Tác giả: Hoàng Tất Thắng
|
Ngày đăng: 2018-08-15
|
Tết Mậu Thân 1968 đã cách đây 50 năm, một thời
gian khá dài so với một đời người, dễ gây nên cảnh vật đổi sao dời và những
lãng quên ký ức đời thường, nhưng đối với tuyệt đại đa số người dân miền nam,
các đổ vỡ tang thương vì khói lửa chiến tranh của biến cố tết Mậu Thân, những
chủ trương trí trá, xảo quyệt và các hành vi giết người hổn loạn, tràn lan quá
nhiều và quá tàn ác do các lực lượng tham chiến cộng sản miền bắc thực hiện với
dân lành VNCH trong các ngày đầu xuân 1968, thật khó quên. Đúng hơn là không
thể nào quên.
Thông qua đó, cũng
thật khó quên những tội ác của bọn phản chiến quốc tế, các tổ chức truyền thông
thiên tả đã ra sức vo tròn, bóp méo cuộc chiến tranh Việt Nam theo chiều hướng
mù lòa, làm lợi cho phe cộng sản, khi sẵn sàng giả ngơ trước mọi cảnh chết chóc
do cộng sản gây ra cho thường dân Miền Nam và ngược lại đã vô cùng hăng hái
khai thác tối đa những điểm hạn chế, các sai sót của chính phủ VNCH, để kêu gào
Hoa Kỳ phải chấm dứt ngay cuộc chiến tranh. Truyền thông thiên tả - một thứ Fake
News đương đại và bọn phản chiến quốc tế sa đọa với ma túy và tình dục đã biến
một thất bại về quân sự của Hà Nội trên chiến trường miền nam Việt Nam, thành
một thắng lợi chính trị bất ngờ cho phe cộng sản tại Hoa Kỳ, thổi bùng phong
trào chống đối chiến tranh Việt Nam lan tỏa khắp nơi, góp phần làm một trong
nhiều nguyên nhân khiến Washington phải tìm cách giải kết chiến tranh và đưa
đến sự kiện chính phủ VNCH sụp đổ trong tháng 4/1975.
Ngoài cuộc thảm sát
kinh hoàng tại Huế (Hue Massacre) đang còn bị phủ bóng mờ, bởi các biện luận
chối tội quanh co, bất luận liêm sỉ tối thiểu của cộng sản Hà Nội và phe cánh,
một trong các sự kiện đốn mạt tiêu biểu của truyền thông thiên tả và bọn phản
chiến quốc tế trong thời điểm này là trên cùng một địa phận Sài Gòn, với một
giới hạn thời gian ngắn ngủi chỉ từ ngày 1/2/1968 đến 3/2/1968, lồng chung
trong một bối cảnh là trận chiến biến cố tết Mậu Thân tại thủ đô miền nam, đã
có hai tấm ảnh chụp tại hiện trường, mặc định cho hai sự việc dù không hề đoán
định trước, nhưng lại liên quan mật thiết với nhau và đã có hai số phận hoàn
toàn trái ngược hẳn nhau.
Ngày mùng 2 tết, tức
ngày 1/2/1968, quân đội cộng sản miền bắc tấn công các doanh trại của QLVNCH
đóng trong vùng Gò Vấp, trong đó có bộ chỉ huy pháo binh ở trại Cổ Loa và bộ
chỉ huy thiết giáp ở trại Phù Đổng. Chiến sự nổ ra lúc hơn 4 giờ sáng. Với các
lợi thế bất ngờ, quân số đông, trong khi đối phương là quân số văn phòng, hậu
cứ, hơn nữa lại chểnh mảng phòng thủ vì lệnh hưu chiến, nên bắc quân dễ dàng
kiểm soát chiến trường và tràn qua khu gia binh trại thiết giáp, tàn sát một số
gia đình quân nhân QLVNCH đang cư trú tại đây (1), trong đó có toàn gia Đại tá
Nguyễn Tuấn, chỉ huy trưởng trường thiết giáp QLVNCH, gồm 8 người, chỉ còn duy
nhất một bé trai dưới 10 tuổi sống sót.
