Sunday, August 12, 2018

Hội chứng mệt mỏi mãn tính (CFS) - BS Hồ Văn Hiền


Hội chứng mệt mỏi mãn tính (CFS)
09/08/2018

 “Thưa Bác sĩ,
Tôi là nam, 64 tuổi, cân nặng 52 kg, cao 1.65m. Tôi mệt suốt ngày, hay bị cảm cúm, uống thuốc cảm thì đỡ, mũi luôn có mũi nước, sau đó đặc lại, gắng sức mệt.

Từ 5 năm về trước liên tục cho đến hôm nay, 10 ngón tay và 10 ngón chân của tôi luôn nhức và rất mỏi các khớp suốt ngày (trừ khi ngủ) mỏi một cách đối xứng, mỏi quá nên chưa đầy 1 phút là tôi phải bẻ cho đỡ nhức (mặc dầu biết rằng không nên bẻ). Các ngón tay và ngón chân không sưng, không đỏ, sáng ngủ dậy không cứng và thấy dễ chịu nhất trong ngày, nhưng chỉ vài phút sau thì nhức mỏi như cũ. Hai bắp chân, chỉ phần thịt cũng luôn nhức. Tôi không uống rượu bia và hút thuốc. Tối không ngủ được vì nhức nhiều hơn và co giật chân (chỉ chân trái là co giật). Hàng đêm, tôi phải uống 1 viên Gabapentin mới ngủ được! (5 năm trước, tôi khám tại bệnh viện Đại học Y Dược Sài Gòn được chẩn đoán là Dị Cảm Chi, cho uống thuốc 1 tháng gồm các loại sau nhưng không bớt bệnh đó là : B12 500mg-3B – thuốc giãn cơ và Gabapentin). Tôi xét nghiệm máu thì không thiếu calci, không bị tiểu đường, không cholesterol- Không bị Thấp khớp. Đã điện cơ đồ thì không có dấu hiệu thần kinh ngoại biên. Không bị loãng xương.

Cứ mỗi lần đau nhức quá các ngón tay chân và bắp thịt thì tôi mua 1 ống calcibronat gồm 20 viên, tôi uống 10 ngày, mỗi ngày 2 viên thì thấy có đỡ trong những ngày có uống thuốc, sau đó, không uống thuốc thì đau nhức như cũ!

