Saturday, May 11, 2019

Ký Thiệt: Boomerang?


Ký Thiệt: Boomerang?
Ngày 1.5.2019, ông William Barr, Bộ trưởng Tư pháp, đã ra điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng Viện Hoa Kỳ liên quan đến phúc trình của ông Tham vấn Đặc biệt Robert Mueller về cuộc điều tra gọi là sự thông đồng của ông Donald Trump với người Nga để lèo lái cuộc bầu cử năm 2016.
Cuộc điều tra này đã chấm dứt sau khi kéo dài gần hai năm với nhiều tranh cãi và tốn nhiều tiền (34 triệu đô-la) mà kết quả là trái núi đã không đẻ ra được cái gì, kể cả một con chuột nhắt. Hay, đúng như ông Trump đã nói, chỉ là một cuộc “săn bắt phù thủy” nhảm nhí.
Vậy mà, hơn một tháng sau khi ông Mueller chấm dứt cuộc điều tra và làm phúc trình lên Bộ Tư pháp (22.3.2019), ông bộ trưởng tư pháp còn bị Quốc Hội “gọi ra” để điều tra về cuộc…điều tra của ông Mueller, bị hạch hỏi suốt năm tiếng đồng hồ, và bị một bà nghị sĩ đảng Dân Chủ mắng là đồ “nói dối”(You lied to Congress. You knew you lied, and now we know).
Nhưng, ông Barr cũng đã trả đũa, mỉa mai đảng Dân Chủ về việc đã không chịu chấp nhận kết quả cuộc điều tra của ông Mueller,  trong phúc trình 448 trang,  đã không tìm thấy bằng chứng nào về việc thông đồng giữa người Nga và ông Trump để làm đảo lộn cuộc bầu cử năm 2016.
Ông Barr nói rằng ông có sự tin tưởng khi kết luận rằng đã không có một vụ hình sự để cáo buộc ông Trump phạm tội cản trở công l‎ý, và càng thiếu bằng chứng hơn về chuyện cộng tác với người Nga. Ông cao giọng nói:
“Bằng chứng hiện nay là tổng thống đã bị buộc tội sai lầm đã thông đồng với người Nga và buộc tội phản quốc, buộc tội là một tay sai của Nga, và bằng chứng hiện nay là đã không dựa trên một nền tảng nào cả.
“Hai năm của chính quyền này đã bị chế ngự bởi những cáo buộc bây giờ được chứng minh là sai lầm, nhưng nếu nghe những luận điệu xuyên tạc người ta có thể nghĩ ngược lại.”
Ông Barr muốn ám chỉ đảng Dân Chủ và truyền thông phe phái trong suốt tháng qua đã tiếp tục khai thác những điểm mập mờ, vô tình hay cố ý, trong phúc trình của ông Mueller, nhất là về việc đã không xác nhận thiếu yếu tố pháp lý để khởi tố ông Trump về tội cản trở công lý, và đẩy cho bộ trưởng tư pháp làm việc ấy.
Cũng trong cuộc điều trần tai Thượng Viện, một lần nữa, ông Barr đã xác nhận có cuộc điều tra đang tiến hành tại Bộ Tư pháp về sự móc nối giữa người Nga và bà Clinton. Ông bộ trưởng tư pháp đã nói trước Ủy ban Tư pháp về sự mở rộng của một cuộc duyệt xét “những hoạt động diễn ra vào mùa hè 2016”, trong đó gồm có những quyết định then chốt của những viên chức FBI chống Trump quyết liệt liên quan tới các cuộc điều tra về bà Clinton và ứng cử viên đảng Cộng Hòa Donald Trump.
Một câu hỏi chính yếu là FBI đã căn cứ nhiều hay ít vào hồ sơ được lập ra do cựu điệp viên Anh Christopher Steele, sử dụng những tin tức có nguồn gốc từ Nga, và đã giúp kích động câu chuyện về sự thông đồng giữa Trump và người Nga.  Chi trả cho hồ sơ này do tiền của chiến dịch tranh cử Clinton và Đảng Dân Chủ được ngụy trang dưới chi phí vận động tranh cử trả cho văn phòng một luật sư.
Các nghị sĩ Cộng Hòa tại Thượng Viện nói rằng có thể những tin tức có nguồn gốc từ Nga mà Steele có được là do người Nga cố ‎ý cung cấp cho anh ta những chuyện bịa đặt để rồi cuối cùng tới tay những viên chức cao cấp nhất của FBI. Sự thật là cựu Giám đốc FBI James Comey là người đầu tiên đã tiếp xúc với ông Trump để  thông báo về hồ sơ Steele không bao lâu trước lễ nhậm chức của ông ta vào tháng giêng 2017.  Đó chính là đầu dây mối nhợ của câu chuyện  “thông đồng” kéo dài cho tới ngày nay.