Ngày mùng 3 tết, tức ngày 2/2/1968, các tiểu đoàn 1TQLC và 4TQLC
thuộc chiến đoàn B, lữ đoàn TQLC/QLVNCH mới đánh giải tỏa xong các khu doanh
trại ở Gò Vấp và nội vụ tội ác dã man mới phơi bày ra ánh sáng (Hình số 1).
Nguyên văn chú thích trên tấm hình của hãng tin AP:
(NY16-Feb.1 ) DEATH OF
A MILITARY FAMILY IN SÀI GÒN SUBURB. South Việt Namese soldiers stand near
bodies of a South Việt Nam commander of a training camp and command center and
members of his family after the camp was retaken from the Viet Cong in a
northern Sài Gòn suburb today. The commander, a colonel, was decapitated by the
Viet Cong and his wife and six children were machinegunned. On ground near the
corpses are toys and food. At right are sandbags behind which the children hid
( AP Wirephoto via radio from Sài Gòn ).
MỘT GIA ĐÌNH QUÂN NHÂN
BỊ TÀN SÁT Ở NGOẠI Ô SÀI GÒN. Các quân nhân miền nam Việt Nam đang đứng
cạnh thi thể cấp chỉ huy một trung tâm huấn luyện của Nam Việt Nam và các thân
nhân của ông, sau khi họ tái chiếm được khu trại từ Việt Cộng trong vùng ngoại
ô ở phía bắc Sài Gòn trong ngày hôm nay. Người chỉ huy, một Đại tá đã bị Việt
Cộng chặt đầu, trong khi người vợ và 6 người con của ông bị giết bằng súng liên
thanh. Trên mặt đất gần những thi hài là đồ chơi và thức ăn. Phía bên phải là
những bao cát nơi các đứa trẻ đã trốn vào ở phía sau.
Đại tá Nguyễn Tuấn tốt
nghiệp khóa 1 Võ khoa Thủ Đức vào tháng 6/1952, ra trường phục vụ trong binh
chủng thiết giáp tại quân khu I, năm 1962 là Thiếu tá trung đoàn trưởng trung
đoàn 4 thiết giáp đóng ở Quảng Trị, đến năm 1965 là Trung tá, được thuyên
chuyển vào Sài Gòn đảm trách chỉ huy trưởng trường thiết giáp đặt tại Thủ Đức
từ tháng 4/1965, được thăng cấp Đại tá và cùng gia đình cư ngụ trong trại gia
binh bộ chỉ huy thiết giáp đặt tại trại Phù Đổng – Gò Vấp.
Trong vụ thảm sát ngày
1/2/1968 ngoài bé trai dưới 10 tuổi duy nhất thoát nạn, các nạn nhân gồm có Đại
tá Nguyễn Tuấn, vợ là bà Từ thị Như Tùng và 6 con nhỏ (nhỏ nhất là bé gái mới 3
tuổi). Gia đình bên vợ Đại tá Nguyễn Tuấn ở tại Huế còn phải chịu đựng thêm một
thảm nạn đau thương thứ hai trong biến cố tết Mậu Thân, khi em trai bà Đại tá
là Thiếu tá Từ Tôn Khán, tỉnh đoàn trưởng tỉnh đoàn xây dựng nông thôn tỉnh
Quảng Nam, về Huế ăn tết cùng với đại gia đình, cũng bị Việt Cộng đến nhà lùng
bắt, uy hiếp cha mẹ và hăm dọa đốt nhà để Thiếu tá Khán phải ra khỏi nơi ẩn núp
và bị giết chết tại chỗ bằng búa bửa củi, trước sự chứng kiến của thân nhân
(2).
Từ sự quen biết trước
đó do đồng hương Huế - Quảng Trị, vừa là bạn đồng khóa 1 Võ khoa, vừa đều là sĩ
quan cao cấp của QLVNCH, Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan đã biết rất rõ sự việc
xảy ra tại Gò Vấp, thông qua các cuộc họp hành quân giải tỏa thủ đô, được tổ
chức hàng ngày tại bộ TTM. Bé trai sống sót sau tội ác của Việt Cộng cũng có
một thời gian nương tựa với gia đình bên vợ của Chuẩn tướng Loan, sau tháng
4/1975 cũng di tản sang Hoa Kỳ theo thân nhân và hiện nay là Đại úy kỹ sư
Nguyễn Huấn, phó giám đốc thông tin của bộ tư lệnh hệ thống kỹ thuật hải quân
Hoa Kỳ NAVSEA - Naval Sea Systems Command (3).
