Monday, August 6, 2018

Hương Áo Mộng - Chu Sa Lan


Tiểu Sử Chu Sa Lan (1945 - )
Sinh năm 1945 tại Bến Tre.
1963 Tốt nghiệp trường Hồ Ngọc Cẩn Gia Định
1965 Gia nhập QLVNCH năm 1965.
1975 Di tản sang Hoa Kỳ.
Hiện đang cư ngụ tại miền Đông với gia đình.
Viết cho nhiều nhật báo và tạp chí ở Cali với nhiều bút hiệu khác từ năm 1980 cho tới năm 1986.
Bottom of Form

Hương Áo Mộng
Chu Sa Lan
Điện, ông trung sĩ trưởng toán quân lương của đại đội cười cười khi trao lá thư cũ và nhầu nát cho tôi. Cầm lấy phong thư với cọc tiền lương, tôi nói lời cám ơn Điện xong nhét hai thứ đó vào túi áo rồi bước ra ngoài sân. Nắng bên kia con sông hẹp vàng hực. Hàng dừa nước đong đưa trong gió nhẹ. Ngồi xuống gốc cây quen thuộc ngó ra bờ sông, tôi chậm chạp lấy phong thư ra. Nhìn nét chữ như ” rồng bay phượng múa ” của Huyền, tôi mỉm cười. Hình ảnh cô gái Châu Đốc hiện ra lung linh nhạt mờ trong trí nhớ của tôi. Hơn ba năm rồi tôi không gặp mặt cô giáo thi sĩ. Thư từ khi có khi không. Huyền viết thư cho tôi nhiều hơn tôi viết cho nàng. Xé phong thư hơi nhầu nát, tôi lấy ra tờ giấy học trò. Đây là một việc khác thường, bởi vì Huyền thường hay viết thư trên giấy pelure màu xanh. Lá thư ngắn, gọn.
– Anh thương,
Huyền xin lỗi anh vì gấp quá nên chỉ viết vội vài dòng cho anh. Em vừa nhận được thư của anh Thiều nói sẽ về nhà đầu tháng tới tức là ngày 1-4-1971. Ảnh nhờ em nhắn với anh là nếu có thể anh về nhà gặp ảnh. Ảnh mong gặp anh lắm. Anh cũng biết lâu lắm rồi anh chưa trở lại CĐ, cũng như có một người mong được thấy cái ” bản mặt đáng ghét ” của anh… Vậy anh nhớ về nghen…
Gấp phong thư lại tôi ngồi im nghĩ ngợi. Từ ngày đi lính tới nay đã mấy năm tôi không gặp lại Thiều. Huyền, trong một lá thư cách đây khá lâu có nói, không biết vì lý do gì mà Thiều, đang học đại học sư phạm ở Sài Gòn, đã bỏ dở việc học và tình nguyện đi Thủ Đức. Điều khiến cho tôi ngạc nhiên là thằng bạn nhút nhát và hiền lành, sau khi ra trường lại chọn về Biệt Động đóng đâu đó ở cao nguyên. Đây là dịp cho tôi gặp lại Thiều, thằng bạn từ hồi trung học may mắn còn sống sót trong số gần năm chục thằng ở trung học.
Buổi chiều xuống nhanh. Cơm nước xong, trong căn hầm mà cũng là nhà của mình hơn một năm, tôi nằm im mường tượng tới ánh mắt long lanh buồn của Huyền đêm giã từ cách đây ba năm. Hai đứa ngồi với nhau nơi công viên cạnh bờ sông. Đêm thăm thẳm sâu. Gió lành lạnh làm cho Huyền phải rút sát vào tôi như tìm chút hơi ấm. Tôi im lặng nhiều hơn nói. Trái với lệ thường Huyền cũng im lặng ngã đầu vào vai tôi nhìn dòng sông Hậu về đêm. Chút ánh đèn điện lù mù của công viên vừa đủ soi sáng khuôn mặt buồn nhiều hơn vui của nàng. Ba năm không ngắn nhưng chắc cũng không dài để tôi có thể quên người con gái đặc biệt này.
