Thursday, October 11, 2018

Tìm hiểu chuyện 'người Hồi giáo ở TQ bị trấn áp' - Roland Hughes


Tìm hiểu chuyện 'người Hồi giáo ở TQ bị trấn áp'
Roland Hughes-BBC News
·         10 tháng 10 2018
rung Quốc đang đối diện với những chỉ trích ngày càng tăng về việc nước này đàn áp một số nhóm Hồi giáo thiểu số.
Có những cáo buộc nói rằng một lượng lớn những người thiểu số này đang bị đưa vào các trại giam giữ.
Hồi tháng Tám, một ủy ban của Liên Hiệp Quốc được nghe trình bày rằng có tới một triệu người Hồi giáo Uighur và từ các nhóm Hồi giáo khác có thể đã bị bắt giữ tại vùng Tân Cương ở phía tây Trung Quốc, nói mà họ được cho là đã phải đi "cải tạo".
Cáo buộc do các tổ chức nhân quyền đưa ra, nhưng Trung Quốc bác bỏ hoàn toàn. Đồng thời, đã có những bằng chứng ngày càng nhiều về tình trạng theo dõi, đàn áp những người sống tại Tân Cương.
Mới đây nhất, giới chức Trung Quốc ra chiến dịch hạn chế các sản phẩm thực phẩm halal tại Tân Cương. Đây là loại thực phẩm được chế biến riêng cho người theo đạo Hồi.
Nhà chức trách coi đây là một phần trong các nỗ lực nhằm tái định hình cuộc sống của người Hồi giáo Uighur ở khu vực miền tây này.
Các đảng viên cộng sản và nhân viên nhà nước cũng được lệnh chỉ nói tiếng Trung ở nơi công cộng thay vì dùng ngôn ngữ địa phương.
Trung Quốc nói họ đang có cuộc chiến chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tại Tân Cương.
Người Uighur là ai?
Người Uighur chủ yếu theo Hồi giáo, là cộng đồng có khoảng 11 triệu người sinh sống tại vùng Tân Cương của Trung Quốc.
Họ tự coi mình gần gũi với các quốc gia Trung Á về mặt văn hóa và sắc tộc. Ngôn ngữ của họ giống với tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, đã có tình trạng di cư ồ ạt của người Hán tới Tân Cương, và người Uighur cảm thấy văn hóa, đời sống của họ bị đe dọa.
Tân Cương nằm ở đâu?
Ở vùng viễn tây Trung Quốc, và là khu vực lớn nhất của nước này.
Tân Cương giáp biên với một số nước, trong đó có Ấn Độ, Afghanistan và Mông Cổ.
Giống như Tây Tạng, đây là vùng tự trị. Tức là về mặt lý thuyết thì Tân Cương có mức độ tự quản nhất định, tách khỏi sự quản lý toàn diện của Bắc Kinh. Nhưng trên thực tế thì cả hai vùng tự trị này đều bị chính quyền trung ương áp dụng nhiều hạn chế.