Sáng ngày mùng 4 tết,
tức ngày 3/2/1968, tiểu đoàn 2TQLC của Thiếu tá Ngô Văn Định, cũng thuộc chiến
đoàn B/TQLC được tăng phái cho Tổng nha CSQG của Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan
và nhận nhiệm vụ đến thay thế cho các tiểu đoàn 33BĐQ và 38BĐQ tại khu vực quận
10 và Chợ Lớn, có trách nhiệm tảo thanh tiếp tục các toán cộng sản còn trà trộn
tại các khu dân cư trong vùng.
Phân chia vùng hành
quân cho bốn đại đội thuộc dụng tiểu đoàn 2TQLC gồm đại đội 1 là khu vực đường
Trần Nhân Tôn và đường Minh Mạng, đại đội 2 từ cầu Chữ Y ra tới Phú Định, đại
đội 3 từ hãng rượu Bình Tây đến bến Lê Quang Liêm và đại đội 4 là trọn khu vực
chùa Ấn Quang. Trong đó nói riêng địa bàn chùa Ấn Quang là khu vực có giới hạn
bởi bốn con đường, gồm đường Bà Hạt phía bắc, Vĩnh Viễn phía nam, Nguyễn Duy
Dương phía tây và Sư Vạn Hạnh phía đông. Phía nam khu vực cũng là nơi có đại lộ
Minh Mạng chạy theo hướng nam - bắc, dẩn ra ngã bảy bồn binh Sài Gòn và đại lộ
Lý Thái Tổ.
Đại đội 4/2TQLC của
Trung úy Vũ Đoàn Dzoan từ ngã 7 theo đại lộ Minh Mạng và Lý Thái Tổ tiến vào
bao vây bốn mặt chùa Ấn Quang. Trong đó trung đội 42TQLC của Thiếu
úy Kiều Công Cự án ngữ từ ngã tư Nguyễn Duy Dương – Bà Hạt rải vào dọc đường
Nguyễn Duy Dương, tức mặt sau chùa Ấn Quang, với lệnh báo động toàn đại đội
4/2TQLC phải cảnh giác tối đa, vì Việt Cộng đang tìm cách vượt thoát ra ngoài
(4).
…Trung đội 41TQLC của
Thiếu úy Phan Ngọc Viếng lãnh nhiệm vụ tấn công vào chính diện của chùa, nhưng
bị Việt Cộng từ trên lầu cao bắn xuống dữ dội, không thể áp sát, phải dạt qua
hai bên và còn để lại tại chỗ xác một binh sĩ. TQLC phải dùng hỏa lực từ xa
bằng súng không giật SKZ.57 và hai cây đại liên 30 bắn khống chế để tiếp tục
tiến vào, nhưng kết quả vẫn không được như ý. Tình trạng gần như tiến thối lưỡng
nan. Khoảng 10 giờ sáng, tôi đang đứng trên căn gác một ngôi nhà gỗ quan sát
phía cổng sau chùa, bổng có một người dắt chiếc xe đạp đang lách qua cửa, mắt
láo liên, nhìn bên trái, nhìn bên phải, rồi định thót lên xe để chuồn. Bổng
nhiên tôi la to lên "Bắt lấy nó", hạ sĩ nhất Nguyễn Đức Diệt và hạ sĩ
Lê Văn Nhị từ bên trong nhảy ra tóm lấy và đè hắn xuống mặt đường nhựa. Hạ sĩ
Nhị kêu lên "nó có súng K.54 Thiếu úy ơi", có cả một phóng đồ hành
quân khu vực Sài Gòn, trên cánh tay trái dưới lớp áo trong còn có một cái băng
đỏ đề chữ B.29. Tôi nghĩ ngay đúng là Việt Cộng rồi và phải là cấp chỉ huy mới
có K.54 với phóng đồ hành quân. Nhiều người lính xét hỏi thì nó chỉ nói là liên
lạc viên.
