Wednesday, September 5, 2018

Vì sao bộ sách "Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục" bị phản đối?


Vì sao bộ sách "Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục" bị phản đối?
Hòa Ái, phóng viên RFA
2018-09-04
Bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục được giảng dạy trong năm học 2018-2019 gặp phải sự phản đối của không chỉ từ các bậc phụ huynh học sinh tiểu học, mà cả dư luận trong nước vì cách đánh vần mới trong bộ sách này.
Phụ huynh lo lắng
Báo mạng Lao Động Online, vào ngày 26 tháng 8, cho biết bộ sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục” được áp dụng từ năm 2014 và trong năm học mới 2018-2019 có đến gần 50 tỉnh, thành cho học sinh học chương trình của bộ sách này.
Những ngày qua, hàng trăm ý kiến phản hồi qua mạng xã hội và các trang fanpage của báo mạng quốc nội về chia sẻ của một số phụ huynh có con em bắt đầu vào lớp 1, phải học bộ sách vừa nêu rằng họ rất hoang mang với cách đánh vần mới, ví dụ các chữ “c”, “k” và “q” đều đọc là /cờ/; hay các chữ “r”, “d” và “gi” đều đọc là /dờ/…Do đó, học sinh không thể phân biệt được các từ khác nhau về nghĩa nhưng đồng âm khi đánh vần. Một điều đáng chú ý là bộ sách này chỉ áp dụng cho lớp 1 và học sinh học theo cách đánh vần mới, khi lên lớp 2 thì phải học theo cách đánh vần cũ. Nhiều phụ huynh bày tỏ rằng gia đình gặp trở ngại trong việc giúp đỡ cho các cháu học tập ở nhà.
Bên cạnh cách đánh vần mới, bộ sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục” còn dạy nhiều từ ngữ địa phương, khó hiểu. Một phụ huynh chia sẻ:
“Sách lớp 1 năm nay có sự cải cách từ ngữ mà mình đọc không được, chẳng hạn như từ ‘khuýp khùym khuỵp’, những từ nhiều khi đọc bị trẹo miệng luôn. Sách tiếng Việt năm nay đưa vào những từ như vậy, mình sẽ không bao giờ có thể đọc và dạy cho các bé được. Khi mình đọc cái từ mà mình không hiểu nghĩa thì làm sao có thể giải thích cho con mình hiểu được.”
Sách lớp 1 năm nay có sự cải cách từ ngữ mà mình đọc không được, chẳng hạn như từ ‘khuýp khùym khuỵp’, những từ nhiều khi đọc bị trẹo miệng luôn. Sách tiếng Việt năm nay đưa vào những từ như vậy, mình sẽ không bao giờ có thể đọc và dạy cho các bé được. Khi mình đọc cái từ mà mình không hiểu nghĩa thì làm sao có thể giải thích cho con mình hiểu được
-Một phụ huynh
Ý kiến của giới chuyên môn
Nhà giáo Phạm Toàn, thuộc Nhóm làm sách Cánh Buồm-một bộ sách 36 cuốn cho 6 lớp tiểu học, vào ngày 29 tháng 8, phổ biến một bài viết với mục đích để mọi người cùng hiểu cách tổ chức học sinh lớp 1 học tiếng Việt.
Trong bài viết với tựa đề “Hạnh phúc nhọc nhằn với Tiếng Việp lớp Một”, Nhà giáo Phạm Toàn trình bày chi tiết có hai cách học để biết đọc biết viết tiếng Việt, đó là “đánh vần theo chữ” và “theo ngữ âm”. Nhà giáo Phạm Toàn nhấn mạnh sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục” bị ồn ào chê trách về cách đánh vần ba chữ “c”, “k” và “q” đều đọc là /cờ/, nhưng không gọi tên chung cho cả ba chữ là chữ “cờ”. Nhà giáo Phạm Toàn giải thích đó là cách học theo đường lối ngữ âm học. Và qua phần diễn giải rất cụ thể về cách học theo ngữ âm trong bài viết, Nhà giáo Phạm Toàn tin rằng những ai ứng dụng theo hướng dẫn trong bài viết của ông thì dễ dàng dạy con em ở gia đình biết đọc biết viết nhanh và chắc chắn tiếng mẹ đẻ.
Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Văn Hải, một cựu giáo viên thuộc ngành tâm lý ngữ học, cho rằng cách đánh vần trong bộ sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục” được biên soạn mang tính áp đặt và không đạt tiêu chuẩn, vì không đánh vần bằng âm. Từ Hoa Kỳ, Tiến sĩ Trần Văn Hải nói với RFA:
“Ở Việt Nam hiện nay, những người này họ lầm lẫn giữa hai lãnh vực là tiếng nói và chữ viết: tiếng nói đi trước và chữ viết đi sau. Ngữ âm không phải là điều mới mẻ, mà từ trước đến nay thì lúc nào người ta cũng dựa vào cách phát âm của tiếng nói đặc thù của một dân tộc, rồi người ta tìm những ký hiệu (mẫu tự) để dùng làm biểu tượng cho các âm mà được phát ra từ tiếng nói đó để dạy cho trẻ em vừa nói và viết. Họ nói là đánh vần theo âm. Nhưng nói như vậy thì mẫu tự tiếng Việt dùng để làm gì?”

