Tuesday, August 7, 2018

Tác giả 'Chết khi đang còn sống' nói bị đe dọa


Tác giả 'Chết khi đang còn sống' nói bị đe dọa
·         6 giờ trước
"Mẹ xin con đấy, con đừng viết báo ở Kinh Môn. Bọn nó đang thuê người giết con và làm hại gia đình mình đấy. Mẹ nghe thấy và sợ lắm…," là dòng tin nhắn mẹ nhà báo tự do Đỗ Cao Cường gửi cho anh hôm 2/8.
Những lời đe dọa như thế này Cường không lạ lẫm.
"Mẹ tôi nói rằng có một nhóm thanh niên nói từ Kinh Môn đến. Vì chắc tôi vừa đăng phóng sự Kinh Môn gần đây nên họ tưởng tôi lại quay lại làm tiếp phóng sự."
"Họ nói theo kiểu đe dọa, đánh tâm lý. Từ những người họ hàng, những người dân sống xung quanh cũng bị đánh tâm lý."
"Tôi không ở nhà lúc đó nhưng chuyện này xảy ra nhiều lần lắm rồi. Họ từng nói với tôi là 'mày bỏ cái chuyện đó đi, không có ngày tao đánh chết'."
Cách đây 3 tháng, khi công bố phóng sự "Chết khi đang còn sống", Cường đã biết anh chắc chắn sẽ gặp nguy hiểm, một điều anh đã quá quen sau nhiều năm làm phóng sự điều tra.
Từng công tác tại nhiều báo đài trong nước, nhưng anh Cường giờ là một ký giả tự do, dấn thân vào các vụ điều tra cưỡng chế đất đai, các vụ nhà máy gây ô nhiễm môi trường.
Và vụ nhà máy thép Hòa Phát ở Kinh Môn, Hải Dương là một trong những vụ việc anh liều lĩnh thực hiện.
Phóng sự 'Chết khi đang còn sống'
Anh Cường cho biết, 'Chết khi đang còn sống' phản ánh chân thực về ba doanh nghiệp công ty xây dựng Đông Nam Á, công ty chế biến xuất nhập khẩu Đà Nẵng và công ty thép Hòa Phát, vốn có nhà máy xây dựng ở Hải Dương bị nhiều người dân tố cáo là làm ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Phóng sự dài gần 40' hầu hết là các cuộc phỏng vấn với hàng chục người dân địa phương ở nhiều xã trong huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Đan xen hình ảnh ống khói đen thải ra từ các nhà máy là những lời kể của khoảng gần 50 người dân sống lân cận than phiền và cáo buộc về lượng khí thải khói bụi hôi hám, khó thở, và tiếng ồn nhức óc, nứt nhà.
Một phó thôn ở xã mà anh Cường đến phỏng vấn cho biết trong thống kê năm vừa qua, riêng ở thôn ông có khoảng 6-7 người chết vì ung thư, hầu hết lại trong độ tuổi 40-60.
Trẻ nhỏ thường xuyên bị bệnh về hô hấp, người già thì đi bệnh viện thường xuyên.
BBC không có điều kiện để xác thực thông tin trong phóng sự của nhà báo Đỗ Cao Cường, tuy nhiên, truyền thông trong nước nhiều năm qua cũng đã đưa tin về "làng ung thư ở Kinh Môn" và các hậu quả môi trường và sức khỏe từ các nhà máy của ba doanh nghiệp nói trên.
Báo Người Tiêu Dùng hồi 11/4 đưa tin hình ảnh ống khói đen của nhà máy thép Hòa Phát ở Hải Dương.
Cũng theo báo này người dân ở xã Duy Tân, Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn "cho biết nhà máy Hòa Phát xả thải khiến người dân khó thở. Mùi khí thải bay vào trong nhà khiến họ không ngủ nổi. Dù đóng chặt các cửa, họ cũng chẳng mấy khi có được giấc ngủ ngon.
"Chưa kể, mùi khí thải không phải thứ độc hại duy nhất nhà máy thải ra. Ngoài khí thải, còn có mạt sắt. Thứ kim loại nặng này bám cả vào đồ ăn, thức uống hàng ngày của người dân."
