Ông
Trọng đi Nga bàn gì?
05/09/2018
Với mục tiêu “làm sâu
sắc mối quan hệ đối tác chiến lược”, chuyến đi thăm Nga của Tổng bí thư Nguyễn
Phú Trọng vào ngày 5/9 có thể liên quan đến các vấn đề hợp tác chính trị, kinh
tế, giải quyết vụ Trung Quốc cản trở hãng dầu khí quốc gia Nga Rosneft khai
thác dầu khí tại mỏ Lan Đỏ ngoài khơi Vũng Tàu, đẩy mạnh hợp tác quốc phòng và
có thể có cả chủ đề “tế nhị” là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, theo nhận định của
một số chuyên gia.
Tổng bí thư Việt Nam
Nguyễn Phú Trọng bắt đầu chuyến thăm 3 ngày tới Nga từ ngày 5/9 – 8/9. Trả lời
hãng thông tấn Nga TASS trước chuyến đi, ông Nguyễn Phú Trọng nói “chuyến thăm
chính thức tới Liên bang Nga lần này của tôi nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ
đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga, tăng cường sự gắn bó chiến lược và thúc
đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực”.
Tổng bí thư Việt Nam
cũng không quên đề cập đến truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” đối với sự giúp
đỡ “to lớn, chí tình và hiệu quả” của Liên Xô trước đây.
“Nhân dân Việt Nam
không bao giờ quên”, ông Trọng nói với thông tấn TASS.
Tìm đường ra cho xuất
khẩu
Nhắc đến quan hệ hợp
tác song phương về kinh tế, thương mại, ông Trọng thừa nhận hai nước hiện chưa
phát triển tương xứng với “quan hệ chính trị tốt đẹp”, khi kim ngạch thương mại
giữa hai bên chỉ đạt khoảng 3,5 tỷ đôla trong năm 2017, chiếm chưa đầy 1% tổng
kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm của Việt Nam.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng,
một chuyên gia phân tích kinh tế-chính trị tại Việt Nam, cho rằng trong tình
cảnh Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn từ thị trường Âu-Mỹ, thì khả năng ông
Trọng đi Nga để thúc đẩy xuất khẩu là có thể xảy ra.
“Vì Việt Nam hiện nay
thực sự càng ngày càng bế tắc về các kênh xuất khẩu, đặc biệt là sang Mỹ và
cộng đồng châu Âu, là hai thị trường lớn nhất của Việt Nam nhưng hiện nay đều
gặp khó khăn vì những hàng rào thuế quan”, TS. Phạm Chí Dũng nói.
Tuy nhiên theo ông,
nếu chỉ dừng lại ở mục tiêu kinh tế, thì người đi sang Nga lần này sẽ không
phải là ông Trọng, mà sẽ là một lãnh đạo nhà nước khác.
Đối phó Trung Quốc ở
Biển Đông
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp,
một nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, cho
rằng mục tiêu hợp tác chính trị, an ninh và kinh tế sẽ là những nội dung chính
nằm trong nghị trình làm việc, trong đó nổi lên hàng đầu vẫn là việc giành thêm
ủng hộ, hỗ trợ từ Nga để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông nói: “Việc đẩy
mạnh mối quan hệ đối tác chiến lược với Nga có mục tiêu là Việt Nam có được
điều kiện kiện tốt hơn, được ủng hộ về mặt chính trị và quốc phòng để có thể xử
lý những vấn đề ở Biển Đông”.
Cụ thể hơn, TS. Phạm
Chí Dũng cho rằng có thể ông Trọng lần này sẽ đề cập đến việc giải quyết bế tắc
trong dự án khai thác dầu khí liên doanh giữa Việt Nam và công ty Rosneft
Vietnam BV, một công ty con của tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Rosneft, tại mỏ
Lan Đỏ ngoài khơi bờ biển Vũng Tàu.
Hồi tháng 5, Trung
Quốc lên tiếng tuyên bố không cho phép bất kỳ ai tiến hành khai thác dầu khí ở “vùng
biển của Trung Quốc” khi chưa có sự đồng ý của Bắc Kinh, sau khi Reuters tường
thuật rằng Rosneft Vietnam BV lo ngại bị Trung Quốc gây sức ép trong dự án hợp
tác khai thác dầu khí với Việt Nam.
