Wednesday, June 19, 2019

Bắn lựu đạn cay vào tủ kính Hong Kong - Nguyễn Xuân Nghĩa


Bắn lựu đạn cay vào tủ kính Hong Kong
Nguyễn Xuân Nghĩa
2019-06-18
Hành chánh Trưởng quan Lâm Trịnh Nguyệt Nga có thể từ chức vì dự luật dẫn độ gây ra khủng hoảng tại Hong Kong, mà Tổng bí thư Tập Cận Bình thì không. Đấy mới là vấn đề của Trung Quốc. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu nghịch lý này…
Vì sao Hong Kong khủng hoảng?
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, đề tài tuần này sẽ là vụ khủng khoảng tại Hong Kong khi dự luật dẫn độ lại gây phản ứng dữ dội của người dân khiến vị Hành chánh Trưởng quan là bà Carrie Lâm hay Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải đình chỉ việc Nghị viện thảo luận về văn kiện này rồi xin lỗi người dân. Theo dõi vụ khủng hoảng, ông nghĩ sao và cho rằng chúng ta nên kết luận như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng cái gốc của vụ khủng hoảng Hong Kong nằm tại Bắc Kinh và thuộc về trách nhiệm của chính Tổng bí thư Tập Cận Bình.
- Sau ba vụ biểu tình phản đối dự luật mang ý nghĩa lịch sử vào các ngày chín, 12 và 16, lịch sử vì số người tham gia quá đông vào hai ngày Chủ Nhật và vì sự đàn áp quá nặng của Cảnh sát vào ngày Thứ Tư 12, Chính quyền Hong Kong phơi bày sự bất lực trước làn sóng phẫn nộ của dân chúng. Nhưng mà Bắc Kinh khó giải nhiệm bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nên sự phẫn nộ vẫn còn và điều ấy mới là vấn đề cho ông Tập Cận Bình. Chúng ta sẽ từng bước tìm hiểu tại sao…
Người dân Hong Kong có dân trí rất cao, và giới trẻ Hong Kong có dân khí rất mạnh. Họ không cần có tổ chức và lãnh đạo hay lãnh tụ mà gây khó cho một chế độ có nhiều phương tiện tân tiến để kiểm soát tư tưởng và hành vi của mọi người.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Thưa ông, chúng ta sẽ khởi đi từ dự luật dẫn độ gây tai tiếng này hay từ những biến cố nào khác xảy ra trước đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau khi tiếp thu Hong Kong từ nước Anh vào mùng một Tháng Bảy năm 1997, lãnh đạo Bắc Kinh lầm tưởng rằng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc tất nhiên vượt qua Hong Kong - như với hai trung tâm tài chính là Thượng Hải và Thâm Quyến nay đã hội nhập vào luồng giao dịch với quốc tế – nên đặc khu mất dần tầm quan trọng và cũng mất dần quy chế tự trị mà Bắc Kinh đã cam kết trước đó. Đấy là sự lầm lẫn thứ nhất.
- Thứ hai, sau khi tăng cường kiểm soát hệ thống cai trị đặc khu này - ban đầu thì còn kín đáo rồi ngày càng lộ liễu kể từ năm 2014 về sau - Bắc Kinh cân nhắc rủi ro kinh tế với rủi ro chính trị và tưởng có thể vượt qua được rủi ro chính trị nên mới bầy ra dự luật dẫn độ để kiểm soát Hong Kong mà không ngờ người dân đặc khu lại phản ứng đông đảo và kiên định như vậy nên đành để cho Đặc khu trưởng lãnh trách nhiệm. Thật ra, trách nhiệm nằm trong tay Tổng bí thư Tập Cận Bình. Lầm lẫn thứ hai này là sự chủ quan của viên Tổng bí thư sau khi đã thâu tóm quyền lực tuyệt đối vào trong tay.
Trách nhiệm của ai?
Nguyên Lam: Vì sao ông có vẻ nhấn mạnh đến trách nhiệm của viên Tổng bí thư Tập Cận Bình?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vì chính ông ta nói ra điều ấy khi thăm Hong Kong trong ba ngày, chứng giám lễ nhậm chức của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga và đọc bài diễn văn hôm mùng một Tháng Bảy năm 2017 nhân lễ kỷ niệm 20 năm Hong Kong “hồi quy cố quốc”. Trong bài diễn văn, họ Tập nói tới hai khía cạnh kinh tế và chính trị của Hong Kong và rằng, tôi xin trích dẫn; “bất cứ dự tính nào đe dọa chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, hay thách đố quyền hạn của chính quyền trung ương (tại Bắc Kinh) hoặc dùng Hong Kong để xâm nhập hay phá hoại Hoa lục đều là hành động vượt qua lằn ranh đỏ và không thể chấp nhận được. Hong Kong phải cải tiến hệ thống luật lệ để tôn trọng chủ quyền, an ninh và sự thịnh vượng của quốc gia”. Quốc gia ở đây là Trung Cộng và lời tuyên bố ấy của Tập Cận Bình có nghĩa là Hong Kong chỉ là một tỉnh của Trung Quốc thôi mà chẳng cần đợi tới năm 2047 như đã thỏa thuận với Anh quốc về tương lai Hong Kong theo nguyên tắc “nhất quốc lưỡng chế” trong 50 năm. Việc ban hành đạo luật dẫn độ là một “cải tiến luật lệ” theo lệnh của họ Tập, có thể do Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Hàn Chính chỉ đạo việc thi hành cho Carrie Lâm thực hiện.

