Sơ kết về Con Đường Tơ Lụa
Nguyễn Xuân Nghĩa
2018-06-26
2018-06-26
Sau Đại hội 18 của
đảng Cộng sản Trung Hoa vào cuối năm 2012, Tổng bí thư Tập Cận Bình lần đầu
tiên nói tới sáng kiến là xây dựng lại con đường tơ lụa hay Nhất Đới Nhất Lộ
vào năm 2013. Năm năm sau, Diễn đàn Kinh tế sẽ tạm sơ kết về tiến độ của kế
hoạch quy mô này.
Sơ kết tiến độ
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng
Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, năm
năm trước, Tổng bí thư Tập Cận Bình của đảng Cộng sản Trung Hoa đã lần đầu tiên
nói tới sáng kiến là xây dựng một Con Đường Tơ Lụa Mới. Sau đó, Bắc Kinh đưa
thêm nhiều chi tiết và cải danh ra “Nhất Đới Nhất Lộ” gọi theo Anh ngữ là “One
Belt One Road” hay OBOR, rồi mới có tên chính thức từ năm 2016 là “Sáng Kiến
Đới Lộ” hay “Belt and Road Initiative” gọi tắt là BRI. Theo dõi nỗ lực lớn lao
này của Trung Quốc, liệu ông có thể làm một sơ kết về tiến độ thực hiện hay
không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nói về sáng kiến “Nhất Đới Nhất Lộ” do
Tập Cận Bình đề ra gần năm năm trước, chúng ta nên nhớ tới hai phần là sáu “tẩu
lang” hay hành lang trên đất liền, gọi là Nhất Đái hay Nhất Đới, và các đường
hải vận ngoài biển gọi là Nhất Lộ. Kế hoạch đó có hai mục tiêu là kinh tế và an
ninh. Từ đời Hán rồi, con đường giao thương ấy nhắm vào mục tiêu an ninh là
phòng thủ Trung Nguyên rồi bành trướng ảnh hưởng qua Tây Vực để lập ra vùng
trái độn quân sự. Nhiều đời sau, từ nhà Đường cho tới Mao trong thế kỷ 20, hai
mục tiêu đó vẫn như vậy. Họ Mao thôn tính Tân Cương và bành trướng qua hướng
Tây cũng để bảo vệ nội địa Trung Hoa. Ngày nay, khi hoàn cảnh Trung Quốc có
thay đổi vì lệ thuộc nhiều hơn vào việc buôn bán với bên ngoài, Tập Cận Bình
hâm nóng khái niệm xưa và nhấn mạnh tới mục tiêu kinh tế nhưng bên trong thì
vẫn chú trọng tới an ninh, là bảo vệ nội địa đồng thời bành trướng ra ngoài.
Bắc Kinh chi ra chừng
34 tỷ đô la, tập trung vào mạng vận chuyển, hỏa xa, hải cảng hay ống dẫn khí và
mạng lưới điện lực và người ta chờ đợi là nhiều dự án sẽ bị đình trệ, thậm chí
hủy bỏ. Có hai lý do giải thích trở ngại đó là tình trạng tham ô và sự nghi
ngại của nhiều quốc gia. Họ sợ là bị mắc nợ Bắc Kinh và có khi phải hy sinh chủ
quyền để thanh toán nợ nần!
-Nguyễn Xuân Nghĩa
-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Khi nhắc lại bối
cảnh, ta thấy ra mục tiêu đa diện của kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ là không chỉ
vượt Tây Vực, Trung Á rồi Trung Đông mà còn muốn vào Địa Trung Hải và tận Đông
Âu. Như vậy, ta thấy hai phần quan trọng là 1/ mở đường thông thương cho các
tỉnh bị khóa trong lục địa của Trung Quốc và 2/ bành trướng ảnh hưởng kinh tế
lẫn chiến lược của Bắc Kinh qua các khu vực khác.