Một tháng trôi qua bình thường cho tới ngày cuối của tháng 3. Từ Long An tôi đón xe đi Châu Đốc. Đường không xa nhưng phải mất cả ngày vì phải qua bắc Mỹ Thuận và bắc Vàm Cống xong còn phải đón xe từ Long Xuyên về Châu Đốc nữa. Dù đường xá xa xôi cách trở tôi cũng phải đi vì muốn gặp lại thằng bạn thân. Tự trong thâm tâm tôi biết, Huyền mới chính là người mà tôi muốn gặp nhất. Tôi muốn biết ba năm qua nàng có thay đổi gì không, nhất là tình cảm đối với tôi. Dù không muốn bị ràng buộc nhưng nếu biết Huyền vẫn còn yêu thương thì điều đó làm cho tôi sung sướng và hãnh diện. Tôi ích kỷ, nhỏ nhoi, hèn mọn ở chỗ đó. Giống như đứa con nít, có món đồ chơi, dù không thích chẳng thà bỏ xó chứ không chịu để cho nó lọt sang tay người khác. Tôi không muốn nàng yêu ai ngoại trừ tôi. Cho dù sau này nàng có lấy chồng thì hình bóng của tôi vẫn ở trong tim nàng. Cũng như tôi, nếu có lập gia đình với bất cứ ai thì hình ảnh của Huyền vẫn được tôi gìn giữ trong ngăn ký ức của mình. Tôi là người sống để hoài niệm quá khứ và hoài niệm quá khứ để mà sống. Đó cũng chính là sự mâu thuẫn trong tôi. Bởi vậy kỹ niệm thật khó mà phai mờ đối với tôi. Ngồi trong lòng chiếc xe đò cũ kỹ, dơ dáy và ồn ào; tôi để ý nghĩ mặc tình rong chơi cho tới khi xe dừng ở bắc Mỹ Thuận. Theo dòng người xuống phà ra tới giữa sông, nhìn mênh mông nước chảy, tôi nhớ mấy câu thơ của Huy Cận: ” sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp… con thuyền xuôi mái nước song song… người về nước lại sầu trăm ngã...”. Nước đẩy tôi về vùng Thất Sơn trong lần gặp nhau ba năm trước, Huyền đứng cạnh gốc cây thốt nốt. Tà áo dài của nàng lộng gió bay về núi Cấm. Nụ cười hạnh phúc. Tôi hỏi ” … thường ngày Huyền có cười như đi với anh không? ”. Nàng trả lời một câu nghe thật bùi ngùi: ” Chỉ cười khi có anh. Lòng em chỉ ấm khi có anh bên cạnh…”. Tôi ước gì chinh chiến chấm dứt để tôi có thể cởi bỏ quân phục, trở về bên nàng sống một đời bình yên và hạnh phúc. Nhưng súng vẫn nổ, người vẫn chết và tôi, mỗi khi bóng tối ụp xuống, lủi thủi trong căn hầm ẩm mốc, sống cô đơn và buồn bã kéo dài đời lính đóng đồn. Xe dừng nơi Bắc Vàm Cống. Sông Hậu miên man trầm lắng, nước đục phù sa và lang thang lục bình trôi. Ta bên này sông Tiền… Em bên kia sông Hậu… Chờ nhau bao lâu nữa… Hai chữ bên này và bên kia cứ lẩn quẩn trong trí tôi cho tới khi chiếc bắc cập cầu. Lại một lần đổi xe. Người cũng như xe đến rồi đi, thay nơi ở, đổi chỗ về. Từ khi sinh ra tới bây giờ, tôi đã bao lần dời nhà, thay chỗ ở. Nhiều lắm không nhớ hết. Những địa danh mà tôi đã đi qua trong đời lính. Cà Mau với Đầm Dơi, Năm Căn, Sông Ông Đốc, Thới Bình, U Minh Hạ, Trèm Trẹm, Cạnh Đền. Bạc Liêu. Sóc Trăng. Chương Thiện. Rạch Giá với Tắc Cậu, Xẻo Rô, Miệt Thứ, U Minh Thượng, Rạch Sỏi. Ngồi trên chiếc xe đò chạy đường Long Xuyên- Châu Đốc, tôi miên man suy nghĩ. Một thằng bạn thân bảo tôi có tật hay suy nghĩ, vì thế mà tôi không thể thành một người lính tốt được. Tuy nhiên lằn ranh của cái tốt và cái xấu mơ hồ, lộn xộn và khó mà đoán định được. Tôi nào muốn trở thành một người lính tốt, một chiến sĩ xuất sắc. Tôi chỉ muốn làm tròn bổn phận của kẻ cầm súng bảo vệ cái gì mình tin tưởng hay nói theo cách mà người ta hay điểm tô cho