Thursday, August 16, 2018

Liệu Việt Nam có rơi vào vết xe đổ của Thổ Nhĩ Kỳ?


Liệu Việt Nam có rơi vào vết xe đổ của Thổ Nhĩ Kỳ?
16/08/2018
Việt Nam cũng đang đứng trước áp lực đồng nội tệ mất giá trước đồng đô la Mỹ giống như tình trạng của Thổ Nhĩ Kỳ vốn đang trải qua cuộc khủng hoảng tiền tệ lớn nhất trong nhiều năm qua, và mức độ tổn thương của Việt Nam bây giờ cao hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á hồi năm 1997, một chuyên gia kinh tế từ Mỹ nhận định.
Kể từ tháng Giêng năm nay, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất giá 40% trong khi thị trường chứng khoán đã mất đi phân nửa giá trị khiến quốc gia này chìm sâu trong khủng hoảng.
Đồng thời, trong những ngày qua, đồng rúp của Nga, đồng rupee của Ấn Độ và đồng rand của Nam Phi cũng đột ngột giảm sâu. Điều này dẫn đến quan ngại về phản ứng dây chuyền ở các nước đang phát triển và mới nổi giống như những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng năm 1997 vốn bắt nguồn từ việc đồng baht Thái Lan sụp đổ rồi sau đó lan rộng ra khắp châu Á.
Theo phân tích của CNN, một nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ là việc Cục Dự trữ Liên bang của Mỹ vừa mới tăng lãi suất sau nhiều năm giữ lãi suất đồng đô la ở mức thấp để thúc đẩy kinh tế Mỹ phục hồi và tăng trưởng cũng như để kiềm chế lạm phát đang manh nha.
Mỹ tăng lãi suất đã khiến đồng đô la Mỹ mạnh hơn, dẫn đến các nhà đầu tư tháo chạy ra các thị trường nhiều rủi ro để chuyển sang đầu tư vào Mỹ cho an toàn hơn, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ là một nạn nhân.
Hơn nữa, đồng đô la tăng giá phi mã so với đồng lira đã khiến gánh nặng nợ nước ngoài chủ yếu vay bằng đồng đô la Mỹ trở nên hết sức nặng nề đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Một số nhà phân tích cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng trước mắt do tỷ lệ vay nợ cao, đồng nội tệ sụp đổ và lạm phát không tránh khỏi.
Trao đổi với VOA, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa từ California so sánh trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ với Việt Nam và nhận định rằng Việt Nam cũng trong tình trạng ‘dễ tổn thương’ như quốc gia Trung Đông này.
Trước hết, ông chỉ ra cuộc khủng hoảng hiện nay không chỉ xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ mà còn ở một số quốc gia đang phát triển khác.
“Có đến sáu nước trên thế giới cũng đang gặp hoàn cảnh như vậy,” ông Nghĩa cho biết. “Trong suốt hai tuần vừa rồi, đồng bạc của các nước đó đều sập hết.”
Ông Nghĩa nhận định rằng ‘tất cả những nền kinh tế mới nổi và phát triển đều sẽ bị tổn thất’ do những nước này đều đi vay nhiều và vay bằng đô la trong khi dự trữ ngoại tệ trong nước quá mỏng không đủ sức chống đỡ mà Indonesia và Chile là những ví dụ.
Ông chỉ ra một hiện tượng ở các nước đang phát triển là từ năm 2008, tức sau cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, một số nhà đầu tư thấy lãi suất đô la Mỹ rẻ nên đã đi vay tiền bên Mỹ với lãi suất chỉ vào khoảng 2-3% rồi lấy số tiền đó đầu tư ngược lại vào nước mình để hưởng chênh lệch lãi suất cao hơn (đến 18% như ở Việt Nam trong cùng thời điểm”).
“Đến khi đồng đô la lên giá mà kinh tế sa sút thì nhiều người chết,” ông phân tích. “Chúng ta thấy thị trường chứng khoán Trung Quốc, Việt Nam vừa rồi bị rớt giá chính là do nỗi hốt hoảng này.”
Hơn nữa, kinh tế Việt Nam hiện nay quá dựa vào xuất khẩu mà trong bối cảnh có chiến tranh mậu dịch giữa Mỹ với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam sẽ khó xuất cảng vào Mỹ hơn trước. Sản lượng xuất khẩu sụt giảm ảnh hưởng đến tiền thuế mà Chính phủ Việt Nam thu được để trang trải nợ nần.
“Thời năm 1997, Việt Nam vẫn còn chưa hội nhập với thế giới thành ra chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp chứ không trực tiếp,” ông Nghĩa phân tích. “Lần này Việt Nam đã mở cửa ra thế giới bên ngoài ra (Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007) nên dễ bị các thị trường trên thế giới dao động.”
Ông Nghĩa cũng có nhìn nhận về mức độ tổn thương của Việt Nam khi cho rằng tiền đồng Việt Nam ‘sẽ không giảm giá đến mức như đồng lira’.
Hiện nay, đồng nội tệ Việt Nam cũng đang giảm giá so với đô la Mỹ, nhưng ông Nghĩa cho rằng đừng nên nhìn vào tỷ giá chính thức ở các ngân hàng Việt Nam mà ‘phải xem tỷ giá thật sự ngoài thị trường chơ đen như thế nào’.
Nhưng về các khoản nợ nước ngoài của Việt Nam bằng đô la Mỹ, ông Nghĩa nói ông không hình dung được gánh nặng nợ nần của Việt Nam như thế nào vì ông không tin vào thống kê chính thức của Việt Nam trong đó có tỷ lệ nợ xấu mất khả năng thanh toán.
Mặt khác, theo ông Nghĩa, dự trữ ngoại tệ Việt Nam hiện ‘quá mỏng’ để có thể chống đỡ lâu dài nếu khủng hoảng xảy ra. Hơn nữa, so với các nước khác, Việt Nam không có nhiều tài nguyên như họ để có thể chịu đựng được một thời gian, ông Nghĩa phân tích.
“Việt Nam có thể chịu hai rủi ro cùng một lúc: rủi ro về tín dụng và rủi ro về hối đoái,” ông giải thích. “Về tín dụng, doanh nghiệp Việt Nam khó mà thanh toán các khoản vay đúng hạn cũng như khó tìm các khoản vay khác. Về hối đoái, đồng đô la sẽ còn lên giá nữa.”
Ông Nghĩa nói một nền kinh tế như Indonesia vốn lớn hơn Việt Nam mà cũng bị chấn động thì “Việt Nam cũng sẽ bị chấn động”.


No comments:

Post a Comment