Hạ sĩ Sung mang máy
truyền tin nhanh nhảu báo lên đại đội, tôi nghe tiếng của Trung úy Dzoan ra
lệnh "Trói nó lại và cho người đưa lên đây cho tôi". Khi áp tải lên
đại đội, thì có lệnh đưa tiếp lên tiểu đoàn cũng bằng những người lính của
trung đội 42TQLC và đích thân Thiếu tá Ngô Văn Định, tiểu đoàn trưởng 2TQLC, áp
giải tên này cho người đang chỉ huy trực tiếp các trận đánh giải tỏa khu vực
chùa Ấn Quang là Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan, tổng giám đốc CSQG, mà tiểu đoàn
2TQLC chỉ là lực lượng tăng phái (hình số 2).
Tại đây tướng Loan đã dùng cây rouleau của ông để bắn chết tên
Việt Cộng, sau này tôi mới biết đó là Đại úy đặc công Nguyễn Văn Lém, tự Bảy
Lốp. Một phóng viên ngoại quốc tên Eddie Adams đã chụp được bức ảnh của sự kiện
này... (Kiều Công Cự,
Đại úy, tiểu đoàn 2TQLC, Những ngày đầu nghiệp lính & Tết Mậu Thân, 29/2/2010).
Hình số 2.
Trên đại lộ Lý Thái Tổ và gần với ngã bảy, kế bên chiếc xe Jeep
của Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan, ngoài các binh sĩ cảnh sát dã chiến tùy tùng,
còn có cả một nhóm phóng viên chiến trường người Việt Nam và ngoại quốc Mỹ, Úc.
Theo hồi ức của Horst Faas, nhiếp ảnh gia và biên tập viên hình ảnh của hãng
tin AP, thì Eddie Adams, phóng viên nhiếp ảnh cũng đang làm việc cho hãng tin
AP và là tác giả tấm ảnh xử tử hình Nguyễn Văn Lém, tức Bảy Lốp (hình số 3) đã
kể lại:
I just followed the
three of them as they walked towards us. Making an occasional picture. When
they were close – maybe five feet away – the soldiers stopped and backed away.
I saw a man walk into my camera viewfinder from the left. He took a pistol out of
his holster and raised it. I had no idea he would shoot. It was common to hold
a pistol to the head of prisoners during questioning. So I prepared to make
that picture – the threat, the interrogation. But it didn’t happen. The man
just pulled a pistol out his holster, raised in to the VC’s head and shot him
in the temple. I made a picture at the same time (Horst Faas, The Sài Gòn
Execution, 10/2004).
Tôi rê máy ảnh theo ba người đó, khi họ đi về phía chúng tôi.
Chụp một kiểu ảnh phòng hờ. Khi họ đến gần – có thể là 5 feet – những người
lính dừng lại và lùi ra sau. Tôi thấy một người đàn ông từ bên trái bước vào
trong vùng kính ngắm máy ảnh của tôi. Ông ta rút một khẩu lục ra khỏi bao và
giơ nó lên. Tôi không hề nghĩ là ông ta sẽ bắn. Người ta thường dí súng vào đầu
tù binh khi hỏi cung. Bởi vậy tôi chuẩn bị chụp hình về mối đe dọa, sự thẩm
vấn. Nhưng nó đã không xảy ra. Người đàn ông chỉ rút súng lục ra khỏi bao, chĩa
vào đầu Việt Cộng và bắn vào thái dương hắn ta. Đúng lúc đó tôi chụp bức ảnh (Horst Faas, Hành quyết tại Sài Gòn,
10/2004).
Hình số 3.
Tướng Loan bình tĩnh đút súng vào bao và đã nói với Eddie Adams
về hành động bất ngờ của mình:
…Bọn họ đã giết nhiều
đồng đội của chúng tôi và nhiều người của bạn. Nếu bạn do dự, nếu bạn không làm
nhiệm vụ của mình, binh sĩ sẽ không phục tùng bạn….( They killed many of my men
and many of your people. If you hesitate, if you didn’t do your duty, the men
won’t follow you – Michael E. Ruane, Việt Nam War photographer Eddie Adams and
the Sài Gòn Execution photo that shocked the world, The Washington Post,
2/2018).