đẹp là trả nợ núi sông. Xe qua Cái Dầu. Tôi biết còn cách tỉnh lỵ Châu Đốc không xa. Tự dưng tôi hồi hộp và điều đó khiến cho tôi buồn cười. Mấy năm quen nhau, tôi biết Huyền là cô gái dịu dàng và hiền thục. Cho dù bây giờ có thành cô giáo, nàng cũng vẫn là cô giáo-thi sĩ lãng mạn, đa sầu đa cảm và mơ mộng như lúc còn đi học. Nàng đâu có dữ dằn, hăm he tôi này nọ để làm tôi phải lo âu, hồi hộp khi diện kiến nàng. Trong nhiều thư gởi, nàng có nói dù yêu thương tôi tha thiết và mong ước được làm vợ nhưng nàng không muốn ” ép duyên ” mà để tôi hoàn toàn tự do quyết định muốn lấy ai cũng được. Dĩ nhiên nàng cũng nhắc khéo ” lấy em tốt hơn ” vì em yêu anh, hiểu anh, anh em mình tính tình và sở thích hợp với nhau hơn, anh viết văn em làm thơ… Nàng không nghĩ tới chuyện hai người được bạn bè thương mến gọi đùa là ” sĩ ? ” sống chung với nhau hoài đâm ra hết ” sĩ ” mà ” sỉ ” vả nhau nhiều hơn. Đối với tôi, yêu là một chuyện mà lập gia đình lại là chuyện khác. Yêu thương là hành động lãng mạn của tình cảm, trong khi lấy vợ là một hành động thực tế kể cả lấy người mà mình yêu thương. Tôi là lính, nguy hiểm có thể không nhiều như những người lính khác song không có nghĩa tôi không bị chết một cách bất ngờ. Đối với lính, trừ các ông ở Sài Gòn hay lính văn phòng không ít thì nhiều cũng sẽ phải đối diện với kẻ địch. Mà súng đạn thì vô tình lắm. Là cô giáo, Huyền nên lấy chồng cùng nghề có vẻ phù hợp hơn. Chỉ có điều không phù hợp là, nàng bảo không yêu ai ngoại trừ tôi. Đó là một trở ngại. Hiền hậu và nhu mì song Huyền cũng rất bướng, cứng đầu và cương quyết khi bảo vệ điều mà nàng tin tưởng.
Xe dừng tại bến xe. Không biết Thiều có mặt ở nhà chưa nên tôi tạt vào cái quán bên đường, nhìn xế về phía cổng trường Thủ Khoa Nghĩa để chờ tới lúc tan học. Không lâu lắm, bóng cô gái mà tôi phải vượt gần 200 cây số để gặp thấp thoáng trong đám học trò chỉ còn lác đác ở sân trường. Thủ Khoa Nghĩa là một ngôi trường đẹp trong số những ngôi trường của miền lục tỉnh như Thoại Ngọc Hầu Long Xuyên, Đoàn Thị Điểm Cần Thơ, Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho và Phan Thanh Giản Bến Tre. Nó có đẹp hơn những ngôi trường khác không thì tôi không biết, nhưng tôi thích nét ấm cúng, thơ mộng, yên ả và thanh tịnh của trường này. Không nhỏ quá mà cũng không lớn quá để cảm thấy chật chội hay lạc lõng. Trường Hồ Ngọc Cẩn của tôi ở Gia Định lớn hơn song cảnh trí lại không đẹp. Sau này vì đông học trò nên phải xây thêm lớp bằng cách lấn sân trường khiến cho sân chơi mất hết cây cối và chật hẹp. Vào trong đó rồi tôi có cảm tưởng như ở trong một cái hộp có nhiều ngăn.
Phải thành thật mà nói, nhìn thấy ánh thu ba long lanh nước mắt của Huyền khi gặp lại, tôi có thể làm bất cứ điều gì mà nàng yêu cầu ngay cả rời quân ngũ để về sống cạnh nàng. May là nàng không năn nỉ tôi chạy chọt để được đổi về Châu Đốc làm một anh lính văn phòng sáng đi chiều về đúng giờ giấc.
– Anh…
Huyền mừng vui tới độ nghẹn ngào chỉ kêu được một tiếng. Phần tôi cũng chỉ cười hỏi nhỏ.
– Huyền khỏe?
– Dạ cũng khoe khỏe…
Tôi bật cười vì cái giọng hờn mát và ngôn từ của Huyền. Nàng vẫn không thay đổi cung cách nói chuyện với tôi.
– Có nghĩa là không được khỏe hay chỉ khỏe khi thấy anh…?
