Thursday, April 16, 2020

Nhận định của lứa thiếu niên vào thời 1975 về cuộc xoay vần chế độ!


Nhận định của lứa thiếu niên vào thời 1975 về cuộc xoay vần chế độ!
Diễm Thi, RFA
2020-04-15

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 được Nhà nước Việt Nam gọi là Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước trong khi báo chí nước ngoài thì gọi đây là Ngày Sài Gòn sụp đổ (Fall of Saigon).
Sáng hôm đó, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (VNCH) Dương Văn Minh và chính phủ của ông tuyên bố đầu hàng vô điều kiện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, chấm dứt chiến tranh.
Sau chiến tranh, có khoảng 250.000 người chết trong các trại cải tạo; không biết bao nhiêu người chết trên đường vượt biển; khoảng hai triệu người phải bỏ nước ra đi và cuộc sống nhiều người miền Nam lâm vào cảnh lầm than tăm tối!
Những thanh thiếu niên đang tuổi lớn với nhiều hoài bão, ước vọng bỗng chốc đổi đời, buộc phải hòa nhập vào xã hội mới, chứng kiến biến cố 30 tháng 4 với sự ngơ ngác. Có người hòa nhập được, có người không, nhưng đa số họ bị hụt hẫng.
Chị N., một thiếu niên 17 tuổi vào năm 1975 nói với RFA rằng, chị bị sốc trong môi trường mới và không thể hòa nhập:
“Nền giáo dục của hai chế độ quá khác nhau. Chị chỉ nêu ví dụ môn “Công dân giáo dục” dạy cho mình nghĩa vụ làm người, chuẩn mực đạo đức của một con người và trách nhiệm của một công dân đối với cộng đồng, với xã hội.
Sau 1975 đi học thì có môn “Đạo đức”. Ban đầu chị nghĩ môn này dạy cho học sinh những tính tốt, lòng nhân ái. Nhưng không phải, chị được học đạo đức cách mạng, được học yêu nước, yêu tổ quốc bằng cách yêu chủ nghĩa xã hội, học yêu thương là căm thù. Chị không hiểu nhưng không dám hỏi vì sợ là ‘phạm chính trị’. Căm thù ở đây căm thù Mỹ ngụy, căm thù giai cấp, căm thù những người có nhận thức khác mình. Người nào biết căm thù thì người đó mới có lòng yêu thương. Chị cảm thấy lạc lõng, chị không thích ứng được với môi trường mới.”
Khác với chị N., chị Hoàng Mai vừa tròn 18 tuổi vào năm 1975 thì ‘ai sao mình vậy’. Sau khi tìm mọi cách ra đi để thỏa mãn ước nguyện tuổi trẻ không thành công, chị quay lại giảng đường đại học, nhưng một lần nữa, tấm “lý lịch đen”của gia đình lại giết chết hoài bão của chị. Chị kể:
“Đáng lẽ hết năm lớp 12, tức là 18 tuổi thì gia đình cho chị đi du học, nhưng năm 1975 mất nước, bố chị đi học tập cải tạo. Cuộc đời chị thay đổi hoàn toàn. Ước mơ biến mất. Những người trí thức không còn cơ hội cống hiến, không được làm đúng ngành nghề của mình mà làm những gì có tiền sống là được. Chị xin việc ở đâu họ cũng không nhận vì bố chị đi cải tạo. Chị quay trở lại trường học và khi ra trường ngành sư phạm thì lại kẹt vô lý lịch, chị bị đẩy đi ngoại thành luôn cho đến lúc nghỉ việc.”
Chị thấy may mắn cho lớp trẻ sau này không phải chịu cuộc sống khổ cực như chị ngày xưa. Sau 45 năm, đời sống kinh tế khá hơn rất nhiều cho dù nhiều mặt còn tụt hậu so với thế giới.