Nguyên Lam: Nói về tầm quan trọng kinh tế và chính trị của Hong Kong, ông cho rằng ông Tập Cận Bình còn sai lầm ở điều gì nữa?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước khi về với Trung Quốc thì sản lượng kinh tế của Hong Kong cao bằng khoảng 25% sản lượng kinh tế Trung Quốc. Ngày nay, sản lượng của Hong Kong chưa tới 3% của sản lượng Hoa lục và còn thua sản lượng của thành phố Thâm Quyến. Nhưng Tập Cận Bình đánh giá sai rủi ro chính trị vì mặc dù có được du học nước ngoài, ông ta không nhận chân giá trị của Đặc khu này là chế độ pháp lý mà người dân đã hưởng từ lâu.
- Chúng ta ta nên nhớ rằng Kong Kong không có dân chủ vì là một thuộc địa của Anh, với lãnh đạo do Đế quốc Anh chỉ định. Nhưng Hong Kong vẫn có tự do, thuộc loại tự do nhất thế giới nhờ chế độ pháp trị, tức là hệ thống luật lệ công khai minh bạch áp dụng cho mọi người và được mọi người tuân thủ. Đấy là tủ kính trưng bày giá trị của luật pháp khiến thiên hạ vui vẻ làm ăn với niềm tin là luật lệ sẽ bảo vệ quyền tự do cho mọi người, nhờ đó ai cũng có quyền phê bình và sáng tạo. Sức mạnh kinh tế của Hong Kong chỉ là kết quả của hệ thống luật lệ nghiêm minh trong tinh thần cởi mở, phê bình và sáng tạo.
Nguyên Lam: Và thưa ông, phải chăng Tổng bí thư Tập Cận Bình đánh giá sai cái nền tảng căn bản đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đúng như vậy. Một người đã tập trung quyền lực và có toàn quyền ban hành mọi luật lệ tại Hoa lục như Tập Cận Bình thì nghĩ luật lệ của Hong Kong có thể nhiễm độc vào Trung Quốc và thu hẹp quyền hạn của mình nên mới đòi sửa với luật dẫn độ. Ông ta thọc tay bóp nát cái bánh da lợn mà chẳng đạt kết quả mà chỉ làm tinh thần tự do của Hong Kong càng bùng phát.
- Kết cuộc thì cảnh sát Hong Kong đã bắn lựu đạn cay vào tủ kính tráng lệ của một phòng triển lãm vĩ đại trước sự chứng kiến của cả thế giới và đạo diễn của bi hài kịch này là Tập Cận Bình khó đổ lỗi cho ai khác.
Ưu thế tự do
Nguyên Lam: Nếu vậy, thưa ông, phải chăng ưu thế tự do chứ không phải là sức mạnh kinh tế của Hong Kong mới là mối nguy chính trị cho lãnh đạo Bắc Kinh?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng thế hệ Đặng Tiểu Bình hiểu ra ưu thế của Hong Kong khi cần phát huy tinh thần sáng tạo và học từ Hong Kong những gì sẽ áp dụng cho Thâm Quyến nên có đạt kết quả chuyển hóa rất ngoạn mục.
- Nhưng tình hình Trung Quốc ngày nay đã khác, với quá nhiều bài toán bên trong và vì các bài toán đó, lãnh đạo của đảng Cộng sản mới dần dần trao toàn quyền cho Tập Cận Bình. Họ tưởng rằng chế độ độc tài toàn trị sẽ giải quyết được mọi việc. Đấy là một sai lầm khác của họ Tập: ông ta không thể giải quyết được mọi vấn đề, như nâng cao sức tiêu thụ nội địa, bảo vệ môi sinh và giải trừ nguy cơ khủng hoảng tài chính vì núi nợ quá lớn trong khi đà tăng trưởng cứ giảm dần. Ta chưa nói gì về áp lực rất mạnh của Hoa Kỳ nhằm thay đổi hệ thống luật lệ Trung Quốc cho thông thoáng minh bạch hơn. Thông thoáng minh bạch như…. Hong Kong.