– Cả hai… Anh về rồi chừng nào anh đi?
Tôi thở dài thầm lặng. Vừa mới thấy mặt nhau mà đã nghĩ tới chuyện lìa xa nhau rồi. Có lẽ cảm nhận được tiếng thở dài của tôi, Huyền lên tiếng bằng giọng nói cố làm ra bình thường song vì vậy mà lại trở nên không bình thường.
– Huyền chỉ hỏi vậy thôi… Anh muốn đi lúc nào cứ tự nhiên…
Tôi nheo mắt nhìn cô gái đang đứng trước mặt mình. Vài đứa học trò đi ngang cúi đầu chào Huyền rồi vừa đi vừa cười vừa rù rì. Chắc chúng nó ngạc nhiên khi thấy cô giáo đứng nói chuyện với một ông lính lạ mặt mà chúng nó đoán là bồ của cô giáo.
– Có nghĩa là Huyền không năn nỉ anh ở lại…
– Hông… hông năn nỉ mà cũng hông níu kéo…
Cười vì cái giọng dấm dẳn của nàng, tôi đùa.
         – … Nhưng có đe dọa và trói buộc…
Huyền ngước nhìn tôi cười. Tôi nhận ra nụ cười thật tươi tắn mà ánh mắt nâu đen lại buồn bã và óng ánh như có chút nước mắt, biểu lộ chút gì mâu thuẫn và tương phản trong lòng nàng.
– Thiều có nhà chưa?
– Dạ có… Ảnh về từ hôm qua…
– Vậy thì mình đi về… Đi xe lôi hả em?
– Dạ…
Tôi ngoắc chiếc xe lôi đang đậu bên kia đường. Hai đứa leo lên. Thay vì ngồi cạnh, tôi lại ngồi đối diện cốt ý ngắm nghía cô giáo để xem có gì thay đổi. Biết tôi đang chiếu tướng nên Huyền có vẻ ngượng ngùng và bối rối.
– Có gì thay đổi đối với Huyền…
Huyền ngước lên với tia nhìn dò hỏi. Tôi cười tiếp.
– Về tình cảm…
Gió từ dòng sông Hậu kéo về bay bay những sợi tóc đen dài của Huyền. Tôi nghe mùi hương thoảng đưa mà tôi thường hay gọi đùa ” hương sông Hậu ” khi hôn lên tóc của nàng.
– Chẳng có gì thay đổi… chỉ có chờ… trông… ngóng… đợi… mong…
– Chờ ai vậy?
Tôi vừa cười vừa hỏi. Huyền háy tôi một cái thật dài.
– Em mà là con trai em đạp cho anh một đạp văng xuống đường liền…
Nói xong Huyền ngước nhìn tôi rồi bật cười hắc hắc. Tôi cũng cười.
         – Con gái cũng đạp được mà…
– Em yếu đuối hổng nở đạp anh văng ra khỏi đời em…
– Chắc tại anh nặng tình với em nên em hổng nở đạp…
Cô giáo lườm tôi một cái và thân hình hơi ngã nghiêng vì chiếc xe quẹo vào con đường nhỏ dẫn về nhà.
– Anh mà nặng tình…? Tình của anh nhẹ hều… Anh là người tình tệ nhất thế gian này…
Ngừng lại giây lát Huyền thở dài nhè nhẹ nói tiếp. Giọng của nàng buồn như than thở.
– Nếu anh là người tình tệ nhất thế gian thì em là cô gái ngu nhất thế gian…
Thấy Huyền có vẻ buồn buồn, tôi bèn lảng sang chuyện khác.
– Thiều ra sao?
– Đen và ốm nhách… xí trai lắm… kể cả anh luôn…
Nói xong Huyền bật cười thánh thót. Tôi cũng cười thừa nhận điều đó. Lần gặp nhau này tôi nhận thấy Huyền ít lộ ra vẻ buồn bã hơn nhưng điều đó không có nghĩa nàng vui hơn. Dường như nàng đã già dặn, đã trưởng thành hơn trong suy tư nên từ đó biết cách giấu kín nỗi buồn của mình không để lộ ra ngoài cho người khác thấy được. Huyền là cô gái đa cảm, lãng mạn, mơ mộng, thích thi ca, sống thuần nội tâm, thiên về tình cảm hơn vật chất vì vậy khó mà hoà đồng với mọi người cùng lứa tuổi hay cùng nghề nghiệp. Lần đầu gặp nhau ở Sài Gòn, tôi với Huyền đã nói chuyện văn chương, thi ca rất nhiều. Tính lãng mạn và mê văn nghệ đã kéo hai đứa gần nhau và cuối cùng ràng buộc hai đứa lại với nhau.