Nhưng ông Barr cho biết ông chưa có câu trả lời, và đã nói vói Ủy ban Tư pháp Thượng Viện: “Đó là một trong những vụ mà tôi đang duyệt xét. Tôi quan tâm tới chuyện ấy và tôi không nghĩ đó chỉ hoàn toàn là suy đoán.”
Các nghị sĩ Dân Chủ đã nổi giận trước viễn ảnh một cuộc phản điều tra. Họ nói rằng nên giữ mục tiêu ở trong giới hạn ông Trump và điều mà họ tin là những nỗ lực mà ban tranh cử của ông ta để cộng tác với Nga năm 2016, và cản trở cuộc điều tra với kết quả như vậy. Họ cũng nói các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã kết luận rằng Điện Kremlin đã tung ra một chiến dịch phản thông tin rộng lớn vào năm 2016 nhằm gây thiệt hại cho bà Clinton và đẩy ông Trump lên cao trong cuộc tranh cử.
Nghị sĩ Richard Durbin, Dân Chủ-Illinois, nói rằng những vấn đề của bà Clinton là những tin tức đã cũ, không còn đáp ứng được với thực tế là những gì mà nhân dân Mỹ muốn biết.
Có thật như vậy chăng?
Một ngày sau cuộc điều trần của ông Barr trước Thượng Viện, Victor David Hanson, tiến sĩ Sử học tại Viện Hoover của Đại Học Stanfort, đã viết một bài tựa đề là “Hội chứng phóng chiếu của Clinton, Nga đã thành công trong việc gieo mầm hỗn loạn nhờ sự sử dụng những nguồn tin sai lầm của Hillary để làm ung thối một cuộc bầu cử”(Clinton projection syndrome, Russia succeeded in sowing chaos thanks to Hillary’s use of fallacious source to warp an election) nhân một bài quan điểm của bà Clinton mới đây trong đó vạch ra những lời nói và hành động của ông Trump mà bà bảo rằng bất cứ người nào khác làm như vậy thì chắc chắn đã bị truy tố.
Sau khi giải thích “hội chứng phóng chiếu” trong tâm lý học, một căn bệnh tâm lý rất quen thuộc mà nhiều người mắc phải khi qui kết thói quen tồi tệ của người khác như một phương cách miễn tội cho hành vi y hệt của chính mình, hay xấu xa hơn người khác, tác giả Hanson đã nhắc lại những hành vi bên trên luật pháp hay bên ngoài luật pháp của bà Hillary Clinton từ 25 năm trở lại đây mà tác giả nói rằng bất cứ người nào khác cũng đã bị truy tố dù là ít trầm trọng hơn nhiều. Và, Tiến sĩ Hanson kết luận:
“Khuyên bà Clinton, bây giờ để phóng chiếu rằng tổng thống nên bị truy tố, đề nghị bà lo nghĩ về khả năng truy tố chính bà. Và bà nên quan ngại một cách chính đáng rằng lần đầu tiên trong 40 năm, bất kể bà hay chồng bà phục vụ trong chính quyền hay điều hành một cơ quan, và do đó phải chịu trách nhiệm của mình.” (ngưng trích)
Bài trên đây được đăng trên tờ The Washington Times cùng với vài báo khác ra ngày 2.5.2019 và đưa vào Google trong không đầy một phút đã có hơn 17 triệu người đọc.
Cùng lúc đó, The New York Times, tờ đại nhật báo của truyền thông dòng chính ủng hộ đảng Dân Chủ và bà Hillary Clinton, đã bất ngờ “thả một quả bom” vào phe cánh của mình với một bài tựa đề “FBI đã phái một điều tra viên đội lốt một phụ tá tới gặp người thân cận của Trump vào năm 2016 (FBI sent investigator posing as an assistant to meet with Trump aide in 2016).
Bài báo đã kể chi tiết của một cuộc tiếp xúc tại London giữa một nữ điều tra viên FBI đóng vai một giáo sư Cambridge và một chuyên gia ngoại giao tên Stefan Halper và George Papadopoulos, cố vấn trong ban tranh cử của ông Trump. Bài báo viết rằng cuộc nói chuyện tại một quán rượu ở London đã đi vào một khúc quanh kỳ lạ khi người đàn bà ngồi đối diện với Papadopoulos hỏi một câu thẳng ruột ngựa: “Có phải ban tranh cử của Trump đã làm việc với Nga?” Chính Halper cũng đã sắp xếp nhiều cuộc gặp gỡ với Carter Page, cố vấn trong ban tranh cử của ông Trump, và Sam Clovis, và cuộc nói chuyện đã bị thu băng.
Một cách khác để dò thám ban vận động tranh cử của ông Trump là qua FBI. Theo James Comey, cựu giám đốc FBI, và những người khác đã lấy được hồ sơ giả không được kiểm chứng, hồ sơ dơ bẩn của Nga dựa vào pháp lệnh của FISA (luật theo dõi hoạt động tình báo ngoại quốc) nhân danh khảo sát đối thủ của Hillary Clinton.