Có hai phóng viên quay
phim chiến trường, một người Úc là Neil Davis làm việc cho đài truyền hình ABC
- Australia và một người Việt Nam là Võ Sửu làm việc cho đài truyền hình NBC –
Hoa Kỳ, đều quay được một đoạn phim ngắn về diễn tiến của sự kiện này. Neil
Davis mô tả …Tướng Loan cầm khăn lau mặt, vẫy tay cho các binh sĩ chung
quanh tránh ra, đi đến bên Bảy Lốp, không nói một lời, tướng Loan quăng điếu
thuốc và móc khẩu súng lục ra. Ông lấy tư thế của một xạ thủ, cánh tay phải giơ
thẳng và ở khoảng cách có lẽ chừng một mét, bắn vào thái dương người tù binh…Theo
Võ Sửu, sau khi bắn, tướng Loan nói với các ký giả rằng những tên này đã giết
vô số dân chúng của tôi và tôi nghĩ Đức Phật sẽ tha thứ cho tôi.
Tấm hình nhanh chóng
xuất hiện ngay trên trang nhất báo chí quốc tế, với tên gọi Sài Gòn Execution
(Hành quyết tại Sài Gòn) và tạo ra một làn sóng dư luận xôn xao khắp thế giới.
Cả thế giới rúng động, những hệ thống truyền thông tả khuynh, các phong trào
phản chiến quốc tế tại Hoa Kỳ, Âu châu và Úc châu đã tận tình khai thác tấm ảnh
theo chiều hướng quy chụp chính phủ miền nam Việt Nam là một tập đoàn sát nhân
(?), buộc tội tướng Loan hành xử vô pháp, vi phạm quy ước Genève 1949 về tù
binh và khơi mào cho hàng loạt vụ biểu tình chống đối chiến tranh lan tràn khắp
nơi.
Tấm hình đã giúp Eddie
Adams giành được giải thưởng World Press Photo of the Year và giải báo chí
Pulitzer về chuyên mục phóng sự hình ảnh tại chỗ vào tháng 5/1969, đồng thời nó
cũng trở thành một trong những biểu tượng dễ nhắc nhớ đến nhất, trong bất kỳ đề
cập nào đến cuộc chiến tranh Việt Nam, cho dù sau này Eddie Adams đã nhìn nhận
ở bất cứ cuộc chiến nào, người ta vẫn thường làm như vậy (giết đối phương để
trả thù tại chỗ), nhưng hiếm có nhiếp ảnh viên nào chụp hình được mà thôi.
Sài Gòn Execution cũng
là tấm hình nghiệt ngã, đè nặng oan khiên lên cuộc đời và tương lai binh nghiệp
của Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan …Có hai người đã chết trong tấm hình
đó, kẻ nhận viên đạn và tướng Nguyễn Ngọc Loan. Viên tướng giết tên Việt Cộng
và tôi giết viên tướng bằng máy ảnh của tôi… (Eddie Adams, Eulogy,
Time, July 27, 1998), dù với công tâm và xét tới cùng rõ ràng đây cũng chỉ là
một hành động cấp thời, dứt khoát của một chức trách chỉ huy cao cấp nhất trong
ngành chấp chưởng pháp luật, đang hiện diện trong vùng trách nhiệm bị hổn loạn
vì chiến cuộc, cần thực thi nhiệm vụ một cách mạnh mẽ, nhanh chóng thụ lý nội
vụ phạm pháp và có ngay một đáp ứng thích đáng, bằng việc bắt kẻ sát nhân phải
đền tội ngay tại phạm trường.