– Anh vẫn còn viết?
Huyền hỏi.
– Chút chút…
Tôi trả lời hai tiếng rồi hỏi lại.
– Em vẫn làm thơ?
Huyền gật đầu. Nàng lây cách nói chuyện của tôi nên thỉnh thoảng bị ba má rầy là con nhỏ này dị hợm hỏi không trả lời mà chỉ gật đầu.
– Anh có đọc thơ em trên Tiểu Thuyết Tuần San…
Tôi ngừng lại giây lát như muốn người đối diện phải chú ý tới lời sắp nói của mình.
– Dường như có sự chuyển hướng trong thơ của em…
Trả lời câu hỏi của tôi bằng cái gật đầu nhìn nhận rồi lát sau Huyền mới thong thả nói tiếp.
– Em lớn rồi… Hết cái thời than mây khóc gió, khóc tình yêu của tuổi học trò rồi… Em muốn, bằng thi ca, tham dự vào cuộc chiến tranh này, đau cái đau của dân tộc, chia xẻ nhọc nhằn và gian khổ với những người bên cạnh mình, với những người lính như anh. Yêu anh và cám ơn sự hi sinh của anh không gì hơn là nhìn thẳng vào cuộc chiến bằng thái độ trung thực của một người đang sống trong chiến tranh. Em không dám nói em là trí thức, nhưng em cũng có chút hiểu biết để nhận thức anh chiến đấu cho ai và cho cái gì…
Tôi nhìn Huyền. Cô gái đang ngồi trước mặt tôi đã lớn với cái nhìn khác lạ và mới mẻ hơn. Xe dừng trước cửa nhà. Nghe tiếng hò lớn của ông anh ruột, Huyền cười đùa.
– Tối nay anh tha hồ ăn với nói… Em thấy anh ba mua bia đợi anh về…
Tôi xuống xe trước. Huyền đỏ mặt cười sung sướng khi thấy tôi làm cử chỉ khác thường là đưa tay ra cho nàng nắm lấy để rồi âu yếm dìu nàng xuống xe.
– Sao bữa nay anh nịnh em dữ vậy?
Trả tiền xe xong tôi thì thầm vào tai nàng.
– Sáng thứ hai anh mới đi… Anh dành cho em một ngày trọn… 24 giờ phép của anh…
Nét mặt của cô giáo rạng rỡ lên. Giọng nói âu yếm và trữ nặng tình của nàng rót vào tai tôi.
– Chủ nhật nghen… Em muốn anh làm mọi em nguyên ngày chủ nhật…
Tôi gật đầu. Cười hắc hắc Huyền ủn vào lưng đẩy tôi đi trước. Thiều bước ra với bộ quân phục rằn ri. Tôi với nó xiết tay nhau thật chặt. Không có lời chào, thăm hỏi gì hết. Nói cũng thừa thời nói làm chi cho mệt. Tôi chào ba má Huyền. Ông bà rất vui mừng vì sự có mặt của tôi trong nhà. Cả hai đã biết mối giao tình giữa tôi với Thiều và Huyền thành ra đối đãi với tôi như con cái. Bữa cơm chiều thật vui vẻ, ấm cúng và thân mật. Tối hôm đó, tôi với Thiều thức tới hơn 1 giờ sáng, uống bia ít mà đối thoại cũng không nhiều lắm. Dường như sự im lặng nói nhiều hơn hoặc giả hai đứa đồng cảm với nhau rồi thì cần gì ngôn từ nữa.
– Chuyện của mày với Huyền ra sao?
Thiều lên tiếng. Có lẽ đó là điều mà nó cần biết và cần nói với tôi nhất.
– Huyền nói với mày cái gì?
Thiều lắc đầu. Thấy nó có vẻ ngập ngừng như khó nói, tôi hỏi.
– Mày nghĩ tao nên lập gia đình với Huyền?
Thiều làm thinh. Thật lâu nó mới cựa mình, với tay đốt thuốc, hít hơi dài, hớp ngụm bia rồi cất giọng rời rạc, không thành câu và thiếu ý nghĩa song nếu gom góp lại tôi hiểu được.