Chi nhánh của tập đoàn
Rosneft sở hữu 35% cổ phần và giữ vai trò điều hành các dự án thăm dò, khai
thác dầu khí ở mỏ khí Lan Tây, Lan Đỏ và Phong Lan Dại, thuộc Lô 06.1, cách bờ
biển Việt Nam 370 km về phía đông nam. Lô này lại nằm trong khu vực đường lưỡi
bò 9 đoạn mà Bắc Kinh vạch ra và tuyên bố chủ quyền trên đó.
Tình trạng Rosneft
Vietnam BV bị Trung Quốc “bắt chẹt” khiến nhiều người quan ngại dự án khai thác
dầu khí của Rosneft cũng sẽ cùng chung số phận với các dự án khai thác dầu mà
Việt Nam hợp tác với các nước đã bị đình chỉ trước đó ở lô Cá Rồng Đỏ và Cá Voi
Xanh.
TS. Phạm Chí Dũng cho
rằng “Chuyến đi này của ông Trọng chắc cũng phải đề cập đến mỏ Lan Đỏ và có sự
thúc giục đối với người Nga để họ mạnh mẽ hơn với Trung Quốc, phải thu xếp làm
sao để Trung Quốc không can thiệp vào mỏ Lan Đỏ để tập đoàn Rosneft của Nga,
liên doanh với PetroVietNam, khai thác mỏ Lan Đỏ, cứu vãn ngân sách của Việt
Nam”.
Trong khi đó, TS. Hà
Hoàng Hợp nói mặc dù Nga và Trung Quốc gần đây có chiều hướng gần nhau hơn
nhưng đây không phải là mối quan hệ “đồng minh”. Vì vậy, Việt Nam “không cần
phải hy vọng quá nhiều” vào việc Nga sẽ thay đổi quan điểm chính của mình về
vấn đề Biển Đông, đó là không nên có sự can thiệp từ bên ngoài vào Biển Đông,
“nhưng có thể hy vọng rằng vì nước Nga cũng có lợi ích chiến lược ở Biển Đông,
đặc biệt trong quan hệ song phương với Việt Nam về an ninh lẫn kinh tế, đặc
biệt trong khai thác dầu khí, thì Nga sẽ có một vai trò nào đó trong việc kiềm
chế cả Trung Quốc lẫn các nước khác”.
Cả hai chuyên gia đều
cho rằng chắc chắn việc hợp tác về an ninh, quốc phòng, cụ thể là các cam kết
về việc Nga cung cấp các thiết bị quân sự cho Việt Nam, cũng sẽ được đề cập đến
trong chuyến đi lần này của ông Trọng.
Vụ Trịnh Xuân Thanh
Ngoài các chủ đề lớn
trên, TS. Phạm Chí Dũng cho rằng có thể một chủ đề “tế nhị” liên quan đến hai
nước cũng sẽ được nhắc đến trong chuyến thăm, đó là vụ bắt cóc Trịnh Xuân
Thanh.
Theo các nhà điều tra
Đức và Slovakia, các giới chức Việt Nam đã sử dụng máy bay mượn của chính phủ
Slovakia để áp giải Trịnh Xuân Thanh từ Slovakia sang Moscow, Nga, rồi từ đó
trở về Việt Nam.
Cho đến nay, chính phủ
Nga hoàn toàn chưa lên tiếng về vụ bắt cóc này. Vì vậy, theo TS. Phạm Chí Dũng,
nếu vụ Trịnh Xuân Thanh được đề cập tới trong chương trình nghị sự giữa hai bên
lần này, thì sẽ có nhiều khả năng mở ra.
“Nga sẽ lên tiếng như
thế nào về vụ này? Hay là Nga sẽ im lặng? Nếu quả thực có việc đưa Trịnh Xuân
Thanh qua Moscow thì Nga có bao che cho Việt Nam hay không? Nga có đánh đổi vị
trí nước lớn để bao che cho Việt Nam hay không? Hay Nga sẽ giữ vị trí cường
quốc, không bao che cho Việt Nam và minh bạch hóa vấn đề này theo yêu cầu của
cảnh sát Đức, giới ngoại giao quốc tế và cảnh sát châu Âu”.
Trong thông báo chính
thức hôm 31/8, Điện nói Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tiếp ông Nguyễn Phú
Trọng tại Sochi vào ngày 6/9, và “Những vấn đề khu vực và quan hệ đối tác chiến
lược giữa hai nước sẽ được bàn thảo, và nhiều hiệp định song phương sẽ được ký
kết”, thông báo nói.
No comments:
Post a Comment