Lần đầu tiên tờ New York Times nói rằng có thể hồ sơ Steele là tin tức giả của Nga để ảnh hưởng tới cuộc bầu cử năm 2016 mà Hillary đã trả tiền mua. Và đây là lần đầu tiên tờ báo hàng đầu của truyền thông dòng chính nói rằng sự do thám của “quyền lực ngầm” (deep state) chống lại cuộc vận động tranh cử của ông Trump đã thực sự diễn ra.
Cũng nên biết thêm rằng những bài trên tờ New York Times đã được tham vấn đặc biệt Rober Mueller và ban phụ tá với hầu hết thuộc phe Dân Chủ trích dẫn nhiều nhất với 60 lần trong phúc trình 448 trang về cuộc điều tra sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016 mà cuối cùng đã phải loại bỏ vì không có thực. Nay, phải chăng tờ New York Times đã xoay chiều?
Dựa vào bài báo nói trên của NYT, Sean Hannity, nhà bình luận thời sự trên hệ thống truyền hình FOX News, “cây nói” số một hiện nay của truyền thanh truyền hình Mỹ, quả quyết như sau:
“Chúng tôi sẽ chứng minh với qu‎ý vị làm cách nào đảng Dân Chủ đang gỡ rối ngay trước mắt quý vị, những nhà làm luật, những ứng cử viên tổng thống cũng thế đang thực sự tan chảy vì họ là Nga, Nga, Nga, với câu chuyện hoang đường “thông đồng” – đã chấm dứt.  Bất cứ cái gì từ đây trở đi chỉ là tiếng ồn, không còn gì nữa, tiếng ồn.
Cuộc săn bắt phù thủy đã xong. Mueller đã về nhà. Không có thông đồng,  không có cản trở công lý.
Họ đã thua, họ đã nói láo, họ đã âm mưu cấu kết, họ đã tung ra những giả thuyết toa rập móc nối và những lừa bịp. Và bây giờ, cái “boomerang” của công lý đang di chuyển với toàn lực.
Có vẻ như cái “boomerang công l‎ý” đang trở lại người đã ném nó đi (như cái khí cụ của thổ dân Úc dùng vào việc săn bắt thú rừng), nhưng nó đang di chuyển một cách chậm chạp.
Các dân biểu đảng Dân Chủ ở Hạ Viện có vẻ như không chỉ gây “tiếng ồn” như ông Hannity nói. Họ đang họp nhau tìm biện pháp đối phó vói ông Bộ trưởng Tư pháp William Barr vì ông ta đã không làm theo đòi hỏi của họ hai chuyện.
• Thứ nhất: Ngày 2.5.2019 ông Barr đã không tới Hạ Viện để điều trần trước Ủy ban Tư pháp, lấy cớ “không có tiền lệ” như vậy, và “không cần thiết” vì ngày hôm trước ông ta đã ra điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng Viện, có gì cần nói đã nói hết.
• Thứ hai: Ông Barr không cung cấp cho Ủy ban Tư pháp Hạ Viện toàn bộ phúc trình Mueller, không cắt xén.
Các dân biểu Dân Chủ tuyên bố “nền tảng của chế độ dân chủ Mỹ đang lâm nguy” vì ông Barr đã cản trở tiến trình đàn hặc, truất quyền tổng thống ông Trump. Phe Dân Chủ đe dọa sẽ cáo buộc ông Barr tội “khinh thị Quốc Hội” nếu không cung cấp toàn bộ 448 trang phúc trình Mueller, trong khi nhóm người Dân Chủ kêu gọi ông Barr từ chức đã tăng lên, họ nói rằng ông ta đã trở nên quá gắn bó với việc bảo vệ Ông Trump và đã mất khả năng để lãnh đạo Bộ Tư pháp.
Bà Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi nói với các phóng viên báo chí: “Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ đã không nói sự thật với Quốc Hội Hoa Kỳ. Đây là một tội hình.” Nhưng, Bộ Tư pháp đã phản bác bà Pelosi qua lời nữ phát ngôn viên Kerri Kupec: “Bà Chủ tịch Pelosi đã vô căn cứ tấn công bộ trưởng tư pháp là bất cẩn, vô trách nhiệm và sai lầm.”
Ông bộ trưởng tư pháp thì giữ im lặng, không nói gì từ sau buổi điều trần trước Úy ban Tư pháp Thượng Viện. Có lẽ ông ta đang bận duyệt xét cuộc điều tra vụ “dò thám” bất hợp pháp diễn ra năm 2016, dưới thời Obama.
Bao giờ chiếc “boomerang công lý” của nền dân chủ Hoa Kỳ mới quay trở lại?
Ký Thiệt


No comments:

Post a Comment