Tôi không biết đi khám ở đâu tại VN để chẩn đoán đúng bệnh. Nếu khám ở các bệnh viện lớn nổi tiếng thì không có đủ tiền. Xin Bác sĩ có thể gợi ý cho tôi biết và chẩn đoán là tôi bị bệnh gì?
Xin cám ơn Bác sĩ.”
Bác sĩ Hồ Văn Hiền:
Đây là một trường hợp khó trả lời trong khuôn khổ của một câu chuyện y học ngắn ngủi này. Tuy nhiên chúng ta có thể đưa ra một số nhận xét như sau:
1) Vị thính giả mệt nhiều, suốt ngày và đã 5 năm nay. Tuy nhiên các bác sĩ khác nhau đã không tìm thấy gì đáng kể, trừ chứng "dị cảm chi", là một cách mô tả tay chân bị cảm giác kiến bò, hay kim châm; các thử nghiệm khác chuyên môn như cơ điện đồ, thử máu đều bình thường.
Đành rằng trong y khoa chuyện gì cũng có thể xảy ra, và có những bịnh hiếm có phải bao nhiêu người chuyên môn trong bao nhiêu ngành tìm kiếm mới giải quyết được. Tuy nhiên, nguồn tài lực bịnh nhân thì có hạn, và thường bác sĩ cũng như bịnh nhân cũng như bác sĩ sẽ thấy nếu tìm kiếm các bịnh hiếm mà không ra, mà bịnh nhân không bị mối nguy cơ nào đe dọa đáng kể, thì chúng ta phải chấp nhận những giải pháp bình thường trước đã.
2) Người bịnh mệt mỏi mãn tính làm bác sĩ nghĩ đến những bịnh nội tiết suy như tuyến giáp trạng (thyroid gland), tuyến thượng thận (adrenal gland), cơ năng gan (liver function). Có thể các bác sĩ đã thử những test căn bản này. Một số test nếu bình thường cho biết rằng không có tình trạng gây viêm mãn tính như : sedimentation rate (SR, độ lắng hồng cầu máu), CRP ( C Reactive protein).
3) Nếu thật sự mọi tìm kiếm như trên đều có kết quả bình thường, có lẽ đến một bịnh viện lớn không phải là điều ưu tiên, trái lại gây nhiều chuyện cho mình lo và tốn kém hơn nữa.Trong y khoa, có "hiệu ứng thác nước" (cascade effect).
Trong sinh học, thuật ngữ "cascade effect" đề cập đến "một quá trình mà, một khi được khởi đầu, tiến hành từng bước đến một kết cuộc đầy đủ, dường như không thể tránh khỏi" (Mold&Stein). Trong y học, một "hiệu ứng thác nước" chỉ một chuỗi các sự kiện được khởi xướng bởi một thử nghiệm không cần thiết, một kết quả bất ngờ, do lo lắng của bệnh nhân hoặc của bác sĩ, kết quả là các xét nghiệm hoặc phương pháp điều trị không thích hợp có thể gây hại cho bệnh nhân.
Cho nên chúng ta cần rất cẩn thận với các ngành chuyên khoa và các phương tiện chẩn đoán mới mẻ. Cần sự hướng dẫn của một bác sĩ gia đình như ban nhạc cần sự điều khiển của một nhạc trưởng.
Sau đây chúng ta sẽ bàn về Hội chứng mệt mỏi mãn tính, là một đề tài còn gây nhiều tranh luận, nhất là về biện pháp trị liệu.
Hội chứng mệt mỏi mãn tính (CFS)
Hội chứng mệt mỏi mãn tính (CFS, chronic fatigue syndrome; systemic exertion intolerance disease (SEID)) nếu hội được ít nhất 4 trong các triệu chứng sau (cũng trên 6 tháng):
1. trí nhớ, khả năng tập trung giảm
2. đau họng (sore throat)
3. hạch đau ở nách và cổ (tender lymph nodes)
4. đau cơ bắp
5. đau nhiều khớp xương
6. nhức đầu mới xuất hiện
7. ngủ dậy không thấy khỏe khoắn (unrefreshing sleep)
8. vận động, thể dục xong lại càng thấy khó chịu thêm (post exercise malaise)
Nếu không có những triệu chứng kèm theo, người ta xếp vào loại “chứng mệt mỏi mãn tính vô căn” (idiopathic chronic fatigue), nghĩa là không biết lý do.
Nguyên nhân gây ra CFS chưa được hiểu rõ lắm. Trước đây người ta cho rằng bịnh do trước đó bịnh nhân bị nhiễm một siêu vi như Epstein Barr virus, và sự điều hòa hệ miễn nhiễm bị rối loạn (immune dysregulation mechanism).
Các nhà tâm lý học thì nhận thấy rằng bịnh nhân trong quá khứ (thời thơ ấu) thường có những biến cố làm tổn thương tâm lý (childhood trauma) hoặc những bịnh tâm lý (psychopathology) làm não bộ người bịnh trong trạng thái nhạy cảm một cách bất bình thường với các yếu tố gây stress (stressors).
Về sinh học, người ta cũng nhận thấy cơ thể của bịnh nhân có thể đối phó với các stress một cách bất bình thường. Ví dụ, lúc bị stress, hypothalamus trong não bộ kích thích tuyến yên (bằng hạt đậu dưới não bộ, pituitary gland), tuyến yên kích thích tuyến thượng thận (trong bụng, trên hai trái thận) để tiết ra chất cortisol, vì một cơ chế, có thể mức hoạt động cortisol thấp hơn ở người bịnh CFS (hypocortisolism). Tuy nhiên, trong khảo cứu thực tế người ta dùng corticoid để trị CFS nhưng không có kết quả rõ rệt.
Chữa trị:
