Chuyện Ông
Mỹ Hát Nhạc Việt
Sáu Steve Brown
Tác giả người Mỹ đầu
tiên trực tiếp viết bằng Việt ngữ và có tên trong Danh Sách Chung Kết Viết Về
Nước Mỹ 2013. Ông xưng danh “Steve Brown tức là Sáu,” Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ
thời chiến tại Việt Nam, và góp ba bài viết đặc biệt: Bài đầu kể chuyện tình
1973 giữa chàng lính Mỹ và một cô gái Việt. Ông bà nay có 7 người con, hiện ở
Ohio. Bài thứ hai là tự truyện “Hành Trình Tiếng Việt Của Một Người Mỹ.” Và thứ
ba phân tích chuyện làm dâu xứ Mỹ, làm rể xứ Việt, với nhiều chi tiết sống về
khác biệt văn hoá. 1973-2013, hôn phối Việt – Mỹ Tuyết-Steve Brown vừa tròn 40
năm. Giải thưởng Việt Báo trân trọng chúc mừng. Sau đây là nguyên văn -không
biên tập sửa chữa-bài viết thứ tư của ông Sáu kể chuyện ca hát và làm thơ về
nhạc Việt. Trong thơ Việt ngữ của “ông Mỹ” có một câu “rất thơ”, chưa từng thấy
ở thi sĩ Việt nào: “Mở nhạc mà nghe nắng với mưa.”
Ông Sáu Steve Brown ở Âu châu.
Năm 1972 tôi đóng quân
ở Việt Nam. Lần đầu tiên tôi nghe âm nhạc Việt Nam là ở trong trại lính. Âm
điệu khác với âm nhạc Mỹ rất nhiều, tôi nghe rất lạ và thấy không thích những
bài hát đó. Bây giờ tôi biết loại âm nhạc đó gọi là hát bội.
Sau đó tôi trở lại
Việt Nam trong mùa xuân năm 1973 để lập gia đình. Trong thời gian “ở rể” tôi
cũng hay nghe hát bội với gia đình vợ tôi. Mỗi tối chủ nhật có chương trình cải
lương trên đài truyền hình, tất cả hai mươi bốn người trong đại gia đình và cả
bà con hàng xóm đều đến nghe.
Âm điệu cải lương tôi
thấy cũng lạ tai, tuy không đặc biệt bằng hát bội. Thế mà khi nhìn xung quanh
phòng đông người tôi thấy ai cũng say mê thưởng thức. Vì vậy tôi kết luận rằng
những âm điệu đó rất hay đối với người Việt, dù lúc đó tôi chưa đánh giá được.
Một phần cũng vì tôi không hiểu các nghệ sĩ hát gì hết mà cũng không có ai có
thể giải thích cho tôi vì lúc đó tôi chưa biết chút tiếng Việt nào cả.
Sau khi vợ chồng tôi
về Mỹ tôi được nghe Tuyết (vợ tôi) hát thường xuyên. Tuyết hay hát khi nấu ăn,
dọn dẹp nhà, hay là khi chúng tôi ngồi trong xe hơi. Từ đó tôi bắt đầu thích
nghe âm nhạc Việt Nam, nhưng lúc đó chúng tôi không mua được nhạc Việt Nam tại
Mỹ. Mãi đến đầu thập niên 80 Tuyết mới có được một băng nhạc Việt Nam. Trong
một thời gian dài Tuyết chỉ có băng nhạc duy nhất đó, vì thế chúng tôi nghe đi
nghe lại rất nhiều lần.
Vì nghe hoài, bài hát
đầu tiên mà tôi hát theo là Ngày Buồn. Đến năm 1994 tôi thuộc lòng và hay hát
bài Chuyện Giàn Thiên Lý. Tôi thích những câu, “Tôi có người vợ ngoan, đẹp như
trắng mười sáu…” vì như là nhắc đến chính vợ tôi. Còn câu, “Ai ra đi mà không
từng bịn rịn. Xa người yêu mà dễ mấy ai vui” thì làm tôi nhớ đến lúc đơn vị tôi
phải ra khỏi Việt Nam mà trong lòng tôi không biết là tôi và Tuyết có gặp lại
hay không. Khi hát “Em nhìn theo bằng nước mắt chia phôi” tôi nhớ đến lần cuối
cùng chúng tôi nhìn nhau ngày tôi phải ra đi.
Những kỷ niệm đó làm
bài hát gần gũi và có nhiều ý nghĩa đối với tôi.
Âm nhạc Việt Nam nhắc
chuyện xưa
Lời ca thấm đáy lòng cho vừa
Biết bao ý nghĩa, tình phong phú
Mở nhạc mà nghe nắng với mưa
Lời ca thấm đáy lòng cho vừa
Biết bao ý nghĩa, tình phong phú
Mở nhạc mà nghe nắng với mưa
Đầu năm 1995 chúng tôi
về thăm Việt Nam. Chúng tôi ở tại nhà chị vợ trong tỉnh Biên Hòa suốt năm tuần.