Như mọi nhà độc tài cổ kim, Tập Cận Bình tưởng quyền lực tuyệt đối là sức mạnh vô song, không ai địch nổi. Tuổi trẻ Hong Kong vừa chứng minh ngược, và sẽ còn tiếp tục nên làm suy yếu vị trí của Tập Cận Bình.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Thưa ông, liệu sức ép của Hoa Kỳ có góp phần gây ra vụ khủng hoảng tại Hong Kong hay chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Lãnh đạo Bắc Kinh đang muốn giải thích như vậy cho đảng viên cán bộ trong khi hoàn toàn kiểm duyệt mọi nguồn tin để dân Hoa lục không thể biết gì về những gì đang xảy ra tại Hong Kông. Vô hình chung, thế giới lại thấy tủ kính Hong Kong bốc khói vì bị quăng lựu đạn cay trong khi dân Trung Quốc bị bịt mắt nên chẳng thấy cả triệu người Hong Kong biểu tình rầm rộ.
- Tôi ngờ rằng dù không thể nói ra, Tập Cận Bình cũng biết mình đang lâm vào khủng hoảng cho nên tăng cường kiểm soát và đàn áp người dân Trung Quốc. Nhưng chính vì vậy, ông ta mới sợ tinh thần cởi mở từ Hong Kong sẽ gieo họa vào Hoa Lục, như ông phát biểu cách nay đúng hai năm tại Hong Kong. Hy sinh tự ái, họ Tập muốn Bắc Kinh xiết gọng kìm để kiểm soát Hong Kong, nào ngờ gọng kìm lại gẫy trước sự chứng giám của cả thế giới!
Nguyên Lam: Nếu vậy, chúng ta có thể nào kết luận rằng ông Tập Cận Bình đã lấy rủi ro lớn khi muốn kiểm soát Hong Kong và nay lại gặp một rủi ro lớn hơn?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đúng như vậy. Người dân Hong Kong có dân trí rất cao, và giới trẻ Hong Kong có dân khí rất mạnh. Họ không cần có tổ chức và lãnh đạo hay lãnh tụ mà gây khó cho một chế độ có nhiều phương tiện tân tiến để kiểm soát tư tưởng và hành vi của mọi người. Họ sẽ còn tiếp tục biểu tình phản đối để bảo vệ được nền tự do của Hong Kong, lần tới sẽ là Chủ Nhật 30 Tháng Sáu và Thứ Hai mùng một Tháng Bảy, nhân lễ kỷ niệm “hồi quy cố quốc” ngày một Tháng Bảy 1997.
- Bên cạnh đó, Đài Loan cũng thấy sự phá sản của nguyên tắc “nhất quốc lưỡng chế” - một quốc gia hai chế độ chính trị - mà Bắc Kinh hứa áp dụng cho Hong Kong và Đài Loan. Dân Hong Kong đã chống lại chế độ chính trị do Bắc Kinh áp đặt cho mình, dân Đài Loan cũng thấy số phận đen tối của họ sau này khi bị Bắc Kinh thống hợp bằng ngoại giao hay quân sự. Như mọi nhà độc tài cổ kim, Tập Cận Bình tưởng quyền lực tuyệt đối là sức mạnh vô song, không ai địch nổi. Tuổi trẻ Hong Kong vừa chứng minh ngược, và sẽ còn tiếp tục nên làm suy yếu vị trí của Tập Cận Bình.
- Hậu quả là người dân Hoa lục sẽ bị đàn áp mạnh hơn cho nên các vấn đề kinh tế xã hội lại dội ngược lên chính trị làm cái “trật tự thế giới theo kiểu Bắc Kinh” mà Tập Cận Bình đang rao bán cho các nước sẽ là một hỗn độn lớn!
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích tuần này.


No comments:

Post a Comment