Ông Đinh Kim Phúc, một thiếu niên 16 tuổi lúc bấy giờ được các sinh viên (nằm vùng trước 1975) tuyên truyền, động viên khiến ông thấy tất cả đều màu hồng, thấy Chủ nghĩa Xã hội quá tốt đẹp, thấy một cái đất nước hòa bình thống nhất không còn chiến tranh, không còn chết chóc, mọi người đều bình đẳng. Ông kể:
“Ngày 30/4/1975 tôi 16 tuổi, đang học lớp 10. Lúc đó tôi đang ở trong lớp “Huấn luyện nhân dân tự vệ”. Trước năm 1975, dù chỉ mới mười mấy tuổi nhưng tôi đã ý thức về chính trị, về xã hội, về chiến tranh vì đa số giáo sư dạy chúng tôi lúc đó đều là giáo sư chuyển ngành, tức các thầy được đưa vào quân đội, sau đó biệt phái quay trở về dạy học. Có nhiều thầy mang tư tưởng phản chiến, họ muốn hòa bình. Họ truyền tinh thần yêu nước, chán ghét chiến tranh.
Sáng ngày 1/5/1975 thì lực lượng cách mạng mới về thị xã Vĩnh Long. Cuộc đời tôi sang trang từ ngày đó… Tôi là một trong những học sinh phổ thông được kết nạp vào đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng sớm nhất trong tỉnh. Lúc bấy giờ chưa đổi tên là đoàn thanh niên cộng sản HCM.”
Theo ông Phúc, trong 45 năm qua, cái mà nhìn thấy rõ nhất giữa chế độ VNCH và chế độ hiện nay là giáo dục và đạo đức. Cả hai lãnh vực này ngày càng đi xuống. Đặc biệt đạo đức tỷ lệ nghịch với tốc độ cũng như sự giàu có trong xã hội. Còn về giáo dục, ông nói:
“Giáo dục hiện nay ngày càng đi xuống. Một nền giáo dục thật sự đã đào tạo chúng tôi nhìn thấy được hiện trạng xã hội ngay từ thời đất nước còn chiến tranh. Chúng tôi phân biệt được đúng sai, phân biệt được đạo đức và phi đạo đức, thấy cái bi cái hùng, thấy cái nào là cái đẹp của xã hội, cái nào đáng lên án…
45 năm qua, từ một học sinh trở thành bộ đội rồi quay lại ghế nhà trường, rồi trở thành giảng viên đại học thì tôi cũng nói thật rằng, trình độ hiện nay của tôi đang có nếu ở thời VNCH thì tôi không có chỗ đứng trong giảng đường đại học. Tôi thấy tất cả các thầy cô của tôi trước 1975 đều rất giỏi.”
Ông Phúc nói thêm rằng, với thực trạng tham nhũng, hối lộ, phi đạo đức, vô nhân tính đầy rẫy trong xã hội Việt Nam, ai cũng muốn phải thay đổi để xã hội tốt đẹp hơn. Đó là cái người dân quan tâm.
Nhưng mục tiêu của nền giáo dục phải đào tạo ra một con người giúp ích cho xã hội phát triển chứ không phải đào tạo ra một người dễ sai dễ bảo, tuyệt đối trung thành, không biết phân biệt đúng sai. Thấy đúng cũng không dám bảo vệ, thấy sai cũng không dám nói. Tất cả chỉ vun vén lo cho mình, cho gia đình mình và thấy đó là hạnh phúc thì xã hội đó sớm muộn gì cũng bị diệt vong.
Là một thiếu niên 14 tuổi, cái tuổi chưa lớn nhưng không quá nhỏ để nhận biết những thay đổi của xã hội ảnh hưởng đến gia đình ra sao, lại sống trong một gia đình mà ông tự nhận là phức tạp (người theo cộng sản, người theo quốc gia, người nằm vùng), ông Nguyễn Đình Ngọc nhận định sự khác biệt lúc giao thời mà ông chưa từng chứng kiến trước đó:
“Với tư cách là một người dân sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn tôi không thể nào quên cái ngày mà tôi gọi là siêu thảm họa - ngày 30 tháng 4 năm 1975. Hai điều ấn tượng với tôi sau ngày này theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen và cái đói và bóng tối.
