Monday, April 6, 2015

Hỏi lãnh đạo VTV về 'tháp nhất thế giới'



Hỏi lãnh đạo VTV về 'tháp nhất thế giới'
  • 31 tháng 3 2015
Nhà văn Nguyên Ngọc ký đại diện cho 45 văn sỹ
Một loạt trí thức vừa gửi thư ngỏ cho tổng giám đốc Truyền hình Việt Nam với bốn câu hỏi về dự án tháp truyền hình lớn nhất thế giới.
Thư đề ngày 30/3 do nhà văn Nguyên Ngọc đại diện ký cho tập thể 45 nhân sỹ, trí thức trong đó có nguyên Thứ trưởng Công nghệ và Môi trường Chu Hảo, nguyên quyền Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật Hồ Uy Liêm và nguyên Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Phạm Gia Minh.
Bức thư mở đầu: "Dư luận cả nước và thế giới đang vô cùng kinh ngạc nếu không muốn nói là phẫn nộ về việc Việt Nam tàn sát môi trường bằng chiến dịch chặt cây lâu năm trên các đường phố Hà Nội và dự án lấp sông Đồng Nai xây khu đô thị mới, thì lại rộn lên về dự án Tháp truyền hình… "cao nhất thế giới"!
"Đông đảo người dân đã phản ứng trước hội chứng "nhất thế giới", "nhất châu Á", "nhất Đông Nam Á" từ chiếc bánh chưng, tô hủ tiếu, cho đến pho tượng Phật, ngôi chùa, đài kỷ niệm… nay không khỏi hoài nghi Tháp truyền hình sắp xây tổn phí khoảng 1 tỷ đô la liệu có công dụng thiết thực hay chỉ tô đậm thêm bộ mặt hãnh tiến của một quốc gia vừa thoát khỏi đói nghèo, đang chật vật cầu mong ngoại viện để ra khỏi cơn khủng hoảng kinh tế, trong khi người dân còn vô cùng thiếu thốn về mọi mặt, từ cái ăn hàng ngày đến trường học cho trẻ em, giường bệnh cho người đau ốm."
Chưa có nước nào trên thế giới mà mỗi tỉnh nhỏ đều có một đài truyền hình
Bốn câu hỏi được những người ký thư đưa ra bao gồm:
"1/ Tháp truyền hình tương lai có thực sự phục vụ yêu cầu phủ sóng toàn lãnh thổ trong khi nó chỉ phục vụ cho công nghệ analog, mà công nghệ này tới năm 2020 sẽ không được áp dụng trên diện rộng ở VN theo quy họach của ngành Truyền hình? Được biết hiện nay đa số chương trình truyền hình được truyền qua đường cáp và vệ tinh.
"2/ Truyền hình dùng công nghệ analog có ưu điểm là phát sóng được tới các vùng xa xôi hẻo lánh với chất lượng cao, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết như qua vệ tinh. Nhưng địa hình nước ta dài nên nếu Tháp đặt tại Hà Nội thì chỉ Lào và Trung Quốc là tiếp nhận tốt. Có người đặt câu hỏi: hay VTV định dùng tháp này để truyền tiếp các đài truyền hình Trung Quốc chăng?
"3/ Hiện nay 63 tỉnh thành đều có tháp truyền hình riêng. Chưa có nước nào trên thế giới mà mỗi tỉnh nhỏ đều có một đài truyền hình (hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre cách nhau có 20km cũng có tháp truyền hình, phát thanh riêng). Vậy những đài truyền tiếp VTV ở các địa phương đã hoạt động hết công suất chưa? Đường trục cáp quang quân đội và VNTP có dung lượng rất lớn đã được sử dụng tối ưu chưa?...
"4/ Nếu những lý do chính trị, kinh tế, kỹ thuật để xây tháp truyền hình “cao nhất thế giới” đều không thuyết phục, phải chăng mục đích thật sự của Tháp truyền hình “cao nhất thế giới” là kinh doanh du lịch giải trí, hay quý đài còn ý đồ gì khác?"
Vì mục tiêu 'kinh tế'
Ông Trần Bình Minh nhậm chức Tổng giám đốc VTV từ 1/05/2011. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng và từng ngồi ghế Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.
Cũng trong ngày thư được gửi đi, ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng giám đốc VTV và là trưởng ban chuẩn bị dự án xây tháp truyền hình cao nhất nói với Tuổi Trẻ rằng tháp chủ yếu có ý nghĩa về kinh tế.
Ông Thành Lương được dẫn lời nói "...[T]háp truyền hình Việt Nam có được xây dựng thì cũng hướng tới phục vụ mục đích kinh tế là chính, hơn là phục vụ mục đích thu phát sóng cho truyền hình vì truyền hình ngày nay phủ sóng vệ tinh hết rồi.
Ý nghĩa của tháp truyền hình VN sẽ là giá trị biểu tượng, phát triển kinh tế đất nước, thu hút du lịch, thu phát sóng truyền hình là phụ dù khi xây xong nó vẫn sẽ được lắp đặt hệ thống giàn ăngten trên đỉnh tháp.Phó Tổng giám đốc VTV Nguyễn Thành Lương
"Ý nghĩa của tháp truyền hình VN sẽ là giá trị biểu tượng, phát triển kinh tế đất nước, thu hút du lịch, thu phát sóng truyền hình là phụ dù khi xây xong nó vẫn sẽ được lắp đặt hệ thống giàn ăngten trên đỉnh tháp."
Ông Lương cũng nói "tiền để xây tháp truyền hình Việt Nam sẽ được lấy từ tiền xã hội hóa, Nhà nước không bỏ tiền ra để làm công trình này".
Vị phó tổng giám đốc nói thêm:"Ý tưởng về việc xây tháp truyền hình Việt Nam đã được cố thủ tướng Võ Văn Kiệt cho xây từ năm 1995 nhưng vì không có nguồn tiền nên không xây được, chứ không phải bây giờ mới có.
"Cũng may là thời đó chưa xây được tháp, chứ nếu xây lúc đó thì chỉ xây được tháp cao chừng 350m thôi."
Theo ông Lương tháp sẽ phải mất năm năm thiết kế và xây dựng kể từ khi nhận được đèn xanh của Chính phủ.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2015/03/150331_thu_ngo_thap_truyen_hinh


No comments:

Post a Comment