Monday, May 6, 2019

Sản lượng và cái bẫy kế toán - Nguyễn Xuân Nghĩa


Sản lượng và cái bẫy kế toán
Nguyễn Xuân Nghĩa
Trước Diễn đàn “Vành Đai Con Đường” vào tuần qua tại Bắc Kinh, Tổng bí thư Tập Cận Bình cố trấn an dư luận về sự minh bạch và bền vững của cả kế hoạch. Lý do là quốc tế liên tục cảnh báo về hiện tượng “bẫy nợ” mà các nước nghèo có thể bị khi vay tiền Trung Quốc thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng trong khuôn khổ sáng kiến “Nhất Đới Nhất Lộ” của Bắc Kinh. Diễn đàn Kinh tế sẽ nói tới một cái bẫy khác….
Vành đai, Con đường
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, tuần qua Trung Quốc đã tổ chức tại Bắc Kinh một hội nghị gọi là diễn đàn liên quan tới sáng kiến phát triển hệ thống xây dựng hạ tầng cơ sở trong đất liền và ngoài biển, gọi là “Nhất Đới Nhất Lộ” do Tổng bí thư Tập Cận Bình đề xướng từ sáu năm trước, nay gọi là “Vành Đai Con Đường”. Theo dõi hội nghị này, ông có nhận xét gì?
Khác với hội nghị năm 2017 có tính biểu dương rất duy ý chí, hội nghị “Vành đai, Con đường” năm nay là sự trấn an để xoa dịu và mời chào quốc tế với hứa hẹn tuân thủ quy luật thị trường,
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là sau sáu năm xoay trở, ông Tập Cận Bình đang hạ chân xuống đất. Thứ nhất, tham vọng văn hóa của ông là mở lại “Con Đường Tơ Lụa” vốn đã có từ thời thượng cổ. Thật ra, nó chẳng xuất phát từ Trung Quốc mà từ Trung Đông và Trung Á qua bên Tầu. Thứ hai, tham vọng kinh tế của ông là khai thông qua hướng Tây sự bế tắc của các tỉnh bị khóa trong lục địa, rồi phát triển cơ hội hợp tác với các nước khác nhằm giải quyết yêu cầu kinh tế. Thứ ba, về an ninh, các cơ hội hợp tác đó củng cố vai trò chiến lược của Trung Quốc với nhiều bạn hàng sau này sẽ là đồng minh đồng chí của đà bành trướng.
- Sự kiện kế hoạch có nhiều tên gọi khác nhau, với nội dung là sáu “tẩu lang” trên đất liền từ Trung Á qua Trung Đông tới Âu Châu và các đường hàng hải ngoài biển, cho thấy sự định hình chậm rãi của một sáng kiến đa diện lắm tham vọng. Thế rồi hệ thống kinh tế chính trị Bắc Kinh, với vai trò chủ động của doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan tài trợ như Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á châu, lại gây hậu quả bất lường, là các nước đang phát triển được khuyến dụ tham gia bị mắc nợ, gọi là rơi vào bẫy nợ, môi sinh bị ô nhiễm và chủ quyền bị đe dọa.
- Đâm ra về mặt nổi, Bắc Kinh đã bành trướng sức mạnh mềm của mình mà chìm sâu bên dưới là phản ứng hoài nghi của nhiều nước. Vì vậy, khác hội nghị năm 2017 có tính biểu dương rất duy ý chí, hội nghị năm nay là sự trấn an để xoa dịu và mời chào quốc tế với hứa hẹn tuân thủ quy luật thị trường, nhưng việc tổ chức lại luộm thuộm từ hôm Thứ Năm 25 trước khi họ Tập xuất hiện hôm sau với phát biểu ôn tồn về Vành Đai Con Đường và về trận thương chiến với Hoa Kỳ. Có gì đó rất kỳ đang xảy ra tại Bắc Kinh. Riêng tôi thì tự hỏi vì sao các nước lại mắc bẫy và xin đề nghị là ta nên chú ý tới việc đó.
Nguyên Lam: Như Nguyên Lam hiểu thì ông vừa trình bày những toan tính có dời đổi của lãnh đạo Bắc Kinh nhưng để cảnh báo về cách suy nghĩ của các nước khác, có phải như vậy không, thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta nên đi từ nền móng của vấn đề. Các quốc gia đã phát triển nay tranh luận rất căng về phẩm chất của phát triển, tới độ báo động rằng kinh tế thị trường và tư bản chủ nghĩa bị khủng hoảng làm thiên hạ hiểu lầm. Các quốc gia đang phát triển, kể cả Trung Quốc và Việt Nam, thì mới ở trình độ chú trọng tới số lượng của đà tăng trưởng chứ chưa lên tới cái vế phẩm chất hay chất lượng. Nói vắn tắt thì ta có một thế giới quan tâm đến phẩm và thế giới kia của đa số mới chỉ quan tâm đến lượng mà thôi. Và đấy mới là cái bẫy đáng ngại!
Lượng và phẩm
Nguyên Lam: Thính giả của chúng ta có thể hiểu cách nêu vấn đề của ông, nhưng cái bẫy ông nói về việc quan tâm đến lượng mà thiếu phẩm là gì trong thực tế?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chưa nói đến yếu tố xã hội hay môi sinh của tăng trưởng, kỳ này tôi chỉ đề cập tới… kế toán, là cách tính ra đà tăng trưởng. Các nước đang phát triển, là mỹ từ lịch sự để nói đến tình trạng chậm tiến, đều muốn tiến nhanh và chấp vào một khái niệm hay phạm trù kế toán là sản lượng: sản lượng gia tăng là kinh tế có tăng trưởng. Chế độ chủ quan duy ý chí thì đề ra chỉ tiêu hàng năm, hay năm năm, của đà tăng trưởng để cả nước thi đua hoàn thành. Bên trong, các cơ chế hay cơ quan hữu trách lấy chỉ tiêu đó làm tiêu chuẩn thẩm định kế hoạch, chương trình hay từng dự án. Một dự án hay công trình mà có thể tăng sản lượng kinh tế bằng hay cao hơn chỉ tiêu ở trên đưa xuống là coi như có giá trị. Vấn đề kế toán ở đây là lấy gì, ở đâu và tốn kém chừng nào để có được sản lượng đó?