Nghĩa bóng của cái đói là đói về tinh thần, về học hành, về văn hóa, về nghệ thuật. Nó xuất phát từ cái đói của nghĩa đen. Người cộng sản lúc đó cai trị người dân bằng cái đói.
Còn về bóng tối thì sau 1975 vài năm, một tuần cúp điện 5, 6 ngày. Hậu quả của cái đói và bóng tối là mọi lĩnh vực xuống dốc một cách thảm hại. Một đất nước văn minh hay lạc hậu thể hiện qua hai lĩnh vực chủ yếu là giáo dục và y tế. Ngày hôm nay giáo dục bết bát một cách trầm trọng, y tế xuống dốc một cách thảm hại.”
Thế hệ của ông lớn lên tràn ngập trong cái đói và bóng tối như vậy nên sau này, ông tìm hiểu về chính thể VNCH và ông nhận thấy đây là một chính thể tự do dân chủ và lương thiện. Chính thể này không mị dận, không nhồi sọ dân, khác hẳn với chế độ cộng sản. Ông dẫn chứng câu nói của nhà văn Dương Thu Hương sau ngày 30 tháng 4, khi bà vào miền Nam: Một nền văn minh đã thua một chế độ man rợ!
Tuy vậy, ông Nguyễn Đình Ngọc nhận định ngày nay người dân dễ thở hơn về mặt kinh tế:
“45 qua có quá nhiều khác biệt so với năm 1975 bởi nó theo dòng chảy của lịch sử, nó theo dòng chảy của hội nhập thế giới. Khoảng thời gian từ 1975 đến 1995 là thời gian nghèo đói và tăm tối. Giai đoạn 1995 tới nay, nói một cách khách quan và công bằng rằng, nếu Hoa Kỳ không bỏ cấm vận thì tôi tin rằng ngày hôm nay Việt Nam vẫn tăm tối lầm than như Bắc Hàn hay Cuba mà qua internet ai cũng thấy rõ.
Nhận định về kinh tế, ông Ngô Trường An, một thiếu niên trưởng thành sau 1975 đánh giá sự khác biệt:
“Người cộng sản có cách thâu tóm tài sản rất giỏi. Chỉ cần chuyển đổi mô hình từ kinh tế thị trường qua kinh tế tập thể và ngược lại, là họ có thể hốt sạch tài sản nhân dân về tay họ.
Miền Nam trước 1975 theo nền kinh tế thị trường. Khi chính phủ Miền Bắc vào tiếp quản, họ bắt tay xây dựng ngay nền kinh tế tập thể. Thế là tất cả các hãng xưởng, nhà máy, xí nghiệp, công ty...của tư nhân bị nhà nước thâu tóm dưới chiêu bài: "quốc hữu hóa"!
Ở nông thôn thì đất vườn, đất ruộng, trâu bò, vật nuôi, máy cày, xe tải... đều được dồn vào Hợp Tác Xã do nhà nước làm chủ sở hữu. Người nông dân trắng tay!
Khi mô hình kinh tế tập thể không còn sinh lợi cho đảng nữa, họ lập tức chuyển qua nền kinh tế thị trường (có thêm cái đuôi tào lao: định hướng xã hội chủ nghĩa)…”
Dù muốn dù không thì chiến tranh qua đi cũng đã 45 năm. Người dân Việt Nam vẫn phải sống dưới chế độ độc đảng toàn trị. Chúng tôi xin dẫn lại câu nói của vị tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ, Ronald Wilson Reagan:
“…Chấm dứt chiến tranh không đơn giản là chỉ rút quân và trở về nhà. Bởi lẽ, cái giá phải trả cho loại hòa bình đó có thể là ngàn năm tăm tối cho các thế hệ sinh sau tại Việt Nam.”
“... Ending a conflict is not so simple, not just calling it off and coming home. Because the price for that kind of peace could be a thousand years of darkness for generation's Viet Nam borned”.


No comments:

Post a Comment