Trong hàng thế kỷ, vùng tự trị Tân Cương tập trung vào nông nghiệp và buôn bán; các thị trấn nơi này phát triển thịnh vượng nhờ nằm dọc Con đường Tơ lụa.
Hồi đầu Thế kỷ 20, người Uighur có một giai đoạn ngắn ngủi tuyên bố độc lập, nhưng đã bị tân chính quyền từ Bắc Kinh, do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, chiếm toàn bộ quyền kiểm soát vào năm 1949.
Chuyện gì đang xảy ra với người dân Tân Cương?
Vào 8/2018, một ủy ban nhân quyền của Liên Hiệp Quốc được nghe trình bày rằng có những báo cáo đáng tin cậy cho thấy Trung Quốc đã "biến vùng tự trị Uighur thành một trại giam giữ khổng lồ". Có khoảng một triệu người có thể đã bị giam giữ, ủy ban nhân quyền được cho biết.
Các báo cáo được sự hậu thuẫn của các nhóm hoạt động nhân quyền. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói rằng những người có họ hàng người thân ở 26 quốc gia bị coi là "nhạy cảm" như Indonesia, Kazakhstan và Thổ Nhĩ Kỳ đã bị gom lại.
Bất kỳ ai có liên hệ với người ở nước ngoài thông qua WhatsApp cũng bị rơi vào tầm ngắm, theo HRW.
Các nhóm nhân quyền cũng nói những người bị bắt giam bị buộc phải nói tiếng Hoa, phải thề trung thành với Chủ tịch Tập Cận Bình, và phải chê bôi hoặc từ bỏ niềm tin tôn giáo của mình.
HRW nói người Uighur bị giám sát chặt chẽ, từ việc bị theo dõi bằng camera nhận diện cho tới quét mã QR ở cửa nhà để giới chức biết được có ai ở trong nhà vào bất kỳ thời điểm nào.
Tin tức cũng nói người dân bị buộc phải đi làm xét nghiệm sinh trắc.
BBC biết được những gì?
Truyền thông hầu như bị cấm hoàn toàn ở vùng Tân Cương, cho nên việc có được các bản tin tường thuật do phóng viên tự thực hiện là rất khó khăn.
Tuy nhiên, BBC đã tìm cách tới thăm được nơi này một số lần và đã thấy những bằng chứng về các trại giam và sự hiện diện dày đặc của cảnh sát ở mọi cấp độ. Cảnh sát kiểm tra, tìm kiếm các thông tin nhạy cảm trong điện thoại di động của người dân.
Chương trình bản tin đêm của BBC, BBC Newsnight, cũng đã phỏng vấn các cựu tù nhân, những người đã tới được các nước khác. Họ nói như sau:
"Họ không cho tôi ngủ, họ treo tôi lên hàng giờ đồng hồ và đánh tôi. Họ có gậy gỗ và gậy cao su, có roi làm từ dây kẽm xoắn, có mũi kim chọc lên da, có kìm rút móng tay. Tất cả đều được bày trên bàn trước mặt tôi, sẵn sàng đem ra dùng vào bất kỳ lúc nào. Tôi cũng nghe thấy có những tiếng người la hét nữa." - Omir
"Lúc đó là giờ ăn tối. Có ít nhất 1.200 người cầm trên tay bát nhựa không - họ phải hát các bài ca ngợi người Trung Quốc để được cho ăn. Họ giống như robot vậy. Họ dường như đã mất hết cả tinh thần. Tôi biết rõ nhiều người trong số họ - chúng tôi từng ngồi ăn với nhau, nhưng nay họ xử sự như thể họ không nhận biết được là họ đang làm gì. Giống như người bị mất trí nhớ sau vụ tai nạn xe hơi vậy." - 'Azat'
Người Uighur có các hoạt động bạo lực?
Trung Quốc nói họ đang phải đối phó với mối đe dọa từ các nhóm Hồi giáo cực đoan. Tuy có một số người Uighur Hồi giáo đã gia nhập nhóm tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS), nhưng các tổ chức nhân quyền nói tình trạng bạo lực ở Tân Cương bắt nguồn từ việc Trung Quốc đàn áp người dân nơi này.
Trong 2009, các cuộc bạo lực ở thủ phủ Urumqi đã khiến ít nhất 200 người thiệt mạng, hầu hết là người Hán. Kể từ đó, đã xảy ra nhiều vụ tấn công, trong đó có vụ nhắm vào một đồn cảnh sát và các văn phòng chính quyền hồi 7/2014, khiến ít nhất 96 người thiệt mạng.
Các vụ tấn công bị quy là do phe ly khai Tân Cương thực hiện cũng đã diễn ra ở bên ngoài khu vực - hồi 10/2013, một chiếc xe hơi đã lao vào đám đông ở Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh.
Cuộc trấn áp mới nhất của chính quyền diễn ra sau khi có năm người thiệt mạng trong vụ tấn công bằng dao tại Tân Cương hồi 2/2017. Khi đó, Bí thư Tân Cương là Trần Toàn Quốc thúc giục các lực lượng chính quyền là hãy "chôn xác bọn khủng bố trong cuộc chiến biển người".
Trung Quốc nói gì?
Tại một cuộc họp của Liên Hiệp Quốc tại Geneva 8/2018, quan chức Trung Quốc Hồ Liên Hợp nói các báo cáo về việc cả triệu người Uighur bị giữ trong các trại cải tạo là "hoàn toàn không đúng sự thực".
Tuy nhiên, trong tháng Chín, một quan chức Trung Quốc nói với các phóng viên bên lề kỳ họp của Liên hiệp quốc tại Geneva rằng Trung Quốc đã thành lập "các trung tâm huấn luyện, giáo dục chuyên nghiệp".
Trung Quốc hiếm khi đưa ra những giải thích công khai về việc họ xử lý tình hình ở Tân Cương như thế nào. Và bởi Bắc Kinh kiểm soát việc tới Tân Cương nên mọi người rất khó nhận được thông tin công bằng về những gì đang xảy ra tại đó.
Thế giới làm những gì?
Ngày càng nhiều chỉ trích quốc tế về cách hành xử của Trung Quốc đối với người Uighur Hồi giáo, nhưng vẫn chưa có nước nào có hành động gì ngoài việc ra tuyên bố chỉ trích.
Trước khi thủ tướng Theresa May tới thăm Trung Quốc hồi tháng Giêng và tháng Hai 2018, chính phủ Anh nói sẽ tiếp tục quan ngại về việc người Hồi giáo ở Tân Cương bị đối xử ra sao.
Tại Mỹ, một ủy ban của quốc hội chuyên theo dõi tình hình Trung Quốc thúc giục chính quyền ông Trump hãy áp lệnh trừng phạt đối với các quan chức và công ty có liên quan tới "cuộc khủng hoảng nhân quyền đang diễn ra" tại Tân Cương.
Người đứng đầu cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet cũng đòi phải để các quan sát viên tới Tân Cương, là đòi hỏi khiến Bắc Kinh giận dữ.


No comments:

Post a Comment