…Still photographs are
most powerful weapon in the world. People believe them, but photographs do lie,
even without manipulation. They are only half – truths. What the photograph
didn’t say was "What would you do if you were the general at that time and
place on that hot day, and you caught the so-called bad guy after he blew away
one, two or three American soldiers. How do you know you wouldn’t have pulled
the trigger yourself?". General Loan was what you would call a real
warrior, admired by his troops. I‘m not saying what he did was right, but you
have to put yourself in his position (…). I sent flowers when I heard that he
had died and wrote I‘m sorry. There are tears in my eyes… (Eddie Adams, Eulogy,
1998).
…Những tấm hình vô tri
vẫn là thứ vũ khí mạnh nhất thế giới. Mọi người đều tin vào nó, nhưng tấm hình
cũng có thể nói dối, dù không hề có sự cố ý ngụy tạo. Hình ảnh chỉ là một nửa
sự thật. Những gì tấm hình không nói là "Bạn sẽ làm gì nếu bạn là ông
tướng vào lúc đó, tại nơi đó, trong cái ngày nóng bỏng đó và bạn đã bắt được
một kẻ bị coi là tên khốn khiếp sau khi y mới vừa giết hại một, hai, hay ba
quân nhân Hoa Kỳ. Làm sao bạn biết được nếu chính là bạn, bạn sẽ không bóp
cò?". Tướng Loan đúng là người bạn có thể gọi là một chiến binh thực thụ
và được thuộc cấp ngưỡng mộ. Tôi không nói điều ông ta đã làm là đúng, nhưng
bạn phải đặt mình vào vị trí của ông ta (…). Tôi gởi hoa viếng tang khi nghe
tin ông ta qua đời và với lời điếu "Tôi xin lỗi. Có những giọt lệ trong
mắt tôi"… (Eddie Adams, Tụng
ca, 1998).
Ngày mùng 7 tết, tức ngày 6/2/1968 lễ an táng tập thể cho gia
đình Đại tá Nguyễn Tuấn được tổ chức (hình số 4).
Hình số 4: Đám tang
tập thể gia đình Đại tá Nguyễn Tuấn 6/2/1968, Việt Nam: A Chronicle of the War,
Black Dog & Leventhal Publishers, 2003.
Khi nào thì những thảm cảnh kinh khủng, quy mô vượt xa Sài Gòn
Execution như tập thể nạn nhân là hơn 5.000 thị dân Huế bị Việt Cộng đập đầu,
chôn sống trong vụ Hue Massacre, hay thảm nạn rõ ràng vượt quá sức chịu đựng
của một gia đình như trường hợp gia đình Đại tá Nguyễn Tuấn và với mức độ nào
của sự liêm sỉ, dám thừa nhận đúng – sai, thì những kẻ bợ đỡ chế độ cộng sản,
bọn phản chiến và những nhóm truyền thông tả khuynh mới thôi kêu gào, mới chịu
mở mắt trước hàng núi tội ác có tính bản chất của cộng sản Hà Nội trong quá
trình cưởng chiếm miền nam Việt Nam và mới có đủ can đảm – ít ra cũng như Eddie
Adams – khi chịu đấm ngực lỗi tại tôi mọi đàng – như thái độ cần phải có của
những con người công chính??!.
8/2018.
Hoàng Tất Thắng
_____________________________
Chú thích:
(1) Do muốn bạch hóa
những sự kiện lịch sử, nên bài viết có các chi tiết có tính cá nhân và riêng tư
của gia đình cố Đại tá Nguyễn Tuấn – đây là điều ngoài chủ tâm của người viết.
Rất mong được thông cảm từ những người có liên quan. - Kính / HTT.
(1) Phạm Văn Sơn, Đại
tá, Sử gia, Trận chiến tết Mậu Thân, 1968.
(2) Cao Mỵ Nhân, Thiếu
tá, Nữ Quân Nhân QLVNCH, Thảm họa Mậu Thân 1968, 29/1/2018.
(3) Web Naval Sea
Systems Command Media, 1/2018, Đại úy Nguyễn Huấn, Thư gởi Nguyễn Văn Tín đăng
trên Web Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu.
(4) Kiều Công Cự, Đại
úy TQLC, Tiểu đoàn 2TQLC, Những ngày đầu nghiệp lính & Tết Mậu Thân,
29/2/2010.
No comments:
Post a Comment