"Marshall" của Trung Quốc
Nguyên Lam: Thế giới thường chú ý tới khía cạnh
kinh tế và cho rằng Bắc Kinh tung tiền tranh thủ các nước, tương tự như kế
hoạch Marshall là viện trợ của Hoa Kỳ cho Âu Châu sau Thế Chiến Hai, nhưng
người ta không quên mục tiêu chiến lược kia. Thưa ông , bây giờ chúng ta có thể
tạm tổng kết những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin tóm lược ở ba ý chính. Thứ
nhất, sáng kiến của Bắc Kinh nhắm vào các nước nghèo hơn ở chung quanh nhưng
rốt cuộc tốn tiền vào nhiều dự án ít giá trị kinh tế mà đầy lãng phí và gây nạn
cho các nước được giúp. Thứ hai, tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trong kế
hoạch đó lại bị các cường quốc khác nghi ngờ và ngấm ngầm ngăn chặn. Thứ ba, do
kích thước quá lớn của Nhất Đái Nhất Lộ, những trở ngại, chậm trễ và hủy bỏ sẽ
là tất yếu.
- Chúng ta cần nhìn lại
tấm bản đồ của cả đại lục Âu Á, từ Tây Âu tới Viễn Đông, trùm lên Trung Á và
Trung Đông thì mới thấy kế hoạch lớn lao này trải ngang 70 quốc gia lớn nhỏ. Từ
nhiều năm nay, Bắc Kinh dốc toàn lực ngoại giao qua hiệp ước hợp tác với các
nước, đồng thời khai thông tình trạng sản xuất dư dôi ở bên trong. Nhưng khi
các định chế quốc tế nói tới nhu cầu khoảng tám chín ngàn tỷ đô la qua nhiều
thập niên để thực hiện việc xây dựng hạ tầng cơ sở chuyển vận qua một không
gian bát ngát đó thì cho tới nay, Bắc Kinh mới chi ra chừng 34 tỷ đô la là
nhiều, tập trung vào mạng vận chuyển, hỏa xa, hải cảng hay ống dẫn khí và mạng
lưới điện lực và người ta chờ đợi là nhiều dự án sẽ bị đình trệ, thậm chí hủy
bỏ. Có hai lý do giải thích trở ngại đó là tình trạng tham ô và sự nghi ngại
của nhiều quốc gia. Họ sợ là bị mắc nợ Bắc Kinh và có khi phải hy sinh chủ
quyền để thanh toán nợ nần!
Nguyên Lam: Ông nhắc đến chuyện nợ nần thì
thính giả của chúng ta liên tưởng đến chuyện thời sự khi nhà đầu tư Trung Quốc
rộng rãi cho vay để thực hiện các dự án trong lãnh thổ Việt Nam, sau này đòi nợ
mà nhà nước không trả nổi thì đành gán đất cho Bắc Kinh.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng nhiều định chế tài chính kể
cả Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF có cảnh báo chuyện ấy và một số quốc gia đang phát
triển bắt đầu phát giác mối tai họa đó. Nhân đây, xin nói luôn là Hội đồng
Duyệt Xét Quan hệ Kinh tế và An ninh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mới có một phúc
trình hôm 14 vừa qua về việc Bắc Kinh tung tiền bành trướng ảnh hưởng tới các
quần đảo ở tận miền Nam Thái Bình Dương, xuống tới Úc Châu. Trào lưu đó là kết
quả của kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ khiến Chính quyền Úc báo động và chuẩn bị tài
trợ các xứ quần đảo này để khỏi bị Bắc Kinh thao túng. Trung tuần Tháng Sáu,
Ngoại trưởng Úc là bà Julie Bishop nói đến việc đó. Tức là Bắc Kinh chưa làm
được gì thì nhiều cường quốc đã báo động về dụng ý của Trung Quốc!
Mục đích của hành lang kinh tế
Nguyên Lam: Ông mới chỉ trình bày sơ lược diễn
tiến của gần năm năm qua mà ta đã thấy phản ứng của các cường quốc trong khu
vực. Thưa ông, chúng ta sẽ khởi đầu với sáu hành lang kinh tế mà Bắc Kinh muốn
vạch qua khu vực Đông Á vào tới Âu Châu. Mục đích của họ là gì?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Bắc Kinh vẽ ra sáu
“tẩu lang” bắc ngang 14 nước. Tẩu lang thứ nhất vắt qua Mông Cổ và Liên bang
Nga. Thứ hai là hệ thống cầu đường trải ngang lục địa Âu Á qua Kazahkstan và
Nga. Thứ ba là tẩu lang nối Tân Cương với Trung Á và Tây Á là Uzbekistan,
Turkmenistan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Iran, Georgia, Azerbaijan, Armenia và
Turkey. Tẩu lang thứ tư nối tiếp Trung Cộng với Pakistan xuống Ấn Độ Dương. Tẩu
lang thứ năm trải ngang Bangladesh, Miến Điện, Ấn Độ và sau cùng là Tẩu Lang
Đông Dương, từ Vân Nam Quý Châu xuống ba nước Việt, Miên, Lào rồi Thái Lan. Vị
trí của đảo Phú Quốc nằm trong hành lang thứ sáu này.
