Diễn
biến vụ kiện Formosa ở Đài Loan
Cindy SuiBBC News, Đài Bắc
·
2 giờ trước
Một nhóm cư dân Đài
Loan sống gần nhà máy Naphtha Cracker số 6 của tập đoàn Formosa Plastics Group
(FPG), đang kêu gọi tòa án địa phương xem xét kỹ lưỡng đơn kiện công ty của họ.
Vào tháng Tám 2015, 74
người sống ở thị trấn Đài Tây cạnh nhà máy ở thị trấn Mạch Liêu, cùng các thành
viên gia đình, nộp đơn kiện năm công ty con của FPG.
Kể từ đó, tòa án đã có
10 buổi lắng nghe. Nhưng lần cuối cùng tòa mở là tháng 9/2017. Tòa cũng chưa mở
điều tra và tìm kiếm ý kiến chuyên gia.
Cư dân Ngô Nhật Huy,
có năm thành viên gia đình qua đời vì ung thư trong ba năm qua, nói: "Vụ
này kéo dài lâu quá rồi."
"Một số người
kiện đã qua đời, hoặc yếu quá không thể tới tòa. Liệu sẽ còn ai sống cho tới
khi xử xong."
Trong đơn kiện họ cáo
buộc rằng ô nhiễm từ nhóm nhà máy thường được gọi là Lục Khinh đã dẫn tới tỉ lệ
ung thư cao trong người dân. Họ yêu cầu bồi thường 70 triệu Tân Đài Tệ, tương
đương khoảng 2,28 triệu đôla Mỹ.
Theo điều tra của họ,
trong năm 2012 và 2013, 75% cái chết ở ba làng thuộc thị trấn Taixi là do ung
thư, cao hơn tỉ lệ trung bình 34,5% ở Đài Loan.
Một nghiên cứu của Đại
học Quốc lập Đài Loan vài năm trước thấy rằng có mức kim loại nặng cao hơn
trong những người sống cách nhà máy 10, 20, 30 cây số, so với dân số chung,
theo lời những người này.
Các nhóm môi trường và
nhà nghiên cứu tin rằng sáu thị trấn ở huyện Vân Lâm trực tiếp tiếp xúc với
khói từ nhà máy. Gió cũng có thể mang khói đến những nơi khác của Đài Loan.
Tổng cộng 23.000 người
có đăng ký là cư dân ở thị trấn Taixi bị ảnh hưởng nặng nhất. Một số người đã
chuyển đi nơi khác vì ô nhiễm, nhưng người già và một số trẻ em ở lại vì họ
không còn nơi nào khác.
Đinh Khánh Phú, từng
sống ở Taixi, nói ông tin rằng nhiều người trong gia đình ông đang bị ung thư
hay chết vì ung thư do ô nhiễm từ nhà máy.
Ông Đinh nói: "Mẹ
tôi qua đời vì ung thư phổi 5 năm trước, bố tôi bị ung thư gan, anh vợ tôi và
hai hai em họ cũng ung thư, một người trong đó đã qua đời."
Tòa án quận Vân Lâm,
nơi đang xử lý vụ kiện, rốt cuộc mở buổi tiền thẩm hôm 31/8. Vị thẩm phán quyết
định yêu cầu cơ quan bảo vệ môi trường của Đài Loan xác định các loại chất gây
ô nhiễm thải ra từ nhà máy và tác động của chúng cho sức khỏe.
Luật sư cho những
người đi kiện xem đây là dấu hiệu tích cực. Luật sư Quốc Ngạn, chủ tịch Hội nhân
quyền Đài Loan, nói: "Tôi tin rằng sau khi có kết quả đánh giá, vụ việc sẽ
sớm có kết cục."
Đa số nguyên liệu thô
do nhà máy sản xuất được xuất khẩu sang Trung Quốc và Đông Nam Á, dùng cho các
sản phẩm nhựa, theo lời nguyên đơn. Họ cho rằng nhà máy này không cần có ở Đài
Loan.
Trong phiên xử ở tòa
ngày 31/8, các luật sư của Formosa nói rằng không có bằng chứng cho thấy tỉ lệ
ung thư ở của cư dân lân cận là do hoạt động của nhà máy. Họ biện luận rằng
bằng chứng của luật sư bên nguyên không cho thấy nguyên nhân và hậu quả. Họ nói
công ty đã đầu tư cho thiết bị kiểm soát ô nhiễm.
Nhưng Hội quyền môi
trường (ERF), đang giúp đỡ các nguyên đơn, chỉ ra rằng trong nhiều năm, giới
khoa bảng đã điều tra liệu có phải các chất gây ô nhiễm cũng gây ra tỉ lệ ung
thư cao và đã kết luận có quan hệ nhân quả.
Mặc dù luật sư của
Formosa nói việc thải khí của nhà máy không vượt quá hạn chế của chính phủ, các
nhóm môi trường nói trong quá khứ, chính phủ không công bố tài liệu theo dõi
nên không thể biết có vượt quá giới hạn hay chưa.
Theo họ, một khó khăn
khác của nguyên đơn là thống kê của Bộ y tế về người chết do ung thư lại thấp
hơn con số của nguyên đơn, mà lý do là vì nhiều người ráng sống để về đến nhà
rồi mới chết, và bệnh viện không ghi rõ nguyên nhân tử vong.
Ông Ngô, chủ tịch hội
hỗ trợ ô nhiễm Lục Khinh, nói quá trình xác minh và kiểm tra khó khăn nên tòa
án cần thêm thời gian. Nhưng ông cũng nói các nạn nhân không thể chờ đợi quá
lâu.
"Liệu chúng tôi
có thể chiến thắng hay không?" ông Ngô nói, bày tỏ cảm giác bất lực của
người dân.
Công ty mẹ Formosa
Plastics Group từ chối bình luận, nói rằng vụ việc đang trong quá trình xử án
và họ sẽ chờ đến khi xử xong.
No comments:
Post a Comment