Lúc đó chị vợ tôi bán kem. Bên kia đường có một trường trung học nên các cháu
học sinh hay đến mua kem. Trong nhà có máy karaoke nên thỉnh thoảng tôi cũng
hát cho vui.
Có lần tôi đang hát
thì một số học trò đến mua kem. Tôi thấy họ có để ý nhưng không nói gì trực
tiếp với tôi. Chỗ đó không phải là khu du lịch nên người Mỹ ít khi đến đó.
Nhưng sau đó có mấy cháu khác đến yêu cầu tôi hát bài Chuyện Giàn Thiên Lý. Tôi
ngạc nghiên nhưng không ngại ngần, tôi hát bài đó cho các cháu nghe. Sau đó,
gần như mỗi ngày đều có một số cháu cùng bà con hàng xóm đến yêu cầu tôi hát
cho họ nghe.
Sau khi nghe tôi hát các
cháu nói chuyện, hỏi han về gia đình tôi, về cách sống ở Mỹ, và đủ mọi thứ
khác. Ngày cuối cùng trước khi tôi rời Việt Nam, khoảng hai mươi cháu học trò
đến chia tay với tôi. Có một người chép bài thơ Màu Tím Hoa Sim tặng cho tôi và
đọc cho tôi nghe. Đặc biệt lắm! Khi nghĩ đến ý nghĩa của bài thơ đó tôi xúc
động nhiều vì thật ra chiến tranh là như thế. Cũng có vài cháu viết thư đưa cho
tôi lúc đó. Cho tới giờ, thỉnh thoảng vẫn còn có người yêu cầu tôi hát bài hát
Chuyện Giàn Thiên Lý.
Sau khi tôi trở về Mỹ
tôi quyết định thuộc lòng bài hát Những Đồi Hoa Sim. Đó là một bài nhạc mới nên
lúc đầu tôi thấy rất khó khăn. Trong một thời gian dài khi lái xe đi làm tôi mở
nhạc nghe bài hát đó, khá lâu sau mới có thể hát theo. Bài hát này cũng về tình
yêu của một người lính chiến nên tôi thích vì cũng có sự liên hệ với kinh
nghiệm của tôi.
Tôi thích khá nhiều
bài hát của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh như Hàn Mặc Tử, Hoa Trinh Nữ, Anh Không
Chết Đâu Anh, v.v… Trong một lần đến Việt Nam tôi đã tìm được một cuốn sách về
thơ và cuộc đời của ông Hàn Mặc Tử. Hay mà buồn.
Trong các tác phẩm của
Trịnh Công Sơn thì tôi thích hai bài Diễm Xưa và Cát Bụi. Tôi cũng rất thích
bài hát Hai Chuyến Tàu Đêm của nhạc sĩ Trúc Phương. Những bài hát này được
trình bày thật tuyệt vời qua các giọng ca của Thanh Tuyền, Khánh Ly, Chế Linh,
Thanh Thúy, Vân Trường, Cam Ly, Như Quỳnh.
Tôi nhận thấy phần lớn
những bài tôi thích có chút âm hưởng của nhạc cải lương. Có lẽ những bài cải
lương mà tôi nghe bốn mươi năm trước đã ảnh hưởng đến sở thích của tôi trong âm
nhạc Việt Nam.
Hiện nay chúng tôi
nghe âm nhạc Việt Nam ở nhà thường xuyên. Chẳng hạn trên mạng có diễn đàn
NhipCauOnline mà tôi chọn những bài hát tôi thích rồi bỏ vô một danh sách
riêng, khi muốn nghe chỉ cần bấm vô thôi. Trong xe tôi cũng nghe nhạc Việt Nam,
rất nhiều khi điều đó làm cho bạn Việt lẫn bạn Mỹ ngạc nhiên.
Suốt bao nhiêu năm
biết tiếng Việt tôi chỉ gặp vài người Mỹ khác có thể nói tiếng Việt một cách
lưu loát. Thế nhưng tôi chưa bao giờ gặp một người Mỹ khác thích và hay nghe âm
nhạc Việt Nam. Quan điểm của tôi là khi mình biết thưởng thức âm nhạc chút ít
thì điều đó giúp mình cảm nhận được phong tục tập quán sâu hơn. Như thế âm nhạc
có gia trị nhiều hơn là giải trí mà thôi.
Tôi tin rằng ai học
ngôn ngữ ngoại quốc cũng nên cố gắng làm quen và thưởng thức âm nhạc của nước
đó nữa.
Sáu Steve Brown
No comments:
Post a Comment