Nguyên Lam: Ông nhắc tới đảo Phú Quốc thì người ta thấy
giật mình! Thưa ông, thế còn các con đường hàng hải mà Bắc Kinh gọi là Nhất Lộ
thì sao?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Bắc Kinh gọi đó là
Đường Tơ Lụa Trên Biển cho Thế Kỷ 21. Sáng kiến đó muốn nối liền mặt biển Đông
Nam Á, Úc Châu qua Ấn Độ Dương cho tới Bắc Phi. Nhìn vào bản đồ, chúng ta thấy
tham vọng của Bắc Kinh là hội nhập một khu vực có nhiều quốc gia chưa phát
triển, từ Trung Quốc tới tận Trung Âu hay Đông Âu, từ Tân Cương vào Trung Á
xuống Nam Á và Đông Nam Á. Các quốc gia ấy có thể chứa nhiều tài nguyên thiên
nhiên nhưng thật ra chiếm vị trí chiến lược nếu liên kết và trở thành đồng minh
của Bắc Kinh.
Nhiều nước đi sau thật
ra thiếu ổn định bên trong, chưa có cơ chế quản lý các dự án phát triển và lại
bị tham nhũng đục khoét. Vì vậy, khi họ được Bắc Kinh tài trợ thì cũng chưa nên
cơm cháo gì, nhiều dự án bị đình chỉ, thậm chí hủy bỏ và để lại một núi nợ chưa
biết làm sao thanh toán
-Nguyễn Xuân Nghĩa
-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Tuy nhiên, một số
cường quốc Đông Á như Nhật Bản, Nam Á như Ấn Độ và cả Âu Châu thì ngần ngại vì
dù thấy giá trị kinh tế của nhiều dự án hạ tầng, họ không quên mục đích an ninh
của Bắc Kinh. Các nước nghèo thì thấy việc Bắc Kinh tài trợ qua Quỹ Tơ Lụa hay
Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở gọi tắt là AIIB có vẻ hấp dẫn vì lớn hơn khả
năng tín dụng của họ, hoặc còn lớn hơn sức tài trợ của Ngân hàng Thế giới hay
Ngân hàng Phát triển Á Châu ADB. Theo một phúc trình của Liên hiệp quốc thì có
11 quốc gia nghèo nhất thế giới, như Lào, Tanzania hay Djibouti, rất cần đầu tư
cho hạ tầng mà khó được các định chế quốc tế tài trợ theo tiêu chuẩn của Tây
phương. Vì vậy, họ dựa vào nguồn tài trợ của Bắc Kinh, có vẻ dễ dãi hơn. Nhưng
sợi dây mềm mại đó lại cột rất chặt, có khi tới tắt thở!
Kết quả
Nguyên Lam: Thưa ông, đó là nhận thức ngày càng rắc
rối hơn của các nước khác. Nếu nhìn từ Bắc Kinh ra thì người ta đánh giá kết
quả như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ Bắc Kinh chỉ là trâu
chậm uống nước đục! Sau Thế chiến II, và trong 50 năm qua, các nước nghèo đều
được nhiều định chế tài chính quốc tế viện trợ, như Ngân hàng Thế giới, Ngân
hàng Phát triển Á Châu, Phi Châu để dần dần phát triển. Nhưng nhiều nước đi sau
thật ra thiếu ổn định bên trong, chưa có cơ chế quản lý các dự án phát triển và
lại bị tham nhũng đục khoét. Vì vậy, khi họ được Bắc Kinh tài trợ thì cũng chưa
nên cơm cháo gì, nhiều dự án bị đình chỉ, thậm chí hủy bỏ và để lại một núi nợ
chưa biết làm sao thanh toán, là trường hợp của Bangladesh, Miến Điện hay
Kazahkstan và Pakistan!