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin đề nghị ông nêu một thí dụ cụ thể cho thính giả của chúng ta.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin nêu hai thí dụ. Nếu nhà nước say đòn vì được quốc tế xoa đầu khen là kinh tế tăng trưởng 7% một năm, con số nhiệm màu này là chỉ tiêu mà các cơ quan hay doanh nghiệp công tư đều phải hoàn thành. Từ đó, địa phương hay doanh nghiệp nhà nước đều tìm cách đi vay nhằm đạt chỉ tiêu.
- Vấn đề kế toán ở đây là người ta không tính ra các loại phí tổn của việc đi vay và ta thấy ra tai họa đó của Trung Quốc là vay quá nhiều để đạt mức tăng trưởng ảo được đo lường bằng sản lượng, cũng là một số liệu kế toán quốc gia sai lạc. Nếu vay một triệu bạc cho một công trình chỉ nâng đà tăng trưởng có nửa triệu, là chuyện bình thường mà người ta gọi là “sản nhập” không phải sản xuất tại Trung Quốc, thì kế toán vẫn ghi sai là sản lượng tăng một triệu dù đà tăng trưởng thật chỉ có một nửa. Vì vậy, thống kê về Tổng sản lượng GDP của Trung Quốc là không đáng tin và lãnh đạo Bắc Kinh có biết như vậy.
Nguyên Lam: Ông nói tới hai thí dụ. Thưa ông, thí dụ kia là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thí dụ kia là Việt Nam đang ra sức thực hiện kế hoạch gồm nhiều dự án cho con đường cao tốc Bắc-Nam trải dài 1.800 cây số. Một phần của kế hoạch là các dự án dài 654 cây số sẽ tốn 118 nghìn tỷ bạc từ nhiều nguồn tài trợ do nhiều cơ chế thực hiện. Nguồn tài trợ của nhà nước có thể là 55.000 tỷ, của tư nhân là 63 nghìn. Chuyện kế toán là nhà nước lấy đâu ra 55 nghìn tỷ đó? Lấy từ ngân sách đang bị bội chi hay phải đi vay như thí dụ ta vừa nói về Trung Quốc, vì khi vay thì trả lãi ra sao và ai sẽ trả sau này với kết quả thực tế là gì?
Nguyên Lam: Thưa ông, còn 63 nghìn tỷ kia nữa chứ? Vấn đề kế toán sẽ là gì?
Trong khi thế giới báo động về cái máy chém Bắc Kinh thì Việt Nam lại chui đầu vào đó và sẽ lại bị bẫy.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Phần tài trợ và thực hiện đó có thể là đầu tư nội địa hay ngoại quốc. Giới đầu tư nội địa, nghĩa là Việt Nam, khó có ngay 63 nghìn tỷ cho thời hạn ba năm của kế hoạch nên cũng sẽ có vấn đề kế toán. Họ bỏ vốn riêng và mong là phải có lời, đa số còn lại là đi vay nên cũng phải trả lãi. Họ vay ai nếu không từ các nhà đầu tư tài chính khác? Chưa nói đến yếu tố đất đai và kỹ thuật, khoản tiền lời và lãi đó cũng là phí tổn của dự án mà ai sẽ bút ghi hay bút toán các khoản lãi đơn chồng lãi kép này? Hệ thống kế toán quản trị của chúng ta đã có trình độ kỹ thuật nhằm giải quyết vấn đề này chưa? Tôi e rằng chưa.
Nguyên Lam: Nhưng còn có khả năng của giới đầu tư ngoại quốc cho yêu cầu 63 nghìn tỷ đó. Thưa ông, trong vụ này, vấn đề kế toán sẽ là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta đang trở lại Con Đường Tơ Lụa của Trung Quốc!
- Nhà đầu tư ngoại quốc là những ai và ai trong bộ máy nhà nước của Việt Nam sẽ quyết định về việc gọi thầu và đấu thầu cho các dự án xây dựng hạ tầng này? Khi doanh nghiệp Trung Quốc đã chực sẵn để nhập cuộc, với hứa hẹn thực hiện toàn bộ công trình Bắc Nam, họ sẽ nắm lấy xương sống của Việt Nam như nhiều người đã thấy và đã sợ. Mà họ có hệ thống kế toán riêng để tính ra lời lãi, lời về an ninh chiến lược và lãi là khi bút ghi rằng họ đã đầu tư ngần này tiền cho một dự án xây dựng hạ tầng, y hệt như trong kế hoạch Vành Đai Con Đường mà thế giới đang báo động.
Nguyên Lam: Kết luận của ông là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong khi thế giới báo động về cái máy chém Bắc Kinh thì Việt Nam lại chui đầu vào đó và sẽ lại bị bẫy. Ngoài yếu tố an ninh, chính trị và thậm chí tham nhũng như người ta đã thấy tại Malaysia hay Sri Lanka về Con Đường Tơ Lụa của Trung Quốc, có khi Việt Nam vẫn còn ở tình trạng đo đếm về lượng hơn là về phẩm và lãnh đạo thì khoe cái được, như đà tăng trưởng gần 7% mà chẳng nói về cái mất, ai đó sẽ phải trả sau này…
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn tuần này.
Tin, bài liên quan


No comments:

Post a Comment