Vì sao chống ngập Hà Nội, Sài Gòn không hiệu quả?
Ben NgôBBC Tiếng Việt
·
3 giờ trước
Có ý kiến cho rằng
"chống ngập kiểu này thì không bao giờ hết ngập" trong lúc giới chức
địa phương nói dân Chương Mỹ phải sống chung với ngập lụt 10, 20 năm nữa.
Tính đến hôm 6/8, tình
trạng ngập lụt tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã kéo dài được nửa tháng.
Người dân địa phương
cho hay, nước giếng hiện không thể dùng được, rác thải, gà, heo chết trôi dạt
vào làng gây ô nhiễm.
Báo Nông nghiệp Việt
Nam hôm 6/8 dẫn lời ông Đinh Mạnh Hùng, chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chương
Mỹ: "Chỉ khi nào thực hiện công tác di dân ra toàn bộ khu vực trũng thấp
thì người dân thì mới hết sống chung với lũ. Đấy là chủ trương trong tương lai.
Có khi nào có điều kiện kinh tế phát triển thì chúng ta sẽ thực hiện. Trước mắt
trong thời gian 10, 20 năm, bà con vẫn phải xác định là sống chung với
lũ."
'Không gian dành cho nước'
Trong khi đó, tại TP.
Hồ Chí Minh, nhiều tuyến đường bị ghi nhận ngập nước, cây xanh ngã đổ sau cơn
mưa lớn kèm gió mạnh xảy ra vào tối 5/8.
Trả lời BBC, Tiến sĩ,
kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chủ tịch Công ty Tư vấn Thiết kế Ngô Viết, nói:
"Vấn đề là khi quy hoạch phát triển một thành phố thì người ta phải tính
đến không gian dành cho nước."
"Nghĩa là phải
tính đến hệ thống kênh rạch, hồ điều tiết... đầy đủ. Cái nữa là hệ thống cống
thoát đầy đủ và ở ngay vị trí đang phát triển."
Chuyện chống ngập không chỉ đơn giản là lập nên một trung tâm
chống ngập rồi xin ngân sách mấy chục ngàn tỷ đồng rồi nói là sẽ hiệu quả.kiến
trúc sư Ngô Viết Nam Sơn,
"Tại mỗi khu vực
đều phải có túi chứa nước, chứ không phải vấn đề là ngập do vùng cao hay vùng
thấp."
"Chúng ta cứ
chống ngập kiểu này thì thành phố không bao giờ hết ngập được."
"Chuyện chống
ngập không chỉ đơn giản là lập nên một trung tâm chống ngập rồi xin ngân sách
mấy chục ngàn tỷ đồng rồi nói là sẽ hiệu quả."
"Thật sự ra là
những dự án ba, bốn chục ngàn tỷ đồng đó dù có xây dựng xong thì thành phố vẫn
ngập với cách làm hiện nay."
"Chống ngập không
chỉ đơn giản là làm cống rãnh hay đắp đê, mà cần có sự phối hợp đa ngành."
"Tức là phối hợp
với quy hoạch đô thị, làm công trình chỗ nào mà hạ tầng kém, không kham nổi
việc thoát nước thì trước khi cấp phép xây dựng phải giải quyết hạ tầng
trước."
"Hiện nay thì
thấy người ta không làm như vậy."
"Bên cạnh đó là
cần quy hoạch cốt nền tốt."
"Theo tôi thấy
thành phố chưa hề có quy hoạch cốt nền bài bản mà mang tính đối phó. Cốt nền
giao thông không khớp với cốt nền đô thị. Người dân thì mạnh ai nấy xây, chỗ
này nâng nền, chỗ kia nâng nền."
"Các khu vực ngập
nặng nhất tại các thành phố lớn hiện nay đều là khu vực đang phát triển nóng,
xây rất nhiều nhà cao tầng nhưng không có hệ thống cống tương xứng, cũng như
diện tích cây xanh không tăng mà còn giảm đi."
"Như vậy, những
khu đó không có không gian dành cho nước đã ngập cục bộ rồi. Chuyện này là do
lỗi về quy hoạch," ông Nam Sơn nói với BBC.
Thái Lan chống ngập kiểu nào?
Trong lúc nền đất đang chìm dần với tốc độ hơn 1cm mỗi năm và có
dự báo thủ đô của Thái Lan có thể dưới mực nước biển vào năm 2030, Bangkok xây
dựng Công viên Thế kỷ Đại học Chulalongkorn (CU Park), theo trang Business Insider.
Đây là một không gian
xanh rộng 44.515m2 đủ sức chứa 3.785.411 lít nước mưa nhằm giúp ngăn ngừa ngập.
Công viên nằm trong khuôn viên trường Đại học Chulalongkorn, nơi thực hiện dự
án.
Dự án được xây dựng
trên khu đất trị giá 700 triệu đôla gần trung tâm Bangkok vào năm 2017.
Công viên được thiết
kế công năng giúp giữ lại và chuyển hướng dòng nước để không chảy vào đường
phố.
Một phần của công viên
nằm ở sườn dốc giúp thoát nước vào một bể chứa khổng lồ.
Mái xanh là nhằm đưa
lưu lượng nước mưa qua những khu vườn mưa được trồng những cây bản địa.
Nước sau đó chảy qua
một vùng đất ngập nước nhân tạo và chảy vào một bể nước lớn.
Đất ngập nước hoạt
động như một hệ thống lọc, nơi mà nước có thể được xử lý các chất độc hại.
Trong trường hợp ngập
nghiêm trọng, bể chứa có thể tăng gấp đôi kích cỡ bằng cách mở rộng lên bãi cỏ
chính của công viên.
Các phần khác của công
viên gồm một vườn thảo mộc, những con đường để đi dạo, và một khu vực giải trí.
No comments:
Post a Comment