- Bắc Kinh cầm sợi dây
nợ mà chưa biết làm gì, hoặc muốn làm gì đó mà sợ thiên hạ phát giác tà ý!
Chẳng lẽ lại đòi thực hiện các đặc khu kinh tế tự trị để gán nợ, nhưng kiếm lời
gì từ những đặc khu đó, khi người dân bản xứ ngày càng nghi ngờ các món nợ ghê
tởm này? Họ có hưởng gì đâu mà bắt con cháu phải trả bằng đất đai? Họ phát giác
là Bắc Kinh dựa vào Nhất Đới Nhất Lộ để mua chuộc các chế độ tham ô và gây họa
cho dân bản xứ. Trường hợp điển hình chính là Malaysia sau cuộc bầu cử vừa qua
khiến Thủ tướng cũ bị truy tố và Chính quyền mới của Thủ tướng Mohamad Mahathir
đang đòi rà soát lại các dự án của Bắc Kinh. Ngoài ra, còn có một số dự án điển
hình như vậy tại Pakistan, Sri Lanka, và Miến Điện, nhưng ấn tượng chung là cái
gì đó rất tệ cho Bắc Kinh.
Nguyên Lam: Khi thấy dân Sri Lanka, Miến Điện và
Malaysia phản đối dự án do Bắc Kinh thực hiện cho kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ thì
người ta phải trở về với câu hỏi là ai sẽ trả những món nợ này? Thưa ông, ông
kết luận ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Câu trả lời nằm ngay trước mắt chúng
ta. Bắc Kinh dùng sợi dây mềm để tài trợ các nước nghèo, sau đó siết dây để gán
nợ. Đó là dự án hải cảng Gwadar tại Pakisan và hải cảng Hambantota tại Sri
Lanka. Với Pakistan, Bắc Kinh được thuê đất quanh quân cảng Gwadar trong 43
năm. Với Sri Lanka thì Bắc Kinh được thuê đất trong…. 99 năm, con số khá quen
thuộc với dân ta! Còn xứ khác, như Lào, Djibouti, Montenegro hoặc Tajikistan,
Kygyzstan thì trả nợ bằng tài nguyên khoáng sản hay năng lượng.
- Chính là hiện tượng
trấn lột đó khiến các cường quốc như Hoa Kỳ, Úc, Nhật, Ấn Độ và cả Đức, Pháp,
v.v… đều cảnh báo về động thái của Bắc Kinh. Tại Úc, Chính quyền và cơ quan an
ninh đã quan tâm đến việc Bắc Kinh tung tiền đầu tư và còn lũng đoạn nhiều lãnh
vực của Úc, từ học đường tới doanh trường và các chính trị gia của hai đảng nên
họ chuẩn bị cải sửa luật pháp để ngăn ngừa. Một thí dụ là hải cảng Darwin tại
miền cực Bắc của Úc được cho một doanh nghiệp Trung Quốc thuê trong 99 năm. Vị
trí của hải cảng có tính chất an ninh vì trông ra biển Thái Bình tại hướng Bắc
lại còn kế cận một căn cứ quân sự của Hoa Kỳ. Viên chức Úc chấp thuận dự án này
sau đó được doanh nghiệp Trung Cộng thuê làm tư vấn kinh tế với thù lao là 800
ngàn đô la một năm. Tuần qua, hai tờ báo Úc là The Age và Sydney Morning Herald
đã đi lọat bài về Sáng Kiến Đới Lộ và xin độc giả góp ý. Hôm Thứ Ba 26,
họ công bố kết quả là có tới 59% nêu ý kiến rằng nước Úc nên tránh yểm trợ sáng
kiến này của Trung Quốc!.
Nguyên Lam: Như vậy, phải chăng mặt trái của Sáng Kiến
Nhất Đới Nhất Lộ vẫn là sự hoài nghi của nhiều nước nghèo và sự cảnh giác của
các nước giàu về ẩn ý của lãnh đạo Bắc Kinh? Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng
Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.
No comments:
Post a Comment