– Mày lãng mạn… nó mơ mộng… mày đa tình… nó đa cảm… lấy nhau khổ nhiều hơn… thì thôi nên xa nhau… dứt khoát sớm càng tốt… càng lâu càng bi lụy nhiều hơn… Muốn nhớ nhau hoài, mày nên để cho tình đẹp cũng như đừng để cho người mà mình yêu thương vỡ mộng về mình. Tao nói như thế nhưng tùy tụi mày… Nếu mày muốn lột son phấn của tình yêu để thấy cái mặt thực thì cứ lấy nhau…
Tôi bật cười vì câu nói cuối của Thiều. Tôi hiểu nó cũng như tôi. Sống trong sự sợ hãi và lo âu là điều không ai muốn. Rất nhiều đêm, nằm trong hầm núp bóng tối vây quanh, lắng nghe tiếng depart của pháo, tôi hồi hộp tự hỏi trái đạn vô tình đó sẽ đi về đâu, rớt xuống nơi nào, có ngay chỗ mình nằm? Lương lính ba cọc ba đồng, chẳng đủ cho mình hút thuốc, ăn nhậu và xài vặt lấy gì nuôi vợ với ba con. Hằng ngày nhìn thấy cảnh mấy bà vợ lính ăn mặc luộm thuộm, sống trong những ngôi nhà tồi tàn, còn con lính thì gầy gò đói ăn đói uống, chẳng được học hành gì hết, tôi không muốn vợ con phải sống cảnh đời nheo nhóc và tăm tối. Điều đó làm cho tôi đắn đo khi có ý định lập gia đình với Huyền hay bất cứ cô gái nào khác…
Nước sông Hậu chảy miên man. Sóng vỗ bờ. Đêm chủ nhật thật yên tịnh. Công viên vắng lặng. Gió man mát thổi bay tà áo dài đen của Huyền. Bên cạnh nàng, tôi đứng im nhìn mặt sông thăm thẳm. Hai đứa chỉ còn có đêm nay thôi. Ngày mai tôi sẽ đi và không biết bao giờ trở lại. Hiểu điều đó nên Huyền cam chịu, không than van và hờn giận gì hết. Tôi đi làm tròn bổn phận của người lính để cho nàng được sống tự do, dù là tự do sống với nỗi buồn của nàng.
– Em thương anh…
Quen biết và vương vấn tình cảm từ hồi còn đi học, lần đầu tiên Huyền mới tỏ bằng lời. Nhìn vào ánh mắt long lanh buồn có những sợi lông mi dài cong cong, tôi mỉm cười.
– Anh biết… cũng như anh biết anh thương em… Nói ra thì có vẻ tiểu thuyết và cải lương nhưng đó chính là sự thực. Cũng tại anh thương em mà anh không muốn em trở thành vợ anh…
Huyền nhìn tôi dò hỏi. Tôi kể cho nàng nghe về cảnh đời tối tăm của người lính, về sự đợi chờ cái chết của tôi hằng đêm, về những suy tư vụn vặt của tôi khi nằm co ro trong căn hầm ẩm thấp nghĩ về những người thân yêu của mình.
– Anh không muốn em trở thành góa phụ cũng như những đứa con của anh lớn lên không có cha. Anh sợ… Em đã biết là anh sống xa cha của anh từ nhỏ…
Huyền nhẹ gật đầu như vẫn còn nhớ những gì tôi kể cho nàng nghe về chuyện gia đình của tôi. Im lìm nhìn xuống mặt nước sáng mờ mờ nhờ ánh đèn điện vàng của công viên, nàng chợt nắm lấy tay tôi rồi xiết chặt lại.
– Em sẽ chờ anh…
– Bao lâu?
– Bao lâu em cũng chờ…
– Em không sợ già…
Huyền lắc đầu rồi mới cười nói một câu.
– Em già mà tình em không già…
Nói xong nàng xoay người đi trước. Đứng nhìn theo tà áo dài đen bay trong gió tôi có cảm tưởng như là cái vẫy tay chào từ biệt. Sáng thứ hai, tôi rời Châu Đốc thật sớm. Thiều vẫn còn ngủ hay cố ý để em gái tiễn tôi ra bến xe. Gió ban mai từ sông Hậu thổi về bay bay tà áo dài màu đen của Huyền. Ngồi trong xe, nhìn nàng đứng im lặng, buồn bã và cô đơn, tôi biết còn lâu hoặc sẽ không bao giờ gặp lại nàng nữa. Dù xa cách và chia lìa, hình ảnh của nàng với tà áo dài màu đen đã theo tôi suốt cuộc đời.
 chu sa lan



No comments:

Post a Comment