Thầy giáo Chu Mộng Long, giảng viên trường Đại học Quy Nhơn, trình bày quan điểm của ông, qua trang facebook cá nhân, xoay quanh phản ánh của dư luận về bộ sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục”. Thầy giáo Chu Mộng Long khẳng định khẳng định về mặt khoa học thì cách đánh vần cả ba chữ “c’, “k” và “q” đều đọc là /cờ/ không sai và sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục”, việc phân biệt chữ cái và âm (vị), quy ước kết hợp chữ trong các phụ âm với âm đệm, âm đôi với âm cuối cũng hoàn toàn chuẩn xác.
Mặc dù vậy, Thầy giáo Chu Mộng Long cho biết khi ông xem trang hướng dẫn cách đánh vần của sách giáo khoa này, thì ông “tá hỏa vì một số chỗ sai nghiêm trọng, phản khoa học”. Một trưng dẫn với 3 chữ “r”, “d” và “gi” cùng đọc là /dờ/, Thầy giáo Chu Mộng Long phân tích nếu dựa vào thực tiễn ngôn ngữ, có thể xem chữ “d” và chữ “gi” cùng âm đọc thì chấp nhận được, nhưng nhập phụ âm “r” (âm xát-rung) vào đó để đọc cùng âm "dờ" thì không được. Thầy giáo Chu Mộng Long nhận định đánh vần theo ngữ âm học chưa hẳn giúp ích gì cho việc viết đúng quy định chính tả, nếu không khéo còn đẩy trẻ em từ chỗ đơn giản rơi vào phức tạp. Chúng tôi xin được trích nguyên văn ông nhận xét:
“Sách tiếng Việt lớp Một công nghệ và hiện hành đã lựa chọn nửa nạc nửa mỡ (nửa tuyến tính nửa phi tuyến tính) dẫn đến lú lẫn hơn là phục vụ cho mục đích nhận diện chữ viết để viết đúng chính tả. Kể cả việc bắt trẻ em trình độ lớp Một phải nhận diện một cách khoa học vấn đề âm vị học cũng không cần thiết.”
Phải thống nhất cách dạy chữ Quốc ngữ
Trả lời câu hỏi của RFA về ngành giáo dục có quyết định như thế nào trước phản ứng của dư luận về bộ sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục”, một cán bộ thuộc phòng giáo dục ở Cần Thơ, không muốn nêu tên, cho biết năm học 2018-2019, đồng bằng Sông Cửu Long có 5 tỉnh áp dụng thực nghiệm chương trình sách giáo khoa này:
Ở đồng bằng Sông Cửu Long thì mới có Cần Thơ làm thí điểm. Chương trình này thì phần Tiếng Việt cũng hơi khó cho phụ huynh. Phải chờ đến giữa học kỳ hay cuối học kỳ thì mới có đánh giá chính xác được. Khi đó mới sơ kết, rút kinh nghiệm và điều chỉnh từ từ
-Cán bộ Phòng giáo dục, ở Cần Thơ
“Ở đồng bằng Sông Cửu Long thì mới có Cần Thơ làm thí điểm. Chương trình này thì phần Tiếng Việt cũng hơi khó cho phụ huynh. Phải chờ đến giữa học kỳ hay cuối học kỳ thì mới có đánh giá chính xác được. Khi đó mới sơ kết, rút kinh nghiệm và điều chỉnh từ từ.”
Vị cán bộ trong ngành giáo dục cho biết thêm hiện Bộ Giáo Dục có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau và bắt đầu năm học 2019-2020 thì:
“Chương trình sẽ khoán về cho các trường, tự mỗi trường lựa chọn và thống nhất với phụ huynh. Tại vì tùy theo vùng, miền. Nếu thống nhất chương trình theo đại trà thì nhiều khi các trường ở thành phố chê là nhẹ, còn ở vùng sâu thì kêu là nặng. Cả nước Việt Nam sẽ áp dụng quy định này từ lớp 1.”
Riêng về bộ sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục”, Luật sư Lê Văn Luân, vào ngày 27 tháng 8, phổ biến một thư kiến nghị trên mạng xã hội, kêu gọi cộng đồng ký tên gửi đến Quốc Hội và các cơ quan Nhà nước Việt Nam đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cho dừng ngay tức khắc việc giáo dục đối với kiểu loại chữ viết trong bộ sách này. Luật sư Lê Văn Luân cho rằng việc giảng dạy khác nhau đối với tiếng Việt là đang xâm phạm nghiêm trọng vào Hiến pháp, khi phá vỡ tính thống nhất và đơn nhất của chữ Quốc ngữ.


No comments:

Post a Comment