Còn theo bài báo Điện tử tỉnh Hải Dương, đăng hôm 25/1, tờ báo nhận được đơn kiến nghị với gần 500 chữ ký của các hộ dân thuộc các xã Phạm Mệnh, An Sinh, Duy Tân và Hiệp Sơn (Kinh Môn) phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do nhà máy của Công ty XNK Đà Nẵng gây ra.
'Đã quen và chấp nhận'
Đỗ Cao Cường nói anh cũng từng nhận được nhiều lời đe dọa, bị tấn công khi làm những phóng sự điều tra khác.
"Nhưng được cái này thì mất cái kia, mình an toàn thì mình không thể làm được gì cho xã hội.
Đỗ Cao Cường nói anh đã "quen rồi và chấp nhận" nhưng nói sẽ phải "cẩn thận hơn để gia đình đỡ bị đe dọa."
"Nhưng tôi chẳng thể dừng bước khi mình đi qua những làng ung thư, và chứng kiến bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu khuôn mặt ốm đau bệnh tật... Mình thấy vô cùng thương xót."
"Nhận thức của nhiều người dân hạn chế, nhiều lúc thờ ơ vô cảm, nhưng mình có nhận thức khách quan thì phải lên tiếng."
"Một xã hội không có phản hồi là một xã hội chết. Có những con người sinh ra rồi chết đi nhưng chưa chắc họ đã sống. Còn có những người họ chết trẻ nhưng với những gì họ làm, con cái của họ có thể ngẩng cao đầu với xã hội."
Đỗ Cao Cường còn được biết đến với nhiều phóng sự độc lập như Xác sống ở Hà Nội, Làng chết ở Hải Phòng, Lời kêu cứu muộn màng….
Chết khi còn đang sống
Tôi xin lỗi vì dù lần đầu nỗ lực làm phim, nhưng do máy đểu, cấu hình yếu, lỗi lên lỗi xuống, xuất hai lần, 8 tiếng mới ra được 2/3 video, tôi xin phép gửi cho bà con.
Tôi xin lỗi vì đã để bà con Hải Dương, và cả Đà Lạt, Cần Thơ, Lạng Sơn, Hà Nội... chờ lâu, thúc giục, dù bà con thừa biết tôi nguy kịch nào có kém.
Tôi xin lỗi, vì phần lớn các phóng viên điều tra khác đều mua được nhà, được xe, còn tôi mang tiếng làm toàn vụ lớn, nhưng lại không biết tống tiền quan chức, doanh nghiệp, lâu lâu mới có người cho vài đồng đổ xăng nên còn không có tiền mua nổi máy cấu hình “khủng” để dựng phim. 
Tôi xin lỗi vì phó chủ tịch huyện Kinh Môn, cho tới người đứng đầu báo Pháp luật có gọi điện khuyên tôi rất chân thành, là nên dừng lại mà tôi không chịu dừng.
Tôi xin lỗi vì đã để một số tổng biên tập, đồng nghiệp, đặc biệt là một số lãnh đạo tờ báo mà tôi tố giác nhìn mình với ánh mắt thù hằn. Một số để tôi làm toàn việc lớn, mạo hiểm nhưng lại rất khó cho tôi một thân phận.
Tôi xin lỗi vì nhiều khi một mình chống lại tất cả. Về khía cạnh nào đó, bản thân đã mất đi tất cả.
Tôi xin lỗi vì tôi đã không còn niềm tin vào các đồng nghiệp của mình.
Các đồng nghiệp có biết không?
Làm báo hiện nay, tôi biết các bạn cũng vô cùng khó khăn, nhưng các bạn không thể trở thành loài động vật ăn tạp, đổi trắng thay đen, ngậm máu phun người như vậy được!
Sự đểu cáng trong ngành này để lại hậu quả khủng khiếp hơn các ngành khác, lớn gấp nhiều lần.
Các bạn có nghĩ tới hàng triệu đứa trẻ khi sinh ra bị dị dạng, ung thư, chết sớm, một phần do các bạn hay không?
Cả xã Hiệp Sơn, theo số liệu tôi nhận được vốn đứng đầu về ung thư trong nhiều năm liền, vậy mà một số bạn chỉ đến, lướt qua, rồi sẵn sàng phủ nhận, đổi trắng thay đen được.
Cho dù các bạn có để vợ con mình sống sung túc nhiều đời, nhưng sự sung túc ấy phải đánh đổi bằng sự thật, và sự thật là các bạn đang làm giàu trên những xác người.
Trên thực tế, có khác gì những sát nhân?
Posted by Nguyễn Cao Cường



No comments:

Post a Comment