Bịnh CFS khó chữa dứt và cần nhiều bác sĩ, chuyên viên can thiệp: bs gia đình để giải quyết những vấn đề như trị đau nhức, điều hoà áp huyết, giải thích các triệu chứng cho bịnh nhân hiểu, ít nhất thì người bịnh biết mình không bị một bịnh gì ghê gớm đe dọa mạng sống, khuyến khích người bịnh tiếp tục các hoạt động nghề nghiệp, thường ngày.
Không nên nghĩ rằng CFS sẽ dai dẳng suốt đời; một cuộc sống ít căng thẳng, ít stress thường đi đôi với kết quả phục hồi tốt hơn. Cũng như một biến cố stress nào đ1o có thể gắn liền với thời gian trước khi bịnh khởi phát.
Bác sĩ cần lắng nghe để động viên tinh thần, không khoát tay cho rằng bịnh nhân tưởng tượng ra bịnh, làm bịnh nhân chán nản.
Có thể cần bác sĩ tâm thần để trị những bịnh đi kèm như trầm cảm (depression) nếu có.
Cognitive behavioral therapy — CBT: Chuyên viên tâm lý dùng tâm lý trị liệu pháp (psychotherapy, nếu người bịnh thấy hứng thú) để thay đổi nhãn quan (perceptions), hành vi (behavior) của người bịnh. Ví dụ cách nhận thức về cuộc sống, về các khó khăn cuộc sống có thể không đúng với thực tế và làm cho người bịnh thấy mình bị nhiều cái “khổ”, nhiều “khuyết điểm” hơn là mình có thật sự, và do đó với khuynh hướng cầu toàn (perfectionist) cố gắng quá sức mình để “đạt tiêu chuẩn” do chính mình đặt ra, lại càng làm đuối sức mệt mỏi thêm.
Coenzyme Q10 (CoQ10) là một chất bổ sung chống oxy hóa (antioxidant supplement) phổ biến với các tác dụng bảo vệ tim mạch và lợi ích chống ung thư tiềm ẩn (300mg/day). Các Coenzyme C10 có khả năng chống oxy- hoá.
Trong quá trình chuyển hoá, các gốc hữu cơ tự do (free radical, có số điện tử lẻ) được phóng thích và làm hư hại tế bào, các chất chống oxy-hoá tác dụng ngược lại và che chở cho tế bào. Có một số khảo cứu cho thấy Coenzyme C10 cọng với nicotinamide adenine dinucleotide (NADH) giúp cải thiện CFS. NADH có bán trên thị trường như là chất phụ trợ dinh dưỡng (tên NADH, Nicotinamide, etc).
Một số tác giả cho rằng bịnh CFS có thể gây ra do nhiễm một vi khuẩn tên Chlamydia pneumoniae, một loại vi khuẩn gây bịnh sưng phổi có ít triệu chứng và làm ho kéo dài, nhưng sau đó đặc biệt sống và sinh sản trong tế bào người bịnh suốt đời, tổn hại các mitochondria, làm giảm nguồn năng lượng ATP, gây ra triệu chứng mệt mỏi và đau nhức mãn tính. Thử máu đo kháng thể chống C. pneumoniae có thể dương tính, và có thể tăng lúc bịnh nhân có nhiều triệu chứng. Tuy nhiên vì màng tế bào của Chlamydia không bình thường, cơ thể có thể không sản xuất kháng thể ở mức đo được, mặc dù Chlamydia hiện diện trong tế bào người bịnh. (Một species khác của Chlamydia, C. trachomatis, gây ra bịnh nhiễm trùng đường sinh dục, là nguyên nhân phổ biến nhất trong các bịnh "phong tình"). Theo thuyết này, bác sĩ sẽ dùng kháng sinh như doxycycline trong nhiều tuần lễ, kèm theo azithromycin, nếu triệu chứng giảm thì có thể là chỉ dấu của nguyên nhân bịnh.(Tovey, 1)
Một chứng khác có thể liên hệ đến bịnh này là bịnh fibromyalgia (“đau mô xơ” và cơ bắp; fibro=xơ, myo= cơ, bắp thịt; algia= đau), thường đàn bà dưới 50 tuổi, cũng có những triệu chứng tương tự: mệt mỏi, đau bắp cơ, đau khớp, tê tay chân, thử nghiệm, chẩn đoán hình ảnh không thấy gì bất bình thường. HC CFS và fibromyalgia khó phân biệt. Hai loại bịnh nhân này cũng đi khám bịnh nhiều và vì bs không tìm ra test gì bất bình thường, bác sĩ cũng như bịnh nhân thấy chán nản, bực bội.
Xin nhắc lại, các nhận xét và tin tức trên đầy hoàn toàn có tính cách thông tin. Cần bác sĩ thăm khám, theo dõi và điều trị nếu cần.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 6 tháng 8, 2018
1.     Chronic fatigue syndrome or myalgic encephalomyelitis
BMJ 2007; 335 doi: https://doi.org/10.1136/bmj.39316.472361.80 (Published 30 August 2007)
Cite this as: BMJ 2007;335:411
(2) John K. S. Chia and Laura Y. Chia
Torrance Memorial Medical Center, Torrance, California
Chronic Chlamydia pneumoniae Infection: A Treatable
Cause of Chronic Fatigue Syndrome
(3)Effect of coenzyme Q10 plus nicotinamide adenine dinucleotide supplementation on maximum heart rate after exercise testing in chronic fatigue syndrome – A randomized, controlled, double-blind trial
https://doi.org/10.1016/j.clnu.2015.07.010
(4) Leonard A. Jason Natural History of Chronic Fatigue Syndrome
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3171164/


No comments:

Post a Comment