp tưởng niệm sự kiện
17-2 (Trung Quốc xâm chiếm Bắc Việt Nam). Hành động cực kỳ vô văn hóa, thất
kính với tiền nhân và vô lễ với nhân dân này lại xảy ra ngay trong bối cảnh mà
cụm từ “sòng phẳng với lịch sử” được nhắc đi nhắc lại như một trong những động
thái cần làm để giải oan lịch sử và gỡ được lời nguyền “hèn nhục” trong quan hệ
ngoại giao quái đản giữa Việt Nam với Trung Quốc. Tuy nhiên, nhân dân đã bị mắc
lỡm. Hèn vẫn hèn và nhục vẫn nhục!
Lời nguyền “hèn nhục”
vẫn ám nặng trong kịch bản “tưởng nhớ sự kiện 17-2”. Nội dung lớn nhất của kịch
bản là chỉ đạo báo chí làm mạnh sự kiện tưởng niệm với các “tuyến bài” chủ yếu
vạch trần tội ác Trung Quốc và tính chính nghĩa Việt Nam trong cuộc chiến bảo
vệ tổ quốc. Chẳng có cái gì gọi là báo chí được “cởi trói” ở đây cả. Đừng đánh
giá cao “sự cởi mở” của Ban Tuyên giáo Trung ương. Báo chí không hề được cởi
trói. Họ tiếp tục bị trói khi được yêu cầu thực hiện “nhiệm vụ chính trị tuyên
truyền” với nội dung bài vở được chỉ định từ cách đây vài tháng. Lực lượng
truyền thông đã được xua ra để diễn một vở kịch chính trị tuyên truyền nhằm
phục vụ chính trị đối ngoại. Thậm chí cách thức thể hiện cũng được chỉ định. Cơ
quan truyền thông trung ương VTV chỉ được phép dùng từ “đối phương”, “lính bên
kia biên giới”... chứ không được đề cập trực tiếp đến “Trung Quốc”. “Ban tổ
chức” cũng yêu cầu siết chặt “công tác an ninh”, hay chính xác hơn, là tăng
cường rình rập, theo dõi và ngăn chặn các cuộc thắp hương tưởng niệm của người
dân. Những nhân vật nằm trong danh sách “đối tượng nguy hiểm” lâu nay lại được
lệnh giám sát nhất cử nhất động…
Và không như đợt tưởng
niệm sự kiện Mậu Thân (21-1-2018), khi “một cầu truyền hình cảm xúc kỷ niệm 50
năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 được diễn ra tại ba điểm
cầu…, cùng sự tham gia biểu diễn của hơn 600 nghệ sĩ, diễn viên với 14 tiết mục
nghệ thuật…, với sự tham dự của các bà mẹ, cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử,
lãnh đạo trung ương và thành phố nhiều thời kỳ”…, nơi người ta nghe “những
chứng nhân… kể chuyện một thời lửa đạn”…, đợt tưởng niệm 40 năm cuộc chiến biên
giới Trung-Việt không hề có một chương trình ca nhạc “hào hùng” nào. Đặc biệt,
không có bất kỳ chương trình đi thắp hương nào của các cấp lãnh đạo, từ trung
ương đến địa phương. Nhang khói chỉ được thắp trên mặt báo. Không có phát biểu
nào của Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc,
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ
trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân… Một sự kiện
đau thương trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn lại được ca hát “tự hào” nhưng
với cuộc chiến trước ngoại xâm thì ánh đèn không được rọi đến.
Điều bất ngờ “tuyệt
đối” nhất khiến người dân phẫn nộ tột độ là việc ra lệnh dời lư hương tại tượng
Đức Thánh Trần. Nói về lý do dời lư hương, bí thư quận ủy Q.1 (TP.HCM) Trần Kim
Yến cho biết, việc chuyển dâng hương ở tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo về Đền thờ
Đức thánh Trần Hưng Đạo là chương trình nằm trong kế hoạch chỉnh trang Q.1 sau
Tết. “Một số người cho rằng việc làm này nhạy cảm nhưng tôi nghĩ đó là việc làm
bình thường và được nhiều bà con ủng hộ” - bà Yến nói. Ngay lập tức, phản ứng
dư luận là rất dữ dội. Bà Yến trở thành tấm bia để người dân công kích và thậm
chí phỉ nhổ. Tuy nhiên, vụ này có thể bà Yến không tự quyết. Còn có vai trò Ủy
ban nhân dân TP.HCM, Sở Công an thành phố, Tuyên giáo thành phố và Bí thư thành
phố Nguyễn Thiện Nhân. Cũng không loại trừ khả năng quyết định này đến từ Trung
ương. Với những gì diễn ra, có thể thấy toàn bộ câu chuyện tưởng niệm sự kiện
17-2 đã được xây dựng kịch bản từ trước và các ban ngành địa phương theo đó
thực hiện. Ý đồ kịch bản và chi tiết kịch bản không thuộc quyền địa phương. Nó
chắc chắn không phải là kết quả của một cá nhân. Một viên chức địa phương tép
riêu như Trần Kim Yến càng không.
Nhân dân lại bị tát
một gáo nước lạnh vào mặt. Nhân dân lại bị đấm một cú vào đầu. Đau điếng! Nhân
dân lại được “ăn” một cú lừa. Bài học “đừng nghe những gì cộng sản nói” không
mới. Nhân dân vẫn bị lừa thường xuyên. Có điều đây là lần đầu tiên người ta lừa
cả Đức Thánh Trần. Chính quyền cộng sản ăn cướp của dân thì còn lạ gì nhưng
chính quyền lần này ăn cướp cả bàn thờ và ăn cướp cả lịch sử. Bài học này sẽ
luôn là bài học lớn nhất và là bài học đau nhất mà nhân dân nhận được từ chính
quyền.
No comments:
Post a Comment