Wednesday, October 10, 2018

Facebook video call 'theo sát' chuyển động người dùng


Facebook video call 'theo sát' chuyển động người dùng
Leo KelionTechnology desk editor
·         8 giờ trước
Facebook vừa tung ra sản phẩm mới: Thiết bị video call tại nhà - giữa bê bối xâm phạm dữ liệu thông tin cá nhân.
Thiết bị video call này tự động zoom in người dùng và 'bám theo' họ lúc họ chuyển động, nhằm mang lại trải nghiệm tối tân cho các ứng dụng trên điện thoại thông minh và máy tính bảng hiện có.
Các cuộc gọi này được thực hiện trên Facebook Messenger.
Nhưng người dùng có thể lo ngại về bảo mật sự riêng tư. Ngoài ra, một đối thủ sản xuất thiết bị tương tự cho rằng đây là một khái niệm về công nghệ rất lộn xộn của Facebook.
"Thật không đúng thời điểm tý nào," Jeremy White, biên tập viên tạp chí Wired UK nhận xét.
"Tin tức về các tài khoản bị tấn công đã ầm ỹ một ngày trước cuộc họp giới thiệu sản phẩm [của Facebook].
"Câu hỏi đặt ra là liệu mọi người có bỏ qua những lo ngại về bảo mật chỉ vì thiết bị này thực sự tiện lợi hay không."
Andrew Bosworth, giám đốc điều hành, người chịu trách nhiệm về việc ra mắt sản phẩm, đã thừa nhận vấn đề này.
"Chúng tôi hiểu rằng đưa camera và micro vào nhà bạn là một thứ khiến bạn phải suy nghĩ...,"ông nói với BBC.
"Và chính vì vậy, không phải một tuần trước hay sáu tháng trước, mà từ hai năm trước, chúng tôi đã bắt đầu một kế hoạch 'đặt quyền riêng tư làm ưu tiên" cho sản phẩm này."
Sản phẩm này sẽ được bán ở Mỹ vào tháng 11.
Facebook còn có ý định bán thiết bị này ở những nơi khác nhưng chưa nói rõ là ở đâu.
Thiết bị này hoạt động thế nào?
Cả hai mẫu của thiết bị này được thế kế để sử dụng ở khoảng cách 1,5m - 3m, xa hơn khoảng cách thông thường mà các cuộc video call trên máy tính hoặc điện thoại cho phép trước đây.
Thiết bị này sử dụng camera 12 megapixel, 140 độ để có góc thu khá rộng, cho phép phần mềm có thể zoom in và bám theo chuyển động của người dùng.
Ở chức năng SmartCamera, hệ thống tự động 'đóng khung' lại hình ảnh trong khuôn hình khi có thêm người bước vào phòng lúc cuộc hội thoại video đang diễn ra.
Nhưng nếu gõ vào vị trí gương mặt một người trong cuộc hội thoại, thì người ở đầu kia của cuộc đàm thoại sẽ tự động được đưa vào chức năng Spotlight. Điều này cho phép người sử dụng tập trung vào một đối tượng mà họ lựa chọn trong cuộc đàm thoại video, ví dụ bà tập trung vào cháu trai, mặc dù đang nói chuyện với bố mẹ của cháu.
Chức năng đồ họa cũng được sử dụng. Một số để phục vụ hiệu ứng hài hước - ví dụ đội mũ mặt mèo lên đầu người đang đàm thoại. Nhưng công nghệ này cũng cho phép phụ huynh có thể đọc từ xa một nội dung nếu có hiệu ứng hình ảnh liên quan xuất hiện.
Người dùng cũng có thể nghe các bài hát từ Spotify hoặc Pandora, kể cả trên cổng riêng của họ hoặc từ cổng người nhận cuộc gọi.
Ngoài cuộc gọi giữa hai người, có thể có tới bảy cổng cùng thực hiện cuộc gọi.
Thế còn quyền riêng tư?
Gõ vào phần trên của thiết bị cho phép người dùng tắt microphone và camera. Ngoài ra, một cái 'mũ camera' bằng nhựa được thiết kế gắn trên thiết bị, có thể che camera, đảm bảo không hình ảnh nào được ghi lại khi người dùng chỉ muốn chat voice.
Facebook nói không nghe, ghi âm, xem hay phân tích nội dung cuộc gọi. Và dữ liệu được mã hóa.
Nhưng Facebook lại ghi nhật ký các dữ liệu liên quan, bao gồm ai đã gọi ai, thời lượng cuộc gọi và bất kỳ vấn đề nào liên quan đến chất lượng cuộc gọi.
Và trong khi dữ liệu cuộc gọi được mã hóa để làm cho nó trở nên khó bị hack, phương pháp mã hóa được sử dụng không phải là "giải pháp đầu cuối".
Điều này có nghĩa, theo lý thuyết, Facebook có thể cho phép giới chức khai thác một cuộc gọi nếu được yêu cầu.
"Sẽ tốt hơn nếu nó được mã hóa đầu cuối, và bạn phải tự hỏi tại sao Facebook không làm vậy trong khi WhatsApp - một sản phẩm khác của đế chế Facebook - lại đang làm vậy", ông White của Wired nói.
Facebook tiết lộ rằng đang xem xét có nên đưa WhatsApp thay thế cho Messenger hay không.



No comments:

Post a Comment